Khi Quốc kỳ Việt Nam phấp phới tung bay trên Bắc cực

Thực hiện chủ trương đầu tư ra nước ngoài của Ðảng, Nhà nước, chúng ta hiện đã có 177 dự án do các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Trong số các dự án đó, Liên doanh Rusvietpetro do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (QGVN) và Tập đoàn Dầu khí Nga Zarubezhneft đã mang lợi nhuận khá lớn về cho đất nước. Kết quả đó đã chứng minh cho hiệu quả hợp tác giữa chính phủ hai nước Việt Nam-Nga, khẳng định bước đi, quyết định đúng đắn khi đầu tư ra nước ngoài của Ðảng và Nhà nước ta. Dự án này vừa đào tạo được đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân viên vận hành, vừa mang lại lợi ích cho đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho quốc gia và nâng tầm vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Cờ Việt Nam tung bay trên khu mỏ Nenetsky (vành đai Bắc Cực).
Cờ Việt Nam tung bay trên khu mỏ Nenetsky (vành đai Bắc Cực).

Bay lên cực Bắc của trái đất

Cách đây 12 năm ngay sau khi Liên doanh Rusvietpetro cho ra sản phẩm, là những dòng dầu đầu tiên, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã tổ chức cho đoàn nhà báo Việt Nam sang Nga, lên khu vực Nenetsky (khu vực mỏ khai thác) để chứng kiến thành quả hợp tác trong lĩnh vực dầu khí giữa hai nước. Rủi ro thay, chuyến bay từ Mát-xcơ-va lên vùng cực Bắc gặp thời tiết xấu nên đành lỡ hẹn với anh em Việt Nam trong liên doanh. Lần này thì thời tiết tốt, không có giông, bão tuyết nên cả đoàn báo chí được bố trí bay lên mỏ.

Từ Mátxcơva bay lên thành phố URCK gần 3.000km. Chiếc Boeing 737-800 của hãng hàng không Nga bay gần 3 tiếng đồng hồ thì đáp xuống sân bay Nask, thủ phủ của Nenetsky. Đón anh em chúng tôi có Nguyễn Trí Dũng, Phó Tổng Giám đốc thường trực Liên doanh Rusvietpetro, là chỗ đã quen biết và thân tình khi anh làm Trưởng PVN tại Uzbekistan. Trong buổi gặp gỡ đầu tiên giữa vòng cung Bắc cực, Nguyễn Trí Dũng thông báo nhanh đến đoàn nhà báo kết quả liên doanh đã đạt được qua 15 năm. Ông Dũng cho biết: Tháng 7/2008 liên doanh được thành lập sau thỏa thuận được 2 nước đặt nền móng khi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sang thăm LB Nga.

Mặc dù dầu khí là ngành có tỷ lệ rủi ro cao, lại nằm ở vòng cung Bắc cực, nhưng bằng sự phối kết hợp nhịp nhàng, ăn khớp giữa chuyên gia hai nước, chỉ hơn một năm sau mỏ đã cho những dòng dầu đầu tiên. Đây được coi là kỷ lục thời gian mà chưa có doanh nghiệp nào ở Nga đạt được. Sau 3 năm (vào năm 2011) Liên doanh đã đạt được sản lượng 3 triệu tấn/năm. Sau hơn 10 năm vận hành đến nay liên doanh đã khai thác được 37 triệu tấn dầu, đạt doanh số trên 3 tỷ USD.

“Ngày mai liên doanh sẽ đưa các nhà báo lên khu mỏ Bắc Khosedaiu” - Nguyễn Trí Dũng nói, giao Phó Tổng Giám đốc Lê Quang Khoa chuẩn bị đầy đủ, kỹ càng cho cuộc hành trình bằng trực thăng lên mỏ.

Tối hôm đó, sau giờ ăn vừa về đến phòng nghỉ, mỗi người trong đoàn chúng tôi được anh em nhân viên của liên doanh trang bị mọi dụng cụ bảo hộ cứ gọi là “chuẩn chỉ” từ đầu đến chân. Nào là mũ len, mũ nhựa bảo hộ lao động, kính, găng tay, giày đi trên tuyết. Đặc biệt là bộ quần áo 2 lớp nặng xấp xỉ 30kg.

