Bài 2: Giải pháp nào để không khí “xanh” trở lại?

NDO - Ô nhiễm không khí gây ra rất nhiều hệ lụy ngày càng nặng nề về sức khỏe, môi trường và kinh tế. Nhưng để ngăn chặn bầu không khí tiếp tục bị đầu độc, trả lại sự trong lành xanh mát trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp là cả một bài toán nan giải với nhiều vấn đề liên quan... Ô nhiễm không khí gây thiệt hại 5-7% GDP hằng năm
0:00 / 0:00
0:00
Sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng tàu điện góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ảnh | MẠNH TRƯỜNG
Sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng tàu điện góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ảnh | MẠNH TRƯỜNG

Những ngày nồm ẩm kết hợp với ô nhiễm không khí đầu năm 2024, con gái 2 tuổi của chị Đinh Bích Thủy (phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội) thường xuyên phải nhập viện vì viêm đường hô hấp. Cứ “đến hẹn lại lên”, mùa đông đến - cũng là thời điểm ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất trong năm, Bệnh viện Nhi Trung ương và nhiều cơ sở y tế khác thường quá tải.

Chị Thủy chia sẻ: “Hà Nội ô nhiễm không khí quá mức khiến hệ hô hấp của trẻ nhỏ không chịu nổi, có lúc bế tắc quá tôi đưa con lên Hòa Bình thì cháu bình phục rất nhanh nhưng rồi vẫn phải quay về “tắm” mình trong bụi mịn để đi học”.

PGS, TS Vũ Văn Giáp - Tổng Thư ký Hội Hô hấp Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho biết: “Chất lượng không khí kém, khói bụi trong môi trường nhiều thì đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên và rõ rệt nhất là những bệnh nhân có sẵn bệnh lý về hô hấp. Người bệnh sẽ thấy khó thở nhiều hơn, ho nhiều hơn, kèm theo tức nặng ngực và các dấu hiệu của đợt cấp sẽ xuất hiện. Các nghiên cứu cho thấy ở những thời điểm thời tiết khắc nghiệt hoặc có ô nhiễm không khí cao thì tần suất bệnh nhân nhập viện do các căn nguyên về hô hấp và tim mạch luôn tăng cao hơn”.

Theo Kế hoạch Quản lý chất lượng môi trường không khí thành phố Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2035, ô nhiễm không khí chủ yếu do bụi PM2.5 gây ra đang ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và thiệt hại kinh tế cho người dân Thủ đô.

Với sự gia tăng nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội, trung bình mỗi năm có thêm khoảng 1.062 ca nhập viện do bệnh tim mạch, khoảng 2.969 ca do bệnh hô hấp, lần lượt tương đương với 1,2% và 2,4% tổng số ca nhập viện do hai nhóm bệnh này ở người dân Hà Nội.

Bên cạnh các gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm, ô nhiễm không khí còn gây ra các thiệt hại về kinh tế do phải chi trả chi phí khám, chữa bệnh, chi phí gián tiếp do mất ngày công lao động của người bệnh và người chăm sóc. Ước tính tỷ lệ thiệt hại khoảng 20% thu nhập. Giai đoạn 2011-2015, chi phí khám, chữa bệnh hô hấp, thiệt hại kinh tế do nghỉ ốm... đối với dân cư nội thành Hà Nội, tính trung bình là hơn 1.500 đồng/người/ngày, tương đương 2.000 tỷ đồng/năm với 3,5 triệu dân nội thành.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí được coi là kẻ giết người thầm lặng. Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Tương tự như vậy, tỷ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%. Riêng đối với bệnh lý hô hấp, các đối tượng bị ảnh hưởng sẽ lớn hơn rất nhiều, ước tính khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí.

WHO cho biết, ô nhiễm môi trường không khí gây ra 7 triệu ca tử vong mỗi năm, trong đó châu Á - Thái Bình Dương chiếm khoảng 4 triệu ca. Chúng không những cướp đi sinh mạng của hàng triệu người mà còn gây thiệt hại kinh tế gần 5 nghìn tỷ USD mỗi năm. Ô nhiễm không khí còn khiến tuổi thọ trung bình của mỗi người giảm đi 2 năm và là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 4 trên thế giới sau các bệnh tăng huyết áp, sử dụng thuốc lá và chế độ ăn uống không lành mạnh.

Theo đó ô nhiễm bụi mịn PM2.5 chính là thủ phạm gây ra nhiều ca tử vong nhất. Vì chúng có kích thước rất nhỏ, nên dễ đi vào các nang trong phổi gây nên các bệnh về hô hấp. Bụi mịn (PM2.5) kết hợp với CO, SO2, NO2 có trong không khí gây kích ứng niêm mạc, cản trở Hemoglobin kết hợp oxy khiến tế bào thiếu oxy, dẫn đến suy giảm chức năng phổi và làm nặng thêm tình trạng bệnh hen và bệnh tim.

Cũng theo WHO, ô nhiễm môi trường không khí là một trong nhiều thủ phạm gây nên các bệnh tim mạch, đột quỵ não lên tới 25%.

