Vượt qua "vách đá"

Ít nhất, trên khía cạnh bảo đảm duy trì ngân sách để chính phủ hoạt động trơn tru, năm 2024 đã được xác nhận sẽ trôi qua tương đối "yên bình" với nước Mỹ. Một thực tế tương đối kỳ lạ, so thông lệ của các năm bầu cử.
0:00 / 0:00
0:00
Các "vách đá tài chính" sẽ không xuất hiện, cho đến tháng 10/2024.
Các "vách đá tài chính" sẽ không xuất hiện, cho đến tháng 10/2024.

NGÀY 19/3, tại Quốc hội Mỹ, Chủ tịch Hạ viện, Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Mike Johnson, và lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chuck Schumer thông báo: Hai phía đã đạt được thỏa thuận để duy trì nguồn tài chính cho chính phủ đến hết tài khóa (bắt đầu từ tháng 10/2023), qua đó khởi động việc hoàn thiện và thông qua dự luật nhằm tránh nguy cơ chính phủ đóng cửa.

Đây là sự thỏa hiệp mới nhất tại Đồi Capitol (nơi đặt trụ sở Quốc hội Mỹ) giữa hai đảng, kế tiếp diễn biến ngày 28/2, khi Quốc hội Mỹ đạt được đồng thuận gia hạn tài trợ sáu dự luật chi tiêu đầy đủ cho các bộ-ngành, bao gồm Nông nghiệp, Tư pháp, Thương mại, Năng lượng, Nội vụ, Giao thông vận tải, Nhà ở và Phát triển Đô thị cho đến ngày 8/3.

Vào thời điểm đó, trong một tuyên bố chung, đại diện cả hai đảng nêu rõ: "Chúng tôi đồng ý rằng Quốc hội phải làm việc theo phương thức lưỡng đảng, để tài trợ cho chính phủ của chúng ta".

Còn hiện tại, dĩ nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden hoan nghênh diễn biến tích cực vừa diễn ra, đồng thời bày tỏ mong muốn sớm được ký ban hành dự luật chi tiêu vừa được thông qua.

Dự luật ấy cho phép chi trả khoảng 75% chi tiêu của chính phủ cho tài khóa kết thúc vào ngày 30/9/2024, bao gồm tài trợ cho quân đội, giao thông, nhà ở và an toàn thực phẩm.

Nó cũng bao gồm cả một vấn đề then chốt: Nguồn tài trợ cho Bộ An ninh Nội địa Mỹ, trong bối cảnh lượng người di cư gia tăng ở biên giới Mỹ-Mexico đã trở thành tiêu điểm đáng chú ý. Đây là điều đã tạo nên những cuộc tranh luận nảy lửa giữa hai đảng suốt thời gian qua, với rất ít sự nhân nhượng, khi có liên quan trực tiếp đến chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden và người tiền nhiệm (cũng là đối thủ hiện tại trong cuộc bầu cử sắp diễn ra) Donald Trump.

Tuy vậy, đến lúc này, điểm thỏa hiệp đã hiện hữu, đồng nghĩa với việc các "vách đá tài chính" - "đặc sản" của chính trường Mỹ, nhất là trong những năm diễn ra bầu cử - đã được dẹp bỏ, để các hoạt động thường ngày của Chính phủ Mỹ không thể bị gián đoạn, cho đến ngày cuối của năm tài khóa.

Hiện thực đó chỉ ra rằng cả đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa đều đã nghiêm túc suy nghĩ đến tầm quan trọng của việc bảo đảm ổn định cho guồng máy kinh tế-xã hội.

Hiện tại, bối cảnh nhuốm màu suy thoái toàn cầu khiến mọi dự tính làm dấy lên sóng gió chính trường có vẻ như đều trở nên quá mạo hiểm, so các năm bầu cử trước đây. Đến cả Cục Dự trữ Liên bang (FED), trong những thông điệp mới nhất, cũng vẫn nghiêng về "giải pháp an toàn": Chưa vội vàng nới lỏng chính sách tiền tệ trong ngắn hạn nhằm tiếp tục kiềm chế lạm phát.

CŨNG vẫn tồn tại cả những nghi hoặc và tranh cãi về vấn đề nợ công, khi gánh nặng 34.500 tỷ USD chưa có hướng giải quyết, mà cũng sẽ còn tiếp tục "phình to", bởi dự luật chi tiêu vừa được thông qua nhiều khả năng sẽ làm gia tăng 1.660 tỷ USD ngân sách chi tiêu. Do vậy, cũng không thể loại trừ khả năng: Vào những ngày đầu tiên của năm tài khóa mới, khi cuộc "tranh bá đồ vương" chính thức bước vào chặng quyết định, câu chuyện này sẽ được lật lại, với thêm nhiều "ý vị", cho các buổi diễn thuyết hay những cuộc tranh luận trực tiếp (giữa hai ứng viên tổng thống).

Song, dù sao, sự "xuôi chèo mát mái" dành cho Chính phủ Mỹ trong vòng sáu tháng tới cũng đã là khá "dư dả", để cả hai đảng nỗ lực kiến tạo thêm nhiều triển vọng thực tế, và phác thảo những "tương lai mầu hồng", trong mắt các cử tri.