Nợ xấu tăng mạnh
Báo cáo tài chính năm 2023 của nhiều ngân hàng cho thấy, nợ xấu có xu hướng tăng mạnh, lên mức trên 3% tổng dư nợ tại nhiều ngân hàng, thậm chí có ngân hàng đang “cõng” nợ xấu ở mức gần 30% tổng dư nợ.
Tại Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), nợ xấu của ngân hàng này tăng lên mức 16.468,9 tỷ đồng, nợ nhóm 5 tăng lên mức 13.665 tỷ đồng.
Tại Ngân hàng Bảo Việt, nợ xấu tăng lên mức 1.654,3 tỷ đồng (tương ứng 4% tổng dư nợ) từ mức 1.108,9 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 19,1%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng lên mức 1.295 tỷ đồng từ mức 746,2 tỷ đồng. Nợ nghi ngờ tăng vọt từ mức 108,9 tỷ đồng lên mức 192 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 76,3%.
Tại Ngân hàng Bản Việt, nợ xấu tăng lên mức 1.914,5 tỷ đồng (tương ứng 3,3% tổng dư nợ) từ mức 1.418,4 tỷ đồng, tương ứng mức tăng gần 35%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng lên mức 1.018,9 tỷ đồng từ mức 861,7 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 18,2%.
Tại Ngân hàng VIB, nợ xấu tăng lên mức hơn 8.374 tỷ đồng (tương ứng 3,1% tổng dư nợ) từ mức 5.686 tỷ đồng cuối năm 2023, tương ứng mức tăng hơn 47,2%.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thời gian qua, dù ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để kéo giảm nợ xấu nhưng đến nay, tỷ lệ nợ xấu trung bình cả hệ thống vẫn ở mức khoảng 5%. Về nguyên nhân khiến nợ xấu giữ ở mức cao, NHNN nhận định là do người dân, doanh nghiệp không có khả năng trả nợ dưới tác động của đại dịch và nhiều yếu tố khác. Điều này ảnh hưởng rất nhiều tới an toàn hệ thống ngân hàng.
Tại báo cáo triển vọng thị trường vốn nợ Việt Nam năm 2024, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm FiinRatings cho rằng, với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt như chính sách cho phép ngân hàng cơ cấu lại thời hạn nợ, giữ nguyên nhóm nợ trong Thông tư 02/2023/TT-NHNN từ tháng 4 năm 2023, đã góp phần làm giảm xu hướng gia tăng của nợ xấu và giảm áp lực trích lập dự phòng cho ngân hàng.
Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu hiện chưa bao gồm: các nghĩa vụ nợ tiềm ẩn từ các cam kết ngoại bảng; các khoản nợ được các ngân hàng chủ động tái cấu trúc trước với doanh nghiệp (với lý do khả năng trả nợ của doanh nghiệp bị ảnh hưởng), hay tái cấu trúc theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Do đó, FiinRatings nhận định các con số nợ xấu chưa thực sự phản ánh đầy đủ tình hình chất lượng tài sản của các ngân hàng trong bối cảnh hiện nay.
FiinRatings kỳ vọng việc sửa đổi luật các tổ chức tín dụng sẽ góp phần tạo điều kiện, hỗ trợ các ngân hàng trong công cuộc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm, đặc biệt với tài sản bảo đảm liên quan tới bất động sản. Tuy nhiên, chất lượng tài sản của các ngân hàng sẽ chưa cải thiện ngay trong năm 2024.
Cải thiện sức khỏe doanh nghiệp và thị trường bất động sản
Từ góc độ ngân hàng thương mại, ông Trần Long, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV cho rằng, năm 2024, nền kinh tế được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn và thách thức. Các động lực tăng trưởng kinh tế như xuất khẩu, tiêu dùng, sản xuất công nghiệp, đầu tư tư nhân còn chậm, hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều vướng mắc về pháp lý, môi trường kinh doanh, chi phí logistics tăng trong khi thị trường đầu ra còn hạn hẹp.
Số doanh nghiệp tạm ngưng kinh doanh tăng đáng kể, năng lực tài chính của DN bị giảm sút, khả năng chịu đựng yếu, cũng như nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xăng dầu, điện, đối mặt với rủi ro về mặt pháp lý dẫn đến quy mô nợ xấu gia tăng, các khoản nợ cơ cấu theo Thông tư 02 sẽ đến hạn trong năm 2024 và năm 2025, nên áp lực nợ xấu khi đến hạn sẽ rất lớn.
