1. Cứ cữ sắp sang tháng Chạp là bắt đầu mùa gọt thủy tiên. Mùa thủy tiên, người ta phải thay đổi cả nếp ăn nếp ở vì cây, vì hoa. Những củ thủy tiên được nhập về, nom không khác những củ hành tây, điều khác là những củ mọc thành cụm. Trước tiên, ngâm củ thủy tiên vào nước vài ngày. Thay nước liên tục cho lớp áo ngoài cùng bợt đi. Nhựa trong củ phai bớt ra thì sau củ mới cho mầu trắng ngọc ngà. Vài ngày ngâm rửa như thế, mới bắt đầu một trong những quy trình then chốt - gọt thủy tiên. Tôi từng đôi lần chứng kiến nghệ nhân Nguyễn Phú Cường gọt thủy tiên. Ông mài sắc con dao rồi mới bắt đầu công việc. Ngồi ngay ngắn, nâng củ thủy tiên trên tay như thực hiện một nghi lễ tâm linh. Con dao bén đi mấy đường. Một mầu xanh non mờ mờ hiện ra. Ðấy chính là những mầm lá, mầm hoa. Lại gọt tiếp những bẹ củ để mầm lộ hẳn ra. Công đoạn gọt thủy tiên gần như quyết định thành công của một bát thủy tiên sau này. Vì sao lại phải gọt khi lá, giò hoa mới là những mầm vẫn đang ngủ yên trong củ? Ðấy là vì, nếu không “tác động” sớm, từ trước khi những cái mầm nhú lên, thì tất cả lá, giò hoa, đều lên thẳng đuỗn như những mớ hành!
Chẳng biết thú chơi hoa thủy tiên ngày Tết có tự bao giờ, nhưng ở Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20, những người hay chữ, những gia đình trâm anh thế phiệt, ai cũng chơi thủy tiên. Ðền Bạch Mã xưa có cuộc thi hoa thủy tiên. Những bậc văn tài của Thăng Long - Kẻ Chợ như Nguyễn Tuân, Vũ Bằng… đều dành những trang hay nhất của mình dành cho hoa thủy tiên. Riêng cụ Vũ Bằng, hồi lưu lạc phương nam, nhớ về quê cũ, còn viết cả một tác phẩm “Ăn Tết thủy tiên” kể về thú chơi thủy tiên của thầy mình.
Ðất nước trải qua chiến tranh, bom đạn. Thú chơi hoa thủy tiên mất hẳn. Phải đến những năm gần 2000, khi tiết đông chí sang, mới bắt đầu thấy bán củ thủy tiên ở các chợ hoa. Người mê thủy tiên độ nọ mua củ thủy tiên về gọt chơi. Nhưng tất cả đều… gọt sai hết. Vì nửa thế kỷ không ai chơi, tinh hoa xưa các cụ đem về giời cả. Nghệ nhân Nguyễn Phú Cường biết đến hoa thủy tiên từ hơn bảy mươi năm trước, khi ông ngoại, nhà trên phố Sinh Từ (nay là Nguyễn Khuyến) mê hoa thủy tiên. Ông bắt đầu gọt thủy tiên năm 1996. Bảy, tám năm liên tục, năm nào cũng tìm tòi tài liệu và thử nghiệm đủ cách khác nhau. Bảy, tám lần đón xuân với bát thủy tiên lá cứ thẳng đuồn đuỗn. Giò hoa cao ngỏng cao nghều. Phải đến đầu những năm 2000, khi gặp cụ Phạm Hữu, Việt kiều từ Mỹ về, cụ Phạm Hữu mới hướng dẫn ông một số tuyệt kỹ gọt thủy tiên. Bấy giờ, tinh hoa mới được tìm lại. Nghệ nhân Nguyễn Phú Cường ngộ ra những bí quyết của người xưa. Nhát dao phải đi một đường thật ngọt dọc những chiếc lá đang ủ mầm. Tùy độ nông sâu, sau này chiếc lá sẽ cong cỡ nào. “Chuẩn vị” thủy tiên xưa, lá phải xoăn, thấp, những bông hoa cao lêu đêu cũng là hỏng. Vì thế, ngay từ lúc gọt, đã phải hình dung ra sau này dáng thế bát thủy tiên sẽ ra sao. Tác động nhiều, hay ít vào mầm hoa, mầm lá sẽ cho những kết quả khác nhau. Cao hay thấp, phải tạo nên một bố cục tổng thể hài hòa mới là đẹp. Và yêu cầu nhất quyết bông hoa không được ngửa lên. Giò hoa vươn lên, nhưng bông hoa phải hơi cúi xuống, như thiếu nữ dẫu đẹp kiêu sa, vẫn phải có nét e lệ. Ðấy mới là cái đẹp Á Ðông. Nếu bông hoa nghểnh mặt lên thì lại hóa kênh kiệu mất rồi. Cái lý của người chơi hoa thủy tiên là thế!
2. Sau cuộc kỳ ngộ ấy, nghệ nhân Nguyễn Phú Cường đã thành công. Bây giờ, người Hà Nội vẫn gọi nghệ nhân Nguyễn Phú Cường là “tổ nghề” gọt thủy tiên thời hiện đại. Gần như tất cả những người mê vẻ đẹp của hoa thủy tiên ở Hà Nội nếu không phải học trò, thì cũng ít nhiều tham khảo kỹ thuật gọt, chăm sóc thủy tiên của ông.
