Vì sao xây dựng chuẩn văn minh đô thị gặp khó?

NDO - Ðại hội XIII của Ðảng chủ trương “lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng” được coi là một trong ba đột phá chiến lược của giai đoạn 2021-2030, trong đó đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 45%; năm 2030 đạt hơn 50%. Có thể thấy, không gian sống đô thị ngày càng được mở rộng và dần cân bằng với không gian sống nông thôn vốn trước đây chiếm phần lớn ở nước ta. Khi tốc độ đô thị hóa càng nhanh thì câu chuyện xây dựng văn minh đô thị đặt ra càng bức thiết. Trong khi nhiều địa phương đã đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng vì sao việc xây dựng để đạt chuẩn đô thị văn minh lại đang gặp khó?
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều quận nội thành ở Hà Nội gặp khó khi xây dựng chuẩn văn minh đô thị
Nhiều quận nội thành ở Hà Nội gặp khó khi xây dựng chuẩn văn minh đô thị

Nhiều tiêu chí khó thực hiện

Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg, quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh (ĐTVM), theo đó ĐTVM cần đáp ứng 9 tiêu chí cơ bản. Đó là quy hoạch đô thị, giao thông đô thị; môi trường và an toàn thực phẩm; an ninh, trật tự; thông tin, truyền thông đô thị; việc làm, thu nhập bình quân và hộ nghèo; văn hóa, thể thao; y tế, giáo dục; hệ thống chính trị và trách nhiệm của chính quyền đô thị.

Xây dựng chuẩn ĐTVM được xem như một chính sách lớn, có thể tạo nên một phong trào sâu rộng có tính lan tỏa trong cả nước, song hành với phong trào xây dựng nông thôn mới.

9 tiêu chí cơ bản cần đáp ứng để đạt chuẩn ĐTVM, trong đó mỗi tiêu chí lớn lại đi kèm những tiêu chí nhỏ bao quát nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội, văn hóa, không dễ thực hiện.

Ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội đánh giá về tiêu chí giao thông đô thị: “Hà Nội hiện có tới gần 8 triệu phương tiện giao thông đường bộ các loại, trong đó hơn 1,7 triệu xe ô-tô. Tốc độ tăng trưởng phương tiện bình quân giai đoạn 2019-2023 là hơn 10% đối với ô-tô và hơn 3% đối với xe máy, trong khi diện tích đất dành cho giao thông chỉ tăng khoảng từ 0,26-0,3%/năm. Tốc độ phát triển của kết cấu hạ tầng giao thông không theo kịp tốc độ phát triển phương tiện, dẫn đến tình trạng chiếm dụng lòng đường, hè phố làm nơi đỗ xe xảy ra ở nhiều nơi, vừa làm hư hỏng kết cấu công trình, vừa gây mất trật tự và ùn tắc giao thông”.

Với thực tế như vậy, Hà Nội rất khó đáp ứng tiêu chí: “Hành lang an toàn giao thông bảo đảm mỹ quan đô thị; không có hiện tượng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè kinh doanh, buôn bán, vi phạm trật tự an toàn giao thông”. Đây chỉ là 1 trong 7 tiêu chí về giao thông đô thị cần đạt được để được công nhận ĐTVM.

Bà Lê Thị Khanh, Trưởng phòng Văn hóa thông tin quận Ba Đình cho biết, trong thực tế triển khai, các tiêu chí về bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội khó thực hiện để đạt ĐTVM. Tiêu chí 90% tổ dân phố thuộc phường có điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao hoạt động thường xuyên, hiệu quả cũng khó khả thi vì đa số các phường trên địa bàn quận hiện không còn quỹ đất để xây dựng. Phần lớn nhà sinh hoạt cộng đồng hiện hữu có diện tích nhỏ, xuống cấp, chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của cư dân đô thị.

Cả một địa bàn rộng và đông dân cư, song phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình) chỉ có duy nhất một điểm sinh hoạt cộng đồng tại số 64 phố Yên Phụ, nên 7 tổ dân phố của phường phải sử dụng chung hoặc “mượn tạm” cơ sở vật chất của các đơn vị, cơ sở khác mỗi khi cần hội họp hoặc sinh hoạt văn hóa. Toàn quận Ba Đình - một quận trung tâm, vùng lõi của Hà Nội - có 217 tổ dân phố, thì chỉ có 92 điểm sinh hoạt cộng đồng, chưa có nhà văn hóa cơ sở.

Theo Phòng Văn hóa thông tin quận Ba Đình, căn nguyên nằm ở chỗ không có quỹ đất, kinh phí xây dựng không phải là vấn đề. Ở nơi đất chật người đông, tấc đất tấc vàng, việc bố trí quỹ đất để xây dựng nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng ngày càng nan giải. Điều này cho thấy để được công nhận ĐTVM với quận Ba Đình nói riêng và Hà Nội nói chung trở nên rất khó khăn. Ngay cả quận Hà Đông vốn vấn đề quỹ đất không quá nan giải cũng đang gặp khó, hiện 49/250 tổ dân phố chưa có nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng.

