Dân hiến đất làm đường, cán bộ tình nguyện đi làm trong ngày nghỉ
Xóm 7A, nằm ở rìa xã Thanh Ngọc, mới được nhập vào thị trấn Thanh Chương, giá đất tăng so với trước. Thế nhưng, nhiều người dân ở đây sẵn sàng cắt đất để làm đường, trong đó, ông Vũ Văn Đình hiến nhiều nhất với 130m2. Theo thời giá bây giờ, mỗi 1m2 đất được giao dịch 5 triệu đồng, ông Đình đã hiến hơn 600 triệu đồng. Chưa hết, ông còn tự nguyện đập hàng rào gạch đỏ dài 80m mở rộng đường, dù tốn thêm chi phí xây mới hơn 400 triệu đồng.
Nhưng ông già ở tuổi thất thập không tỏ ra tiếc nuối mà lại rất hoan hỉ khi nói về câu chuyện này: “Đường xóm cũ nhỏ hẹp, đi lại khó khăn. Chính quyền thị trấn đã tham mưu cấp ủy xin dự án cải tạo đường giao thông, song song với đó là vận động người dân hiến đất, mở rộng đường. Đích thân Chủ tịch UBND thị trấn đến trực tiếp gặp Chi ủy, một số gia đình cán bộ, đảng viên để vận động. Tôi nói với đồng chí Chủ tịch thị trấn, nhà tôi đi đầu làm gương. Khi làm Chủ tịch UBND xã Thanh Ngọc chưa mở rộng được đường cho dân, thì nay tôi phải tiên phong”.
Sau đó, nhiều người dân khác cũng làm theo, kết quả: có 29 hộ đã hiến 3.335,9 m2 ruộng đất, tháo dỡ 102m tường bờ rào. Để rồi, con đường bê-tông rộng hơn 3,5m chạy qua xóm 7A khiến bao người ngỡ ngàng. Giờ xe ô-tô có thể vào tận các nhà trong xóm, hàng hóa từ chăn nuôi, trồng trọt của người dân đều dễ dàng vận chuyển.
Người dân xóm 7A còn tự nguyện góp mỗi hộ 500 nghìn đồng để cơi nới, chỉnh trang lại nhà văn hóa. Bộ mặt và đời sống của người dân nơi đây thay đổi hẳn. Đó là một minh chứng điển hình trong nỗ lực xây dựng chuẩn ĐTVM của thị trấn Thanh Chương. Cho đến nay thị trấn đã đạt 52 nội dung của 9 tiêu chí để được công nhận chuẩn ĐTVM, trở thành một điểm sáng của tỉnh Nghệ An.
Ông Tưởng Đăng Hào, Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Chương cho biết: “Năm 2022, UBND thị trấn đã đăng ký với UBND huyện đồng thời xây dựng Đề án thị trấn đạt chuẩn ĐTVM 2022-2024 cụ thể, chi tiết. Đảng ủy thị trấn ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng ĐTVM, Quyết định xây dựng Ban Chỉ đạo ĐTVM gồm 17 thành viên được cơ cấu thuộc các ngành, đoàn thể, hệ thống chính trị, do Bí thư Đảng ủy làm Trưởng ban, Chủ tịch UBND thị trấn làm Phó ban Thường trực; xây dựng kế hoạch phát động phong trào thi đua đặc biệt chào mừng kỷ niệm 40 năm thành lập thị trấn và xây dựng thị trấn đạt chuẩn ĐTVM. Các nội dung Đề án ĐTVM đều được các khối, tổ dân cư công khai ở hội nghị nhân dân để bà con tham gia ý kiến, làm cơ sở ban hành kế hoạch và triển khai thực hiện. Tại hội nghị sơ kết quý, phiên họp thường kỳ của UBND thị trấn đều đưa ra nội dung đánh giá kết quả và phương hướng thực hiện ĐTVM”.
Một trong những điểm độc đáo của thị trấn là thành lập các tổ công tác, nắm bắt cơ sở để thực hiện các tiêu chí ĐTVM gắn với mô hình “Ngày thứ bảy vì dân” trong giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện đăng ký hộ tịch, chứng thực lưu động, hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến, xây dựng chính quyền số được triển khai từ đầu tháng 6/2023. Một tháng 2 lần, cán bộ làm việc 100% phục vụ nhân dân.
Khoảng 6 giờ 45 phút sáng thứ bảy, anh Nguyễn Văn Hùng (SN 1993) cùng vợ là chị Trần Thị Ngọc Cẩm (SN 1991) lên trụ sở thị trấn. Họ có 2 con nhỏ nhưng ngày nghỉ đã gửi ông bà, gác việc gia đình để đi làm. Anh Hùng là công chức địa chính-xây dựng-môi trường, chị Cẩm là công chức tư pháp-hộ tịch UBND thị trấn Thanh Chương. Đây là 2 lĩnh vực được đánh giá “nhạy cảm”, có số lượng hồ sơ của người dân cần giải quyết rất lớn. Chỉ đầu giờ sáng, chị Cẩm đã hỗ trợ hai người dân đăng ký khai sinh và hướng dẫn họ thao tác trên cổng dịch vụ công trực tuyến. Phòng bên, anh Hùng đang tiếp nhận, tư vấn, giải đáp cho 5 người dân đến làm thủ tục liên quan cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Nhờ mô hình này, thị trấn Thanh Chương đã đạt tiêu chí số 9 về hệ thống chính trị và trách nhiệm của chính quyền đô thị. Trong đó 100% hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND thị trấn được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, hồ sơ giải quyết trước hạn và đúng hạn đạt 99,7%.
