Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An:

Cháy, thường do lỗi chủ quan

Vụ cháy quán karaoke An Phú (Bình Dương) ngày 6/9 làm 32 người chết đã gây rúng động dư luận. Liền tiếp sau đó, một nhà xưởng tại Thanh Oai (Hà Nội) phát cháy, cũng để lại hậu quả thương tâm, khiến ba mẹ con bị bỏng nặng dẫn đến tử vong. Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 5 năm qua, cả nước xảy ra hơn 17 nghìn vụ cháy, 433 người vĩnh viễn mất đi cuộc sống, kèm theo đó là những thiệt hại lớn về tài sản, những sang chấn tác động tới đời sống kinh tế-xã hội...
0:00 / 0:00
0:00
Cháy, thường do lỗi chủ quan

Ngăn ngừa tai nạn cháy, giảm thiểu tối đa hậu quả xấu do “giặc lửa” gây nên, theo đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (ảnh bên), Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa XV: “Coi phòng cháy quan trọng hơn chữa cháy, phải xây dựng được ý thức chủ động phòng cháy, để ý thức phòng cháy ngấm vào từng người dân trong từng ngày, từng giờ”...

Các vụ cháy gây nên mất mát khôn tả về người dồn dập diễn ra trong thời gian gần đây phải chăng xuất phát từ nguyên nhân công tác phòng cháy chưa được đề cao đúng mức, thưa ông?

Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng không chỉ của riêng ngành công an, của lực lượng chuyên trách mà của toàn hệ thống chính trị, liên quan đến vai trò của chính quyền cơ sở, các cơ quan, tổ chức, của cả xã hội, cộng đồng và từng người dân... Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của PCCC là 4 tại chỗ, huy động tại chỗ ngay để xử lý sự cố nhanh nhất có thể. Ngay trên thế giới, phòng cháy vẫn được coi là yếu tố hàng đầu để ngăn ngừa rủi ro. Phòng từ khâu xây dựng cấp phép kiểm tra đánh giá hằng ngày cho đến diễn tập, tập huấn... càng làm tốt bao nhiêu càng giảm thiểu hậu quả xấu bấy nhiêu. Chúng ta đã có một hệ thống chính sách pháp luật quy định rõ ràng, cụ thể như: Chỉ thị 47/2015 của Ban Bí thư về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy chữa cháy; Luật PCCC, Nghị định 83/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC...

Năm 2019, Quốc hội đã thực hiện chuyên đề lớn là giám sát PCCC trên phạm vi toàn quốc và sau đó ban hành Nghị quyết 99/2019 về Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy và chữa cháy có tính thời sự cao, là yêu cầu rất toàn diện của Quốc hội với công tác PCCC. Tất cả hệ thống chính sách, văn bản pháp luật của Đảng, Nhà nước đều đề cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng, của từng doanh nghiệp, từng cá nhân... trong công tác PCCC, nhất là xây dựng được văn hóa phòng cháy.

Dù hệ thống luật pháp về PCCC đã tương đối đầy đủ nhưng thảm họa vẫn diễn ra, chứng tỏ pháp luật PCCC chưa được tuân thủ nghiêm ngặt, đúng mức trong cuộc sống?

Những vụ việc mới đây không phải ở địa bàn mới, có diễn biến đặc biệt gì mà đều xảy ra tại các đô thị, các thành phố lớn, các khu công nghiệp, các nhà xưởng, cơ sở kinh doanh karaoke... Chắc hẳn nhiều người còn nhớ bài học đau xót về cháy trong quán karaoke cách đây vài năm ở Cầu Giấy (Hà Nội). Đáng tiếc là, những tình tiết của các vụ cháy nghiêm trọng lúc trước dường như bị lặp lại. Nhiều đại biểu Quốc hội, cũng như tôi đều nhận định, vụ cháy ở quán karaoke An Phú đích thực là một thảm họa vì có tổn thất quá lớn về người. Tại sao các cơ sở pháp lý chúng ta đều đầy đủ, thực tiễn cũng có để ngăn ngừa mà các vụ cháy, các thảm kịch vẫn diễn ra? Đúng như Thủ tướng đã phát biểu và phân tích rất kỹ trong Hội nghị vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 12/9, cháy nổ là câu chuyện đất nước nào cũng phải đối mặt, kinh tế xã hội càng phát triển nguy cơ cháy nổ càng cao.

Nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, khai thác dịch vụ cũng tiềm ẩn rủi ro: nhà xưởng, khu công nghiệp, khu dân cư, khu chung cư, nhà cao tầng cũ... Với bối cảnh sau đại dịch, nhu cầu sinh hoạt vui chơi giải trí của người dân tăng cao. Những nhu cầu đó, kể cả karaoke đều chính đáng và cần được tạo điều kiện tối đa. Tuy nhiên an toàn phải đặt lên trên hết. Tôi nhận thấy, không riêng PCCC mà cả trong phòng, chống thảm họa, tai nạn, sự cố... chúng ta có biểu hiện mất bò mới lo làm chuồng. Khi xảy ra sự cố mới đẩy mạnh việc rà soát kiểm tra, mới phát hiện những vi phạm, mới truy ra những cơ sở chưa đủ điều kiện... Công tác tiền kiểm được làm kỹ, làm thường xuyên, làm với trách nhiệm cao thì sẽ khác rất nhiều. Phòng phải hơn chống. Qua vụ việc quán karaoke An Phú và Hà Nội, nếu các cơ sở đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, thực hiện nghiêm quy định về thoát hiểm, hệ thống báo cháy, hệ thống chữa cháy ban đầu... sẽ bớt nhiều thiệt hại.

Những cơ sở kinh doanh karaoke hầu như xuất phát từ nhà ở, cải tạo nhà ống thành phòng hát, vô hình trung biến công trình nhà ở dân dụng trở thành công trình chuyên dụng phục vụ cho kinh doanh dịch vụ. Kể cả quán karaoke lớn, hệ thống thoát hiểm chưa hẳn đã tốt. Có sự cố, rất khó khăn cho lực lượng cứu hộ, khó khăn cho những người đang sử dụng dịch vụ tìm đường thoát thân. Nhà dân với thiết kế chuồng cọp quây kín càng tiềm ẩn nguy cơ gây họa.

Vậy theo ông có nên đề xuất cấm kinh doanh karaoke trong nhà ống?

Không thể cấm ngay lập tức. Họ kinh doanh trong nhà ống, kinh doanh dưới tầng hầm hay nhà cao tầng đều phải có tiêu chuẩn quy chuẩn pháp luật kèm theo. Nếu nhà ống đáp ứng đủ tiêu chuẩn an toàn, có lối thoát hiểm theo quy định, đủ điều kiện thì vẫn được cấp phép. Xưa nay vẫn có những quán karaoke xảy ra cháy nhưng dập được ngay dù cũng là nhà ống do nhân viên được đào tạo kỹ năng và cơ sở trang bị đủ hệ thống PCCC. Các quán karaoke nhà ống mà bịt kín bằng lồng sắt thì là sai phạm, phải xử lý. Không nên đặt vấn đề cấm hay không cấm mà phải xây dựng được hệ thống PCCC đủ điều kiện ở mỗi cơ sở kinh doanh.

Mỗi khi có vụ cháy lớn mà nguyên nhân không phải do khách quan, dư luận lại đặt vấn đề về trách nhiệm của các lực lượng chức năng liên quan đến PCCC, thậm chí cả những nghi vấn về sự buông lỏng hay tiêu cực trong quy trình cấp phép, kiểm tra, giám sát nhất là ở các cơ sở kinh doanh như karaoke, thưa ông?

Phải nói lực lượng PCCC thời gian qua rất vất vả. Nghị quyết 99 của Quốc hội có nêu hai nội dung lớn: Tăng cường hỗ trợ, đặc biệt phải quan tâm đến lực lượng PCCC, kể cả lực lượng chuyên nghiệp của công an, cả dân phòng, tổ an ninh trật tự... Khi có cháy lực lượng tại chỗ dẫu quan trọng nhưng giải quyết để không diễn biến hậu quả lớn và cứu hộ cứu nạn phải là lực lượng chuyên nghiệp. Lực lượng PCCC chuyên nghiệp phải được đầu tư bài bản để xử lý nhanh nhất, phản ứng nhanh nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất lúc có sự cố. Khoan nói chuyện buông lỏng hoặc tiêu cực, nhưng lực lượng chức năng trong những thảm họa lớn, phải đánh giá lại khâu kiểm tra giám sát, rà soát lại công tác quản lý. Dư luận cũng không nên có thái độ đổ lỗi cho lực lượng chức năng. Trách nhiệm của cơ quan chức năng, của lực lượng công an, lực lượng PCCC phải được thể hiện đầy đủ toàn diện cùng với trách nhiệm của cả địa phương, chính quyền cơ sở...

