Thế giới, trong sự khắc nghiệt bủa vây

Theo nhận định mới nhất của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), dù năm 2023 vừa khép lại đã là năm nóng nhất được ghi nhận trong lịch sử, nhưng nhiều khả năng, khí hậu Trái đất nửa đầu năm 2024 vẫn hoàn toàn có thể lập kỷ lục nhiệt độ mới, do những ảnh hưởng của hiện tượng El Nino.
0:00 / 0:00
0:00

MỘT cách ngắn gọn, WMO nhắc lại dữ liệu được Đài quan sát châu Âu Copernicus cung cấp, kèm cảnh báo: Hành tinh của chúng ta đang tiến gần đến giới hạn +1,5 độ C (so với thời kỳ tiền công nghiệp), mức nguy hiểm mà Thỏa thuận Paris đặt ra. Trong cảnh báo đưa ra cuối tuần qua, WMO chỉ rõ: "Có đến 66% khả năng nhiệt độ trung bình toàn cầu hằng năm sẽ vượt mức hơn 1,5 độ C, trong ít nhất một năm từ 2023 đến 2027".

Theo WMO, chắc chắn, hiệu ứng El Nino sẽ đạt đỉnh điểm vào tháng 1 và sẽ tiếp tục kéo dài đến hết nửa đầu năm 2024. Thông thường, sau khi đạt đỉnh điểm, hiện tượng này có tác động lớn nhất đến nhiệt độ, khiến các chuyên gia cho rằng năm nay có thể sẽ còn ấm hơn năm trước. Cần nhấn mạnh, năm 2023 đã phá vỡ mọi kỷ lục về nhiệt độ, khi nền nhiệt trung bình của hành tinh vượt quá mức tiền công nghiệp (1850-1900) tới 1,45 độ C.

Hiện tượng khí tượng phức tạp này ảnh hưởng đến tất cả các khu vực trên thế giới, nhưng sẽ tạo nên những tác động trái ngược: "Ở vùng liên nhiệt đới, biểu hiện rất rõ ràng với lượng mưa lớn và nguy cơ lũ lụt mạnh ở Đông Phi. Ngược lại, ở miền nam châu Phi hoặc Brazil sẽ phải đối mặt với hạn hán nghiêm trọng", chuyên gia Omar Baddour - người đứng đầu bộ phận giám sát khí hậu và phát triển chính sách tại WMO - giải thích.

RÕ ràng, đây là một tình thế ẩn chứa đầy những nguy cơ, khi những biến đổi khắc nghiệt về khí hậu có thể cướp đi nhiều sinh mạng, và để lại hậu quả kinh tế-xã hội khó lường.

Ngay trong những ngày này, nghĩa là hơn hai tuần sau khi xảy ra thảm họa động đất - sóng thần ở Nhật Bản, tại Ishikawa, vẫn đang có khoảng 16.070 người đang sống trong 372 điểm sơ tán tạm thời, 8.200 hộ gia đình chưa có điện sinh hoạt, 52.210 hộ vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn nước sạch. Theo ghi nhận của chính quyền tỉnh Ishikawa, tính đến cuối ngày 16/1, đã có 222 trường hợp tử vong vì trận động đất trên, trong đó 14 trường hợp tử vong do ảnh hưởng gián tiếp như tinh thần mệt mỏi vì cuộc sống sơ tán và tình trạng sức khỏe suy giảm do thiếu điều kiện chăm sóc sức khỏe kịp thời.

Cùng lúc, bão tuyết cũng vẫn đang nhấn chìm nước Mỹ trong băng giá, với nền nhiệt ở nhiều khu vực xuống đến âm 30 độ C (thậm chí là âm 50 độ C, tại các bang Montana hay Dakota). Không chỉ đời sống của người dân, sự vận hành của nền kinh tế số 1 thế giới cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

NHỮNG thí dụ về tác động ghê gớm của biến đổi khí hậu tại các nước phát triển như Nhật Bản và Mỹ lại càng tô đậm thêm nỗi lo lắng về mùa hè nóng bỏng sắp tới, ở các khu vực đang phát triển hay những cộng đồng dễ bị tổn thương trên thế giới.

Để hạn chế số người thiệt mạng do những hiện tượng khí hậu cực đoan này gây ra, nhiều nước đã phối hợp với WMO và các tổ chức bảo vệ dân sự để lắp đặt dần các hệ thống cảnh báo và đưa vào sử dụng các nơi trú ẩn. Vấn đề là, hiện tại, không ít nơi vẫn thiếu nguồn lực để triển khai các hệ thống này.

Tài chính khí hậu, một lần nữa, lại được đặt vào tâm điểm của lộ trình phát triển bền vững, trước những viễn cảnh u ám (hạn hán, mất mùa, động đất, sóng thần, núi lửa phun trào….) liên quan trực tiếp tới an ninh lương thực hay an toàn nguồn nước toàn cầu, nghĩa là những nhu cầu cơ bản nhất để tồn tại, đối với loài người.

Và bởi vậy, những cam kết tài chính đã được đưa ra tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) cũng đang được trông đợi hiện thực hóa, trong thời gian sớm nhất. Có điều, lúc này, thế giới cũng vẫn còn đang bị "phân tâm", với nhiều guồng máy ngưng trệ hoặc trắc trở, do xung đột hay chiến tranh.