Nguồn | FiinRatings |
Trong khi đó, theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, một trong những nhiệm vụ quan trọng của các tổ chức tín dụng trong năm 2024 và những năm tiếp theo là vấn đề xử lý nợ xấu. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, để thực hiện nhiệm vụ này, các tổ chức tín dụng cần xây dựng kế hoạch và giải pháp cụ thể.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu đã hết hiệu lực, sẽ gây khó cho các ngân hàng trong việc thu hồi nợ, xử lý các khoản nợ và tài sản bảo đảm. Trong khi đó, trong Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, các tổ chức tín dụng cũng không có đặc quyền thu giữ tài sản bảo đảm. “Nếu người dân chây ỳ không trả nợ, các tổ chức tín dụng không thể xử lý được và phải đưa ra tòa thì một vụ việc khi đó sẽ mất rất nhiều thời gian, thậm chí kéo dài tới 5-7 năm vẫn chưa thu hồi được nợ. Tình trạng này tái diễn thì đến bao giờ ngân hàng mới xử lý được nợ xấu?”, ông Hùng chia sẻ.
Theo TS Nguyễn Minh Cường, nguyên Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, hệ thống ngân hàng đang phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, trong đó, nợ xấu gộp cuối 2023 ở mức 5% là mức đáng ngại. Đặc biệt là con số này chưa được tính toán đầy đủ bởi vẫn còn áp dụng quy định về cơ cấu thời hạn trả nợ và chưa chuyển nhóm nợ. Bên cạnh đó, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) đã gia tăng. Đáng chú ý, quả “bom” nợ trái phiếu DN chưa được giải quyết, mà chỉ trì hoãn, vẫn đè nặng lên các doanh nghiệp. Vì vậy, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, rủi ro đảo nợ khi các DN tiếp cận vốn ngân hàng để trả nợ đáo hạn của trái phiếu DN và chuyển quả bom trái phiếu doanh nghiệp thành nợ xấu ngân hàng.
“Hiện tại, cách giải quyết của chúng ta là kéo dài để tạo cơ hội cho doanh nghiệp phục hồi cùng với kỳ vọng bối cảnh quốc tế “dễ thở” hơn với triển vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sớm hạ lãi suất và tăng trưởng kinh tế tốt hơn. Trong khi đó, rủi ro đang len lỏi vào hệ thống. Do đó, việc cần làm thời điểm này là củng cố, tạo sức bền cho hệ thống ngân hàng để đủ sức ứng phó với các rủi ro của nền kinh tế”, ông Cường nhấn mạnh.
Từ góc độ khác, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia cho rằng, Thông 02/2023/TT-NHNN sẽ hết hạn hiệu lực vào cuối tháng 6/2024 khiến nợ xấu của nhiều doanh nghiệp tăng cao khiến doanh nghiệp khó có thể vay thêm vốn, do đó Ngân hàng Nhà nước cần cân nhắc gia hạn để tạo điều kiện tiếp cận tín dụng cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, chỉ nên gia hạn đến hết năm 2024 để tránh “nuôi” thêm rủi ro.
PGS, TS Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, nền kinh tế đang có dấu hiệu hồi phục song chưa rõ nét nên rủi ro nợ xấu tăng cao vẫn hiển hiện. Do đó, để giảm rào cản tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, việc gia hạn Thông tư 02 là cần thiết.
“Cùng với việc cơ cấu lại thời hạn và giữ nguyên nhóm nợ, cần tiếp tục nỗ lực và quyết liệt vực dậy nền kinh tế để cải thiện sức khỏe của doanh nghiệp, từ đó nợ xấu sẽ giảm. Bên cạnh đó, vẫn phải hỗ trợ thị trường bất động sản hồi phục bởi số vốn khổng lồ đang “nằm” tại thị trường này cùng số nợ xấu của hệ thống ngân hàng cũng ứ đọng tại lĩnh vực bất động sản, 80-90% tài sản thế chấp ngân hàng là bất động sản. Nếu thị trường bất động sản vẫn đóng băng, ngân hàng cũng không thể xử lý được nợ xấu”, ông Huân nhấn mạnh.