Vì đã quá đủ đau thương

Đó mới chỉ là một thỏa hiệp nhỏ, một sự nhượng bộ bước đầu. Song, việc Phong trào Hồi giáo Hamas chấp thuận đề xuất sửa đổi từ phía Mỹ, về lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza, dù sao, cũng là một tia sáng hy vọng chiếu xuống những đổ nát.
0:00 / 0:00
0:00
Những cánh dù mang hàng cứu trợ vô giá đến cho Gaza. Ảnh: Time of Israel.
Những cánh dù mang hàng cứu trợ vô giá đến cho Gaza. Ảnh: Time of Israel.

NGÀY 12/3, ông Mohammad Nazzal, thành viên của văn phòng chính trị Hamas, xác nhận với báo Al Arabiya (một tờ báo địa phương): Đại diện của Hamas dự kiến sẽ tới thủ đô Cairo của Ai Cập trong những ngày tới, để thảo luận các chi tiết cuối cùng về việc thực hiện thỏa thuận ngừng bắn.

Điểm đáng chú ý nhất trong những đề xuất sửa đổi được phía Mỹ gợi ý gần nhất, là việc quy định sự trở lại dần dần của những người Palestine đã buộc phải di tản khỏi Gaza. Theo đó, Israel sẽ trả tù nhân Palestine theo tỷ lệ 10 người, đổi lấy 1 con tin bị Hamas bắt giữ.

Đây cũng chưa thể gọi là những bước đột phá nào đó, khi ông Mohammad Nazzal vẫn nhấn mạnh: "Sự hiện diện của Israel bên trong Dải Gaza ngăn cản những người di tản trở về", đồng thời tuyên bố: Hamas sẽ không chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn tạm thời mà Israel đưa ra. Bên cạnh đó, Hamas kiên quyết bảo vệ quan điểm: Việc đưa hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza không thể có bất kỳ điều kiện hay hạn chế nào.

TỪ phương Tây, Cố vấn An ninh quốc gia Nhà trắng Jake Sullivan thông báo: "Chúng tôi cố gắng đạt được một lệnh ngừng bắn kéo dài ít nhất sáu tuần, nhằm trao đổi các con tin, từ đó nỗ lực xây dựng một thỏa thuận lâu dài hơn, nếu Hamas đồng ý thả các con tin phụ nữ, người bị thương và người già".

Đổi lại, Hamas cho biết sẽ chỉ chấp nhận một thỏa thuận dựa trên lệnh ngừng bắn lâu dài nhằm chấm dứt xung đột, bao gồm cả việc Israel rút quân khỏi Dải Gaza, thay vì một lệnh ngừng bắn tạm thời. Hiển nhiên, sự đối lập về quan điểm này (chưa tính đến lập trường không nhân nhượng từ phía Israel) là một nan đề, dành cho các nỗ lực vãn hồi hòa bình, trên mảnh đất đã và đang phải hứng chịu quá nhiều tang thương ấy.

Nhưng dù sao, tháng lễ Ramadan của các tín đồ Hồi giáo cũng đã cận kề, như một "cái cớ" hoàn toàn hợp lý, để các phía dễ "mở lời" đối thoại với nhau hơn, cho dù chưa nhà quan sát quốc tế nào dám chắc chắn về những kết quả tích cực. Cũng trong ngày 12/3, chuyến hàng cứu trợ từ Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đủ dùng cho 25.000 người đã lần đầu vào được bên trong Gaza, kể từ ngày 20/2. Còn trên bầu trời Gaza, thay vì bom rơi đạn nổ, là những cánh dù mang theo hàng viện trợ nhân đạo từ một liên minh quốc tế (bao gồm Ai Cập, Jordan, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất…) hối hả thả xuống. Trong khi đó, Morocco cuối cùng đã thuyết phục được Israel mở một tuyến đường bộ qua biên giới của họ, cho hàng cứu trợ.

Tất cả những diễn biến ấy đều mang một ý nghĩa cao cả, quan trọng hơn mọi thứ khác. Đó là sự ngăn chặn bàn tay tử thần cướp đi thêm không ít sinh mạng của người dân vô tội, bao gồm cả người già, phụ nữ, trẻ em…

SỰ tàn nhẫn của những toan tính địa chính trị lạnh lùng không cho phép giới phân tích đưa ra những dự báo lạc quan hão huyền. Hòa bình đích thực, cũng như một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn, vẫn còn ở rất xa, và sẽ còn đòi hỏi thêm nhiều gấp bội nỗ lực cũng như thiện chí của các kênh trung gian nói riêng, cùng cả cộng đồng quốc tế nói chung.

Tuy nhiên, chuyện xung đột ở Gaza có thể dịu xuống trong tháng lễ Ramadan, với hệ quả vô giá là thêm nhiều người có được cơ hội sống sót, thông qua những thỏa hiệp bước đầu nho nhỏ, hoàn toàn có thể trở thành tiền đề cho một lộ trình chắc chắn sẽ phải diễn ra.

Cuộc xung đột này chắc chắn sẽ đến lúc phải kết thúc, theo cách này hay cách khác. Nhưng, càng nhiều thiện chí thì điểm kết thúc ấy sẽ đến càng sớm, càng bớt được nhiều tang tóc và khổ đau.