Câu chuyện mới giữa những người bạn cũ

Ngày 5/4, chuyến công du châu Âu (bắt đầu từ ngày 1/4) của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken khép lại. Tuy nhiên, điều ông để lại vẫn là không ít nghi hoặc đối với các nhà phân tích quốc tế, về sự "khăng khít" thực thụ giữa "những người bạn cũ", ở hai bên bờ Đại Tây Dương.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken với một lịch trình hối hả tại châu Âu. Ảnh: AFP
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken với một lịch trình hối hả tại châu Âu. Ảnh: AFP

GẦN hai năm rồi, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ mới lại đặt chân tới nước Pháp - đồng minh đầu tiên của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ (từ thời Tổng thống lập quốc George Washington), trong một chuyến công du châu Âu.

Nguyên nhân chủ yếu của sự "xa cách" này, dĩ nhiên, là việc cả hai quốc gia đều đã và đang phải đối diện rất nhiều vấn đề phức tạp của riêng mình, nội tại cũng như trên tổng thể đầy biến động của thế giới.

Mặc dù vậy, cũng không thể phủ nhận, như giới quan sát quốc tế từng nhiều lần đề cập: Các ưu tiên chiến lược cũng như sự thôi thúc của những lợi ích riêng cũng góp một phần không nhỏ, khiến cho có những khoảng thời gian mối quan hệ giữa Paris và Washington trở nên lạnh nhạt.

Ngay cả hiện tại, trong ngắn hạn, cũng chưa hẳn họ đã cùng nhìn về một phía.

CHƯƠNG trình nghị sự của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ tại châu Âu, trong chuyến thăm lần này, đầy nghẹt những vấn đề nóng bỏng: Viện trợ quân sự cho Ukraine, tình hình xung đột tại Dải Gaza, và nhất là chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao kỷ niệm 75 năm thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào tháng 7 tới, tại Washington.

Ngay dưới chân cột mốc ngày NATO chính thức ra đời (4/4/1949), hãng thông tấn Pháp AFP đánh giá: "Ở tuổi 75, NATO hùng mạnh hơn, nhưng cũng đối diện nhiều hiểm họa hơn". Những nguy cơ mà AFP đề cập không chỉ bao gồm sức trỗi dậy từ phía đông của nước Nga, mà còn cả... khả năng đắc cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới, của cựu Tổng thống Donald Trump. "Vấn đề đích thực là tính chất khó dự đoán của ông ấy", hãng tin Pháp dẫn lời Camille Grand, một cựu quan chức cấp cao của NATO, và hiện là thành viên Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu.

Lần lại quá khứ chưa xa, những mâu thuẫn quan điểm chiến lược với cựu Tổng thống Mỹ cũng chính là điều khiến đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải cay đắng thốt lên: NATO là một liên minh đã bị "chết não", vào năm 2019. Và bây giờ, nỗi ám ảnh rằng nước Mỹ sẽ lại "làm mình làm mẩy" đang quay lại.

Bất kể việc số lượng thành viên NATO đã gia tăng lên con số 32 trong hai năm qua, cũng như việc các thành viên châu Âu của liên minh không ngừng gia tăng ngân sách quốc phòng, nhiều chuyên gia quốc tế vẫn tin rằng trong thời điểm hiện tại, sức mạnh từ quân lực Hoa Kỳ vẫn là phần không thể thay thế, trong ngắn và trung hạn.

Một cách ngắn gọn, những lo ngại về nguy cơ rạn nứt nội bộ liên minh quân sự đó cũng gián tiếp bộc lộ thế "lưỡng nan" của châu Âu, trong vấn đề cân bằng chiến lược. Một mặt, họ vẫn phải dựa vào Washington. Nhưng mặt khác, nhu cầu tự chủ an ninh của Liên minh châu Âu (EU) nói riêng cũng vẫn ngày một trở nên bức thiết.

LÀ một trong hai cường quốc lãnh đạo EU, có lẽ nước Pháp phải chịu đựng nhiều áp lực nhất. Và do đó, Paris dường như cũng sẵn sàng "lên tiếng" nhất, như cách họ từng thể hiện cơn giận dữ, với việc Mỹ, Anh và Australia thành lập liên minh quân sự AUKUS tại Thái Bình Dương.

Ở một khía cạnh khác, theo các số liệu mà Hội đồng châu Âu (European Council) công bố: 68% giá trị giao dịch mua sắm vũ khí của các nước châu Âu kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine đã đi ra ngoài châu Âu, và 64% trong số 68% này là đến... Mỹ. Sự gia tăng ngân sách quân sự theo cách phân tán này của mỗi nước thành viên, cuối cùng, đã làm suy yếu ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu, đồng thời cũng ảnh hưởng không nhỏ tới lợi ích kinh tế của châu Âu.

Do vậy, việc Paris (chứ không phải Brussels) trở thành điểm đến đầu tiên trong chuyến công du của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ là hoàn toàn dễ hiểu. Có điều, những vấn đề tồn tại, e rằng, khó có thể được giải quyết triệt để chỉ qua vài ngày họp ngắn ngủi.