Sáng hôm sau, cả đoàn dậy sớm, mất 30 phút mới mặc được đầy đủ bộ trang phục đặc biệt lên mỏ...

Ra đến sân bay, chiếc trực thăng Mi18 khá hiện đại đã chờ sẵn. Anh em lên máy bay thắt đai an toàn. Máy bay ầm ầm nhấc bổng lên không trung, lao lên phía Bắc. Dưới bụng máy bay là những cánh rừng tai ga - rừng thông, tuyết phủ trắng xóa. Toàn bộ khu vực mỏ Nenetsky rộng hơn 3.000 km2 là đầm lầy. Mỗi ngày ở đây chỉ có 3-4 giờ đồng hồ là có ánh nắng mặt trời. Còn tất cả chìm vào bóng đêm Bắc cực. Do thời gian và thời tiết khắc nghiệt như vậy, nên đoàn chỉ được phép ở lại mỏ 3 giờ để tác nghiệp. Anh em chúng tôi hăm hở đi nhanh trên mặt tuyết giá lạnh vào tòa nhà trung tâm điều hành của mỏ.

Kỹ sư Musarov Roman, trưởng ca giới thiệu về quy mô mỏ. Ông nói: “Khu Bắc Khosedaiu đã khoan 350 giếng. Hiện đang vận hành 250 giếng. Toàn bộ hệ thống đều vận hành tự động, chỉ huy giám sát từ xa qua hệ thống camera”. Theo nguyện vọng của anh em báo chí, phía bạn đã bố trí sẵn một chiếc xe chuyên dụng (chạy trên băng tuyết) chở anh em chúng tôi ra giàn khai thác, chiếc xe phải gọi là (voi Ma mút) cao to, lừng lững, mỗi bánh xe có chiều cao gần 2 m, bon nhanh trên lớp băng tuyết chạy ra giàn ở Bắc Khosedaiu. Kỹ sư Lê Quang Khoa dẫn chúng tôi ra các giếng khoan. Từ trong lòng đất những dòng dầu đang được hút lên chảy về bể chứa.

Vào thăm trung tâm xử lý, chúng tôi được kỹ sư Bulukuvic Trưởng phân xưởng cho biết: “Toàn bộ dầu thô khai thác từ các giếng sẽ được vận chuyển về đây, sau khi lọc hết nước, lưu huỳnh và tạp chất mới đưa ra thị trường tiêu thụ”. Trong thành phố dầu mỏ ấy, có đầy đủ các nhà nghỉ, CLB giải trí, CLB thể thao để đáp ứng yêu cầu sinh hoạt văn hóa của cán bộ, công nhân viên trong liên doanh. Thoáng cái đã trôi nhanh 3 giờ trên mỏ, đoàn chúng tôi vội vã lên máy bay trực thăng bay về thủ phủ Usick trong bóng tối đang sầm sập ập xuống.

Vốn đầu tư thấp - hiệu quả kinh tế cao

Trở về Matxcova, chúng tôi được Tổng Giám đốc Rusvietpetro, ông Alexay Alegovic Kulakov dành thời gian tiếp đoàn, ông cho biết: Công ty của ông đã đầu tư rất nhiều dự án liên doanh, nhưng Rusvietpetro là liên doanh đạt hiệu quả cao nhất, mỗi tấn dầu ở Nga có giá thành khai thác khoảng 2.500 Rúp thì ở mỏ Bắc Khosedaiu chỉ có giá thành 1.500 Rúp. Nhờ cả hai phía quan tâm đầu tư, nên công nghệ vừa tiên tiến vừa hiện đại. Hiện năm 2023 Liên doanh khai thác 3,2 triệu tấn, vượt qua sản lượng của Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro.

Khi Quốc kỳ Việt Nam phấp phới tung bay trên Bắc cực ảnh 1

Nhà điều hành trung tâm khu mỏ Nenetsky của liên doanh Rus-Việt.

