Vực thẳm bên bờ sông Nile

"Hãy tưởng tượng rằng cả một thành phố có quy mô tương đương thủ đô Luân Đôn (của nước Anh) bắt buộc phải di dời. Những gì đang diễn ra tại đây (Sudan) cũng giống như vậy, nhưng hơn thế, điều này diễn ra trong những mối đe dọa không ngừng của súng đạn, nạn đói, bệnh tật, cũng như các dạng bạo lực về sắc tộc và giới tính" - bà Amy E.Pope, Tổng Giám đốc Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) của Liên hợp quốc, mô tả.
0:00 / 0:00
0:00
Những sinh mệnh bị cuốn đi, theo dòng chiến sự ở Sudan. Ảnh: WFP
Những sinh mệnh bị cuốn đi, theo dòng chiến sự ở Sudan. Ảnh: WFP

MỘT thảm họa nhân đạo nữa đã hiện hữu, và đó thậm chí còn có thể "vươn lên" trở thành thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế giới, trong sự bất lực của cộng đồng quốc tế.

Theo số liệu mà IOM công bố ngày 10/6, xung đột bạo lực giữa các phe phái tại Sudan đã đẩy hơn 10 triệu người lâm vào cảnh phải từ bỏ ngôi nhà của mình để trốn chạy các cuộc giao tranh, và sống cuộc sống vất vưởng không nhà không cửa.

Không chỉ vậy, có tới hơn hai triệu người khác nữa còn phải sơ tán sang các nước láng giềng, như Cộng hòa Chad, Nam Sudan hay Ai Cập để lánh nạn. "Các nhóm lính đã đốt cháy tất cả! Chúng tôi không còn gì nữa" - Aicha Madar, một người phụ nữ 50 tuổi, run rẩy ôm chặt con gái Fatima và thốt lên, tại một khu vực dành cho người di tản, bên kia biên giới Sudan - Chad.

TUY nhiên, thực tế là mẹ con bà Aicha cũng vẫn còn giữ lại được điều quý báu nhất: Sinh mạng.

Kể từ thời điểm cuộc xung đột mới nhất ở Sudan bắt đầu (tháng 4/2023), khi căng thẳng giữa quân đội và nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) bùng nổ thành các cuộc giao tranh ở thủ đô Khartoum và nhiều khu vực khác, đã có hơn 14.000 người thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương.

Nhưng chưa hết, những điều u tối nhất vẫn còn ở phía trước. Hay nói như Tom Perriello, đặc phái viên Mỹ tại Sudan: "Một trong những thảm cảnh khủng khiếp nhất trên Trái đất lại đang có xu hướng trở nên tồi tệ hơn rất nhiều".

Không gì khác, điều khiến tất cả các tổ chức nhân đạo thế giới lo lắng cùng cực cho người dân Sudan chính là nạn đói. Nạn đói ở Sudan chưa được chính thức tuyên bố, nhưng tình hình có thể căng thẳng đến mức độ: Hơn 220.000 trẻ em có thể thiệt mạng trong những tháng tới, khi cả hai bên đều sử dụng nạn đói như một thứ vũ khí chiến tranh - theo cảnh báo từ Liên hợp quốc.

Trong khi quân đội giữ lại thị thực, giấy phép đi lại và giấy phép vượt qua chiến tuyến, gây khó khăn cho bất cứ hoạt động cứu trợ nào, thì phía RFS cướp phá các xe tải viện trợ và nhà kho, đồng thời dựng lên chướng ngại vật trên khắp các ngả đường.

Hệ thống y tế đang sụp đổ, còn những cánh đồng lúa mì cũng theo nhau trở thành những bãi chiến trường. Quốc gia lớn thứ ba châu Phi đang đối diện một vực thẳm hun hút, nhất là khi tình hình chiến sự cho thấy rằng cả hai phe đều chưa có khả năng giành được chiến thắng quyết định. Xung đột, bạo lực và những hệ quả tàn khốc cứ hằn xuống mảnh đất cổ xưa bên bờ sông Nile này, như những vết dấu di căn.

ĐIỀU đáng sợ nhất, là trong khi Sudan trở thành "sân chơi" của không ít toan tính địa chính trị, từ các quyền lực khu vực cũng như toàn cầu, thì mọi thiết chế đa phương hiện tại lại đều "thúc thủ", trong việc giữ lại sinh mạng cho dân thường - những phận đời bị cuốn vào vô định.

Ngay từ khi xung đột bùng nổ năm ngoái, ông Pierre Honnorat, Đại diện Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) tại Chad, đã ngay lập tức dự báo về viễn cảnh "một cơn bão tố hoàn hảo" ập tới. Nhưng cho đến tận thời điểm này, bà Amy Pope vẫn đang phải thống thiết thúc giục cộng đồng quốc tế có phản ứng thống nhất, và nhấn mạnh: IOM mới chỉ nhận được chưa đến một phần năm số tiền mà tổ chức này kêu gọi hỗ trợ, nhằm ứng phó khủng hoảng ở Sudan.

Và thảm kịch cứ mỗi lúc một trở nên rõ nét hơn, từ mờ mịt. Tháng trước, cơ quan lương thực của Liên hợp quốc cảnh báo: Khu vực Darfur rộng lớn ở phía tây Sudan và nhiều nơi khác có nguy cơ phải đối mặt nạn đói và tử vong trên diện rộng, nếu các bên xung đột không tạo điều kiện cho viện trợ nhân đạo.

Nhưng dường như, không ai sẵn sàng lắng nghe. Mà cũng chẳng có cách nào để ép những phe phái tranh giành quyền lực tại Sudan ấy phải lắng nghe...