Tầm nhìn quy hoạch và định hướng đột phá phát triển

Trước thềm kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ðiện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Những định hướng trong quy hoạch tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xúc tiến và thu hút đầu tư, phát huy lợi thế, tiềm năng và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở một tỉnh nghèo miền núi xa xôi.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc thành phố Điện Biên Phủ. Ảnh | THÀNH ĐẠT
Một góc thành phố Điện Biên Phủ. Ảnh | THÀNH ĐẠT

Phát huy tiềm năng, lợi thế

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện. Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vũ Lệnh Nghị chia sẻ, lần đầu tiên xây dựng quy hoạch tỉnh, không đơn thuần là phép cộng, nội dung liên quan nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và đòi hỏi chuyên sâu, trong quá trình tích hợp phải xử lý mâu thuẫn, xung đột, vừa làm vừa học hỏi, những khó khăn dần được tháo gỡ. Quá trình thu thập số liệu, xây dựng đề cương báo cáo, các khu định hướng, các kịch bản tăng trưởng trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, việc đi lại và làm việc trực tiếp hạn chế, các sở, ngành và tư vấn làm việc online để hoàn thiện từng hợp phần.

Khối lượng công tác lập quy hoạch lớn, đồ sộ với gần 10.000 trang gồm nhiều báo cáo, tiếp thu ý kiến tham gia vào quy hoạch tỉnh của 19 bộ, ngành trung ương, 13 tỉnh lân cận, 30 nghìn ý kiến tham gia, giải trình của các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh cùng hệ thống sơ đồ, bản đồ kèm theo. Sau rất nhiều cuộc họp, tiếp thu, giải trình, chỉnh sửa, hoàn chỉnh, ngày 27/1/2024, Quy hoạch tỉnh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo quy hoạch, Điện Biên phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía bắc; là một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ, y tế của vùng, tầm nhìn đến năm 2050 là tỉnh phát triển khá của cả nước, là trọng điểm du lịch lịch sử-văn hóa, sinh thái quốc gia, có đẳng cấp quốc tế. Phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh, nội lực, thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển tỉnh, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong tỉnh, tạo dựng các liên kết phát triển với các tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía bắc, tận dụng các lợi thế về giao thương quốc tế thông qua các cửa khẩu quốc tế với các tỉnh Bắc Lào, Tây Nam Trung Quốc và các nước ASEAN. Đồng thời, tập trung đầu tư có trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh với nông, lâm nghiệp là nền tảng, xây dựng là động lực, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Về phương án tổ chức các hoạt động kinh tế-xã hội, tỉnh phát triển theo mô hình cấu trúc không gian gồm 4 trục động lực, 3 vùng kinh tế và 4 cực tăng trưởng. Phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất theo vùng gắn với các chuỗi giá trị hàng hóa chất lượng cao, ứng dụng khoa học-công nghệ để nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế theo các nhóm sản phẩm chủ lực, xây dựng ngành lâm nghiệp thành một ngành kinh tế trọng điểm trong cơ cấu nông nghiệp.

Phát triển du lịch dựa trên 3 trụ cột chính là du lịch lịch sử-văn hóa, du lịch sinh thái, khám phá cảnh quan thiên nhiên và du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khoẻ. Mục tiêu đặt ra là tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2030 đạt 10,51%/năm, phấn đấu đến năm 2030: GRDP bình quân/người theo giá hiện hành đạt hơn 113 triệu đồng, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 5.000 tỷ đồng, khách du lịch hơn 2,65 triệu lượt người, tỷ lệ đô thị hóa đạt hơn 32%.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Phi Sông nhấn mạnh, phát triển kinh tế kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần của nhân dân, gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trên cơ sở quy hoạch xác định được nguồn lực, đầu tư các dự án trọng điểm để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội và triển khai bằng những kế hoạch cụ thể.

Ðầu tư trọng tâm, trọng điểm

Thực tế Điện Biên gặp không ít khó khăn trong thu hút đầu tư do vị trí địa lý xa xôi, cách trở và cơ sở hạ tầng, giao thông không thuận lợi. Nguồn thu ngân sách địa phương eo hẹp, khoảng hơn 7% dân số chưa có điện lưới quốc gia, đời sống bà con đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn, nhiều người phải đi làm ăn xa kiếm kế sinh nhai...vẫn luôn là nỗi niềm trăn trở. Thẳng thắn nhìn nhận tồn tại, hạn chế để khắc phục và phát huy tiềm năng lợi thế, tỉnh quyết tâm vào cuộc tăng tốc phát triển kinh tế giảm khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi, tránh tụt hậu bằng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù và giải pháp đột phá.

Để Điện Biên “cất cánh”, cần tháo gỡ các nút thắt và nắm bắt cơ hội phát triển. Ngoài phát huy nội lực, tỉnh quan tâm tạo dựng môi trường thông thoáng, minh bạch, thân thiện nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu, hợp tác đầu tư trên nhiều lĩnh vực. Ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, quảng bá hình ảnh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường đối thoại, hỗ trợ kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; chọn lựa các nhà đầu tư đủ tâm và tầm.

Chia sẻ về những đóng góp trong công tác quy hoạch, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Phạm Đức Minh cho biết, Sở tích cực tham mưu cho UBND tỉnh về công tác tổ chức lập quy hoạch, thực hiện quy hoạch để các nhà đầu tư, chủ đầu tư, chính quyền địa phương tổ chức triển khai tuân thủ theo đúng quy định; thẩm định, quản lý, kiểm tra nghiệm thu chặt chẽ hạn chế tối đa thất thoát lãng phí trong thi công, các công trình bảo đảm chất lượng, hữu dụng, thiết thực.

Xác định đầu tư hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại với trọng tâm là đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đi trước tạo đột phá và là động lực phát triển, dẫu bối cảnh còn nhiều khó khăn, tỉnh tiết kiệm, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư từ Trung ương và ngân sách địa phương, tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ triển khai, hoàn thành các dự án trọng điểm: nâng cấp các tuyến quốc lộ 279, 12; 4H; xây dựng cầu Tủa Chùa kết nối với Lai Châu... bảo đảm vận tải thông suốt, an toàn. Bên cạnh đó, đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại thành phố Điện Biên Phủ, các thị trấn, thị tứ; khai thác có hiệu quả cảng hàng không Điện Biên, phấn đấu trở thành sân bay quốc tế trước năm 2030, góp phần phát triển nhanh và bền vững.

Với di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ, cùng lợi thế là tỉnh vùng Tây Bắc duy nhất có sân bay, khí hậu trong lành, trữ lượng nước khoáng rất lớn tạo tiền đề để Điện Biên trở thành trung tâm nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe. Để thu hút và “giữ chân” du khách khi đến vùng đất hoa ban đòi hỏi xây dựng các cơ sở lưu trú khách sạn, resort, kinh doanh dịch vụ, sân golf... gắn với các điểm, khu vực du lịch trọng điểm và đã có một số nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu, đầu tư.

Kết cấu hạ tầng của thành phố Điện Biên Phủ được ưu tiên đầu tư xứng tầm một thành phố du lịch lịch sử, đô thị đầu tàu và vị thế chiến thắng Điện Biên Phủ, từ đó tạo động lực thúc đẩy các địa phương vệ tinh xung quanh phát triển. Những công trình như nhà khách tỉnh, các khu đô thị mới, khu trung tâm hành chính, đường 60 m, tuyến đường Động Lực, cầu Thanh Bình... đã và sẽ hình thành tạo diện mạo mới cho một đô thị trung tâm ngày càng xanh-sạch-văn minh. Nhận thức rõ phát triển thành phố hiện đại nhưng vẫn gìn giữ, phát huy được bản sắc và giá trị lịch sử, trong các đồ án quy hoạch luôn lưu ý khoanh vùng các khu vực cần bảo tồn, tu bổ.

Trong định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng tới mục tiêu trở thành thủ phủ của Tây Bắc về trồng cây mắc ca, Điện Biên đã chấp thuận chủ trương đầu tư triển khai nhiều dự án của các doanh nghiệp, nhà đầu tư với quy mô gần 100 nghìn ha, tại các vùng, khu vực khó khăn, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nhằm giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động, mở ra cơ hội xóa đói, giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân và nâng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh.

Hồ hởi cho biết Tập đoàn TH vừa ký kết biên bản ghi nhớ với UBND huyện Tuần Giáo về hợp tác phát triển vùng lõi mắc ca, Chủ tịch UBND huyện Lê Xuân Cảnh chia sẻ, huyện cửa ngõ của tỉnh vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn, dân đông, diện tích đất còn rất lớn, có khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp nên mắc ca được chọn là cây trồng chủ lực và xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến sâu, xuất khẩu. Phát triển hàng hóa theo hướng đặc sản, cây dược liệu có giá trị, các sản phẩm OCOP; hình thành chuỗi sản xuất - chế biến nông lâm sản có ứng dụng công nghệ cao là giải pháp khả thi ngành nông nghiệp hướng tới.