Báo động sau hàng loạt vụ tai nạn lao động nghiêm trọng

NDO - Người lao động cần được huấn luyện bài bản về an toàn, vệ sinh lao động. Thời gian gần đây, hàng loạt vụ tai nạn lao động nghiêm trọng liên tiếp xảy ra khiến nhiều người thiệt mạng, đã cho thấy nhiều vấn đề về an toàn lao động hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Người lao động cần được huấn luyện bài bản về an toàn, vệ sinh lao động
Người lao động cần được huấn luyện bài bản về an toàn, vệ sinh lao động

Xem nhẹ quy định về an toàn

Một ngày cuối tháng 4/2024, tai nạn lao động kinh hoàng đã xảy ra ở nhà máy xi-măng ở thị trấn Yên Bình, (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái), thuộc Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái. 7 công nhân chui vào máy nghiền sửa chữa thì bất ngờ máy nghiền quay...

Cái chết của 7 công nhân từ một thao tác rất vô ý của công nhân Trần Mạnh Hùng, dùng cán chổi chọc vào rơ-le đóng điện khiến máy nghiền quay dẫn đến hậu quả ngoài sức tưởng tượng. Điều đáng nói, đây là vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, lặp lại những nguyên nhân của hàng chục năm trước đây trong ngành sản xuất xi-măng cũng như ngành chế biến và sản xuất vật liệu xây dựng.

Các chuyên gia về an toàn lao động cho rằng trong sự cố này, có rất nhiều điều không được thực thi khi một hệ thống công nghệ, thiết bị được bảo trì, bảo dưỡng tại một nhà máy có quy mô vừa. Đó là Quy chuẩn quốc gia số 06/2020 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về an toàn vệ sinh lao động trong không gian hạn chế; các quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn của các quy định khác. Theo đó, một công việc trong “không gian hạn chế” bắt buộc phải tập huấn, huấn luyện cho người lao động các phương án, kỹ năng, quy trình thành thạo, thuần thục. Bên cạnh đó, buộc phải có phương án khẩn cấp, có giám sát an toàn đứng bên cạnh, khi xảy ra bất kỳ sự cố nào đều phải khắc phục, kiểm soát được ngay.

Đây chỉ là một thí dụ trong rất nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra trong thời gian gần đây.

Cuối năm 2023, chỉ trong một thời gian ngắn hàng loạt công nhân làm việc cho Công ty TNHH Châu Tiến, sản xuất bột đá silic trắng, phát hiện mắc bệnh bụi phổi. Trong số đó có 6 công nhân đã tử vong, nhiều người phải điều trị tại các bệnh viện. Trước đó, các công nhân này đều là những người khỏe mạnh, thời gian làm việc tại công ty chưa lâu, người làm lâu nhất chưa đến 5 năm.

Đầu tháng 10/2023, công ty này đã bị UBND tỉnh Nghệ An xử phạt hành chính 116 triệu đồng vì không quan trắc môi trường lao động để kiểm soát tác hại với sức khỏe người lao động và không tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho 14 lao động làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Nhiều bất cập, sai phạm trong bảo đảm an toàn lao động của công ty này diễn ra trong thời gian rất dài. Ngay từ khâu nghiền thô đã phát sinh, phát tán bụi đá có hàm lượng silic cao. Tại khu vực nghiền tinh, bụi đá được ghi nhận bằng mắt thường rất đậm đặc. Khu vực ngâm, rửa và sấy có dùng dung môi chứa hóa chất tẩy trắng để làm sạch, làm bóng nguyên liệu.

Chủ doanh nghiệp bố trí lao động tập trung trong một khu vực nhà xưởng rộng, tiếp xúc trực tiếp với bụi, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân không đầy đủ, không đúng chủng loại nên không bảo đảm các điều kiện, nguyên tắc cơ bản của phòng chống bụi trong sản xuất, từ hệ thống công nghệ đến tổ chức lao động.

Sau khi có một số trường hợp lao động từng làm việc tại doanh nghiệp này tử vong vì bệnh bụi phổi silic, Sở Y tế Nghệ An đã tổ chức khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho hơn 100 người lao động từng làm việc tại doanh nghiệp này. Kết quả thăm khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp, có 62 lao động đã, đang làm việc tại Công ty Châu Tiến mắc bệnh bụi phổi silic, trong đó 6 người chết liên quan đến bệnh bụi phổi silic, 19 lao động mắc bệnh bụi phổi silic nặng, 25 người mức độ mắc bệnh trung bình, 13 người mức độ tổn thương trên phổi cần theo dõi và 20 trường hợp khám đợt 3 chưa có kết quả.

Điều đáng nói, tại thời điểm số ca tử vong là 5, doanh nghiệp chỉ bồi thường 560 triệu đồng, trong đó, 4 gia đình nhận số tiền hơn 110 triệu đồng và 1 gia đình nhận hơn 121 triệu đồng. Điều này cho thấy, tính mạng của người lao động đang bị xem nhẹ và khi xảy ra tai nạn chết người, doanh nghiệp thường tìm cách “thỏa thuận” với người nhà nạn nhân và thường bồi thường ít ỏi.