Ngoài ra, nhiều địa phương cũng vướng mắc khi thực hiện 9 tiêu chí vì những nguyên nhân nổi cộm như bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội… còn lâu mới đạt được như kế hoạch.

Một thực tế là nhiều huyện ngoại thành Hà Nội dễ dàng đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng các quận nội thành rất khó đạt chuẩn phường ĐTVM, nếu có chủ yếu nằm ở các quận mới. Các quận Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, cũng như một số phường thuộc quận Thanh Xuân, Cầu Giấy… hiện gặp nhiều khó khăn trong thực hiện tiêu chí về giao thông, trật tự đô thị, văn hóa, thể thao…

Với tốc độ triển khai như hiện nay, rất khó để Hà Nội đạt mục tiêu đến năm 2025, 40% phường đạt chuẩn ĐTVM như Kế hoạch số 59/KH-UBND đề ra. Do “đường đi khó” nên nhiều quận đang dè dặt, số phường đăng ký đạt chuẩn văn minh đô thị còn thấp. Điển hình như quận Bắc Từ Liêm, chỉ đặt ra chỉ tiêu 3/13 phường đạt chuẩn.

Thành phố Tân An (tỉnh Long An) vùng Đông Nam Bộ cũng đối mặt nhiều khó khăn khi xây dựng chuẩn văn minh đô thị, đặc biệt là tiêu chí về môi trường. Thành phố này tập trung hướng dẫn người dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn và thông tin lịch thu gom chất thải rắn sinh hoạt với nhiều hình thức như thông báo trên hệ thống truyền thanh, lồng ghép trong sinh hoạt chi bộ, tổ hội, phát tờ rơi tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ gia đình... Nhưng chỉ tiêu tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại rác tại nguồn vẫn chưa đạt được vì cần rất nhiều thời gian để thay đổi thói quen của người dân. Mặt khác, việc thực hiện tiêu chí về giao thông đô thị còn gặp khó vì vẫn còn tình trạng lắp đặt rạp ra vỉa hè, lòng, lề đường giao thông khi có đám tiệc… Đó là cái khó chung của rất nhiều địa phương trong cả nước khi xây dựng chuẩn ĐTVM.

Một số giải pháp khả thi

GS, TS Nguyễn Minh Hòa, giảng viên cao cấp môn Đô thị học, Trường đại học KHXH&NV Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc đạt chuẩn văn minh đô thị gặp nhiều rào cản vì nhìn chung chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu của một ĐTVM, quy hoạch công sở, công trình công cộng còn nhiều rối rắm; nhà cửa lộn xộn, ngõ nhỏ, phố nhỏ. Chưa nói đến các tiêu chí “cứng” về cơ sở vật chất, mà ý thức người dân và trật tự xã hội chưa có nền nếp, chợ có thể họp bất cứ đâu, lấn chiếm lòng lề đường quá nhiều; ý thức pháp luật của cộng đồng dân cư chưa đồng đều, còn tồn tại những tập quán, thói quen “lạc hậu” trong sinh hoạt và kinh doanh, môi trường ô nhiễm.

Đại diện cơ quan chủ trì xây dựng mô hình ĐTVM, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho rằng, việc thực hiện các tiêu chí ĐTVM phải lồng ghép với xây dựng văn minh đô thị như phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương cần chỉ đạo, tổ chức triển khai và bố trí nguồn lực để thực hiện.

Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Cục trưởng Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) chia sẻ các giải pháp phát triển ĐTVM bền vững, trong đó phải nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị. Trước mắt, công tác quy hoạch cần cải thiện chất lượng trên cơ sở căn cứ dữ liệu đầu vào (thực trạng, nhu cầu) và dự báo khoa học, chính xác; áp dụng công nghệ tiên tiến (như áp dụng GIS - hệ thống thông tin địa lý); tránh điều chỉnh quy hoạch tùy tiện. Việc này thường có xu hướng tăng tầng cao, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất và giảm diện tích đất công cộng, đất cây xanh dẫn đến tạo áp lực lên hạ tầng kỹ thuật và xã hội đô thị. Ngoài ra, cần tháo gỡ điểm nghẽn trong hạ tầng kết nối vùng, hạ tầng đô thị và khơi thông nguồn lực phát triển đô thị.

Bà Lan Anh nhấn mạnh đến vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị và nâng cao năng lực chuyên môn hóa trong quản lý phát triển đô thị. Các chính quyền đô thị ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi các kế hoạch phát triển đô thị, nhất là trong bối cảnh chủ trương phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương.