Châu Âu. Khí đốt. Và cuộc giằng giật mới

Đa dạng hóa nguồn cung khí đốt, cho đến hiện tại, vẫn là một mệnh đề dễ nói hơn dễ thực hiện, đối với không chỉ Liên minh châu Âu (EU).
0:00 / 0:00
0:00
Nguồn cung khí đốt từ Nga, rẻ và ổn định, hiện vẫn rất khó thay thế đối với nhu cầu toàn cầu.
Nguồn cung khí đốt từ Nga, rẻ và ổn định, hiện vẫn rất khó thay thế đối với nhu cầu toàn cầu.

Tiếp nối việc chính quyền Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden áp đặt gói trừng phạt toàn diện nhất từ trước đến nay đối với dầu khí xuất khẩu của Liên bang Nga (ngày 10/1), cũng như việc Ukraine quyết định “đóng van”, chấm dứt trung chuyển khí đốt tự nhiên của Nga tới EU, ngày 12/1, Thủ tướng Slovakia Robert Fico tuyên bố: Bratislava có thể sử dụng quyền phủ quyết để chặn các gói viện trợ của EU cho Kyiv, nếu các đường ống không được mở lại.

Phản ứng của Slovakia - quốc gia không giáp biển, phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung khí đốt từ Nga, với hơn 50% lượng khí đốt nhập khẩu đi qua hệ thống trung chuyển của Ukraine - hoàn toàn có thể hiểu được. Và, họ cũng đại diện cho tình thế “tiến thoái lưỡng nan” của không ít quốc gia EU khác.

Cùng ngày 12/1, Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić lo lắng: “Tôi nhận được thông tin từ Azerbaijan rằng do các vấn đề kỹ thuật, từ hôm nay chúng ta không thể nhận được 1,7 triệu mét khối khí đốt mỗi ngày như trước đây”. Ông cũng cho biết hiện chưa rõ khi nào nguồn cung sẽ được khôi phục.

“Nhận diện” những rủi ro hàng đầu đối với EU năm 2025, trang Eurasia Group chỉ ra: Châu Âu đang phải vật lộn với tình trạng phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu. Bất kỳ sự gián đoạn nào về nguồn cung năng lượng đều có thể ảnh hưởng đến khả năng phục hồi kinh tế của khu vực.

Cùng đó, ngày 13/1, hãng Bloomberg bi quan: Năm 2025 có thể sẽ chứng kiến một “cuộc chiến” giành nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên trên toàn cầu, kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng cho người tiêu dùng châu Âu cũng như các quốc gia đang phát triển ở châu Á và Nam Mỹ. Tình hình này xuất phát từ việc châu Âu có nguy cơ không đạt được mục tiêu dự trữ khí đốt cho mùa đông tới, trong bối cảnh nhu cầu tăng cao và nguồn cung bị thắt chặt.

Theo dự tính, EU cần nhập khẩu thêm tới 10 triệu tấn LNG mỗi năm - nhiều hơn khoảng 10% so với năm 2024. Với ít lựa chọn nguồn cung hơn, châu Âu nhiều khả năng sẽ phải tranh giành với châu Á, nơi có lượng người tiêu dùng lớn nhất thế giới. Cạnh tranh sẽ dẫn đến việc giá cả tăng cao hơn mức mà các nước như Ấn Độ, Bangladesh và Ai Cập có thể chi trả, đồng thời gây áp lực lên nhiều nền kinh tế khác. Thậm chí, giá khí đốt tại châu Âu hiện vẫn cao hơn khoảng 45% so cùng kỳ năm ngoái, và các hợp đồng đang giao dịch ở mức gấp ba lần so với mức trước khủng hoảng.

Nhiều khả năng, lượng xuất khẩu LNG của Mỹ ​​sẽ tăng khoảng 15% trong năm nay, nhờ vào việc mở rộng sản xuất. Còn theo trang Euractiv ngày 10/1, một thỏa thuận quan trọng vừa được ký kết giữa OMV của Áo và Uniper của Đức, về việc cung cấp khí đốt từ dự án Biển Đen của Romania. Mang tên Neptune Deep, đây là một trong những dự án quan trọng nhất của EU, dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất vào năm 2027. Theo ước tính, tổng trữ lượng khí đốt ngoài khơi của Romania vào khoảng 200 tỷ mét khối, mở ra triển vọng đa dạng hóa nguồn cung năng lượng cho châu lục.

Song, ba năm qua, giá LNG từ Mỹ chưa bao giờ rẻ, còn sự cố vừa xảy ra với hệ thống cung cấp từ Azerbaijan - quốc gia đang nỗ lực lấp các chỗ trống mà nước Nga để lại ở thị trường khí đốt châu Âu - cho thấy rõ hơn thách thức mà Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nhiều lần chỉ ra: Tổng cầu về năng lượng sẽ vẫn thế, nếu không muốn nói là liên tục tăng thêm. Vậy, khi từ chối nguồn cung truyền thống với chi phí hợp lý và khả năng vận hành ổn định của Nga, EU sẽ bù đắp như thế nào?

Tất nhiên là không gì không thể thay thế, nhưng sự thay thế nào cũng sẽ cần thời gian, đi kèm với nó là nguy cơ tổn thất - những điều hoàn toàn không dễ chấp nhận trong hiện thực.