Chờ đợi sự phục hồi

Giữa bối cảnh tương đối khó dự đoán về triển vọng kinh tế thế giới năm 2024, khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất trong thời gian tới được trông đợi sẽ tạo lực đẩy cần thiết, giúp khai mở những dòng vốn đầu tư và kích hoạt những xung lực mới.
0:00 / 0:00
0:00

NGÀY 9/1, theo số liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố, thâm hụt thương mại tháng 11/2023 của nền kinh tế Mỹ đã giảm 2,0%, xuống còn 63,2 tỷ USD, so dự báo trước đây của một số chuyên gia kinh tế (ở mức 65 tỷ USD) trong một cuộc khảo sát của hãng thông tấn Reuters. Số liệu của tháng 10/2023 cũng được điều chỉnh: Tăng nhẹ với mức thâm hụt 64,5 tỷ USD, thay vì 64,3 tỷ USD.

Trước đó một ngày, bà Michelle Bowman, thành viên Hội đồng Thống đốc của FED, nhận xét: Sự tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ đã đủ hiệu quả đối với nền kinh tế Mỹ. Do đó, bà ủng hộ khả năng hạ lãi suất, khi lạm phát giảm xuống đến tiệm cận mức mục tiêu 2% mà FED đưa ra, để chính sách tiền tệ hiện tại đang được thực hiện không trở thành những hạn chế quá đà.

Tính đến tháng 11/2023, Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát của FED, đã giảm từ mức cao nhất 40 năm qua trong năm 2022 xuống khoảng 2,6%. Vì vậy, cho dù từng ủng hộ việc FED tiếp tục nâng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát, đến lúc này, quan điểm của bà Bowman đã có sự thay đổi rõ nét.

NHƯNG thật ra, cho đến lúc này, FED vẫn chưa có tuyên bố chính thức nào về thời điểm hạ lãi suất. Giới quan sát chỉ biết rằng: Vào trung tuần tháng 12/2023, đã có những cuộc thảo luận căng thẳng của FED xoay quanh chủ đề này, trong nỗi lo lắng về việc nền kinh tế Mỹ bị bó buộc quá mức bởi chính sách tiền tệ thắt chặt. Chủ tịch FED, ông Jerome Powell, chỉ đánh giá rằng FED có thể đã hoàn tất việc nâng lãi suất, và dự kiến bắt đầu hạ vào cuối năm 2024.

Tuy nhiên, đến đầu năm nay, theo các số liệu đã dẫn, tình trạng lạm phát ở Mỹ đã được kiểm soát tốt hơn so dự kiến. Và ở chiều ngược lại, những khía cạnh hàm chứa trong các báo cáo về thâm hụt thương mại cũng đang đặt ra nhiều câu hỏi mới.

Thâm hụt giảm, đầu tiên là bởi nhập khẩu giảm, do các doanh nghiệp hạn chế tích lũy hàng tồn kho với dự đoán nhu cầu sẽ chậm lại trong năm 2024. Nhập khẩu của nền kinh tế Mỹ tháng 11/2023 giảm 1,9% (tương đương 6,1 tỷ USD) xuống còn 316,9 tỷ USD, trong đó nhập khẩu hàng hóa giảm 2,3%, xuống còn 257,4 tỷ USD. Nhập khẩu hàng tiêu dùng giảm 4,1 tỷ USD, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2022.

Song, xuất khẩu của nước Mỹ cùng thời điểm cũng giảm ở mức 1,9%, tương đương 4,8 tỷ USD, xuống còn 253,7 tỷ USD. Ngoại trừ xuất khẩu dịch vụ (tăng 0,6 tỷ USD, lên mức cao kỷ lục là 85,7 tỷ USD), mọi sản phẩm khác của nền kinh tế Mỹ đều đang đối mặt với nhu cầu giảm sút từ các thị trường ngoài nước. Trong khi đó, mức lãi suất cao lại khiến hầu hết các doanh nghiệp Mỹ mang tâm lý "phòng ngự chắc". Và hiển nhiên, những kỳ vọng tăng trưởng đều bị ảnh hưởng.

ĐÂY là một phương trình không dễ cân bằng. Nó cũng tiềm ẩn không ít bất trắc, nhất là khi đặt vào tình hình địa chính trị-địa kinh tế phức tạp mà thế giới đang trải qua, với quá nhiều biến số mà nước Mỹ khó có thể đơn phương kiểm soát.

Song, có thể tin rằng các nhà điều phối của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ chú trọng nhiều hơn đến việc lấy lại tốc độ phục hồi trong năm 2024, năm mà nước Mỹ sẽ có cuộc bầu cử tổng thống cực kỳ quan trọng, song song với việc tính cạnh tranh (về tầm ảnh hưởng cũng như sức mạnh kinh tế) trên trường quốc tế đang gia tăng nhanh chóng, thông qua sự kiện nhóm Các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) mở rộng quy mô.

Một cách ngắn gọn, không chỉ các cử tri Mỹ, những đối tác kinh tế quốc tế của họ cũng đều đang chờ đợi các triển vọng được mở rộng hơn, bắt đầu từ việc FED nới lỏng chính sách tiền tệ.