Vừa đi chơi vừa thưởng thức nghệ thuật

NDO - Nếu là fan hâm mộ của series James Bond hẳn đều nhớ trong phần 22 của loạt phim mang tên Định mức khuây khỏa có một cảnh quay hoành tráng trên một sân khấu opera giữa một hồ nước lớn. Đó chính là sân khấu opera của liên hoan nghệ thuật Bregenz (Vùng Vorarlberg nước Áo) với vở Tosca. Festival Bregenz (vùng Vorarlberg, Áo) năm đầu tiên vốn chỉ tổ chức một tuần, với màn trình diễn nhạc cổ điển của dàn nhạc giao hưởng thành Vienna. Nhưng gần 80 năm sau, Festival đã trở thành điểm nhấn du lịch đặc sắc vùng biên giới giữa châu Âu này.
0:00 / 0:00
0:00
Show Lại gặp Đôn Hoàng
Show Lại gặp Đôn Hoàng

Opera làm thay đổi Bregenz

Bregenz là thủ phủ của bang Vorarlberg ở phía tây nước Áo. Thành phố nằm phía đông hồ Constance, biên giới tự nhiên của ba nước Đức, Áo, Thụy Sĩ. Festival Bregenz lần đầu được tổ chức vào năm 1946, một năm sau Thế chiến thứ 2 với mục đích ban đầu là để người dân biên giới Đức, Áo và Thụy Sĩ đều có thể tập trung thưởng thức âm nhạc sau những năm tháng chia cắt vì chiến tranh. Những năm đầu tiên, lễ hội chỉ kéo dài một tuần với nhạc mục đơn giản.

Kể từ 2001, phong cách tổ chức Festival có sự thay đổi. Thời gian Festival mở rộng từ nửa tháng 7 tới nửa tháng 8 hằng năm và trở thành lễ hội mùa hè đặc sắc nhất vùng biên giới này. Điểm nổi bật của Festival, là các vở opera 2 năm/lần, được trình diễn trên sân khấu ngoài trời tận dụng chính mặt hồ Constance. Giám đốc nghệ thuật của Festival, ông David Poutney trong suốt giai đoạn 2003-2014 đã biến Festival thành một lễ hội trình diễn đương đại và đưa opera tới gần công chúng theo những cách độc đáo. Mỗi hai năm, người ta lại chờ đón không chỉ vở diễn mới mà còn cả thiết kế sân khấu với các hình thức mới mẻ, lấy cảm hứng từ các tác phẩm nghệ thuật kinh điển. Năm 2007, công trình nhà hát ngoài trời trên mặt nước với 6.980 chỗ ngồi kết hợp sân khấu và nhà trưng bày trong nhà ở Bregenz đã giành giải thưởng Kiến trúc quốc tế. Ngay cả khi không có Festival, sân khấu nước cũng được sử dụng cho nhiều event quan trọng.

Ở thời điểm hiện tại, ngoài vở opera chính thức trên sân khấu mặt hồ, Festival còn có nhiều hoạt động bên lề phong phú. Suốt một tháng mùa hè, phía nào của sông Constance cũng được hưởng lợi từ đón khách du lịch. Nước chủ nhà Áo giành ưu thế bởi giá phòng và các dịch vụ du lịch ở đây luôn rẻ hơn phía Đức và Thụy Sĩ.


Vừa đi chơi vừa thưởng thức nghệ thuật ảnh 1

Một sân khấu opera nổi đầy ấn tượng ở Bregenz. Ảnh | THEATRE ART LIFE

Travel blogger người Australia, Michael Turtle, từng gọi những vở opera ở Bregenz là “Hơn cả opera, Festival Bregenz mang opera đến với số đông mà vẫn giữ được tính nghệ thuật của nó”. Những vở opera nổi tiếng với sân khấu đặc sắc trên hồ có thể kể đến như Aida của Verdi (2009-2010), Tosca của Puccini (2007-2008), Madame Butterfly (2021-2022). Năm 2015, Elisabeth Sobotka thay thế Poutney giữ chức giám đốc nghệ thuật. Chỉ trong năm 2015, bà đã tổ chức 80 sự kiện trên sân khấu nổi. Cuối tháng 8/2015, bà thành lập Opera Studio nhằm mục đích tạo một sân chơi cho những nghệ sĩ trẻ tại Bregenz. Mùa diễn 2017-2018, vở opera Carmen của Bizet gây tiếng vang với những suất diễn luôn kín vé đặt trước, gồm cả vé đặt cho đêm thử trang phục và đêm diễn chính thức.