Ở góc độ kinh tế-xã hội, ô nhiễm không khí gây ra cho Việt Nam rất nhiều thiệt hại. GS, TS Trần Thọ Đạt - nguyên thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng về một số nội dung liên quan đến giảm thiểu ô nhiễm không khí và các chính sách kinh tế nhằm giảm thiểu một cách cơ bản và bền vững, cho biết: “Thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy, ô nhiễm không khí tại Việt Nam đã gây thiệt hại tới 5-7% GDP hằng năm. Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của Đại học Fulbright Việt Nam, ô nhiễm không khí đã gây ra thiệt hại kinh tế khoảng 9,86-12,45 tỷ USD vào năm 2013 và tăng lên đáng kể những năm gần đây”.

Kiểm soát, giảm thiểu “thủ phạm” gây ô nhiễm

Những thiệt hại khôn lường của ô nhiễm không khí đặt ra yêu cầu bức thiết cần phải có hàng loạt các giải pháp để giải quyết thực trạng nhức nhối này. Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, để hạn chế ô nhiễm không khí hiện nay, việc quan trọng là cần hoàn thiện hệ thống chính sách và các quy định pháp luật để quản lý chất lượng môi trường không khí.

Từ khi có Luật Bảo vệ môi trường 2020, nhiều nghị định và các quy định khác được Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành đã tạo hành lang pháp lý trong thực hiện bảo vệ môi trường không khí.

Ông Nguyễn Hưng Thịnh nhấn mạnh: “Đặc biệt, theo Nghị định 08 của Chính phủ, trong trường hợp ô nhiễm không khí ở mức nghiêm trọng, tùy vào quy mô và mức độ, cơ quan quản lý có thể đưa ra các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ người dân và cải thiện chất lượng không khí. Trong những hoàn cảnh đặc biệt, nếu không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trong khoảng thời gian dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân thì tùy theo cấp độ ban bố tình trạng khẩn cấp trên phạm vi quốc gia của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp khẩn cấp trên địa bàn quản lý”.

Theo ông Thịnh, trường hợp “chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên phạm vi nội tỉnh”, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện biện pháp khẩn cấp như hạn chế như: Tạm dừng hoặc điều chỉnh thời gian hoạt động của cơ sở sản xuất có lưu lượng xả bụi, khí thải lưu lượng lớn ra môi trường; hạn chế, phân luồng hoạt động của các phương tiện giao thông vận tải đường bộ, thậm chí được phép đưa ra các quy định cấm hay hạn chế phương tiện đi vào tỉnh, thành phố”.

Mặc dù chất lượng không khí ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có nhiều thời điểm “ô nhiễm nghiêm trọng” nhưng chưa có biện pháp khẩn cấp nào được đưa ra. Nhiều giải pháp đang được thực hiện nhưng xem ra không theo kịp với mức độ ô nhiễm không khí ngày càng nặng nề.

Một trong những “thủ phạm” gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là khí thải từ hàng triệu xe máy và ô-tô, vậy làm thế nào để hạn chế?

Để giải quyết tình trạng này, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết đang đồng thời thực hiện hai giải pháp, bao gồm xây dựng lộ trình hạn chế xe cá nhân đi vào khu vực nội đô, tiến tới dừng hoạt động xe máy tại các quận nội thành vào năm 2030. Bên cạnh đó, chuyển đổi toàn bộ xe buýt bằng dầu sang chạy bằng điện.

Hà Nội cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế nguồn phát sinh gây ô nhiễm không khí. Đó là, thành phố đã đưa vào vận hành hệ thống 35 trạm quan trắc không khí tự động, 6 trạm quan trắc nước mặt, giám sát chất lượng môi trường khí thải, nước thải các khu, cụm công nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo các cấp chính quyền xóa được hơn 99% số lượng bếp than tổ ong, giảm 80% lượng đốt rơm rạ ở ngoại thành, xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công.

TP Hồ Chí Minh cũng đang thực hiện nhiều nhóm giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí. Trong đó, sẽ đẩy mạnh khai thác vận tải hành khách công cộng bằng phương tiện sử dụng điện. Việc đầu tư mới xe buýt, taxi của các HTX, doanh nghiệp vận tải sẽ được ưu tiên chuyển đổi sang phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch như điện, khí ga...

TP Hồ Chí Minh chính thức công bố kế hoạch hỗ trợ người dân chuyển đổi từ xe máy dùng nhiên liệu hóa thạch sang xe máy điện. Theo ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, việc thí điểm hỗ trợ người dân chuyển đổi sang xe máy điện được kỳ vọng giúp giảm phát thải từ xe máy ra môi trường sống, có thể thí điểm chuyển đổi phát thải hoàn toàn trước ở các quận lõi trung tâm thành phố.

Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng để giảm thiểu khí thải độc hại, cải thiện dần chất lượng không khí trước hết các cấp chính quyền, doanh nghiệp, người dân phải nhận thức được tầm quan trọng của môi trường. Hiện nay vẫn có tư duy hy sinh môi trường để phát triển kinh tế, không đầu tư vào các hệ thống xử lý khí thải. Cần những chế tài đủ sức răn đe để xử lý thật nặng những hành vi gây ô nhiễm không khí.