Một năm kiên cường
Năm 2023 được cho là một năm “họa vô đơn chí” đối với cả kinh tế thế giới và Việt Nam khi đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức hơn cơ hội.Lạm phát đã giảm nhưng còn ở mức cao, lãi suất cao, căng thẳng địa chính trị dai dẳng và phức tạp, rủi ro tài chính-tiền tệ tăng, an ninh năng lượng và an ninh lương thực chịu nhiều áp lực... khiến thương mại, tiêu dùng, đầu tư và tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại. Đối với Việt Nam, dù còn nhiều khó khăn song kinh tế năm 2023 đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Cụ thểnăm 2023, GDPcủa Việt Namtăng trưởng 5,05% so với năm trước. Đây là kết quả đáng ghi nhận với một nền kinh tế có độ mở lớn với toàn cầu như Việt Nam. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế. Sản xuất công nghiệp trải qua một năm khó khăn, nhưng diễn biến theo xu hướng tích cực, nhất là các tháng cuối năm. Đồng thời, sự phục hồi tốt của các hoạt động thương mại, tiêu dùng, du lịch đã bù đắp tích cực. Khu vực dịch vụ đóng góp nhiều nhất, hơn 62% vào giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam Andrea Coppola nói rằng nếu được chọn một từ để mô tả kinh tế Việt Nam trong năm 2023, ông sẽ chọn từ “kiên cường”. ÔngAndrea Coppola cho rằng, suy thoái toàn cầu là cú sốc lớn với nền kinh tế mở của Việt Nam, song nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng mà nhiều quốc gia mơ ước. Sự phục hồi kiên cường của kinh kế Việt Nam được thúc đẩy bởi ba yếu tố chính. Thứ nhất, nhu cầu bên ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam dần phục hồi. Thứ hai, các cơ quan chức năng đã cho thấy rõ vai trò quan trọng của việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công, với con số tăng đáng kể so với năm 2022. Thứ ba, bất chấp cú sốc mạnh giáng xuống nền kinh tế, tiêu dùng tư nhân vẫn phục hồi tốt.
Theo chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, năm 2023, đầu tư công nổi lên là động lực quan trọng, đóng vai trò thúc đẩy, gánh vác và bù đắp cho các động lực tăng trưởng khác; nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo nền tảng thúc đẩy tăng trưởng nhanh. Bên cạnh đó, bức tranh kinh tế Việt Nam 2023 còn ghi nhận sự đóng góp quan trọng của khu vực doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nhân luôn chủ động, linh hoạt, sáng tạo vượt khó, từng bước phục hồi, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Công nhân Công ty TNHH MTV Dệt 8-3 vận hành dây chuyền sản xuất sợi. |
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn những hạn chế, tồn tại như sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm chủ yếu do thiếu đơn hàng sản xuất. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2023 ước chỉ tăng 3,02% so với năm trước, là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2023. Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu giảm 4,4% trong bối cảnh chính sách tiền tệ của các quốc gia trên thế giới tiếp tục thắt chặt, tổng cầu thế giới suy giảm dẫn tới các đơn hàng xuất khẩu giảm. Ngoài ra, doanh nghiệp thành lập mới còn nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn. Tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới đạt 1.521,3 nghìn tỷ đồng, giảm 4,4% so với năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới chỉ đạt 9,6 tỷ đồng, giảm 10,8% so với năm 2022.
Thúc đẩy các động lực tăng trưởng
Năm 2024 là năm bản lề quan trọng đối với kinh tế Việt Nam, tạo điều kiện hoàn thành các mục tiêu cho giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025. Chính vì vậy, việc quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% như Quốc hội đặt ra đòi hỏi sự vào cuộc của các ngành, các cấp ngay từ đầu năm.
Năm 2024, kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt nhiều thách thức như khả năng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa rõ ràng nhiều khả năng vẫn còn tiếp tục tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Trong nước, thời cơ, thuận lợi và khó khăn thách thức vẫn đan xen; những động lực truyền thống còn yếu trong khi những động lực mới còn chưa rõ ràng.
Chuyên gia Andrea Coppola cho rằng, bối cảnh quốc tế dự kiến sẽ còn nhiều thách thức. Sau đợt suy thoái toàn cầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ giảm tốc hơn nữa vào năm 2024, trong đó có các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Mỹ. Thêm nữa, chủ nghĩa về bảo hộ thương mại trong thời gian vừa qua gia tăng đã tác động khá lớn đến việc hội nhập và thương mại quốc tế của Việt Nam.
Theo TS Cấn Văn Lực, thế giới năm 2024 còn rất nhiều khó khăn, rủi ro địa chính trị vẫn còn rất phức tạp, chiến tranh còn dai dẳng. Đặc biệt, gần đây xuất hiện thêm xung đột ở Biển Đỏ sẽ cản trở giao thông và vận tải hàng hóa, dịch vụ, khiến chi phí logistics tăng lên. Vấn đề về an ninh lương thực, an ninh năng lượng cũng vẫn là một rủi ro cần lưu tâm.
Đặc biệt, với thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu, sự cố đổ vỡ ngân hàng trong năm qua đã khiến hệ thống ngân hàng trở nên thận trọng hơn và đương nhiên sẽ có những quy định và giám sát chặt chẽ hơn, khiến tăng trưởng tín dụng toàn cầu ở mức độ thấp hơn. Đầu tư của thế giới cũng phục hồi nhưng còn chậm. Tiêu dùng, đặc biệt ở hai thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc, vẫn còn khá thận trọng.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều diễn biến khó lường, chuyên gia của WB khuyến nghị Việt Nam cần nâng cao sức chống chọi trước các cú sốc bên ngoài và tận dụng sức mạnh nội tại cũng như năng suất trong nước để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Bằng cách này, Việt Nam có thể biến những thách thức do suy thoái kinh tế toàn cầu tạo ra thành cơ hội để củng cố hơn nữa mô hình tăng trưởng kinh tế của đất nước. Việt Nam có thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thông qua chính sách tài khóa, bằng cách đẩy nhanh việc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng và dự án đầu tư công mang tính chuyển đổi trạng thái, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn.
Theo TS Nguyễn Bích Lâm, năm 2024 tăng trưởng kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào “cỗ xe tứ mã” đó là: đổi mới, bảo đảm tính đồng bộ về thể chế và môi trường pháp lý cho phát triển kinh tế; thúc đẩy tiêu dùng của thị trường trong nước với quy mô 100 triệu dân và hàng chục triệu khách du lịch quốc tế; thực hiện nhanh, hiệu quả vốn đầu tư công, tạo lan tỏa tới đầu tư ngoài nhà nước để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế; thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.
Ông Cấn Văn Lực cũng cho rằng, để đạt mục tiêu đề ra, về chính sách tiền tệ, vẫn cần tiếp tục duy trì các chính sách như thời gian vừa qua, nới lỏng một cách thận trọng và linh hoạt để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng và phối hợp chính sách để kiểm soát tốt hơn rủi ro liên thông giữa ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản. Đồng thời, phải quyết liệt hơn về câu chuyện cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là doanh nghiệp, tổ chức tín dụng yếu kém để bảo đảm khâu huy động, phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn.
Mặc dù còn nhiều thách thức, song các chuyên gia cũng đều nhận định kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục xu hướng phục hồi tăng trưởng. WB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mức 5,5% trong năm 2024 và 6% trong năm 2025. Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings mới đây đã đưa ra dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 2 năm 2024 và 2025. Cụ thể, Fitch Ratings cho rằng chính sách tài chính và tiền tệ trong nước của Việt Nam đã hỗ trợ nhiều cho nền kinh tế, theo đó, Fitch dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,3% vào năm 2024 và 7,0% vào năm 2025.
Theo dự báo của TS Cấn Văn Lực, ước tính năm 2024 kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 6-6,5%. Theo đó, các lĩnh vực phục hồi khá đồng đều cả nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và lĩnh vực dịch vụ. Về lạm phát, với lượng cung tiền và các yếu tố khác tác động, lạm phát hoàn toàn trong tầm kiểm soát, khoảng 3,5-4%. Ngoài ra, xuất khẩu năm 2024 dự báo cũng sẽ phục hồi, có thể tăng trưởng dương trở lại ở mức 5% trong năm nay.
Để thực hiện thành công toàn diện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước tạo đà thuận lợi phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu theo Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, tạo thế và lực cho đất nước phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tiếp theo, Chính phủ và các địa phương cần nỗ lực giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; tiếp tục thúc đẩy các động lực tăng trưởng. Đặc biệt, Chính phủ cập nhật, điều chỉnh kịp thời các giải pháp phù hợp với thay đổi của kinh tế thế giới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất.