Bản sắc trong sáng tác văn chương

NDO - Chúng ta vẫn thường nói đến truyền thống Ðông phương, cụ thể hơn: truyền thống văn hóa Việt Nam. Các câu đại loại: cần phải bảo tồn bản sắc, cách tân "học đòi" không phù hợp với văn hóa người Việt. Nhưng thế nào là bản sắc, truyền thống?

Thơ Ðường luật trước đó có là truyền thống Việt? Hay Thơ Mới thời Tiền chiến? Bản sắc thơ Việt có cái nào na ná thơ tự do không vần của Nguyễn Ðình Thi hay thơ tự do của nhóm Sáng Tạo ở những năm đầu thập niên sáu mươi không? Hỏi ngôi tháp Chàm kia có bao nhiêu phần trăm là Ấn Ðộ, bao nhiêu là Chăm? Nhưng muốn được là tháp Chàm, người nghệ sĩ đã phá nhiều, rất nhiều (tiếp thu sáng tạo - như chúng ta thường nói thế). Quá trình ấy, vô thức (bản sắc cũ) và ý thức (tài năng nghệ sĩ) cùng có mặt. Tài năng cá nhân càng lớn thì phần "phá" càng vượt trội. Một khi có đột biến trong sáng tạo, chúng ta gọi đó là thiên tài.

Như vậy, bản sắc chính/ đa phần là cái gì đang chuyển động hình thành chứ không/ ít là thứ đã đóng băng. Muốn làm nên bản sắc, con người sáng tạo phải thật sự dũng cảm. Bởi mãi lo khư khư ôm lấy bản sắc (cũ), chúng ta đã tự cách ly và cô lập mình với chung quanh. Và, chẳng nhích lên tới đâu cả.

Lại nữa: Thế nào là phù hợp với thẩm mỹ dân tộc? Chúng ta thử quá bộ vào một phòng triển lãm tranh Cổ điển hay Hiện thực, dù trình độ nghệ thuật hạn chế tới đâu ta cũng có thể mơ hồ nhận ra bức này đẹp (giống), bức kia xấu (không thật). Rồi, thử dời gót sang phòng tranh lập thể, chắc chắn ta sẽ rối mù lên. Mà lập thể đã có mặt ở phương Tây gần thế kỷ rồi. Một khi chưa biết gì về hệ mỹ học của trường phái lập thể, ta không hiểu, không thể thưởng thức thì có gì đáng trách. Trách chăng khi ta đứng giữa phòng triển lãm kia và la lối rằng các họa sĩ phương Tây vẽ rối mò, bức nào cũng như bức nào, tôi chẳng hiểu gì hết!

Ðâu phải cả trăm bức tranh mới lạ kia đều đẹp. Muốn thưởng thức nó, và nhất là muốn biết nó đẹp/ xấu thế nào, cần được kinh qua trường lớp, bằng tiếp xúc thường xuyên, nhất là qua giới thiệu phân tích của các nhà phê bình tay nghề cao. Không thể khác. Nhìn từ hướng ngược lại, chính bởi người đọc chưa được trang bị tri thức căn bản về phong trào văn nghệ mới, nên họ dễ bị kẻ cách tân dỏm lừa mị, qua mặt. Trường hợp của lãng mạn và hiện thực cũng thế.

Thử điểm vài giọng thơ Việt của thế hệ qua, đính kèm vài phản ứng của các đại biểu của chúng. Tại sao các thế hệ thơ không thể chấp nhận nhau, dù họ đều là trí thức hàng đầu ở thời đại họ? Nhìn ngược về quá khứ, Hồ Xuân Hương "tiếp nhận" thể thơ Ðường luật cũ để làm nên mấy chục bài thơ bất hủ, với đề tài mới, ngôn từ mới, tư tưởng mới; hay Nguyễn Du, dù đề tài vẫn là đề tài cũ, tư tưởng cũ, ngôn từ thơ và thi ảnh cũ, nhưng bằng tài năng của mình ông đã làm trương nở tối đa lục bát truyền thống dân tộc, để tạo nên kiệt tác. Hồ Xuân Hương hay Nguyễn Du không nhiều thì ít đã chịu sự dị nghị của người đương thời, nhưng chính tên tuổi họ đã làm cho chữ nghĩa Việt Nam xuất hiện lồng lộng trên bầu trời văn chương thế giới.

Khi nhìn nhận bản sắc và truyền thống là cái gì động, thì cứ hãy để cho các hệ mỹ học sáng tạo cùng tồn tại, cạnh tranh và phát triển. Cuộc cạnh tranh thơ ca hôm nay cũng thế, nó cần có môi trường lành mạnh, để các giọng thơ, các trào lưu, hệ mỹ học khác nhau cùng tồn tại và tranh đua, đẩy nền thơ ca Việt dấn tới.

Ðâu phải cái mới nào cũng hay, khả năng chinh phục được người thưởng thức nghệ thuật. Ngay thời Thơ Mới, Hoài Thanh phải đọc và sàng lọc cả mấy vạn bài thơ mới mới chọn ra được vài trăm bài ưng ý (mà chắc gì Hoài Thanh đã có lý hết). Hôm nay không là ngoại lệ: các sáng tạo mang tính đột phá đang làm cuộc chinh phục người đọc của mình. Họ đòi hỏi lớp nhà phê bình mới, độc giả mới, từ đó giành được thành tựu mới cho văn học Việt Nam. Và, chính thành tựu từ nỗ lực đó sẽ làm nên bản sắc độc đáo cho ngày mai.