Vất vả “co kéo” trong biên độ hẹp

Lãi suất huy động thấp, trong khi nhiều kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn khiến ngân hàng phải liên tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động để giữ dòng tiền gửi. Chi phí huy động vốn tăng nhưng ngân hàng lại phải duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp, cũng như phải tiếp tục có giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp… Có thể nói, chưa khi nào kinh doanh ngân hàng phải tính toán chật vật trong điều kiện eo hẹp như hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Nhân viên ngân hàng VPBank giao dịch với khách hàng. Ảnh | KHÁNH AN
Nhân viên ngân hàng VPBank giao dịch với khách hàng. Ảnh | KHÁNH AN

Lãi suất huy động đã ở mức hơn 6%/năm

Hiện tượng tăng lãi suất huy động (LSHĐ) bắt đầu từ tháng 3/2024, khi dòng vốn chảy vào ngân hàng giảm rõ rệt. Theo Tổng cục Thống kê, cuối tháng 3/2024, huy động vốn (gồm dân cư và tổ chức) của các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm 0,76% so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng gần 1,2%. Kể từ sau dịch Covid-19, lần đầu tiên tiền gửi của dân vào ngân hàng giảm, nguyên nhân đầu tiên là do từ cuối năm 2023 LSHĐ giảm nhanh. Thời điểm tháng 3/2024, LSHĐ trung bình ở các kỳ hạn 1 đến 6 tháng chỉ còn dưới 3%/năm; kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng ở mức 4,5%/năm.

Dù liên tục điều chỉnh song các ngân hàng thương mại (NHTM) chỉ tăng LSHĐ với biên độ rất thấp, mỗi lần chỉ từ 0,1 đến 0,3%. Nếu như tháng 3 năm nay trên thị trường có ngân hàng tăng, ngân hàng khác lại giảm LSHĐ, thì từ tháng 4 các ngân hàng đồng loạt tăng, nhiều ngân hàng chỉ trong vòng 20 ngày đã tăng LSHĐ ba lần. Đến thời điểm trung tuần tháng 6/2024, LSHĐ cao nhất trên thị trường đã vượt 6%/năm, tuy nhiên vẫn ở mức khá thấp, nếu so với mức đỉnh hơn 10%/năm của đầu năm 2023.

Sở dĩ LSHĐ tăng nhanh trong những tháng gần đây do huy động vốn của ngân hàng phải cạnh tranh với các kênh đầu tư khác đang ngày càng hấp dẫn hơn. Thị trường bất động sản ấm dần lên, thậm chí một số phân khúc như đất nền, chung cư đã sốt trở lại. VN-Index tuy chưa lấy lại mốc lịch sử 1.500 điểm của năm 2022, nhưng đang duy trì đà đi lên. Hiện, số tài khoản chứng khoán đã lên tới 7,9 triệu - cao nhất từ trước đến nay, cho thấy các nhà đầu tư đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào kênh này.

Một kênh khác không thể không nhắc đến là vàng. Dù giá vàng liên tục điều chỉnh với biên độ lớn, chênh lệch giá mua và bán ở mức hơn 2 triệu đồng/lượng, mức độ rủi ro rất cao… nhưng sức hấp dẫn của vàng chưa khi nào hết nóng. Dòng người xếp hàng ở những điểm bán vàng của các NHTM Nhà nước và Công ty SJC phản ánh thực tế người dân mua vàng không chỉ để tích trữ mà còn để lướt sóng kiếm lời.

Lo lãi suất cho vay tăng theo?

LSHĐ liên tục tăng làm dấy lên lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng trong thời gian tới, bởi LSHĐ vẫn là cấu phần chính hình thành lãi suất cho vay. Chưa kể cho đến thời điểm này, tín dụng vẫn là hoạt động mang lại nguồn thu lớn nhất cho ngân hàng. Tuy nhiên, xét trên nhiều yếu tố, lãi suất cho vay chưa thể điều chỉnh tăng trong ngắn hạn.

Tại văn bản gửi các TCTD cuối tháng 5/2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu TCTD tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục... nỗ lực phấn đấu giảm 1-2%/năm lãi suất cho vay, nhất là lãi suất cho vay các động lực tăng trưởng truyền thống, các ngành mới nổi, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, nhà ở xã hội... Các TCTD cũng được yêu cầu duy trì mặt bằng LSHĐ ổn định, hợp lý, phù hợp khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro, ổn định thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường...

Thực tế dù LSHĐ tăng nhưng hiện các NHTM vẫn đang triển khai nhiều gói tín dụng lãi suất ưu đãi. Lãi suất cho vay các đối tượng ưu tiên vẫn duy trì ở mức dưới 4%/năm. Một số NHTM áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn 4,7%/năm; trung, dài hạn 6,5%/năm đối với ngành, lĩnh vực nhất định. Theo yêu cầu của NHNN, các TCTD phải thường xuyên công bố mức lãi suất cho vay bình quân. Đây là yếu tố tạo thêm sức ép cạnh tranh giữa các NHTM trong bối cảnh cầu tín dụng ở mức thấp, ngân hàng đang phải “đốt đuốc” tìm khách hàng tốt, có nhu cầu vay vốn. Thực tế này khiến ngân hàng phải chấp nhận thu hẹp tỷ suất lợi nhuận thuần (NIM).

