Trên lằn ranh lợi ích và rủi ro

Không thể phủ nhận, những bước tiến vũ bão của ngành công nghệ trí tuệ nhân tạo đã và đang trao vào tay nhân loại cơ hội kích hoạt và khai mở các tiềm năng khổng lồ. Song, ở phía tối của hào quang, chuỗi thành tựu đó cũng mang đến không ít âu lo.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị cấp cao toàn cầu về trí tuệ nhân tạo quy tụ đông đảo các đại biểu quốc tế liên quan.
Hội nghị cấp cao toàn cầu về trí tuệ nhân tạo quy tụ đông đảo các đại biểu quốc tế liên quan.

Ngày 21/5, Hội nghị trực tuyến cấp cao toàn cầu về trí tuệ nhân tạo (AI), do Hàn Quốc và Anh đồng tổ chức, đã khép lại với Tuyên bố Seoul: "Chúng tôi nhận thức rằng an toàn, đổi mới và tính toàn diện của AI là những mục tiêu liên quan với nhau. Do đó, việc đưa các ưu tiên này vào những cuộc thảo luận quốc tế về quản trị AI là rất quan trọng, nhằm giải quyết phạm vi rộng các cơ hội và thách thức mà việc thiết kế, phát triển, triển khai và sử dụng AI mang lại".

Cũng mới ngày 17/5, Hội đồng châu Âu (European Council/EC) chính thức thông qua hiệp ước toàn cầu đầu tiên có mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, liên quan các quy định quản lý AI. EC kêu gọi: Các quốc gia không phải là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) cũng hoàn toàn có thể tham gia Công ước khung về AI này.

Hai ngày trước đó nữa, bên kia Đại Tây Dương, một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ công bố lộ trình xây dựng và phát triển Luật Trí tuệ nhân tạo. Nhưng thực tế, từ cuối tháng 3/2024, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua một Đạo luật Trí tuệ nhân tạo được đánh giá là mang tính “lịch sử” – kết quả sau hai năm tiến hành thảo luận nghiêm túc.

Xây dựng nền tảng pháp lý cho việc quản lý ngành AI, như vậy, đã trở thành xu thế mà tất cả các khu vực phát triển trên thế giới đều lựa chọn.

Hồi đầu tháng 3, Interpol đúc kết: Việc sử dụng AI đã dẫn đến các chiến dịch lừa đảo tinh vi và chuyên nghiệp hơn, mà không cần kỹ năng hay kỹ thuật cao, trong khi lại chỉ đòi hỏi chi phí tương đối thấp. Nói cách khác, song song với việc “chắp cánh” cho loài người bay về phía tương lai, đà phát triển thần tốc của AI cũng cung cấp cho giới tội phạm những phương tiện phạm tội hữu hiệu.

Tổng thư ký Interpol Jürgen Stock cảnh báo: “Chúng ta đang phải đối mặt với đại dịch gian lận tài chính ngày càng gia tăng, dẫn đến tình trạng các cá nhân (thường là những người dễ bị tổn thương) và các công ty bị lừa đảo trên quy mô lớn, ở phạm vi toàn cầu”. Cũng theo ông Jürgen Stock, với sự phát triển của AI và tiền điện tử, “tình hình sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn, nếu không có hành động khẩn cấp”.

Hơn thế, khi các thông tin giả (fake news) chưa bao giờ được tạo ra dễ dàng, (có vẻ) chân thực đến thế nhờ công nghệ deep fake và AI, để rồi được lan tỏa với tốc độ chóng mặt trên các nền tảng mạng toàn cầu, thì chúng cũng hoàn toàn có thể trở thành hiểm họa, đủ sức gây thiệt hại trầm trọng cho mọi quốc gia, mọi thể chế nhà nước, mọi chính phủ. Ở một khía cạnh liên quan, việc áp dụng công nghệ AI vào các hoạt động quân sự phục vụ chiến tranh, thực tế, đều được mọi cường quốc chú trọng.

Bởi vậy, chúng ta có thể hiểu vì sao sau khi thông qua Công ước khung về AI, Tổng thư ký EC Marija Pejcinovic nêu rõ: “Đây là hiệp ước toàn cầu đầu tiên, nhằm bảo đảm rằng AI được sử dụng một cách có trách nhiệm, tuân thủ các quy định luật pháp và bảo vệ quyền lợi của người dân. Hiệp ước này cũng yêu cầu các bên cam kết: Hệ thống AI không được sử dụng để làm suy yếu các thể chế”.

Trở lại với “Tuyên bố Seoul”, khi hướng đến tương lai, những định hướng phổ quát cho ngành AI cũng đã được xác lập: “Chúng tôi nhận thức tầm quan trọng của khả năng tương tác giữa các khuôn khổ quản trị AI, theo cách tiếp cận dựa trên rủi ro để tối đa hóa lợi ích…", với sự đồng thuận từ các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) cùng một số quốc gia, đại diện các tổ chức thuộc Liên hợp quốc và EU, cũng như các “nhân vật tên tuổi” của “làng công nghệ” thế giới.

Những lợi ích to lớn mà AI mang lại, như vậy, xứng đáng để loài người chấp nhận mạo hiểm. Xét cho cùng, không ai dại dột tự vùi lấp các “mỏ vàng” dưới những lớp thiên kiến cấm-cản. Tuy nhiên, việc xây dựng một bộ khung pháp lý có tính phổ quát, để thực thi trên phạm vi toàn cầu, nhằm luôn luôn đặt sự phát triển của AI trong tầm kiểm soát của con người, cũng là đòi hỏi tất yếu.