Cây xăng tư nhân có quyền đóng cửa hay không?

Thời gian vừa qua, một loạt cây xăng của tư nhân ở các tỉnh phía nam đã đóng cửa bởi mức chiết khấu quá thấp, làm ăn không có lãi, gây rất nhiều khó khăn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại và làm ăn của đông đảo người dân. Các cây xăng tư nhân này có quyền đóng cửa hay không?
0:00 / 0:00
0:00
Người dân mua xăng rất khó khăn trong những ngày đầu tháng 10 vừa qua. Ảnh | Đức Anh
Người dân mua xăng rất khó khăn trong những ngày đầu tháng 10 vừa qua. Ảnh | Đức Anh

Để trả lời câu hỏi này, trước hết cần làm rõ bán xăng, dầu có phải là một dịch vụ công hay không? Quả thật, ở nước ta chưa có một quy định pháp lý nào tương đối rõ ràng về việc bán xăng, dầu có phải là một dịch vụ công hay không, hay chỉ là một hoạt động kinh doanh kiếm lãi đơn thuần.

Tuy nhiên, xét về mặt khái niệm, một dịch vụ thiết yếu, cung cấp cho đông đảo công chúng thì được gọi là một dịch vụ công và theo khái niệm này, bán xăng, dầu đạt cả hai tiêu chí. Tính chất dịch vụ công của việc kinh doanh xăng, dầu còn được khẳng định bởi một yếu tố quan trọng khác, đó là giá cả do Nhà nước xác định.

Một dịch vụ công có thể do Nhà nước cung cấp, nhưng cũng có thể do tư nhân cung cấp (với sự trợ giúp và ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước). Trường công không đủ chỗ, nhiều gia đình gửi con học ở các trường tư. Trên thực tế, có trường tư cung cấp dịch vụ tư như các trường tư quốc tế nhưng cũng có nhiều trường tư đang cung cấp dịch vụ công. Nhà nước chỉ điều chỉnh mức học phí ở trường tư cung cấp dịch vụ công, nhưng không nhất thiết phải làm điều này với trường tư cung cấp dịch vụ tư.

Trở lại chuyện kinh doanh xăng, dầu có rất nhiều công đoạn như khai thác, chế biến, nhập khẩu, vận chuyển, kho bãi... Về cơ bản, các công đoạn quan trọng của chuỗi giá trị đều do các doanh nghiệp Nhà nước đảm nhiệm, các doanh nghiệp tư nhân phần lớn chỉ đảm nhiệm công đoạn bán lẻ xăng, dầu qua các cây xăng. Tuy nhiên, ảnh hưởng trực tiếp đến những người dân không khéo lại chính là những cây xăng bán lẻ của tư nhân. Chính vì vậy, những nguyên tắc cơ bản của dịch vụ công phải được áp đặt cho những cây xăng bán lẻ này.

Trước hết đã là một dịch vụ công thì phải được cung cấp liên tục. Không thể có chuyện các xe buýt công cộng muốn đi lúc nào thì đi, nghỉ lúc nào thì nghỉ; các đường cao tốc (cho dù xây dựng theo hình thức BOT), muốn mở bao giờ thì mở, đóng bao giờ thì đóng. Tương tự như vậy đối với các cây xăng cả của công lẫn của tư và theo nguyên tắc này, câu trả lời cho câu hỏi ở phần đầu bài viết là các cây xăng tư nhân không có quyền đóng cửa!

Rõ ràng, nếu mức chiết khấu thấp, càng kinh doanh, càng lỗ, thì không doanh nghiệp tư nào có thể tiếp tục kinh doanh được. Để cung cấp dịch vụ bán xăng, dầu liên tục cho dân thì Nhà nước phải tác động kịp thời để có mức chiết khấu phù hợp.

Một nguyên tắc khác của dịch vụ công là giá cả phải phù hợp, ở mức người dân bình thường có thể chi trả được. Để bảo đảm được điều này, Nhà nước thường can thiệp để áp đặt một mức lợi nhuận phù hợp cho các doanh nghiệp; đồng thời cũng có thể cắt giảm thuế, phí và thậm chí trợ giá trong những trường hợp cần thiết. Có vẻ như vừa qua, để bảo đảm nguyên tắc giá cả phải phù hợp trong lúc giá xăng dầu trên thế giới tăng cao, Nhà nước đã can thiệp mạnh buộc các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu phải cắt giảm tối đa các chi phí của mình. “Dùi đánh đục, đục đánh khăng”, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lại cố gắng cắt giảm chi phí bằng cách giảm chiết khấu cho các cây xăng. Tuy nhiên, nếu việc này bị lạm dụng, thì rủi ro mới phát sinh đó là tính liên tục của dịch vụ sẽ không được bảo đảm. Nguyên tắc giá cả phải phù hợp hoàn toàn có thể xung đột với nguyên tắc dịch vụ phải liên tục. Một sự cân đối và linh hoạt vì vậy là rất quan trọng.

Một nguyên tắc quan trọng khác là quyền tiếp cận bình đẳng. Mọi người dân Việt Nam đều được quyền tiếp cận dịch vụ công như nhau, không thể có chuyện chỉ một nhóm người có đặc quyền mới được tiếp cận. Tất nhiên, để mọi người đều có thể tiếp cận bình đẳng, thì một trong những điều kiện quan trọng nhất là giá cả phải phù hợp. Và quả thật, giá cả cũng phải phù hợp thì tính liên tục của dịch vụ mới có thể được bảo đảm.

Cuối cùng, vấn đề đặt ra là đến nay chúng ta vẫn chưa xây dựng được một quy chế pháp lý rõ ràng, mạch lạc về dịch vụ công và hàng hóa công. Có vẻ như đây đang là “món nợ” của các nhà lập pháp đối với đất nước.