Chỉ trong tháng 4/2024, chưa tính sự cố 7 công nhân ở Yên Bái tử vong thì hàng loạt vụ tai nạn lao động nghiêm trong gây chết nhiều người đã xảy ra.

Vào ngày 3/4, vụ cháy khí metan trong hầm lò ở Quảng Ninh đã làm 4 công nhân tử vong. Tiếp đó, ngày 9/4, vụ nổ tại cụm công nghiệp Phú Lâm, tỉnh Bắc Ninh làm 1 người chết, 2 người bị thương.

Gần đây nhất, ngày 1/5, tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh thuộc ấp Vàm, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai đã xảy ra một vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng khiến 6 người tử vong, 5 người bị thương nặng, nguyên nhân do lỗi kỹ thuật lò hơi.

Dù mỗi năm có khoảng 8.000 vụ tai nạn lao động xảy ra, nhiều vụ trong số đó gây chết người, song trên thực tế, số vụ được điều tra truy tố còn chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ từ 3 - 5%.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong năm 2023, thiệt hại về vật chất và tài sản do tai nạn lao động tăng so với năm 2022, lên tới hơn 17 nghìn tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại về vật chất là hơn 16.357 tỷ đồng và thiệt hại về tài sản là hơn 722 tỷ đồng. Năm 2023, có gần 7.400 vụ tai nạn lao động khiến hơn 7.500 người bị nạn. Con số này bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Khu vực có quan hệ lao động giảm về số người chết và số vụ tai nạn lao động chết người. Tuy nhiên, khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động tăng về số người chết và số vụ tai nạn lao động chết người so với năm 2022.

Phân tích từ các biên bản điều tra tai nạn lao động chết người cho thấy, những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người là: Xây dựng chiếm 18,27% tổng số vụ và 20,03% tổng số người chết; khai thác mỏ, khai thác khoáng sản chiếm 16,14% tổng số vụ tai nạn và 17,8% tổng số người chết; cơ khí, luyện kim chiếm 11,78% tổng số vụ và 10,77% tổng số người chết; sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 9,56% tổng số vụ và 9,09% tổng số người chết; dệt may, da giày chiếm 7,18% tổng số vụ và 7,88% tổng số người chết; dịch vụ chiếm 4,5% tổng số vụ và 4,22% tổng số người chết.

Còn nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác an toàn, vệ sinh lao động

Bà Chu Thị Hạnh, Phó Cục trưởng Cục An toàn Lao động (Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội) lý giải: “Nhiều người sử dụng lao động chưa chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro; nhiều người lao động chưa được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn đầy đủ và tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan. Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền an toàn, vệ sinh lao động cho khu vực không có quan hệ lao động đang bị hạn chế nhiều về nguồn lực. Chính quyền cơ sở ở một số nơi cũng chưa thật sự quan tâm, dành nguồn lực cho công tác an toàn, vệ sinh lao động”.

Điều đáng lo ngại là tình hình tai nạn lao động trong khu vực không có quan hệ lao động có dấu hiệu gia tăng, về số vụ, số người bị nạn.

Đi thực tế trong lĩnh vực xây dựng, nơi chiếm tỷ lệ tai nạn lao động nhiều nhất, cũng là nơi ít có quan hệ lao động nhất, làm việc chỉ dựa trên thuê mướn thời vụ, thỏa thuận miệng, không có hợp đồng, mới thật sự “giật mình” trước những điều trông thấy.

Một công trường xây dựng trên phố Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, dàn giáo cũ, có những chỗ đã rỉ sét được dựng lên, có những chỗ được chống đỡ bằng cây gỗ đã có dấu hiệu mục. Dàn giáo già nua đó phải “gồng mình” cõng hơn chục công nhân đang làm việc mà không có thiết bị an toàn. Hơn chục công nhân này được thuê từ chợ lao động tự do, không có bằng cấp, không hợp đồng lao động, không bảo hiểm...

Vì thế, thật dễ hiểu khi tai nạn vì sập dàn giáo chiếm tỷ lệ lớn trong tai nạn lao động và thường để lại hậu quả nặng nề.

Trước tình trạng tai nạn lao động diễn biến phức tạp, ngày 19/3/2024, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới. Trong đó, chỉ thị đặt ra mục tiêu: “Phấn đấu giảm tai nạn lao động, nhất là tai nạn lao động nghiêm trọng, tỷ lệ tai nạn lao động chết người giảm ít nhất 4%/năm; số người lao động làm việc trong môi trường tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp tăng ít nhất 5%/năm; số cơ sở phát sinh yếu tố có hại được quan trắc môi trường lao động tăng ít nhất 5%/năm”.