Nói về hiệu quả đầu tư của phía Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc thứ nhất Liên doanh dầu khí Việt Xô Nguyễn Trí Dũng cho biết: Khi Liên doanh được thành lập, Việt Nam chiếm tỷ lệ 49% với tổng vốn góp 533 triệu USD sau 15 năm đã mang về cho đất nước 1,4 tỷ USD. Tính nhanh thì mỗi năm, 30 con người là kỹ sư, cán bộ quản lý của ta mang về cho đất nước gần 100 triệu USD. (Tôi nhẩm tính trong đầu, nếu chia năng suất lao động thì mỗi người Việt Nam mỗi năm đạt sản lượng 3 triệu USD tương đương với trên 70 tỷ VN đồng). Con số đó có nằm mơ cũng khó mà hình dung được hiệu quả của liên doanh. Tại cuộc họp liên Chính phủ cuối năm 2023, hai phía đã đồng ý nguyên tắc kéo dài thời gian hoạt động của liên doanh, không chỉ 30 năm mà còn lâu hơn nữa. Phía bạn cũng yêu cầu kéo dài thời hiệu của Liên doanh dầu khí Việt Xô. Tôi đặt câu hỏi với Tổng Giám đốc Rusvietpetro Alexay Alegovic Kulakov: Ông đánh giá thế nào về hiệu quả liên doanh đã đạt được? Ông trả lời: Chính phủ hai nước, Tập đoàn dầu khí hai nước đã sơ kết và khẳng định, rằng đây là liên doanh hiệu quả nhất mà chúng tôi và những người anh em Việt Nam trong liên doanh đã giành được.

Tôi hỏi tiếp: Ông đánh giá thế nào về những cộng sự Việt Nam trong liên doanh? Ông Alegovic cười tươi, khuôn mặt rạng rỡ: Đó là những cá nhân rất giỏi, rất sáng tạo rất chăm chỉ. Họ làm được rất nhiều việc mà một mình chúng tôi không thể làm được.

Tương lai rực sáng

Bên cạnh khu khai thác Bắc Khosedaiu liên doanh đang triển khai khu Tây Khosedaiu, với tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ USD. Những con đường đang được khẩn trương thi công để vận chuyển hàng chục nghìn tấn máy móc, thiết bị khai thác vào mỏ. Liên doanh đang thẩm định, thiết kế một đường dây tải điện có trị giá 250 triệu USD vào mỏ. (Để tiết giảm chi phí chạy máy phát điện có giá thành cao). Để triển khai dự án, sắp tới phía Việt Nam sẽ tiếp tục đưa thêm kỹ sư Nguyễn Thành, người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại các liên doanh dầu khí ở Algeria và Uzbekistan sang Nga để làm việc tại mỏ.

Mùa xuân này, liên doanh đang đứng trước cơ hội “ngàn vàng”. Đó là sự chấp thuận của hai Nhà nước để kéo dài thời gian hợp tác đến năm 2030 và có thể đến năm 2050. Cùng với đó là thỏa thuận của chính phủ Liên bang Nga về việc miễn thuế tài nguyên có hiệu lực từ năm 2022.

Quyết định này có hiệu lực, mỗi năm phía Việt Nam sẽ được chia 160 triệu USD lợi nhuận từ các giếng dầu vùng vành đai Bắc Cực.

Khi chia tay mỏ Bắc Khosedaiu trong giá rét âm 30 độ, giữa tuyết trắng nơi cực Bắc bán cầu, trong hàng cờ đang phấp phới tung bay, bên cạnh cờ Nga, là cờ Việt Nam và cờ của Petro Việt Nam. Quốc kỳ Việt Nam kiêu hãnh, phần phật bay trong gió. Theo nếp cờ bay lên là từng dòng dầu được hút lên không ngừng nghỉ từ lòng đất để phục vụ cho lợi ích của nhân dân hai nước. Để có được thành công đó như ngày hôm nay, nói như kỹ sư Nguyễn Trí Dũng, Phó Tổng Giám đốc Liên doanh Rusvietpetro: “Là sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ngành, chính phủ hai nước, là sự đóng góp âm thầm, lặng lẽ, biết phấn đấu và hy sinh của lớp lớp cán bộ Việt Nam trong Liên doanh Rusvietpetro” trong 15 năm vừa qua. Tôi vẫn ấn tượng với câu nói của Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi: “Đây là dự án có thể nói là hiệu quả nhất trong các liên doanh hợp tác không chỉ ở Nga mà trên toàn thế giới”.