Tái hiện đường đua quá khứ

Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận do Reuters/Ipsos công bố ngày 9/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã vượt lên, nới rộng thêm khoảng cách về tỷ lệ ủng hộ, so với đối thủ chính trên đường đua đến Nhà trắng cuối năm nay - cựu Tổng thống Donald Trump.
0:00 / 0:00
0:00
Tái hiện đường đua quá khứ

CÓ tới 41% số cử tri tham gia cuộc thăm dò ý kiến kéo dài năm ngày đó cho biết, họ sẽ bỏ phiếu cho Tổng thống đương nhiệm, nếu cuộc bầu cử được tổ chức vào thời điểm họ trả lời khảo sát. Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ dành cho cựu Tổng thống Donald Trump chỉ là 37%.

Đặt cạnh kết quả cuộc khảo sát tương tự, cũng do Reuters/Ipsos thực hiện hồi đầu tháng 3, khoảng cách giữa hai ứng cử viên đã thay đổi thấy rõ, khi khoảng cách giữa hai người vào thời điểm đó chỉ là 1% mong manh. Cùng lúc ấy, một cuộc khảo sát khác (do Bloomberg News/Morning Consult tiến hành) cho thấy ông Trump dẫn trước ông Biden tại bảy bang, gồm Arizona, Georgia, Pennsylvania, Michigan, North Carolina, Nevada và Wisconsin. Tính trung bình, 48% số cử tri khẳng định sẽ bỏ phiếu cho ông Trump, trong khi tỷ lệ này dành cho ông Biden là 43%.

Được biết, cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos bao gồm phản hồi từ 833 cử tri chấp nhận đăng ký tham gia khảo sát trực tuyến trên toàn quốc. Sai số trong cuộc thăm dò này vào khoảng 4%.

TẤT nhiên, đây mới chỉ là chặng khởi đầu của đường đua và khoảng cách 4% tỷ lệ ủng hộ thông qua một cuộc thăm dò dư luận xã hội cũng chưa nói lên gì nhiều. Mặc dù vậy, đặt nó cạnh những đánh giá khái lược từ giới quan sát quốc tế, có lẽ cũng sẽ có thêm những khía cạnh trở nên dễ nắm bắt hơn.

Với các nhà phân tích, ưu thế của Tổng thống Joe Biden là sự ủng hộ của cử tri đoàn tại các bang lớn, cùng những số liệu tích cực về chống lạm phát trong thời gian qua. Bù lại, những nghi ngại dành cho ông xuất phát từ không ít vấn đề, bao gồm cả tuổi tác lẫn những thách thức kinh tế-xã hội. Theo nhìn nhận từ giới chuyên gia, nền kinh tế Mỹ chưa phục hồi hoàn toàn, rất nhiều người nghèo ở Mỹ đã rơi vào tình trạng tồi tệ hơn so bốn năm trước. Trong khi đó, tình trạng nhập cư bất hợp pháp vẫn là bài toán chưa có lời giải. Cuối cùng, một vài cáo buộc pháp lý dành cho Hunter Biden - con trai Tổng thống Mỹ Joe Biden - cũng gây trở ngại.

Ở phía bên kia, cựu Tổng thống Donald Trump vẫn luôn được hậu thuẫn bởi nhóm cử tri trung thành với khẩu hiệu MAGA (Make America Great Again/Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại) của ông. Thêm vào đó, ở nhiệm kỳ mà ông nắm quyền (2016-2020), rất nhiều cử tri được hưởng lợi về kinh tế. Song, hiện tại, thách thức lớn nhất đối với ông vẫn luôn là sự hờ hững của các đại cử tri, những cáo buộc hình sự, và cả các phát ngôn thiếu tính chuẩn mực chính trị. Đơn cử, vào cuối tháng 3, phía đảng Dân chủ tận dụng một đoạn video, trong đó cựu Tổng thống Donald Trump công kích một đối thủ cũ trong đảng Cộng hòa, để kêu gọi sự ủng hộ dành cho Tổng thống Joe Biden.

những động thái mới nhất, Tổng thống Joe Biden cam kết tiếp tục nỗ lực duy trì Đạo luật chăm sóc sức khỏe (Obamacare) nhằm bảo đảm bảo hiểm y tế cho người dân Mỹ, ủng hộ việc tăng thuế đối với các tập đoàn lớn và giàu có, và cắt giảm thâm hụt ngân sách liên bang. Về đối ngoại, ông chú trọng mục tiêu duy trì cam kết với các đồng minh và đối tác, nhất là các liên minh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Indo-Pacific), cạnh tranh và kiềm chế các đối thủ chiến lược, thúc đẩy hòa bình và an ninh ở Trung Đông, củng cố và nâng cao vai trò dẫn dắt của Mỹ tại các diễn đàn đa phương, đưa ra giải pháp cho các thách thức toàn cầu...

Ngược lại, ông Donal Trump sẽ hướng đến xóa sổ các băng đảng ma túy, thay thế Obamacare, đưa "toàn bộ công tác giáo dục trở lại các bang", xây dựng 10 thành phố mới... Trên lĩnh vực ngoại giao, ông Trump hứa sẽ tiếp tục yêu cầu các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng chi tiêu quốc phòng, tuyên bố nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến Nga-Ukraine, khôi phục lệnh cấm đi lại với công dân một số quốc gia Hồi giáo. Trong chiến lược đưa việc làm trở lại Mỹ, ông cũng hứa sẽ tiếp tục thực hiện chính sách "Nước Mỹ trước tiên" (America first) nếu đắc cử.

Bối cảnh này, trên thực tế, không khác gì nhiều so với năm 2020, khi nước Mỹ trải qua cuộc bầu cử tổng thống căng thẳng bậc nhất trong lịch sử của họ. Nhưng sau bốn năm, có lẽ cũng đã có nhiều sự thay đổi, trong cách nhìn của không ít cử tri…