Thậm chí, những sân khấu cho các vở diễn này còn nổi tiếng vượt xa tính chất một vở opera. Chẳng hạn như hình ảnh con mắt trên sân khấu vở Tosca được xem là kinh điển tới mức một thời gian dài, nó gần như trở thành hình ảnh biểu tượng của thành phố. Doanh thu từ du lịch chiếm khoảng 15% nguồn thu của bang Vorarlberg và rất nhiều trong số đó tới từ sức hút của những vở opera trên mặt hồ. Mỗi kỳ Festival, đóng góp của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống và lưu trú Bregenz khiến tổng thu nhập vùng tăng thêm 6,1%, cao hơn nhiều so với mức trung bình 4,6% của toàn nước Áo. Mà chính quyền Bregenz cũng tạo điều kiện hết mức để du khách đến thưởng thức opera sẽ có thêm lý do ở lại dài ngày. Người mua vé sẽ được sử dụng dịch vụ xe bus miễn phí. Những ngày công diễn, bến cảng ba nước Áo, Đức, Thụy Sĩ đều có thêm các chuyến tàu để du khách thuận tiện qua lại trên hồ Constance. Ngày công diễn không chỉ là một buổi trình chiếu đơn thuần mà còn được xem như là một ngày hội của những người tham dự. Với những vé hạng cao, khán giả có thể tham gia giao lưu với các diễn viên, ca sĩ, nhạc công. Ban tổ chức cũng bố trí thêm những thông tin hướng dẫn để kể cả người ít hiểu biết về nhạc cổ điển nhất cũng nắm được tinh thần vở diễn. Mọi người thường tới từ rất sớm, mặc trang phục lễ hội, cùng ăn tối bên hồ hoặc thưởng thức những ly rượu vang của vùng, ngắm nhìn cảnh hồ lúc mặt trời lặn rồi mới bắt đầu vào vở diễn.

Từ châu Âu sang châu Á

Có thể nói, công thức xây dựng một chương trình nghệ thuật thành sản phẩm thúc đẩy du lịch đã được thế giới áp dụng và thành công không ít. Không chỉ châu Âu với nền nghệ thuật hàn lâm phát triển mạnh mẽ, Trung Quốc cũng chứng tỏ là một “thế lực không thể đùa” trong cách tạo ra sân khấu riêng.

Nổi tiếng thời điểm đầu tiên của nghệ thuật thực cảnh phải kể đến đạo diễn Trương Nghệ Mưu với Ấn tượng Lệ Giang, sau đó là Ấn tượng Lưu Tam Tỷ (sau này trở thành Hương sắc Tương Tây - tỉnh Hồ Nam). Những vở diễn của họ Trương gần như tạo một cơn địa chấn, bởi mức độ hoành tráng và sự phối hợp cảnh thật cùng những màn trình diễn đặc sắc, kể lại câu chuyện của một vùng đất. Từ sự khởi đầu này, một loạt các chương trình với tên “Ấn tượng” liên tiếp ra đời ở Trung Quốc, áp dụng một công thức và phong cách Trương Nghệ Mưu. Thậm chí, công ty giữ bản quyền tổ chức sự kiện này còn đem hình mẫu bán cho nhiều quốc gia. Một vở diễn nổi bật khác của Trương Nghệ Mưu trong serie này là Văn Thành công chúa, diễn tại Lhasa (Tây Tạng). Vở diễn có phụ đề tiếng Trung, tiếng Tây Tạng và tiếng Anh, mô tả lại hành trình Văn Thành nhập Tạng cùng sự giao lưu Phật giáo giữa Trung Quốc và Tây Tạng khi đó.

Sau nhiều năm, phong cách “Ấn tượng” bắt đầu thoái trào. Những vở diễn mới của các đạo diễn trẻ hơn, đã mang màu sắc đương đại và nổi bật theo kiểu khác. Không chỉ hấp dẫn ở mức độ hoành tráng, nhiều vở diễn bắt đầu khéo léo kết hợp các yếu tố hiện đại, nhiều phong cách mới, âm nhạc mới, thậm chí kết hợp cả kịch tương tác kéo khán giả cuốn theo câu chuyện nhiều giờ đồng hồ. Chẳng hạn hành lang phía Tây Bắc (tỉnh Cam Túc, tỉnh Thanh Hải) vốn nổi tiếng với nền văn hóa nhiều giao thoa, nơi có thành Đôn Hoàng và trấn Trương Dịch - cửa ngõ con đường tơ lụa từ Trung Nguyên sang Tây Vực, cũng xây dựng nhiều chương trình mang tính nghệ thuật cao. Có thể kể tới Về lại Trương Dịch và Lại gặp Đôn Hoàng. Về tổng thể, Về lại Trương Dịch là một show tạp kỹ được đầu tư cấp huyện lỵ, giá vé phải chăng. Tuy nhiên, sân khấu vẫn đạt độ chuyên nghiệp hiếm có với ba lớp sân khấu, cùng sự kết hợp nhiều hướng quan sát trong nhà hát, người xem phải tập trung mọi giác quan bởi diễn viên có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trong nhà hát. Câu chuyện về hành trình hình thành và phát triển của con đường tơ lụa được kể lại chi tiết, có cả tiếng Anh giới thiệu.

Vừa đi chơi vừa thưởng thức nghệ thuật ảnh 2

Show Lại gặp Đôn Hoàng

Còn Lại gặp Đôn Hoàng quy mô lớn hơn, kể về cả nghìn năm thăng trầm của thành Đôn Hoàng (Cam Túc) nơi có khu di tích hang động Mạc Cao nổi tiếng. Đây là vở diễn mới, một vở đương đại đúng nghĩa. Người xem không có ghế ngồi, chỉ đứng và dõi theo đèn chiếu từng nhân vật, vừa phải nhìn diễn viên, vừa chạy từ phòng này sang phòng khác, mà mỗi phòng sẽ có một góc nhìn khác. Bởi vậy, dù xem cùng một buổi diễn nhưng mỗi khán giả sẽ có trải nghiệm không giống nhau. Không gian vở diễn thay đổi liên tục, lúc sân khấu trên đầu, lúc dưới chân, lúc lại thấy nhân vật hiện ra ngay bên cạnh. Lúc tiếng nhạc từ loa vọng lại, lúc lại giọng hát mộc từ đâu đó giữa đám đông, lúc lại nghe tiếng sáo réo rắt trên cao. Hạ tầng sân khấu được điều phối thuần thục, khán giả ai cũng được xem, được tiếp cận gần sát diễn viên. Điểm trừ duy nhất của vở diễn là một vở nhiều thoại và nhiều sử liệu như Lại gặp Đôn Hoàng chỉ sử dụng tiếng Trung Quốc. Đạo diễn vở lý giải, nếu có phiên dịch, nó sẽ cắt ngang mạch truyện, nhưng khán giả vẫn có thể hiểu vở diễn qua những phân đoạn trình diễn múa đương đại.

Điều đáng nói, Festival Bregenz hay các show diễn của Trung Quốc, đã từ lâu thoát khỏi sự bảo hộ của nhà nước. Họ đều do các công ty tư nhân tổ chức, quảng bá và thu lợi nhuận dựa trên số vé bán ra. Sự hỗ trợ của chính quyền dừng ở mức độ an ninh, giao thông như ở Bregenz hoặc như tại Đôn Hoàng, công ty tổ chức được hỗ trợ giấy tờ giải phóng mặt bằng để xây dựng nhà hát.

Các vở diễn ở Bregenz đạt mức độ nghệ thuật cao và trở thành một trong 12 sự kiện âm nhạc quan trọng nhất của đất nước nghệ thuật Áo. Quan điểm của những người làm truyền thông Bregenz rất rõ ràng, khán giả có thể xem opera và... ngáp, sẽ có người hướng dẫn. Nhưng đó vẫn là một sự kiện để người ta tò mò khám phá, và từ đó khám phá cả vùng đất mà họ đến. Lại gặp Đôn Hoàng cũng có thể xem như một điểm nhấn đặc sắc mà độ thu hút không kém gì những tác phẩm mà Trương Nghệ Mưu đã dàn dựng trên khắp Trung Quốc 10 năm trước.

Không chỉ giữ chân khách, Festival Bregenz, hay Lại gặp Đôn Hoàng, Về lại Trương Dịch còn mang tới một sự thưởng thức đích thực. Đôi khi, người ta tìm đến một vùng đất, chính vì cảm giác thưởng thức ấy.