Vòng xoáy chực chờ

"Bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào các cơ sở sản xuất và xuất khẩu dầu tại Iran đều có thể đẩy giá dầu thô Brent lên mức 100 USD/thùng. Kịch bản phong tỏa Eo biển Hormuz cũng có thể sẽ đẩy giá lên tầm 120-130 USD/thùng". Mây đen lại đang trùm phủ nền kinh tế thế giới, qua nhận định đầy lo lắng của ông Andy Lipow-Chủ tịch Hiệp hội dầu Lipow (Mỹ).
0:00 / 0:00
0:00
Eo biển Hormuz - nơi 20% lượng dầu mỏ thế giới đi qua hằng ngày.
Eo biển Hormuz - nơi 20% lượng dầu mỏ thế giới đi qua hằng ngày.

CÓ lẽ cũng cần nhắc lại, ngày 10/4, nghĩa là trước khi Iran tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa vào Israel nhằm thực hiện trả đũa, giá dầu thế giới cũng đã kịp vọt lên.

Cụ thể, giá dầu Brent tăng 1,06 USD (1,2%) lên 90,48 USD/thùng trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 98 xu Mỹ (1,2%) lên 86,21 USD/thùng. Đây là hệ lụy của tình hình căng thẳng trên Dải Gaza cũng như trên Biển Đỏ, và ngay sau đó, Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) dự kiến giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 88,55 USD/thùng trong năm 2024, tăng so dự báo trước đó là 87 USD/thùng.

Còn sau đêm 13/4, bất kể việc giá dầu Brent chuẩn toàn cầu giảm 0,31% xuống còn 90,17 USD/thùng vào ngày 15/4, các chuyên gia vẫn nhanh chóng phác thảo những kịch bản u ám. Đơn giản, bởi vì giá dầu-nguồn huyết mạch của guồng máy kinh tế toàn cầu-luôn phản ứng rất mạnh mẽ đối với những biến động địa chính trị.

TRUNG Đông-"rốn dầu của thế giới", hơn bất cứ đâu, là điểm nóng có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến nguồn cung dầu thô thế giới, và những khía cạnh liên quan căng thẳng Iran-Israel lại đặc biệt đáng lo ngại.

Yếu tố đầu tiên, theo các nhà phân tích: Iran sở hữu trữ lượng dầu khổng lồ, đồng thời còn là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba tại Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Nếu các đồng minh phương Tây của Israel, nhất là Mỹ, áp đặt thêm những biện pháp trừng phạt nhằm bóp nghẹt lượng dầu xuất khẩu của Iran, đương nhiên nguồn cung sẽ bị ảnh hưởng, trong khi tổng cầu của toàn thế giới không thay đổi. Do đó, giá dầu sẽ đội lên là điều tất yếu.

Nhưng không chỉ vậy, mà còn tiềm ẩn nhiều hiểm họa hơn gấp bội, khả năng Tehran sử dụng quân đội phong tỏa eo biển Hormuz-nơi một phần năm sản lượng dầu toàn cầu được vận chuyển qua hằng ngày là cả một nỗi ám ảnh. Trong quá khứ, từng có không ít lần quân đội Iran tuyên bố họ sẵn sàng bít chặt cửa ngõ yết hầu ấy, nếu thấy cần thiết. Trong trường hợp viễn cảnh này trở thành hiện thực, 20% sản lượng dầu toàn cầu từ Vịnh Persique xem như không có cách nào ra được tới Ấn Độ Dương, để đến với các thị trường.

Hiệu ứng dây chuyền, đương nhiên, là chuyện chi phí dành cho nhiên liệu phục vụ cả sản xuất lẫn vận tải toàn cầu, một lần nữa, có thể bị cuốn vào một vũ điệu điên rồ.

NỀN kinh tế thế giới cũng mới quay cuồng trong vòng xoáy hủy diệt của giá dầu nói riêng và giá năng lượng nói chung, ở quá khứ rất gần, sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt của nước Nga tại miền đông Ukraine bùng nổ. Và hiện tại, việc tiếng nói của OPEC cùng các đối tác (OPEC+) ngày càng giàu trọng lượng hơn trên trường quốc tế, cũng càng khiến nguồn cung dầu thô toàn cầu trở nên dễ bị tổn thương.

Đối với giới chuyên môn, chuyện giá dầu tăng đột biến lên hơn 100 USD/thùng từ lâu đã không còn là chuyện hoang đường. Và nói như chuyên gia Josh Young của tập đoàn Bison Interests (Australia): "Tôi nghĩ giá dầu sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại trong chu kỳ này, do một thập niên thiếu đầu tư vào thăm dò và phát triển".

Đối diện điều tồi tệ hoàn toàn có thể trở thành hiện thực, trong khi các nhà lãnh đạo của thế giới "cân nhắc nặng nhẹ" và cố gắng tìm mọi cách để ngăn chặn các tổn thất thông qua những biện pháp chính trị, thì có lẽ, mọi thành tố của nền kinh tế thế giới cũng phải chuẩn bị sẵn các giải pháp thích ứng, nhằm bảo vệ chính mình trước mọi biến thiên.