Năm 2011, thế giới đối mặt nhiều thách thức cả về kinh tế và an ninh, với khủng hoảng kinh tế kéo theo bất ổn về chính trị và xã hội ở hầu khắp các châu lục. Chất lượng cuộc sống tiếp tục được cải thiện ở nhiều nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Xin-ga-po ngày càng “hấp dẫn” hơn, với môi trường chính trị ổn định, cơ sở hạ tầng dịch vụ công và giải trí chất lượng cao. Nhiều thành phố của Niu Di-lân, Ô-xtrây-li-a cũng được đánh giá cao. Trận động đất phá hủy nặng nề khu thương mại ở TP Cri-xchớt, nhưng không ảnh hưởng các vùng khác của Niu Di-lân. Ô-clen và Oen-linh-tơn vẫn nằm trong số các thành phố an toàn nhất thế giới.
Thảm họa động đất kéo theo sóng thần tàn phá miền đông-bắc Nhật Bản hồi tháng 3-2011, nhưng không gây ảnh hưởng kéo dài đối với chất lượng cuộc sống ở nước này, trừ những lo ngại từ “sự cố hạt nhân Phư-cư-si-ma”. Chính trường Nhật Bản chưa ổn định, sau khi thay đổi sáu đời thủ tướng trong vòng năm năm qua. Tuy nhiên, nhiều thành phố Nhật Bản vẫn thuộc diện “đáng sống nhất” ở châu Á. Bất ổn chính trị và tình trạng chống đối chính phủ ở một số quốc gia Trung và Nam Á cản trở nỗ lực thúc đẩy chất lượng cuộc sống ở đô thị, đe dọa an toàn cá nhân và cuộc sống thường ngày của người dân. Rõ nét nhất là ở các thành phố Bi-skếch (Cư-rơ-gư-xtan), Đu-san-be (Tuốc-mê-ni-xtan) và nhiều thành phố ở Pa-ki-xtan.
Tây Âu tiếp tục giữ vững thứ hạng về chất lượng sống cao, với các thành phố có cơ sở hạ tầng tiên tiến, người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế, giải trí công cộng chất lượng cao. Các thành phố của Áo, Thụy Sĩ, Đức và các nước vùng Xcăng-đi-na-vi nằm trong tốp có chất lượng sống cao nhất khu vực. Thủ đô Ô-xlô của Na Uy năm nay rớt hạng, do vụ khủng bố xảy ra hồi tháng 7. Trong khi đó, khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng mạnh tới chất lượng sống ở nhiều thành phố khác ở Tây Âu. Kinh tế bên bờ vực sụp đổ kéo theo căng thẳng chính trị ở A-ten không chỉ đe dọa tương lai Hy Lạp, mà còn trực tiếp tác động xấu tới an toàn cá nhân của cư dân thành phố này. Tại Anh, bất ổn kinh tế dẫn tới làn sóng phản đối, bạo loạn ở Luân Đôn và một vài vùng đô thị khác. Tỷ lệ thất nghiệp của Tây Ban Nha cao nhất châu Âu (hơn 20% năm 2011). Kinh tế I-ta-li-a giảm sút làm tăng bất ổn xã hội…
Hầu hết các thành phố Đông Âu chưa cải thiện được xếp hạng chất lượng sống so với các láng giềng phía tây. Tuy nhiên, một vài thành phố đã nâng cao được vị thế trong khu vực, như Pra-ha, Bu-đa-pét, Liu-bli-a-na, Bra-ti-xla-va, Vác-sa-va và thủ đô các nước vùng Ban-tích. Bất ổn chính trị ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng sống và an toàn cá nhân ở Gru-di-a, trong đó Thủ đô Tbi-li-xi rớt xuống hạng “thiếu an toàn nhất thế giới”.
Ở Bắc Mỹ, các thành phố của Ca-na-đa tiếp tục được đánh giá có chất lượng sống cao, nhờ các điều kiện vượt trội về cơ sở hạ tầng và dịch vụ công cộng, gồm cả giao thông vận tải và y tế, cũng như tỷ lệ tội phạm thấp. Tương tự, hầu hết các thành phố của Mỹ vẫn duy trì thứ hạng cao về chất lượng sống, tuy nhiên mức độ an toàn cá nhân xếp sau Ca-na-đa. Khủng hoảng kinh tế, nạn thất nghiệp nghiêm trọng có thể đe dọa đánh tụt bậc chất lượng sống ở Mỹ.
Khu vực Trung Mỹ, Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê phải đương đầu các vấn đề bất ổn kinh tế và chính trị, bất bình đẳng thu nhập. Ngoài những địa điểm nghỉ dưỡng Xan Hoan của Pu-éc-tô Ri-cô, Môn-tê-vi-đê-ô của U-ru-goay và thành phố văn hóa Bu-ê-nốt Ai-rét của Ác-hen-ti-na tiếp tục là điểm đến hấp dẫn khách nước ngoài, thì hầu hết các thành phố khu vực chưa vươn tới tốp có chất lượng sống tốt hơn. Tỷ lệ tội phạm cao ở nhiều đô thị, nạn buôn bán và các băng nhóm ma túy vẫn là vấn đề lớn ở một số thành phố của Cô-lôm-bi-a, Mê-hi-cô… Động đất năm 2010 phá hủy cơ sở hạ tầng vốn yếu kém, kéo theo dịch bệnh tràn lan khiến Thủ đô Poóc-tô Pranh-xơ của Ha-i-ti nằm cuối bảng xếp hạng chất lượng sống.
Căng thẳng chính trị và bất ổn xã hội là vấn đề hầu hết các nước trong khu vực Trung Đông và châu Phi phải đối mặt. Nguy cơ tiến công khủng bố hiện hữu khiến Thủ đô Bát-đa của I-rắc trở thành “thành phố bất ổn nhất thế giới”. Vấn đề an ninh tiếp tục thường trực ở khu vực biên giới I-xra-en - Pa-le-xtin. Làn sóng phản đối, nổi dậy lan rộng ở Bắc Phi và Trung Đông đe dọa an ninh cá nhân và là nguyên nhân hạ kéo xếp hạng chất lượng sống của khu vực xuống. Mức xếp hạng rớt mạnh đối với các thành phố nơi căng thẳng biến thành bạo loạn, như ở Li-bi, Ai Cập, Tuy-ni-di và Y-ê-men. Chính quyền một số nước, như Các tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE) hay I-ran, siết chặt kiểm soát an ninh do lo ngại làn sóng “Mùa xuân A-rập” tràn tới. Bạo lực ở Cốt Đi-voa, nội chiến ở CHDC Công-gô, cùng với đói nghèo tiếp tục hoành hành ở châu Phi là lý do khiến các thành phố ở “lục địa đen” được coi là có chất lượng cuộc sống thấp nhất thế giới.
10 thành phố có chất lượng sống cao nhất thế giới:
1. Viên (Áo)
2. Du-rích (Đức)
3. Ô-clen (Niu Di-lân)
4. Mu-ních (Đức)
5. Đuy-xen-đóp (Đức)
6. Van-cu-vơ (Can-na-đa)
7. Phrăng-phuốc (Đức)
8. Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ)
9. Béc-nơ (Thụy Sĩ)
10. Cô-pen-ha-ghen (Đan Mạch)