Lực lượng công an không thể ngày nào cũng đến kiểm tra các cơ sở kinh doanh và cũng không đủ nhân lực để làm. Rà soát những cơ sở có nguy cơ cao là việc cả chính quyền và công an phải rất quan tâm. Trong bối cảnh hiện nay, với sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thì theo tôi, tiêu cực nếu có, cũng không phổ biến. Tất nhiên ở đâu cũng có vấn đề này, vấn đề khác, có người này, người khác nhưng khi đánh giá phải nhiều chiều. Lực lượng PCCC, ngành công an phải xử lý nội bộ thật nghiêm nếu điều tra phát hiện tiêu cực. Đề cao đúng mực vai trò của người chỉ huy, người đứng đầu mới đánh giá được cán bộ của mình có tiêu cực hay không. Trong các vụ cháy, xác định có yếu tố chủ quan phải xử lý nghiêm. Sai phạm đâu xử lý đến đó. Người dân cũng cần phát huy vai trò phản ánh. Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm nếu xảy ra tiêu cực. Quan điểm cá nhân tôi, những lĩnh vực liên quan đến tính mạng nhân dân tài sản của nhân dân và các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp... thì khó có chuyện để xảy ra tiêu cực, phát hiện tiêu cực mà lại bỏ qua. Cá nhân nào tiêu cực, để du di cho các cơ sở kinh doanh gây hậu quả, thì cần xử lý theo pháp luật cả lực lượng chức năng, cả chính quyền cơ sở.

Chập điện thường được điều tra là nguyên nhân của rất nhiều vụ cháy. Làm cách nào để chập điện không trở thành nỗi ám ảnh trong đời sống, thưa ông?

Cháy không chỉ xảy ra ở các cơ sở kinh doanh karaoke, mà cả các khu công nghiệp, nhà máy, các xưởng sản xuất có thiết bị dễ cháy... Mọi sự cố cháy, nguyên nhân ngoài yếu tố tự nhiên như sét đánh thì hầu hết do lỗi chủ quan của con người. Hơn 50% sự cố cháy là do chập điện, trước đây đoàn giám sát của Quốc hội cũng chỉ ra con số này là cao. Chập điện cũng xuất phát từ con người chủ quan, chưa đầu tư hệ thống thiết bị điện đạt chuẩn an toàn. Cần thiết phải tổng kiểm tra ngay các đối tượng nguy cơ cao và rà soát đánh giá lại hệ thống điện, nhất là hệ thống điện sau công-tơ. Hiện đang có khoảng trống, ngành điện chỉ quản lý hệ thống điện đến công-tơ thôi, hệ thống điện sau công-tơ đang bị bỏ ngỏ, chỉ thuần túy phụ thuộc vào ý thức của người dân. Điều đấy tiềm ẩn nguy cơ rất lớn, trong khi mùa hanh khô sắp đến.

Vậy ông cho rằng, cần phải xây dựng văn hóa toàn dân tham gia PCCC?

Đã có nhiều vụ cháy do bất cẩn trong thi công công trình, nhất là sự cố hàn xì. Lực lượng chức năng không thể đến từng cơ sở có công nhân hàn xì để kiểm tra mỗi ngày, vậy phải quy trách nhiệm, nâng cao trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động... Người dân là chủ thể quan trọng nhất để làm tốt công tác phòng cháy. Thấy cháy tham gia dập ngay từ đầu, có phản xạ quyết đoán, có kỹ năng... thì đốm lửa nhỏ không bùng phát thành đám cháy to. Ý thức phòng cháy phải thấm vào mỗi người trong từng ngày, từng giờ... Nhân viên quán karaoke An Phú nếu được huấn luyện và kiểm tra kỹ năng PCCC thường xuyên thì hậu quả có thể bớt thảm khốc đi nhiều... Hình thành nên văn hóa toàn dân tham gia phòng cháy là giải pháp trước hết giúp ngăn ngừa các vụ việc đau lòng. Cùng với đó là lực lượng PCCC và cứu nạn cứu hộ phải được đầu tư đồng bộ, bài bản để chủ động thực thi nhiệm vụ, hoàn thành sứ mệnh bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân và toàn xã hội...

Trân trọng cảm ơn ông!