Nhưng trong những ngày này, nếu như đặt cho con Nhân sư ấy câu hỏi: “ Ai Cập sẽ đi về đâu?” thì hẳn là nó cũng phải bó tay chịu chết!
MỘT ÔNG ĐI, MỘT ÔNG ĐẾN
Làn sóng phá hủy của “Mùa xuân A rập” tràn tới đất nước của những Kim tự tháp khiến cho một vị Tổng thống cầm quyền ngót nghét hơn 30 năm, được Mỹ o bế cũng trong từng ấy năm, là Hosni Mubarak, phải từ bỏ quyền hành, rồi phải ra trước tòa như một kẻ tội phạm. Quân đội Ai Cập chính là lực lượng quyết định làm lệch cán cân nghiêng về phía người biểu tình khiến cho ông Hosni Mubarak cùng những người ủng hộ không còn có lựa chọn nào khác là phải rời bỏ quyền lực.
Trong những ngày ấy, đa số người dân Ai Cập đã hân hoan bày tỏ sự mừng rỡ cuồng nhiệt vì theo họ, đã thoát khỏi “ách độc tài” trong suốt nhiều thập niên. Quảng trường Tahir ở thủ đô Cairo của Ai Cập, nơi diễn ra các cuộc biểu tình chống chính phủ của Tổng thống H.Mubarak, trở thành một biểu tượng của “dân chủ”.
Thế nhưng “cuộc cách mạng bên sông Nile” ấy, nếu như có thể gọi nó là một cuộc “cách mạng”, đã không diễn tiến đúng như những gì người ta có thể chờ đợi.
Từ tháng 2-2011, khi mà Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ, cho đến khi cuộc bầu cử Tổng thống tự do đầu tiên được tổ chức vào cuối tháng 5-2012, trong suốt hơn một năm trời, chính trường và cả đất nước Ai Cập nằm dưới sự điều hành của quân đội, một hiện tượng thường thì chỉ xảy ra trong tình huống khủng hoảng!
Mãi hơn một năm sau, quân đội Ai Cập mới miễn cưỡng đồng ý cho tiến hành một cuộc bầu cử Tổng thống. Hai ứng cử viên dẫn đầu, một là ông Mohamed Morsi, người của đảng Anh em Hồi giáo; một là Ahmed Shafiq, cựu Thủ tướng dưới chính quyền H.Mubarak. Ông M.Morsi trúng cử với tỷ lệ 52% số phiếu ủng hộ của khoảng 50 triệu cử tri.
Bên kia đại dương, trong các hành lang quyền lực nước Mỹ, có thể nghe thấy những tiếng thở dài: cuộc “cách mạng” hướng tới một nền “dân chủ” lại đưa một ông Hồi giáo lên nắm quyền! Thôi thì giữa hai ứng viên, Morsi, tuy Hồi giáo, nhưng có lẽ cũng ít tệ hơn cho quyền lợi nước Mỹ!
ÔNG ĐẾN RỒI ÔNG LẠI PHẢI ĐI
Nhưng hóa ra mọi sự không đơn giản như thế.
Việc xóa bỏ một chế độ chuyên quyền không có nghĩa là một nền “dân chủ”- dù đó là “dân chủ” theo mô hình phương Tây-tự động ra đời. Tròn một năm sau khi ông M.Morsi lên cầm quyền, vẫn trên quảng trường Tahir ở thủ đô Cairo ấy, vẫn những người dân Ai Cập ấy, lại giận dữ xuống đường, lần này là đòi phế truất Tổng thống M.Morsi, người mà chính họ đã bầu lên cách đây tròn một năm.
Có tới 17 triệu người đã xuống đường biểu tình trên khắp các thành phố của Ai Cập trong ngày 30-6, ngày kỷ niệm tròn một năm ông M.Morsi và Tổ chức Anh em Hồi giáo lên nắm quyền, con số người biểu tình được một đài phát thanh phương Tây mô tả là “lớn nhất trong toàn bộ lịch sử nhân loại đối với một sự kiện chính trị”.
Nó cho thấy Tổng thống M.Morsi (và phía sau là tổ chức Anh em Hồi giáo) đã mất đi sự ủng hộ của số đông người dân.
Có một câu hỏi đặt ra: vì sao chính những người dân một năm trước đây bỏ phiếu ủng hộ ông M.Morsi và tổ chức Anh em Hồi giáo nắm giữ quyền lực, giờ đây lại giận dữ đến thế?
Câu trả lời sẽ khá đơn giản nếu chỉ nhìn trên khía cạnh kinh tế. Kể từ khi ông M.Morsi và đảng Anh em Hồi giáo lên nắm quyền, tình hình kinh tế, xã hội của Ai Cập tiếp tục xấu đi.
Sự bất ổn khiến cho khách du lịch, một nguồn thu chính của Ai Cập, sút giảm mạnh, dẫn tới dự trữ ngoại tệ giảm, không có vốn để nhập khẩu nguyên, nhiên liệu. Kết quả là những hàng người xếp hàng dài chờ mua xăng, trong khi điện bị cắt thường xuyên. Lạm phát, thất nghiệp, giá cả leo thang đánh vào túi tiền (và tất nhiên là cả dạ dày) của những người tiêu dùng hằng ngày.
Con số thống kê cho thấy 25% người dân Ai Cập sống dưới mức nghèo khổ và kết quả một cuộc thăm dò cho thấy 63% số người được hỏi cho rằng mức sống của họ đã bị sụt giảm đi kể từ khi ông M.Morsi lên nắm quyền.
Nhưng đổ hết mọi tội nợ của sự suy thoái đời sống kinh tế, xã hội lên đầu ông M.Morsi và đảng Anh em Hồi giáo quả thật là không công bằng vì họ mới cầm quyền có một năm thôi, không đủ thời gian để làm nên những phép lạ. Điều khiến cho làn sóng biểu tình lại một lần nữa nổ ra chính là việc Tổng thống M.Morsi, phía sau là những người anh em Hồi giáo, đã có khuynh hướng biến những thành quả của cuộc “cách mạng sông Nile” thành trái ngọt quyền lực cho những người Hồi giáo.
Một phong trào đòi dân chủ mà kết quả lại hướng tới một nhà nước Hồi giáo độc đoán là điều cuối cùng mà những người đã xuống đường biểu tình lật đổ ông H.Mubarak nghĩ tới.
Nói một cách khác, những người dân đã bầu cho ông M.Morsi chỉ vì họ lo lắng những tàn dư của chế độ Tổng thống H.Mubarak sẽ quay lại qua đối thủ chính trị của ông M.Morsi trong cuộc bầu cử hồi tháng 5-2012 là ông Ahmed Shafiq, cựu Thủ tướng dưới chính quyền H.Mubarak. Sau một năm, họ thất vọng. Sự kiên nhẫn của người dân Ai Cập rất có giới hạn và được truyền cảm hứng bởi sự lật đổ chính quyền của Tổng thống H.Mubarak trước đó, đã khiến cho sức ép từ đường phố tăng lên ghê gớm.
Khi cuộc khủng hoảng chính trị lâm vào tình thế không lối thoát, quân đội Ai Cập, lực lượng vốn được coi là “trọng tài” trong đời sống chính trị Ai Cập quyết định ra tay: Tổng thống được dân bầu M.Morsi bị bắt và giam giữ ở một nơi nào không rõ; một Tổng thống lâm thời được quân đội bổ nhiệm; các thủ lĩnh của tổ chức Anh em Hồi giáo bị bắt, văn phòng và kênh truyền hình của tổ chức này bị đóng cửa…
RỒI LẠI BIỂU TÌNH ĐÒI ÔNG VỀ

Cuộc biểu tình của người Ai Cập.
Điều gì đã xảy ra vậy?
Có tới 17 triệu người đã xuống đường biểu tình trên khắp các thành phố của Ai Cập trong ngày 30-6, ngày kỷ niệm tròn một năm ông M.Morsi và Tổ chức Anh em Hồi giáo lên nắm quyền |
Theo tổ chức Anh em Hồi giáo, dĩ nhiên, đấy là một cuộc đảo chính quân sự bất hợp pháp, bởi Tổng thống của họ được bầu lên thông qua bầu cử đã bị phế truất. Như một kết quả logique, tổ chức này đã kêu gọi nổi dậy chống lại giới chức cầm quyền lâm thời, trước hết bằng các cuộc biểu tình.
Như một vòng luẩn quẩn, hành động bạo lực quá mức của quân đội chống lại những người biểu tình ủng hộ Tổng thống bị phế truất M.Morsi lại đẩy Ai Cập vào vòng xoáy của những mâu thuẫn và xung đột leo thang, có nguy cơ dẫn tới một viễn cảnh bi quan: nội chiến.
Điều này khiến người ta không khỏi nhớ lại một kịch bản bi thảm tương tự đã từng diễn ra ở Algeria hồi đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Cũng một cuộc bầu cử với kết quả vòng 1 thắng lợi nghiêng về phía những người Hồi giáo. Khi quân đội hủy bỏ vòng 2, buộc Tổng thống từ chức, những người Hồi giáo cầm lấy vũ khí. Cuộc nội chiến ấy đã cướp đi sinh mạng của 300.000 người.
Vậy phải chăng sẽ đi đến một giải pháp mới cho Ai Cập: không có ông nào ở lại?
Cho đến nay, số phận của ông M.Morsi cũng bí ẩn như nơi ông đang bị giam giữ vậy. Nếu như ông Morsi không thể quay lại chiếc ghế quyền lực thì điều gì sẽ xảy ra?
Hiện thời, cả hai bên đều đang giằng co thương thuyết. Bên Anh em Hồi giáo đòi trả lại chiếc ghế cho M.Morsi. Bên quân đội đòi bầu cử lại, lập ra Quốc hội mới. Nhưng bầu ai? Ai Cập sau Mubarak đã khủng hoảng lãnh đạo từ lâu. Và có gì bảo đảm rằng quân đội sẽ lại không ra tay một lần nữa?
Hay như một vài chuyên gia dự đoán, đây lại là một cơ hội để người đứng đầu quân đội lại phải đứng ra lãnh đạo đất nước?
Quá nhiều câu hỏi.
QUYỀN LỢI TRÊN HẾT
Ngày 4-6-2009, tại Trường đại học Cairo, Tổng thống Mỹ B.Obama đã có bài phát biểu mang tên “Một sự khởi đầu mới”, truyền đi thông điệp hàn gắn quan hệ với thế giới A rập, vốn đã rã rời bởi chính sách của Tổng thống Mỹ G.Bush sau vụ khủng bố 11-9-2001.
Nhưng chẳng phải đợi đến tận lúc ông B.Obama phát biểu trước 3.000 người ở Đại học Cairo, “tình bạn” giữa Mỹ với Ai Cập mới xuất hiện. Nó đã có một “khởi đầu cũ” từ năm 1979, khi Ai Cập ký riêng rẽ với Israel Hiệp ước hòa bình tại Trại David với sự trung gian của Mỹ.
Khi xem xét và cố gắng lý giải những hiện trạng biến động trong đời sống chính trị của Ai Cập, không thể không xem xét trong mối tương quan quan hệ với nước Mỹ.
Mà đó là một mối quan hệ phức tạp, ít nhiều mang tính thực dụng. Ai Cập thời H.Mubarak thậm chí đã tham gia vào các chiến dịch Lá chắn sa mạc và Bão táp sa mạc của Mỹ trong cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất. Chính quyền Mỹ cũng luôn ủng hộ chính quyền của Tổng thống H.Mubarak cho đến khi nhận thấy rằng nếu cứ tiếp tục chính sách đó thì sẽ lợi bất cập hại trước làn sóng “Mùa xuân A rập”.
Việc ông M.Morsi của đảng Anh em Hồi giáo giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống là một kết quả mà Washington tiếp nhận không mấy hồ hởi, có thể bởi mối liên hệ quá mật thiết của Anh em Hồi giáo với những phong trào Hồi giáo trong khu vực Trung Đông - Bắc Phi. Thế nhưng đó chính là một thí dụ điển hình của trường hợp “lực bất tòng tâm”, bởi không phải mọi diễn biến sau “Mùa xuân A rập” đều nằm trong dự liệu của Washington. Thậm chí, Mỹ còn phải cần đến vai trò trung gian của cá nhân Tổng thống M.Morsi trong việc hòa giải giữa phong trào Hamas với Israel để chấm dứt một cuộc tiến công tàn khốc của quân đội Israel trong cuộc xung đột tháng 11-2012.
Nhưng đến khi làn sóng biểu tình thứ hai nổ ra rồi sau đó quân đội Ai Cập tiến hành truất phế ông M.Morsi, Mỹ lại một lần nữa thực thi quan điểm lợi ích (của mình) là trên hết. Trong khi đề cập đến động thái cũng như vai trò của quân đội trong sự biến ở Ai Cập, “đảo chính” là một từ kiêng kị! Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki không ngần ngại nói ra điều này: “Luật pháp không yêu cầu chúng ta phải đưa ra một đánh giá mang tính chính thức rằng liệu có phải một cuộc đảo chính đã diễn ra tại Ai Cập hay không. Lợi ích quốc gia của Mỹ không liên quan tới việc đưa ra các đánh giá kiểu này”!
Vậy thì cứ yên tâm với tình trạng mù mờ không “cách mạng” mà cũng chẳng phải “đảo chính” đã diễn ra ở Ai Cập, miễn là quyền lợi quốc gia của nước Mỹ không bị ảnh hưởng. Sự ủng hộ dân chủ đôi khi cũng có những tiêu chuẩn khác nhau. Và có một điều mà Mỹ tin rằng quyền lợi của mình sẽ khó bị tổn hại, bởi nó được bảo hiểm bằng khoản tiền viện trợ hàng năm 1,5 tỷ USD cho Cairo, trong đó 1,3 tỷ USD dành cho quân đội Ai Cập…
MỘT VIỄN CẢNH MỜ MỊT
Nếu “Mùa xuân A rập” làm cho không ít nhà chính trị phương Tây hân hoan thì “Mùa xuân Ai Cập” làm họ nhức đầu vì không dự đoán được diễn biến tiếp theo sẽ như thế nào. Còn người dân Ai Cập hoang mang không biết tương lai mình ra sao.
Trên sa mạc Giza, sẽ chẳng ai đến hỏi Nhân sư câu đố cắc cớ. Biểu tượng cho sự thông thái của các Pharaoh cổ đại Ai Cập nằm đó, nghiền ngẫm những gì đang xảy ra trên chính trường Ai Cập. Có lẽ, nó cũng không thể đưa ra được một lời tiên đoán chắc chắn cho tương lai chính trị của đất nước này trong những ngày, những tháng trước mắt.
Nếu “Mùa xuân A rập” làm cho không ít nhà chính trị phương Tây hân hoan thì “Mùa xuân Ai Cập” làm họ nhức đầu vì không dự đoán được diễn biến tiếp theo sẽ như thế nào. |