Xuất khẩu nông sản vững đà tăng trưởng

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bốn tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước ước đạt 19,06 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2023; giá trị xuất siêu của toàn ngành là 4,74 tỷ USD, tăng 71,5%. Với kết quả này, ngành nông nghiệp đang sẵn sàng vươn tới những kỷ lục mới về xuất khẩu.
0:00 / 0:00
0:00
Chế biến chanh leo xuất khẩu tại Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO). Ảnh | ĐỨC KHÁNH
Chế biến chanh leo xuất khẩu tại Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO). Ảnh | ĐỨC KHÁNH

Các mặt hàng hiện đã đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD gồm có: gỗ và sản phẩm gỗ (4,84 tỷ USD, tăng 23,7%); cà-phê (2,57 tỷ USD, tăng 57,9%); gạo 2,08 tỷ USD (tăng 36,5%), rau quả 1,8 tỷ USD (tăng 32,1%); điều 1,16 tỷ USD (tăng 21,2%).

Bứt phá về giá bán và kim ngạch

Số liệu từ Trung tâm chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, bốn tháng đầu năm 2024, nhiều mặt hàng nông sản có giá xuất khẩu bình quân tăng cao so với cùng kỳ, như: gạo đạt 644 USD/tấn, tăng 22,2%; cà-phê 3.402 USD/tấn, tăng 49,7%; cao su 1.487 USD/tấn, tăng 6,9%; hạt tiêu 4.214 USD/tấn, tăng 36,4%. Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản là ba thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng 20,1%, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2023; thị trường Trung Quốc chiếm 18,9%, tăng 15,1% và thị trường Nhật Bản chiếm 6,9%, tăng 9,6%.

Là một trong những ngành hàng có tốc độ tăng trưởng cao ngay từ những tháng đầu năm, ngành rau quả đang trên đà hướng tới mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt mức kỷ lục 6-6,5 tỷ USD. Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên thông tin: bốn tháng đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt giá trị cao, góp phần quan trọng thúc đẩy ngành hàng tăng trưởng vượt bậc. Riêng quý I/2024, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 759,4 triệu USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2023; chiếm 59,1% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả. Bên cạnh đó, hàng rau quả cũng được đẩy mạnh xuất khẩu sang các khu vực khác như châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương và châu Phi.

Đối với ngành hàng cà-phê, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), xuất khẩu cà-phê của Việt Nam trong cả quý II/2024 sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu thế giới tăng cao. Hiện ngành cà-phê Việt Nam được hưởng lợi nhờ giá xuất khẩu có xu hướng tăng mạnh. Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) dự báo, tiêu thụ cà-phê niên vụ 2023/2024 sẽ tăng 2,2% so với niên vụ 2022/2023, đạt 117 triệu bao. Đây là cơ hội cho ngành cà-phê Việt Nam gia tăng xuất khẩu, hướng tới mục tiêu đạt hơn 5 tỷ USD trong năm 2024. Trong quý I/2024, căng thẳng ở Biển Đỏ ảnh hưởng đến khoảng 36% tổng sản lượng cà-phê xuất khẩu toàn cầu, chủ yếu là cà-phê xuất khẩu từ Đông Nam Á. Mặc dù vậy, hiện thị trường xuất khẩu cà-phê của Việt Nam vẫn đang khá rộng mở.

Tại Liên minh châu Âu (EU), nhập khẩu cà-phê của khu vực này từ thị trường ngoại khối thời gian qua tuy có giảm nhưng mức nhập khẩu từ Việt Nam vẫn tăng. Tính riêng trong 2 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu cà-phê Việt Nam của EU đã tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 318 triệu EUR (tương đương 340 triệu USD). Tại Nhật Bản, giá trị xuất khẩu cà-phê của Việt Nam cũng ghi nhận sự tăng trưởng khi hai tháng đầu năm 2024 đạt 82 triệu USD với khối lượng 23,4 nghìn tấn.

Xuất khẩu nông sản vững đà tăng trưởng ảnh 1

Kiểm tra gạo Cơm ViệtNam Rice xuất khẩu vào thị trường châu Âu tại Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời. Ảnh: Hà Anh

Cùng với rau quả và cà-phê, xuất khẩu gạo cũng vẫn tiếp tục kéo dài đà tăng trưởng từ giữa năm 2023, khi kim ngạch bốn tháng đầu năm 2024 tăng tới 57,9% so với cùng kỳ. Điều đáng nói, giá bán gạo Việt Nam cũng ở mức cao, trung bình gần 650 USD/tấn. Mặt khác, thị trường xuất khẩu gạo cũng dần rộng mở hơn, không chỉ tập trung vào các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia, Malaysia mà đã thâm nhập ngày càng sâu vào thị trường EU, Mỹ và các thị trường châu Á khác. Đơn cử như tại Singapore, ba tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã lần đầu tiên trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất vào thị trường này trong giai đoạn gần đây, đạt kim ngạch khoảng 36,15 triệu SGD, tăng 80,46% so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, sản phẩm gạo của Việt Nam cũng được đón nhận tích cực từ thị trường châu Âu, châu Mỹ. Năm 2023, giá trị xuất khẩu gạo sang khu vực thị trường này đạt 64 triệu USD, tăng 50%. Còn tính riêng hai tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu tăng ở mức ấn tượng 238%, đạt 27,8 triệu USD.