Gọt thủy tiên khó, nhưng đấy mới là khởi đầu. Gọt xong, củ thủy tiên bị tổn thương, cho nên nhất thiết hằng ngày phải “tắm rửa” vài lần bằng nước thật sạch. Nước bẩn là củ bị thối liền. Nhiều người phải tích nước mưa trong nhà là vì thế. Nếu dùng nước máy, thì phải để ra ang, ra chậu nhiều ngày rồi mới dùng. Kế đến là thời tiết. Trời nồm hoa dễ nở sớm. Gió bấc mạnh, ngóng mãi không thấy giò hoa đâm lên. Tùy thời tiết mà thúc, hay hãm cho phù hợp. Gọt xong rồi, hằng ngày phải chỉnh lá, chỉnh hoa sao cho tạo nên bố cục đẹp. Bát thủy tiên được coi là đẹp, nếu đạt được “ngũ phẩm”: Ðẹp hoa, đẹp lá, đẹp rễ, đẹp thân và tổng thể dáng thế hài hòa. Nếu muốn chỉnh lá, phải đợi thời điểm dễ “nắn” nhất là khoảng bảy, tám ngày sau khi gọt. Nghệ nhân Nguyễn Phú Cường bảo, đấy là lúc chiếc lá “ngoan” nhất. Kinh nghiệm ấy không dễ gì có được. Nó phải trải qua cả quá trình đúc kết theo năm tháng. Bộ rễ của bát thủy tiên phải trắng ngần. Dù bố cục thế nào, thì bộ rễ vẫn phải được phô ra vẻ đẹp.
Ở Hà Nội, anh Phùng Thế Minh là người đầu tiên thuộc thế hệ 7x gọt thủy tiên. Anh cũng là học trò của nghệ nhân Nguyễn Phú Cường. Anh tâm sự: “Nếu nhìn qua, thì người ta sẽ nhận xét công việc này là cầu kỳ, tỉ mỉ. Nhưng nếu đã yêu và chơi rồi, thì mình muốn nói đó là sự “nhập tâm”. Không nhập tâm, không tạo nên được những bát hoa đẹp. Với cá nhân mình, có lẽ do duyên nợ và có người hướng dẫn, cho nên mình gọt thành công ngay từ những lần đầu thực hiện. Tuy nhiên, để có được bát thủy tiên được coi là tác phẩm, phải trải qua quá trình dài đúc rút kinh nghiệm. Nhưng với mình, hoa thủy tiên không chỉ đẹp ở hình thức. Cái đẹp chính là ở những câu chuyện về hoa thủy tiên xưa nay. Câu chuyện về sự gắn bó, về hành trình chinh phục cái đẹp, câu chuyện về tu tâm dưỡng tính khi đến với cái đẹp”. Anh Phùng Thế Minh nhớ lại những ngày đầu mới gọt, chỉ có hai thầy trò đơn độc. Nhưng bây giờ đã hình thành một “cộng đồng hoa thủy tiên”. Có những bạn trẻ mới đôi mươi cũng đã thành thạo các kỹ thuật. “Ngày xưa, các cụ thi hoa thủy tiên, cho nên các cụ “giấu nghề”, còn bây giờ, mọi người thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm trực tiếp lẫn qua mạng xã hội, có một số nhóm trên Facebook hoạt động khá mạnh, cơ hội học hỏi nhau là rất lớn”, anh Phùng Thế Minh chia sẻ.
3. Ở Hà Nội có một địa chỉ độc đáo. Ðó là “Ngôi nhà hoa thủy tiên” của chị Nguyễn Thanh Thủy trên phố Lạc Long Quân. Mê hoa, chị cũng gọt từ sớm, và “gọt sai” suốt nhiều năm. Mãi sau này, chị mới học được những bí quyết để gọt được bát thủy tiên đẹp. Mê mẩn cái đẹp “ngũ phẩm”, chị muốn có một không gian để mọi người học hỏi, giao lưu… Trong tháng Chạp, mỗi tuần một lần, những người trong “cộng đồng hoa thủy tiên” tụ họp lại, người đem củ hoa, người đem thành quả bát hoa đến để cùng trao đổi, chiêm nghiệm.
Có mặt tại “Ngôi nhà hoa thủy tiên” trong một ngày cuối năm, đúng hôm chị Nguyễn Thanh Thủy mời được nghệ nhân Nguyễn Phú Cường và anh Phùng Thế Minh đến để hướng dẫn, chia sẻ cùng mọi người. Vẫn một thái độ nghiêm cẩn như thế, nghệ nhân Nguyễn Phú Cường bắt đầu bằng việc nhận xét về những bát hoa với học trò. Ông nâng bát hoa trên tay, nhận xét về ưu điểm, nhược điểm rồi nói với mọi người: “Hoa thủy tiên giống như người thiếu nữ. Chỉnh sửa hoa cũng quan trọng, nhưng không được can thiệp thô bạo. Nhất thiết vẫn phải tôn trọng cái dáng tự nhiên từ lúc gọt mà thành”. Kế đến, hai người bắt tay vào gọt củ “thị phạm” để mọi người học hỏi. Trong không gian ấm áp của “Ngôi nhà hoa thủy tiên”, mỗi người đều ấp ủ cho mình một bát hoa nở đúng dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Chị Nguyễn Thanh Thủy chia sẻ: “Mình cũng không ngờ giờ có nhiều người chơi hoa thủy tiên đến thế. Trong nhóm của mình, có gia đình cả mẹ, con dâu, con rể đều chơi hoa. Mình tự hào vì một nét đẹp Tràng An đang lan tỏa”.
Tâm tình cùng mọi người, lão nghệ nhân Nguyễn Phú Cường không quên dặn dò: “Cái đẹp nhất của thủy tiên, chính là cái đẹp khi người ta chăm hoa, để rồi rèn tâm tính của chính mình”.