Tiếng vọng phương nam

Chưa bao giờ, Hội nghị An ninh Munich (từ ngày 16/2 đến 18/2) lại mang một diện mạo đa sắc và phong phú đến vậy, từ thành phần đại biểu tham dự đến chương trình nghị sự. Cũng chưa bao giờ, tiếng nói từ Nam bán cầu lại được lắng nghe chăm chú đến vậy, trong những biến thiên khó lường và những thách thức cam go.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Hội nghị An ninh Munich Christoph Heusgen phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich lần thứ 60 ở Đức, ngày 16/2. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Hội nghị An ninh Munich Christoph Heusgen phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich lần thứ 60 ở Đức, ngày 16/2. Ảnh: TTXVN

ĐÂY là lần đầu, Hội nghị An ninh Munich (MSC), diễn đàn quốc tế thường niên đóng vai trò của một kênh chia sẻ quan trọng về những vấn đề liên quan an ninh toàn cầu, chào đón sự hiện diện của các đại biểu đến từ Nam bán cầu, khu vực vốn phần lớn là các nước thuộc địa cũ và những quốc gia đang phát triển, bên cạnh những đại diện truyền thống từ những nước công nghiệp phát triển phương Tây, và Bắc bán cầu.

Góp phần sôi nổi vào các cuộc thảo luận xuyên suốt lịch trình hội nghị, những tiếng vọng từ phương nam mang đến rất nhiều sắc thái mới, thậm chí là những khía cạnh đột phá cho MSC. Hội nghị bao gồm trên dưới 200 sự kiện lớn nhỏ, với sự tham dự của hơn 900 đại biểu, trong đó có khoảng 50 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ.

Đơn cử, trước đây và cho đến hiện tại, các điểm nóng xung đột vẫn luôn là những điểm cốt yếu trong chương trình nghị sự. Song, ở MSC 2024 này, không ít vấn đề khác cũng đã "chiếm sóng". Trong đó, không thể không nhắc tới những câu chuyện xoay quanh các vấn đề cấp bách như biến đổi khí hậu hay di cư do môi trường bị hủy hoại - đây đều là những khúc mắc tồn tại bấy lâu, không chỉ tác động tiêu cực đến cư dân toàn cầu mà còn gây ảnh hưởng trầm trọng đến những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất, tại Nam bán cầu.

KHÔNG chỉ vậy, vai trò mới của các nước phương nam trong bối cảnh thế giới đang tìm kiếm một cơ chế cân bằng địa chính trị mới, được thể hiện ở nhiều phương diện (bao gồm cả những rạn nứt mà một số khu vực đã thể hiện với phương Tây), cũng đã được đề cập.

Cũng không phải ngẫu nhiên, trong phát biểu tại phiên khai mạc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: Cơ chế quản trị toàn cầu theo mô hình hiện nay làm gia tăng tình trạng chia rẽ. "Thế giới đang đối mặt những thách thức hiện hữu nhưng cộng đồng quốc tế lại bị phân tán và chia rẽ sâu sắc nhất trong 75 năm qua" - ông nhận xét và nêu bật sự cần thiết phải xây dựng "một trật tự thế giới mới, vận hành vì tất cả mọi người dân". Ông cũng khẳng định: Nếu các quốc gia hoàn thành nghĩa vụ quốc tế của mình theo Hiến chương Liên hợp quốc thì tất cả người dân trên thế giới đều sẽ được sống trong hòa bình và phẩm giá.

Trong trật tự mới, hay nói cách khác là tương lai mà thế giới đang hướng tới ấy, đương nhiên, vai trò của các nước đang phát triển ở Nam bán cầu sẽ mỗi lúc một trở nên quan trọng hơn. Bởi, như nhận định của bà Ambika Vishwanath, đồng sáng lập và Chủ tịch của Sáng kiến Kubernein (Mumbai, Ấn Độ): "An ninh không còn mang ý nghĩa giống như trước đây, là chỉ bao gồm những khía cạnh quốc phòng và quân sự nữa. Đó còn là những câu chuyện về nguồn nước, thực phẩm, sức khỏe con người. Tất cả những thứ đó đều có mối liên hệ với nhau".

MỘT cách ngắn gọn, trong xu thế đa phương hóa-toàn cầu hóa tất yếu hiện đại, sẽ không có chuyện những gánh nặng mà quốc gia đơn lẻ hay khu vực biệt lập nào đó phải gánh chịu lại không tác động đến cả hệ thống kinh tế-xã hội-chính trị toàn cầu.

Chính vì lẽ đó, sự tham dự rộng rãi và sâu sắc hơn vào những cuộc thảo luận tại MSC 2024 của các nước Nam bán cầu không chỉ khiến chương trình nghị sự đa dạng hơn, phong phú hơn, công bằng hơn…, cung cấp nhiều cách tiếp cận vấn đề cũng như phương hướng giải quyết vấn đề thực tế hơn, mà còn khiến định nghĩa và khái niệm "an ninh toàn cầu" trở nên trọn vẹn, chân thực hơn.

Đó cũng chính là những nền móng cơ bản nhằm kiến tạo các cơ hội hợp tác, để xóa nhòa các lằn ranh chia rẽ, đẩy lùi những hiểm họa, và tạo dựng tương lai "cùng thắng (win-win)" cho các thế hệ kế tiếp của nhân loại