"Bảo tồn chọn lọc" và sự nhầm lẫn khái niệm

NDO - Khi đề cao quan điểm "bảo tồn có chọn lọc", người ta quên mất rằng: Văn hóa chỉ có sự khác nhau, không có sự cao thấp. Việc "bảo tồn có chọn lọc" vô hình chung đã tạo ra sự nhầm lẫn giữa các khái niệm "văn minh" và "văn hóa", tạo ra sự bất bình đẳng khi một số yếu tố bị xếp là "lạc hậu", là "xấu", một số khác lại được đề cao là "tiến bộ", là "tốt".

Sự bất cập của lý thuyết

Tiêu chí để phân biệt ranh giới "tốt" - "xấu", "tiến bộ" - "lạc hậu" của những thực hành văn hóa rất mong manh và nhiều khi chỉ là quan điểm của những người có quyền ra quyết định. Các nhà quản lý văn hóa cho rằng, họ có thể can thiệp vào những hoạt động văn hóa của cộng đồng và quy định những hoạt động nào có giá trị cần bảo tồn (như dân ca, nhảy múa, nghề thủ công...); những hoạt động nào là mê tín dị đoan, lạc hậu, tốn kém cần xóa bỏ (như cúng bái, hầu đồng, đốt mã, xem bói...)... Việc không phân biệt nổi "văn hóa" và "văn minh" đã dẫn đến hệ quả đang hiện hữu là việc "vọng ngoại" một cách mù quáng khiến cho một bộ phận dân cư coi văn hóa dân tộc là lạc hậu, lỗi thời. Ðể có được văn minh, hiện đại, họ cố sống cho giống với phương tây, với Mỹ, với Nhật Bản, với Hàn Quốc, với người Kinh... Thậm chí còn có quan điểm khẳng định rằng: "Sự suy tàn của lễ hội là tất yếu vì lễ hội là biểu thị của văn hóa, những biểu thị cổ xưa nay không còn phản ánh được nhịp điệu nội dung của cuộc sống hiện đại thì phải bị lịch sử bỏ qua".

Những "ứng phó" của người dân

Thực tế chứng minh, người dân chính là chủ nhân xây dựng nên các di sản, di tích, tạo ra các lễ thức và thực hành lễ thức. Không ai hiểu những điều này hơn chính họ. Ngay cả khi không được thừa nhận một cách "chính thống", văn hóa vẫn có mạch ngầm chảy riêng của nó.

"Ông Hiệu" và "Cô Tướng" trong hội Gióng vẫn được nhân dân yêu quý, trọng vọng dù hội Gióng cũng trải qua những năm cách quãng vì kinh tế khó khăn, bị lược giản nghi lễ để tiết kiệm. Bản thân những người tham gia trong những vai này cũng tin rằng mình sẽ gặp nhiều may mắn (học giỏi, khỏe mạnh, làm ăn phát đạt...). Người ta vẫn thấy những giá đồng và hát văn ở nhiều nơi thờ mẫu dù một thời gian dài loại hình này bị coi là mê tín dị đoan và tốn kém. Ở Tây Nguyên, một thời tục "ăn trâu" bị cấm do sợ làm hại nguồn sức kéo, sợ hoang phí tiền bạc và thời gian... người dân vẫn thịt trâu làm mâm cúng nhưng đành bỏ việc làm lễ đâm trâu và đánh cồng chiêng trong lễ cúng.

Việc "bảo tồn có chọn lọc" đã "chọn" ra một số di sản và thực hành văn hóa "tốt", có "giá trị truyền thống", mang "bản sắc tộc người" để khuyến khích, ưu tiên bảo tồn. Tuy nhiên việc "bảo tồn và phát huy" di sản văn hóa lại được "sân khấu hóa" theo kiểu "hội diễn", "liên hoan", "thi có thưởng" do phòng văn hóa tổ chức (!).

Trong sự phát triển của các tour du lịch hôm nay, cồng chiêng được trình diễn bởi các câu lạc bộ và mang lại một nguồn thu nhập khá. Các em thiếu niên tham gia những nhóm biểu diễn do các câu lạc bộ này tổ chức chỉ cần nhanh chóng "học" vài bài chiêng "vui" nhất là được du khách hoan nghênh (và sẵn lòng trả tiền) trong khi những người già, những nghệ nhân thực thụ thì buồn rầu cho rằng "Việc dạy chiêng cho bọn thanh niên là việc của họ (các câu lạc bộ) chứ không phải của tôi". Không thể trách các em đó, có lẽ còn cần khen chúng thông minh, nhanh nhạy thích ứng với việc làm kinh tế. Nhưng lời than thở của những người già đang đặt ra những câu hỏi với những người nghiên cứu và những người quản lý văn hóa. Cũng tương tự như thế, việc biểu diễn múa Chăm ở tháp Bà (Nha Trang) theo "kiểu bây giờ" để chiều du khách muốn "xem tháp, lễ Bà" hơn là thưởng thức văn hóa Chăm, âu cũng là hệ quả của vòng xoáy kinh tế thị trường khó cưỡng...

Sự biến đổi kinh tế, xã hội làm cho những bối cảnh thực hành văn hóa biến đổi và phát triển. Trong tâm thức người dân, sự thiêng của di tích, của nghi lễ cũng biến đổi theo thế cuộc. Ðể bảo tồn được di sản văn hóa, đặc biệt là những di sản văn hóa tinh thần - không thể bằng cách đóng băng, bảo tồn nguyên trạng mà phải để nó "sống", bảo tồn nó trong sự phát triển.