Đáp tiếng vọng vẫn chỉ là thinh không

“Ở Gaza, có những người hiện phải sử dụng thức ăn chăn nuôi, uống nước thải. Trẻ em hầu như không có gì để ăn, trong khi những chiếc xe tải viện trợ đang đậu bên ngoài Rafah”... Những thảm cảnh đó, được hé lộ bởi chính bà Hanan Balkhy - người đứng đầu khu vực Đông Địa Trung Hải của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), càng tô đậm thêm câu hỏi day dứt: Bao giờ thì tiếng súng có thể ngớt, trên mảnh đất tang thương này?
0:00 / 0:00
0:00
Một thảm cảnh chưa từng có, trên Dải Gaza.
Một thảm cảnh chưa từng có, trên Dải Gaza.

ĐÓ là một tình cảnh bi thảm chưa từng có, và theo bà Hanan Balkhy, xung đột Israel-Hamas sẽ còn gây những tác động dây chuyền đến công tác chăm sóc sức khỏe trên toàn khu vực, để khiến các ảnh hưởng đối với trẻ em sẽ nghiêm trọng lâu dài.

Từ lâu, Liên hợp quốc đã cảnh báo: Tại Dải Gaza, có khoảng 1,1 triệu người (nghĩa là khoảng một nửa dân số) phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ trầm trọng. Gần đây, trong báo cáo ngày 1/6, WHO đưa ra những minh chứng kinh khủng: Hơn bốn phần năm số trẻ em tại Gaza không có gì để ăn, trong những quãng thời gian có thể kéo dài suốt 72 giờ.

Người phát ngôn của WHO - bà Margaret Harris - nhận định: “Trẻ em (tại Gaza) đang chết dần vì đói”. Kể từ đầu năm, Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) đã tiến hành đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng đối với hơn 93.400 trẻ em dưới năm tuổi ở Gaza. Kết quả, có tới 7.280 trẻ trong số này bị suy dinh dưỡng cấp tính.

Một cách ngắn gọn, tương lai của Gaza đang bị hủy diệt.

THEO các cơ quan viện trợ, tình trạng suy dinh dưỡng gia tăng ở trẻ em tại Dải Gaza phần lớn có nguyên nhân là do các nguồn hàng viện trợ nhân đạo không đến được địa điểm dự định. Tình trạng suy dinh dưỡng đặc biệt phổ biến ở phía bắc Dải Gaza, nơi nhận được rất ít viện trợ trong những tháng đầu nổ ra xung đột.

Tuyến đường chính để hàng viện trợ có thể tiếp cận Dải Gaza là qua cửa khẩu phía nam, thông với Ai Cập. Song, kể từ khi lực lượng Israel giành quyền kiểm soát khu vực này ngày 7/5, không có hàng hóa viện trợ nào được đưa vào Gaza qua cửa khẩu này, cũng không còn bệnh nhân (hay bệnh nhi) nào được chuyển sang Ai Cập để điều trị. Mà tại Gaza, có khoảng 11.000 người bệnh nặng, hoặc bị thương cần được sơ tán y tế.

Một lượng viện trợ nhỏ vẫn được chuyển đến qua cửa khẩu Kerem Shalom giữa Gaza với Israel. Nhưng tình trạng mất an ninh liên quan đến giao tranh và đường sá hư hại cũng cản trở việc phân phối.

Vậy nên, khi bà Hanan Balkhy thống thiết kêu gọi tăng cường tiếp cận viện trợ ngay lập tức tới Gaza, tiếng vang của nó cũng chỉ có thể dội vào tâm trí giới quan sát quốc tế như mọi lời nguyện cầu tương tự đã từng được cất lên liên tiếp kể từ đầu cuộc xung đột. Nghĩa là, gần như hoàn toàn vô vọng.

NGÀY 31/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất một kế hoạch ngừng bắn gồm ba giai đoạn, nhằm giảm leo thang cuộc xung đột giữa Israel và Hamas. Giai đoạn đầu tiên dự kiến kéo dài sáu tuần, trong đó lực lượng Israel sẽ rút khỏi các khu vực đông dân cư ở Gaza.

Lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), ngày 3/6, thể hiện sự đồng thuận với kế hoạch này, và tin tưởng rằng nếu đạt được, thỏa thuận đó sẽ giúp dẫn đến một lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza, trả tự do cho tất cả con tin, đồng thời tạo điều kiện tăng cường cung cấp hàng viện trợ nhân đạo cho người dân ở Gaza với số lượng lớn... Nghĩa là ít nhất, sẽ có thêm nhiều sinh mạng được giật khỏi tay Thần chết.

Tuy nhiên, đến tận lúc bài báo này lên khuôn, Chính phủ Israel vẫn chưa đưa ra quan điểm rõ ràng về đề xuất của Washington, mà cả phong trào Hamas cũng chưa phản hồi chắc chắn. Trong khi đó, ở một hướng khác, lực lượng Hezbollah tuyên bố: Họ đã sẵn sàng đối đầu Israel, trong một cuộc chiến toàn diện.

Dường như, tất cả các bên tham chiến đều không có thời gian, để lắng nghe những câu chuyện bi thương đang được kể lại, trong sự bất lực của WHO…