Bắt nhịp “làn sóng” chuyển đổi nông nghiệp xanh

Thị trường quốc tế đang chuyển sang các sản phẩm xanh khi cả người bán lẻ và người tiêu dùng thực phẩm đều đòi hỏi tiêu chuẩn bền vững cao đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu. Không nằm ngoài xu hướng đó, nông nghiệp Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng xanh hóa, phát thải carbon thấp trên cơ sở sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào sản xuất và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
0:00 / 0:00
0:00
Ngành lúa gạo Việt Nam đang hướng tới mục tiêu giảm phát thải. Ảnh | LÂM MINH NHẬT
Ngành lúa gạo Việt Nam đang hướng tới mục tiêu giảm phát thải. Ảnh | LÂM MINH NHẬT

Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) năm 2021 tổ chức tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh), Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 với mục đích hài hòa các mục tiêu tăng trưởng, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Giá trị lớn từ xanh hóa sản xuất

Năm 2023, lần đầu tiên Việt Nam bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng). Việc bán tín chỉ carbon nằm trong thỏa thuận chi trả phát thải khí nhà kính (ERPA) vùng Bắc Trung Bộ được ký ngày 22/10/2020 giữa Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Ngân hàng Tái thiết & Phát triển quốc tế thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới. Nguồn tiền bán tín chỉ carbon sẽ chi trả cho các chủ rừng được giao quản lý rừng tự nhiên và các đơn vị, đối tượng có liên quan để thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, góp phần giảm mất rừng, suy thoái rừng và nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng. Đây là bước khởi đầu quan trọng khai thác tiềm năng tín chỉ carbon rừng, hướng đến phát triển thị trường carbon- “chìa khóa” cho chuyển đổi xanh thành công.

Cũng trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1490/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Theo đó, trong canh tác, sẽ giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70 kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới; 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững. Từ đó sẽ giảm hơn 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Tại Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững năm 2023, Việt Nam đã cam kết hành động mạnh mẽ để bảo đảm hệ thống lương thực thực phẩm thích ứng thông minh với tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, các loại dịch bệnh, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cải thiện và đa dạng hóa nguồn sinh kế, thu nhập cho các nông hộ. Do đó, “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” là đề án quan trọng, phải nỗ lực hết sức để thực hiện thành công, trong đó quan tâm đặc biệt đến tiêu chí giảm phát thải khí nhà kính. Việt Nam đang phấn đấu trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới sản xuất và xuất khẩu gạo chất lượng cao, phát thải thấp; Đồng thời trở thành một trong những nước đầu tiên cấp tín chỉ carbon để tăng thêm thu nhập cho nông dân trồng lúa.

Theo ông Cao Thăng Bình - Chuyên gia nông nghiệp cao cấp, Ngân hàng Thế giới, lúa gạo hiện chiếm 48% tổng lượng phát thải khí nhà kính trong ngành nông nghiệp. Trong Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) từ năm 2015-2022 triển khai với 156.000 hộ nông dân trên 184.000 ha đất trồng lúa ở 8 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, canh tác lúa gạo bền vững đã tăng lợi nhuận 30% và giảm phát thải 1,5 triệu tấn CO2tđ/năm (8 tấn/ha/năm).

“Tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính trong chuỗi giá trị lúa gạo ở vùng đồng bằng sông Cửu Long là rất lớn. Cụ thể, khi triển khai kỹ thuật canh tác “1 phải 5 giảm”, trên 1 triệu ha lúa sẽ giảm 5 triệu tấn CO2tđ/năm; Chuyển đổi 500.000 ha lúa có hiệu suất thấp/kém hiệu quả sang hệ thống canh tác thay thế với lượng khí thải thấp sẽ giảm 2,5 triệu tấn CO2tđ/năm; Tận dụng rơm rạ để ủ phân hữu cơ giảm 2,5 triệu tấn CO2tđ/năm; Giảm thất thoát sau thu hoạch từ mức hiện tại 13% xuống 7% sẽ giảm 1,0 triệu tấn CO2tđ/năm. Như vậy, nếu áp dụng đồng thời các biện pháp sản xuất, chế biến, thu hoạch thì có thể giúp đồng bằng sông Cửu Long giảm khoảng 11 triệu tấn CO2tđ mỗi năm chỉ riêng từ chuỗi ngành hàng lúa gạo”- ông Cao Thăng Bình phân tích chi tiết.

Bắt nhịp “làn sóng” chuyển đổi nông nghiệp xanh ảnh 1

Chăm sóc dưa lưới Công ty cổ phần Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DELCO, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh | TRẦN HẢI

Dồn sức cho tăng trưởng xanh

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước đạt 53,01 tỷ USD, trong đó nhiều ngành hàng có kim ngạch cao kỷ lục như: lúa gạo 4,78 tỷ USD, rau quả 5,69 tỷ USD, cà-phê 4,18 tỷ USD... Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới nhận định rằng, cùng với những thành tựu đạt được, nông nghiệp Việt Nam cũng đang là nhân tố lớn góp phần vào phát thải khí nhà kính. Đây là lĩnh vực phát thải cao thứ hai, chiếm khoảng 19% tổng lượng phát thải quốc gia vào năm 2020. Do đó, khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong xuất khẩu nông sản có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự chú ý ngày càng cao của quốc tế đối với lượng khí thải carbon trong các mặt hàng xuất khẩu. Thực tế, từ năm 2022, nông, lâm nghiệp đã là một trong 6 lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Không thể chần chừ, cũng không thể có bước lùi, ngành nông nghiệp Việt Nam phải huy động tổng lực để thực hiện mục tiêu giảm phát thải, trong đó có sự tham gia chủ lực của người sản xuất và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản.

Theo Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững (IDH), Việt Nam là nước sản xuất cà-phê lớn thứ hai thế giới, sau Brazil và là nước xuất khẩu cà-phê Robusta lớn nhất thế giới. Năm 2023, giá cà-phê xuất khẩu ghi nhận mức cao kỷ lục 2.834 USD/tấn, tăng 14,1% so với năm 2022. Giá cà-phê trong nước cũng liên tục lập đỉnh, mang lại lợi nhuận lớn cho người trồng cà-phê. Tuy nhiên ngành hàng này hiện sử dụng nhiều phân bón và nước tưới hơn cần thiết, dẫn đến mức phát thải khí nhà kính cao. Biến đổi khí hậu là mối đe dọa tiềm tàng đối với ngành cà-phê, đòi hỏi phải xem xét lại các hệ thống canh tác và triển khai những can thiệp cấp thiết liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính.

Chương trình “dấu chân carbon” trên sản xuất cà-phê của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) là một thí dụ điển hình cho nỗ lực giảm phát thải. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc phát triển nông nghiệp bền vững Simexco DakLak cho biết: Năm 2022, chương trình “dấu chân carbon” triển khai thu thập dữ liệu 40 hộ nông dân tại vùng Krông Năng để phân tích lượng phát thải. Theo kết quả phân tích, lượng phát thải là 1,06 kg CO2/kg cà-phê nhân. Tại Tây Nguyên, dữ liệu được thu thập tại bốn vùng gồm: Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông với tổng 2.562 mẫu, trong đó lượng phát thải bình quân của các vùng tại Tây Nguyên là 1,83 kg CO2/kg cà-phê nhân. Đáng chú ý, mức phát thải tại Đắk Lắk thấp nhất là 1,7 kg CO2/kg cà-phê nhân.

Điều này đã chứng minh được sự tác động tích cực của các chương trình bền vững do Simexco DakLak triển khai trên cơ sở tăng cường sử dụng hiệu quả nước, năng lượng, vật tư nông nghiệp, quản lý phế phụ phẩm nông nghiệp. Đơn cử như chương trình “Dự án thử nghiệm mô hình không phát thải carbon trong sản xuất cà-phê quy mô nông hộ” dưới sự tài trợ của Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) và Công ty JDE PEET’s, với quy mô 8.818 nông hộ trên 9.826 ha tại 3 xã Ea Tân, Ea Toh, Dlie Ya (huyện Krông Năng), vừa ổn định thu nhập cho nông dân vừa góp phần bảo vệ môi trường, thực hiện tăng trưởng xanh.

Trong khi đó, ngành lúa gạo cũng đang dồn sức cho việc hiện thực hóa mục tiêu 1 triệu ha lúa phát thải thấp. Phó Cục trưởng Trồng trọt Lê Thanh Tùng cho biết: Bên cạnh việc xác định rõ vùng trọng tâm để lập dự án đầu tư, thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tập trung huy động hỗ trợ từ các quỹ, các tổ chức quốc tế, các Chính phủ và tổ chức phi chính phủ, đại sứ quán các nước trong triển khai các chương trình giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa gạo; Tiếp cận các nguồn hỗ trợ kỹ thuật và tài chính không hoàn lại từ nguồn tài chính Chuyển đổi tài sản carbon (TCAF) của Ngân hàng Thế giới để xây dựng hệ thống Đo đạc-Báo cáo-Thẩm định (MRV); Hình thành tổ chức và đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ MRV và cấp tín chỉ carbon, hướng tới thị trường tín chỉ carbon trong và ngoài nước để tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời khẳng định tính bền vững, trách nhiệm của nền nông nghiệp.