Nhiều tiêu chí khó lần lượt được UBND thị trấn Thanh Chương vượt qua để tiến gần hơn đích chuẩn ĐTVM. Chẳng hạn như tiêu chí số 01 về quy hoạch đô thị, thị trấn đã đạt 7/7 nội dung. Cụ thể, các công trình công cộng, dự án trọng điểm trên địa bàn được xây dựng đúng với quy hoạch được phê duyệt, các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành. Trong năm 2023, có 5 công trình được xây mới, cải tạo. Các nhà văn hóa tại 7 khối đều đạt chuẩn, trạm y tế, các trường học thường xuyên được đầu tư, xây dựng và quản lý, sử dụng đúng mục đích…
Cứ cuối tuần, ngày “Chủ nhật xanh” đến hẹn lại lên, người dân cùng nhau vệ sinh đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh… Cảnh quan, môi trường của thị trấn ngày càng sạch đẹp, rợp bóng cây xanh soi bóng bên hồ nước và những con đường bê-tông phẳng lì rộng rãi. Những thửa ruộng xấu ven đường giữa trung tâm trước đây được quy hoạch, cải tạo thành hồ nước trong veo, tạo điểm nhấn của thị trấn. Và đập Rành Rành hồi trước đường sá quanh co, gập ghềnh, cây cối rậm rạp, che khuất tầm nhìn, còn hẻo lánh được đầu tư nay trở thành khu vui chơi giải trí hấp dẫn.
Ðổi mới công tác dân vận và nhóm “Công bộc thị trấn”
Bí quyết nào để một thị trấn vùng bán sơn địa, địa hình chênh vênh, thiếu quy hoạch từ đầu, qua nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính, cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn nghèo nàn, đạt được kỳ tích này?
Ông Tưởng Đăng Hào chia sẻ: “Một trong những bài học kinh nghiệm là chính quyền đổi mới công tác dân vận. Chủ trương đúng nhưng tạo sự đồng thuận, phát động phong trào quần chúng, huy động sức mạnh toàn dân là vô cùng quan trọng. Chúng tôi đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của người dân trong xây dựng chuẩn ĐTVM. Mỗi khi xử lý mọi công việc đều tôn trọng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con, đặt mình vào vị trí của họ để sẻ chia, đồng cảm. Xây dựng chuẩn ĐTVM không được cấp kinh phí như nông thôn mới nên huy động nguồn lực trong nhân dân đóng vai trò quyết định”.
Ông Tưởng Đăng Hào, Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Chương (ngoài cùng bên trái) và đại diện doanh nghiệp đã tự nguyện lát gạch block một đoạn vỉa hè. |
Ngôi mộ tổ họ Nguyễn Văn nằm trên tuyến đường từ khối 6A đi Trung tâm Y tế huyện, trong khu định cư đất chật, người đông. Ngôi mộ này có từ xa xưa, kích thước tới vài chục m2, choán hết phần đường đi, ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Những năm gần đây, thị trấn vận động bà con mở rộng đường. Mọi người đồng tình ủng hộ, riêng ngôi mộ vẫn không thể di dời. UBND, Mặt trận và các ban, ngành thị trấn đã cùng Chi ủy, Mặt trận khối nhiều lần trực tiếp gặp gỡ các bậc cao tuổi, người uy tín của dòng họ vận động, bàn bạc để di dời. Đó là một quá trình kiên trì, mềm dẻo, khéo léo... cuối cùng ngôi mộ đã được chuyển về nghĩa trang của dòng họ.
Tại hồ trung tâm thị trấn và các tiểu công viên, các hộ dân và doanh nghiệp tự nguyện góp tiền, đặt mua hơn 100 ghế đá, 15 camera an ninh, trị giá hơn 250 triệu đồng. Có doanh nghiệp tình nguyện tự lát gạch block một đoạn vỉa hè trị giá 200 triệu đồng.
Cán bộ lãnh đạo thị trấn Thanh Chương có một nhóm Zalo, đặt tên là “Công bộc thị trấn”, với thành phần gồm các đồng chí lãnh đạo trong Thường vụ, Ủy viên BCH Đảng bộ, công chức, đại biểu HĐND, trạm y tế, bí thư, khối trưởng, Trưởng ban Công tác mặt trận các khối… quy ước với nhau: nhóm để giao dịch công việc của toàn thị trấn, khi các thành viên gọi, nhắn tin bất kể giờ nào đều phải nghe… Nhờ thế, việc xử lý thông tin, tình huống nhanh và hiệu quả.
Bí thư Đảng ủy thị trấn Thanh Chương Nguyễn Thị Thảo Hường nhấn mạnh: “Bên cạnh đề ra chủ trương sát, đúng và quyết liệt trong lãnh đạo chỉ đạo, Đảng uỷ đã xây dựng được khối Đoàn kết thống nhất cao trong đội ngũ cán bộ, công chức và tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân; Đặc biệt là lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc trong xây dựng đô thị văn minh, phân công nhiệm vụ đảm nhận một sô tiêu chí phù hợp với chức năng của từng tổ chức trong các đoàn thể chính trị; Đồng thời, nhận được sự vào cuộc của Nhân dân bằng việc lãnh đạo, chỉ đạo phát động và thực hiện kế hoạch thi đua đặc biệt hướng đến kỷ niệm 40 năm thành lập thị trấn và phấn đấu xây dựng thành công thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh".