“Cành cỏ ba lá” bên Suối nguồn Rô Men

Dạo chơi cùng “nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023” Nguyễn Phương Bắc (xã Rô Men, huyện Ðam Rông, Lâm Ðồng) qua các vườn cây thảo dược tại farm “Suối nguồn Rô Men” bên dòng suối Mát, được nghe câu chuyện của chị về mối duyên ở vùng đất phương nam. “Cuộc đời mình như cành cỏ ba lá, là khát vọng, niềm tin, tình yêu và sự may mắn. Mình nghĩ, việc gì có ích thì hết sức làm, rồi thành công sẽ đến”, Phương Bắc chia sẻ.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc Farm “Suối nguồn Rô Men”.
Một góc Farm “Suối nguồn Rô Men”.

Tháng mười một, hoa dã quỳ dát vàng bên những triền đồi Nam Tây Nguyên. Ở nông trại thảo dược “Suối nguồn Rô Men” của Nguyễn Phương Bắc là cung bậc những sắc màu. Bắc sinh năm 1983, quê tận huyện miền núi Tân Kỳ, Nghệ An. Vì kế sinh nhai, từ bé, chị cả Phương Bắc cùng bốn đứa em đành khăn gói rời quê hương bản xứ cùng cha mẹ vào Đam Rông lập nghiệp. Từ vùng đất khó đến xứ “nghèo chồng nghèo” thuở ấy, cuộc sống gia đình chị lại khó chồng thêm khó. Nỗ lực, cố gắng mỗi ngày rồi cái khó cũng qua đi.

“Cha chọn tên cho mình, với ước mong một ngày sẽ được dắt tay con gái đến giảng đường ở Thủ đô Hà Nội. Với lại, để “đối” với tên mẹ là Võ Phương Nam” - Phương Bắc bộc bạch. Chị cười bảo, kể cũng lạ, cái tên thì Phương Bắc, nhưng cuộc đời đưa đẩy đến phương nam.

Ngược dòng ký ức, Bắc kể, thời gian đầu đặt chân lên vùng quê mới, mọi thứ đều lạ lẫm. Từ điều kiện sinh hoạt, bà con lối xóm đến văn hóa, tập quán. Không muốn con thất học, càng không muốn dập tắt ước mơ con chữ của con gái đầu lòng, cha mẹ đành gửi Phương Bắc về quê học. Tốt nghiệp lớp 12, nhìn gia cảnh, Phương Bắc biết sẽ không thể hiện thực hóa ước mong của cha, chị vào TP Hồ Chí Minh, Bình Dương làm công nhân may cho các nhà máy, xí nghiệp đặng gom góp tiền lương ít ỏi phụ giúp cha mẹ đỡ đần các em. Đời sống công nhân thời đó quá khó khăn, sau 2 năm, Phương Bắc lại quay về Đam Rông cùng cha mẹ đi làm thuê cho các gia đình trong vùng.

Dừng chân ở tảng đá lớn bên dòng suối Mát chảy dọc nông trại, Phương Bắc bảo: “Cơ ngơi hôm nay được bắt đầu từ 1,2 triệu đồng dành dụm trong những ngày tháng làm thuê. Mình “khởi nghiệp” bằng nghề thu mua cà-phê và nhập cho các đại lý. Sau một thời gian thì trở thành chủ đại lý cà-phê và cung ứng phân bón”. Sau khi có được số vốn nhiều hơn, bắt đầu tính chuyện đường dài. Phương Bắc mua thêm đất, mở rộng vườn để trồng cà-phê, sầu riêng, dứa và nuôi cá tầm. Với phương án “lấy ngắn nuôi dài”, giờ thì gia đình chị đã có những mùa quả ngọt.

Đọc bản thành tích đề nghị xét tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023” của Phương Bắc, ngắn thôi, nhưng tôi thán phục thôn nữ ở vùng đất còn lắm khó khăn. Khởi nghiệp năm 2014, hiện gia đình Phương Bắc đang có 9ha cà-phê cho năng suất hơn 20 tấn nhân/năm. Trên đất cà-phê, chị trồng xen 300 cây sầu riêng và 1.000 cây dứa Cayenne, trồng cỏ nuôi bò thịt, tổng sản lượng khoảng 30 tấn; cùng 2 ha xây dựng trang trại nuôi cá tầm, sản lượng khoảng 25 tấn mỗi năm. Mô hình kinh tế tổng hợp, lấy ngắn nuôi dài đã giúp Phương Bắc thu lợi nhuận cao, mỗi năm đạt gần 8 tỷ đồng.

“Cành cỏ ba lá” bên Suối nguồn Rô Men ảnh 1

Nguyễn Phương Bắc nhận bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

Ở điểm dừng chân dành cho du khách chọn lựa sản phẩm thảo dược từ thiên nhiên, già K’Rang đang chăm chút sửa lại không gian trưng bày. Già nói: “Phương Bắc à, tốt bụng lắm, mình làm đây được trả lương cao, nó (từ thường dùng của đồng bào dân tộc nơi đây-PV) còn dạy cho bà con mình cách làm ăn, phát triển kinh tế”. Nói đoạn, già cười bảo: “Bắc sinh ra ở quê Bác Hồ mà, nên luôn nhớ và làm theo lời Bác dặn”. Phương Bắc bẽn lẽn: “Mình nghĩ, cùng với sự giúp đỡ, hỗ trợ của những người thầy và bè bạn, mình đã âm thầm cố gắng, nỗ lực vượt qua số phận, với những thử thách rất lớn để trở thành người có ích cho xã hội. Việc gì có ích thì hết sức làm thôi”.

Dù đã có nguồn thu nhập ổn định từ mô hình kinh tế tổng hợp, nhưng Nguyễn Phương Bắc vẫn tiếp tục với đam mê, với cái “duyên” thảo dược. Bởi theo lời kể của chị, chính những phương thuốc từ thảo dược thiên nhiên đã giúp chị “tái sinh” khi mắc bệnh khó chữa. Và nông trại “Suối nguồn Rô Men” rộng 12ha ra đời bắt đầu từ đó. Đó là nơi “chữa lành” dưới chân dãy Lâm Bur bên dòng suối Mát. “Giờ nhiều người thích tìm về với thiên nhiên để nghỉ ngơi, thư giãn, dưỡng bệnh. Nông trại rất thích hợp, bởi có núi, có rừng, có dòng suối mát lành chảy quanh năm, cùng với vườn bảo tồn thảo dược, nhà lưu trú thân thiện... em nghĩ, không lâu sẽ hút khách”, Phương Bắc chia sẻ.

Đam Rông, theo cắt nghĩa của đồng bào M’Nông là “chàng trai nuôi, chàng trai tốt bụng”. Phương Bắc là thôn nữ và là “cô gái tốt bụng” như ý già K’Rang. Cùng nhóm lao động 10 người của già K’Rang, mô hình kinh tế của Phương Bắc đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương, phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với câu chuyện về hành trình “Suối nguồn Rô Men”, Phương Bắc còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, là đại biểu Hội đồng nhân dân, thành viên Hội Chữ thập đỏ xã Rô Men; Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện Đam Rông, thành viên Câu lạc bộ Nữ doanh nhân Lâm Đồng. “Mô hình phát triển kinh tế của chị Nguyễn Phương Bắc là một sự sáng tạo, mới mẻ trong bức tranh phát triển của địa phương. Trong những dịp diễn ra sự kiện lớn của xã, triển khai việc học tập và làm theo gương Bác, chúng tôi đều minh chứng bằng những tấm gương thực tế tại địa phương và hiệu quả thấy rõ”, cùng tôi thăm ngôi biệt thự của gia đình Phương Bắc bên cung đường nhựa chạy dọc xã, ông Nguyễn Văn Thành, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Rô Men thông tin.

Huyện Đam Rông, “người con” sinh sau, đẻ muộn của đất mẹ Nam Tây Nguyên, cách trung tâm thành phố Đà Lạt chừng 100 cây số theo Quốc lộ 27. Huyện Đam Rông thành lập năm 2004, trên cơ sở sáp nhập ba xã nghèo phía tây của huyện Lạc Dương, gọi là vùng Đầm Ròn và năm xã được liệt vào danh sách khó khăn của huyện Lâm Hà. Bởi thế, nên nhiều người ví Đam Rông là sự kết hợp của hai cái nghèo cũ thành một cái nghèo mới, lớn hơn và nghèo hơn. Hành trình gần 20 năm xây dựng và phát triển, Đam Rông thoát “huyện 30a” như một kỳ tích và đang thực hiện khát vọng đạt huyện nông thôn mới vào năm 2025. “Giờ Đam Rông không nói chuyện nghèo, bởi có những tấm gương như Nguyễn Phương Bắc và nhiều người trẻ khác, họ dám tiên phong làm cái mới, làm điều khác biệt và tạo giá trị bền vững. Tôi đã đến và rất thích mô hình “Suối nguồn Rô Men”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông Liêng Hót Ha Hai chia sẻ.

“Cành cỏ ba lá” bên Suối nguồn Rô Men ảnh 2

Nguyễn Phương Bắc trong vườn cây thảo dược.

Giữa bức tranh còn xen lẫn nhiều gam mầu trầm bên dòng Krông Nô, mô hình kinh tế của Nguyễn Phương Bắc như nét chấm phá. Niềm tự hào còn vương trên khuôn mặt nữ tỷ phú thôn quê, khi chị vừa trở về từ Hà Nội sau Lễ tôn vinh 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023. “Từ vùng đất đỏ xa xôi được ra Thủ đô trong sự kiện đặc biệt, vinh dự lắm. Lần nào cũng vậy, có dịp ra miền bắc, em đều đến thăm Lăng Bác như để nhắc nhớ chính mình, phải luôn làm điều có ích”, Phương Bắc chia sẻ.

Xứ “mây ấp núi” đã ngả chiều. Lái câu hỏi của tôi về những thành tích đã được ghi nhận, Phương Bắc khoe, chị vừa mới nghiên cứu và cho ra sản phẩm được nhiều người đón nhận, cao tía tô và dầu xả dưỡng tóc thảo mộc thiên nhiên, với thương hiệu “Farm thảo dược Suối nguồn Rô Men”. “Logo chính là núi rừng Đam Rông, trái tim yêu thương và cành cỏ ba lá. Cành cỏ đó chính là mình...”, Phương Bắc bẽn lẽn.

Có lẽ, với Nguyễn Phương Bắc đó không chỉ là sự may mắn, chị chính là mẫu hình “người nông dân mới”, với khát vọng đổi thay mạnh mẽ như suối nguồn.