Nền tảng của hòa bình

Và đó không thể là một khái niệm "hòa bình" chung chung. Đối với ngọn lửa xung đột âm ỉ cháy suốt bao nhiêu năm qua quanh những đền đài cổ kính Jerusalem, nền hòa bình mà dư luận tiến bộ toàn cầu hướng đến vẫn luôn phải đặt trên cơ sở là "giải pháp hai nhà nước".
0:00 / 0:00
0:00
Na Uy, Ireland và Tây Ban Nha chính thức công nhận Nhà nước Palestine.
Na Uy, Ireland và Tây Ban Nha chính thức công nhận Nhà nước Palestine.

ĐỂ xây dựng và hiện thực hóa "giải pháp hai nhà nước", đương nhiên, "điều kiện cần" chắc chắn phải là chuyện: Có hai nhà nước thật sự song song hiện hữu.

Tại Trung Đông, thực tế, từ năm 1993, theo Hiệp định Oslo, Nhà nước Palestine (hay còn được gọi là Chính quyền Dân tộc Palestine đã thực thi một số chức năng của chính phủ tại Bờ Tây cũng như Dải Gaza, trong sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế. Đến năm 2007, thực thể chính trị ấy chính thức trở thành Chính quyền Palestine (PA). Và năm 2012, với Nghị quyết 67/19, Đại hội đồng Liên hợp quốc thừa nhận PA là "nhà nước quan sát viên phi thành viên", trong hệ thống của mình.

Tính chính danh của Nhà nước Palestine, trên lý thuyết, kể từ đó xem như đã được xác lập. Song, cho dù đã được 143 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong số 193 thành viên Liên hợp quốc) công nhận (tính tới trước ngày 28/5/2024), hành trình xây dựng quyền lực nhà nước thực thụ của PA vẫn vấp phải không ít rào cản, mà đến lúc này vẫn chưa thể vượt qua.

BỞI lẽ, "điều kiện đủ" để PA có thể đường hoàng xây dựng nhà nước độc lập, có chủ quyền và lãnh thổ không thể xâm phạm, tiến tới trở thành một quốc gia đúng nghĩa, còn là sự thừa nhận và tôn trọng các cam kết từ phía Israel, giữa những tranh chấp nghìn năm trên cương thổ chồng lấn, cũng như sự công nhận từ các đồng minh của họ.

"Điều kiện đủ" ấy, một cách ngắn gọn, chưa từng được đáp ứng trọn vẹn. Sau Hiệp định Oslo 1993, các cuộc đàm phán liên tục rơi vào bế tắc, bởi hàng loạt vấn đề bất đồng không thể được giải quyết, như người tị nạn Palestine hay quyền kiểm soát Jerusalem... Trong khi đó, được sự hậu thuẫn từ phương Tây, những khu định cư Do Thái mới liên tiếp được xây dựng, ở cả những vùng đất theo lý thuyết thì thuộc về người Palestine.

Và bên cạnh đó, chính nội bộ các phong trào đấu tranh Palestine cũng không đạt được sự gắn bó, đồng thuận, đoàn kết cần thiết. Cộng thêm những làn sóng phản kháng bạo lực gia tăng hết lớp này tới lớp khác, hình hài một "Nhà nước Palestine" đích thực vẫn chỉ là những phác thảo mờ mờ.

Chính là bởi kết cấu hỗn loạn đó của câu chuyện, đến tận ngày 28/5 vừa qua, sau những diễn biến và thảm trạng kinh động bởi chiến dịch quân sự của Israel trên Dải Gaza, ba nước Liên minh châu Âu (EU) là Tây Ban Nha, Ireland và Na Uy mới chính thức công nhận Nhà nước Palestine. Và cũng chính là bởi vậy, động thái này của họ mới trở thành một trong những tâm điểm chú ý của giới quan sát quốc tế, cũng như khơi lên những phản ứng gay gắt từ phía Israel.

NÓI như Thủ tướng Ireland Simon Harris, đây là "thời điểm quan trọng", và "cần có những hành động thiết thực" hướng tới giải pháp hai nhà nước, nhằm chấm dứt cuộc xung đột dai dẳng Israel-Palestine.

Động thái này của ba nước cũng được cộng đồng quốc tế kỳ vọng sẽ khuyến khích nhiều quốc gia khác làm theo, đồng thời gia tăng cơ hội mở lại các cuộc đàm phán hòa bình. Công nhận PA - đó thật sự là cách thiết thực nhất để củng cố nền móng cho "giải pháp hai nhà nước".

Tuy vậy, những phản ứng gay gắt của Tel Aviv, như việc triệu hồi các đại sứ ba nước để tham vấn, vẫn thể hiện rằng sức ép từ dư luận quốc tế còn phải lớn gấp nhiều lần nữa, thì may ra mới có thể khiến họ thay đổi lập trường cứng rắn đến tàn nhẫn của mình. Và ở phía sau, cho dù trên bề mặt vẫn ủng hộ "giải pháp hai nhà nước", Washington cũng nhấn mạnh: Giải pháp ấy nên được thực hiện thông qua đàm phán trực tiếp giữa các bên, chứ không phải dựa trên sự công nhận đơn phương của các quốc gia ngoài cuộc.

Dù sao, với việc Đại hội đồng Liên hợp quốc vừa quyết định trao thêm một số quyền cho Palestine với tư cách "Nhà nước Quan sát viên", và với việc có thêm những sự công nhận quốc tế dành cho PA, hy vọng về hòa bình cũng vẫn có thể tiếp tục le lói cháy, trong mưa bom bão đạn, dưới bầu trời u ám của Gaza...