Ngày 6/1, Bộ Ngoại giao Brazil - Chủ tịch luân phiên năm 2025 của BRICS - thông báo: “Brazil chúc mừng Indonesia gia nhập BRICS. Indonesia - quốc gia đông dân nhất, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á - chia sẻ với các thành viên khác trong nhóm quan điểm hỗ trợ công cuộc cải cách các thể chế quản trị toàn cầu, và đóng góp tích cực vào việc tăng cường hợp tác sâu rộng ở khu vực Nam bán cầu”.
Từ Jakarta, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia, ông Rolliansyah Soemirat, trả lời phỏng vấn hãng tin DW: “Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định rằng BRICS là nền tảng quan trọng để Indonesia tăng cường hợp tác Nam-Nam, và bảo đảm tiếng nói cũng như nguyện vọng của các nước Nam bán cầu được đại diện xứng đáng, trong các quá trình ra quyết định toàn cầu”. Bộ Ngoại giao Indonesia cũng nhấn mạnh, kết quả này cho thấy vai trò ngày càng tích cực của Indonesia trong các vấn đề toàn cầu và cam kết tăng cường hợp tác đa phương để tạo ra một cấu trúc toàn cầu toàn diện và công bằng hơn.
Với việc chính thức trao quy chế thành viên đầy đủ cho Indonesia, BRICS đã có quy mô chiếm 40% dân số thế giới và một phần tư tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, bao gồm 10 thành viên: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Indonesia.
Có thể nói, BRICS đang thu hút ngày càng nhiều nước ủng hộ và đồng quan điểm về các nguyên tắc nền tảng của tổ chức, bao gồm bình đẳng chủ quyền, tôn trọng con đường phát triển, quan tâm tới lợi ích chung, cởi mở, đồng thuận, mong muốn thiết lập một trật tự quốc tế đa cực và hệ thống tài chính - thương mại toàn cầu công bằng hơn.
Theo Bộ Ngoại giao Brazil, các vấn đề ưu tiên trong chương trình nghị sự năm nay của BRICS sẽ là chống biến đổi khí hậu cũng như phát triển bền vững và quản lý trí tuệ nhân tạo (AI). Bên cạnh đó, Thứ trưởng Ngoại giao Brazil Eduardo Paes Saboia nhấn mạnh: Brazil cũng sẽ tiếp tục theo đuổi chương trình nghị sự đã được thảo luận trước đây, như mở rộng hợp tác liên ngân hàng và thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ trong hoạt động thương mại giữa các nước thành viên, nhằm nâng cao vai trò của BRICS trong hệ thống tiền tệ quốc tế, cũng như cải cách hệ thống quản trị toàn cầu.
Và đây, dường như, cũng chính là một trong những điểm đáng chú ý nhất, với sự tham gia của quốc gia đông dân số thứ tư thế giới (284.633.117 người, tính đến ngày 7/1/2025, theo số liệu từ Liên hợp quốc), cũng là nền kinh tế có quy mô ước đạt 1,5 nghìn tỷ USD trong năm nay, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Cuối năm 2024, Tổng thống đắc cử Mỹ Donad Trump đe dọa sẽ thực hiện những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt, nếu BRICS cố gắng cho ra đời một đồng tiền riêng của mình. Trong bối cảnh đó, DW bình luận: Việc Indonesia gia nhập BRICS là tín hiệu về sự rạn nứt về mặt chính trị cũng như trạng thái suy yếu do bất ổn kinh tế, trong trật tự toàn cầu mà phương Tây lãnh đạo.
Cần lưu ý rằng, như Brazil hé lộ, BRICS đã “bật đèn xanh” để Indonesia gia nhập ngay từ Hội nghị cấp cao của nhóm năm 2023. Tuy nhiên, Jakarta đã không quá vội vàng. Họ chờ đợi đến thời điểm thích hợp.
Tháng 10/2024, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Sugiono nhấn mạnh: “Việc Indonesia gia nhập BRICS thể hiện chính sách đối ngoại chủ động độc lập của nước này. Điều đó không có nghĩa là chúng tôi gia nhập một khối nào đó, nhưng chúng tôi tích cực tham gia mọi diễn đàn”.
Trở thành thành viên BRICS, đồng thời hướng đến tham gia nhiều định chế đa phương khác, Indonesia có thể tìm thấy cho mình vai trò của một mắt xích trọng yếu, một “đòn bẩy” trong trật tự kinh tế cũng như chính trị quốc tế, song song việc kiến tạo lợi ích chung.
Và hiển nhiên, đó là một hướng đi mang tính hình mẫu tham khảo quan trọng, đối với nhiều quốc gia ■