Tại cuộc họp tuần đầu tháng 6/2024, Thủ tướng yêu cầu NHNN chỉ đạo các NHTM tiếp tục có những giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 đạt khoảng 15%; chỉ đạo, khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí, cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số để phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay 1-2%; tiếp tục theo dõi, chỉ đạo các TCTD công khai lãi suất cho vay, có chế tài xử lý nghiêm đối với các TCTD không thực hiện.

Năm 2023, NIM toàn ngành ngân hàng ở mức khoảng 3,5%. Nhưng có những khoản cho vay NIM chỉ 2%. Tất nhiên, để NIM ở mức thấp như vậy bản thân các ngân hàng không chỉ tối ưu hóa mọi sản phẩm, dịch vụ mà có khoản cho vay phải chấp nhận hy sinh lợi nhuận. Việc cơ quan quản lý yêu cầu các TCTD giảm lãi suất cho vay đồng thời duy trì mặt bằng LSHĐ ổn định là sức ép lớn đối với các ngân hàng. Vì như vậy NIM của ngân hàng ngày càng mỏng, nhưng về lâu dài sẽ mang lại lợi ích kép. Bởi NIM thấp, khách hàng được vay lãi suất thấp. Khi lãi suất cho vay thấp buộc các ngân hàng phải kiểm soát rất tốt chất lượng tín dụng. Vì nếu rủi ro tín dụng cao thì không những lợi nhuận ngân hàng giảm mà còn có nguy cơ mất vốn.

Yếu tố khác hỗ trợ ngân hàng duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp là tỷ lệ vốn CASA (tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi) cao. Tỷ lệ vốn CASA của các ngân hàng hiện phổ biến ở mức 20-25%; một số ngân hàng như MB, Techcombank, Vietcombank, MSB và nhiều ngân hàng hướng tới mục tiêu đưa tỷ lệ CASA/tổng tiền gửi giai đoạn 2023-2027 trong khoảng 35-40%, thậm chí Techcombank - quán quân về CASA hiện nay, còn muốn nâng tỷ lệ này lên 55%.

Ngoài yếu tố tỷ lệ vốn CASA cao, các ngân hàng còn trông cậy vào việc tăng cường ứng dụng công nghệ để giảm chi phí hoạt động. Nhiều ngân hàng đã có hơn 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Có những khoản cho vay được thực hiện 100% trên môi trường số, từ khâu khách hàng gửi yêu cầu vay đến khi ngân hàng thẩm định và giải ngân khoản tín dụng đó đều online. Việc thẩm định dự án vay vốn được hỗ trợ bởi kho dữ liệu thông tin của bản thân ngân hàng và có sự liên kết, kết nối dữ liệu giữa các ngành, lĩnh vực khác.

Một yếu tố quan trọng nữa khiến các TCTD phải duy trì lãi suất cho vay thấp là cầu tín dụng đã tăng trở lại, nhưng rất yếu. Theo số liệu của NHNN, tín dụng của nền kinh tế 2 tháng đầu năm giảm 0,72% so với cuối năm 2023; đến cuối tháng 3/2024, tín dụng chỉ tăng 1,34%, trong khi cùng kỳ năm trước, mức tăng là gần 2,6%. Cập nhật đến cuối tháng 5/2024, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 2,58%.

Trong khi đó, NHNN chỉ đạo “phấn đấu đạt tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống hết quý II/2024 ở mức 5-6%; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, bảo đảm hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả…”. Không những thế, kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm nay của toàn ngành ngân hàng đặt ra là 15%, vốn tín dụng ngân hàng phải tiếp tục hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế…

Với tốc độ tăng như hiện tại, tín dụng còn cách vạch đích khá xa. Do đó, các NHTM sẽ phải tìm lời giải cho nhiệm vụ đầy thách thức như làm sao để vừa tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp, vừa tăng cung tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời phải bảo đảm an toàn hoạt động, giảm thiểu rủi ro nợ xấu phát sinh.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng: Tăng trưởng tín dụng thấp do nhiều nguyên nhân, đó là vấn đề xuất khẩu cũng như đầu ra ở trong nước thấp. Các lĩnh vực có vốn vay lớn như thị trường bất động sản hiện có những khó khăn về yếu tố pháp lý, Chính phủ đang chỉ đạo rất quyết liệt và thành lập các tổ công tác đến các địa phương để giải quyết. Khi sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp yếu, việc đẩy mạnh đầu tư công và đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ tác động lan tỏa dòng tiền đối với doanh nghiệp, từ đó kích hoạt lại tín dụng từ hệ thống ngân hàng. Với 95% doanh nghiệp nước ta là doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần những giải pháp tăng cường, thí dụ như bảo lãnh doanh nghiệp để vay vốn tại ngân hàng có thể sẽ thúc đẩy tín dụng cao hơn.