Tuân thủ quy định là “chìa khóa” tăng trưởng

Năm 2024, EU thực hiện nhiều quy định liên quan kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững như: Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM); Quy định chống phá rừng (EUDR)... Trong đó, CBAM là công cụ mang tính bước ngoặt của EU nhằm chống rò rỉ carbon, đòi hỏi các doanh nghiệp phải cập nhật và tuân thủ nếu muốn mở rộng thị phần tại khu vực này. Ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) cho biết: Cuối tháng 4 vừa qua, Simexco DakLak đã được trao hai chứng nhận của Hiệp hội 4C (tổ chức thực hiện Bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà-phê) về hai vùng trồng đáp ứng quy định EUDR của Liên minh châu Âu. Hai vùng trồng có diện tích 9.500 ha, sản lượng hơn 35.000 tấn với gần 8.000 nông dân tham gia. Đây là chứng nhận đầu tiên của Việt Nam và cũng là chứng nhận đầu tiên của thế giới trong lĩnh vực này.

Theo Quy định chống mất rừng, EU sẽ cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng, trong đó có cà-phê nếu sản phẩm được sản xuất trên những diện tích có được nhờ phá rừng kể từ năm 2020. Đây là quy định rất ngặt nghèo cho các vùng xuất khẩu cà-phê vào châu Âu. Để duy trì và phát triển tại thị trường EU, hiện Simexco DakLak đang hoàn thiện hồ sơ cấp chứng nhận EUDR cho 5.375 ha trồng cà-phê với 4.597 nông dân tham gia. Đồng thời hợp tác với Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững (IDH) cập nhật số liệu và triển khai các hoạt động để đạt được chứng nhận EUDR cho 6 vùng sản xuất cà-phê tại thành phố Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ, huyện Krông Năng, huyện Cư M’gar, huyện Cư Kuin, huyện Krông Ana với diện tích 106.000 ha, sản lượng 300.000 tấn và khoảng 82.000 nông dân tham gia.

“Tuy nhiên, để đáp ứng các quy định EUDR, các doanh nghiệp phải đầu tư lớn về kinh phí, thu thập lượng lớn dữ liệu và thực hiện hàng loạt các thủ tục pháp lý cần thiết, cho nên không phải doanh nghiệp nào cũng có nguồn lực đủ mạnh để triển khai. Do đó, xuất khẩu cà-phê Việt Nam cũng cần có chiến lược giảm phụ thuộc quá lớn vào thị trường châu Âu. Hiện nay, 60% sản lượng cà-phê xuất khẩu của Việt Nam là vào châu Âu. Theo đó, nên mở rộng xuất khẩu sang các thị trường đang nổi và tiềm năng như Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản để gia tăng kim ngạch”, ông Lê Thanh Sơn nhấn mạnh.

Nhằm đẩy mạnh tuân thủ các quy định quốc tế về xuất khẩu nông sản, ngành hàng lúa gạo không chỉ mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao, sản xuất hữu cơ, xây dựng chuỗi giá trị... mà còn tiên phong tập trung vào một phân khúc khó hiện nay là sản xuất lúa giảm phát thải, tiến tới trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới bán gạo phát thải thấp. Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng: Xuất khẩu gạo của Việt Nam đang ghi nhận tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây nhưng thực tế trong sản xuất chưa có nhiều vùng chuyên canh lúa tập trung, quy mô lớn; canh tác lúa vẫn thiếu bền vững do người nông dân sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học gây ảnh hưởng đến môi trường, tăng phát thải khí nhà kính.

Với mục tiêu giảm 20% chi phí đầu vào sản xuất, đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất lúa của các hộ nông dân khoảng 9.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc áp dụng các quy trình xử lý và tái chế phụ phẩm, xây dựng thương hiệu gạo phát thải thấp sẽ góp phần nâng cao giá trị toàn chuỗi lúa gạo lên 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%. Đây cũng là lời giải cho bài toán đa dạng thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam, nhất là với những thị trường chất lượng cao, giá cao như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản...

Năm 2024, ngành nông nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 55 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng GDP 3,5%. Bước chạy đà của những tháng đầu năm 2024 là tín hiệu tích cực cho thấy sự nỗ lực của toàn ngành trên chặng đường hiện thực hóa mục tiêu. Thị trường đã mở, nhu cầu nông, lâm, thủy sản trên toàn cầu được dự báo sẽ còn tăng, thì nâng cao năng lực thực thi các quy định về chất lượng sản phẩm, lao động, môi trường... trong sản xuất và xuất khẩu sẽ giúp nông sản Việt Nam thắng lớn trên thị trường quốc tế.