Bừng sáng Ðiện Biên

Máy bay A321 của Vietnam Airlines chao liệng rồi hạ cánh êm trên đường băng mới của sân bay Ðiện Biên Phủ. Trong số hành khách, có đoàn du khách tìm về ký ức những năm tháng hào hùng của chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, khám phá nét văn hóa bản địa đậm đà bản sắc, các doanh nhân tìm kiếm cơ hội đầu tư ở vùng đất giàu tiềm năng. Và hơn ai hết những người trở lại Ðiện Biên cảm nhận hành trình từ Thủ đô Hà Nội thuận tiện hơn, bớt xa xôi, cách trở.
0:00 / 0:00
0:00
Sau khi nâng cấp, Cảng Hàng không Điện Biên chính thức đón máy bay Airbus A321 từ ngày 2/12/2023.
Sau khi nâng cấp, Cảng Hàng không Điện Biên chính thức đón máy bay Airbus A321 từ ngày 2/12/2023.

Diện mạo mới

Tết đã gần kề. Không khí hào hứng đón chào năm mới, phấn chấn hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ in đậm trên những nét mặt hồ hởi, khí thế hăng hái thi đua lập thành tích chào mừng, các công trình khang trang mới xây.

Các công trình trọng điểm, có sức lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội được ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước, kết hợp huy động các nguồn lực trong xã hội, thúc đẩy đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Trong điều kiện nguồn thu chưa nhiều, tỉnh chắt chiu nguồn vốn dư, cân đối ngân sách triển khai các dự án đường 60 m, tuyến đường động lực, cầu Thanh Bình. Xác định dự án mở rộng Cảng hàng không Điện Biên Phủ với tổng mức đầu tư 3.168 tỷ đồng tạo đột phá phát triển kinh tế, du lịch, tỉnh tập trung bố trí nguồn lực giải phóng mặt bằng, đền bù hỗ trợ, xây dựng khu tái định cư bảo đảm người dân có nơi ở mới tốt hơn. Chị Đinh Thị Thủy ở phường Thanh Trường phấn khởi bộc bạch, chuyển ra ở nhà mặt đường không rộng nhưng đi lại thuận tiện, mở quán bán hàng có đồng ra, đồng vào, đỡ vất vả hơn trồng trọt, chăn nuôi trước đây. Cuộc sống mới tuy có chút xáo trộn nay đã dần quen.

Bừng sáng Ðiện Biên ảnh 1

Cầu Thanh Bình. Ảnh | Đức Bảo

Cùng với đó, Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ, Dự án nâng cấp hồ điều hòa, chỉnh trang cải tạo trục đường ven sông Nậm Rốm, hệ thống chiếu sáng cầu Thanh Bình, Khu nhà ở và Trung tâm thương mại... sử dụng các nguồn vốn vay nước ngoài, hỗ trợ đầu tư trong nước tạo diện mạo mới cho thành phố Điện Biên Phủ xứng tầm là đô thị du lịch lịch sử và vị thế đầu tàu của tỉnh.

Tỉnh còn khó khăn, triển khai mỗi công trình phải tính toán “liệu cơm gắp mắm” bảo đảm thiết thực, không thất thoát, lãng phí. Với những dự án lớn, quan trọng, UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo điều hành, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc. Nhiều sáng kiến, sáng tạo tiết kiệm, hiệu quả được ứng dụng. Dự báo nguy cơ thiếu hụt lớn nguồn cung cát đáp ứng nhu cầu các dự án đầu tư xây dựng, trong khi nguồn nguyên liệu đá vôi dồi dào, Sở Xây dựng chủ động phối hợp các cơ quan hữu quan triển khai đề tài “Nghiên cứu sử dụng cát nghiền thay thế cát tự nhiên trong sản xuất vữa và bê-tông cho các công trình xây dựng tỉnh Điện Biên”, ban hành Định mức cấp vật liệu xây dựng sử dụng cát nghiền trên địa bàn tỉnh. Giá thành rẻ hơn cát tự nhiên, góp phần làm giảm suất đầu tư mà công trình vẫn bảo đảm chất lượng, cát nghiền được sử dụng ở nhiều công trình trọng điểm.

Nỗi trăn trở và khát khao vươn mình đi lên luôn thường trực trong mỗi cán bộ và người dân nơi đây. Vị trí địa lý cách trở, đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn, tỉnh chú trọng phát huy lợi thế riêng có để thu hút đầu tư, thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm, chủ động quảng bá hình ảnh. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Phi Sông nhấn mạnh, bên cạnh phát huy nội lực, cùng nguồn lực của Nhà nước cần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, lựa chọn nhà đầu tư đủ tâm và tầm, đồng hành, tạo điều kiện tối đa các tập đoàn, doanh nghiệp triển khai dự án thuận lợi. Tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng, tháo gỡ nút thắt giao thông đi trước một bước góp phần đột phá huy động nguồn lực đầu tư.

Ðánh thức tiềm năng

Tại HTX Tâm Thiện, xã Noong Hẹt, không khí khẩn trương, bận rộn với tiếng máy reo, những bao gạo nối tiếp nhau chất lên xe tải. Sẵn nguồn gạo nổi tiếng thơm ngon, Giám đốc Trần Thị Hương Quế bỏ tiền tỷ đầu tư máy móc, nhà kho, xưởng sấy, quyết chí làm giàu trên quê hương, đến nay diện tích liên kết với các hộ vùng sản xuất lúa gạo tập trung chất lượng cao lên tới 50 ha. Nỗ lực tiếp thị, bán hàng online, từ khi sản phẩm gạo Tâm Thiện đạt chuẩn OCOP xếp hạng ba sao, thị trường tiêu thụ không ngừng được mở rộng.

Những hợp tác xã kiểu mới, liên kết với các doanh nghiệp thực hiện chuỗi sản xuất-tiêu thụ nông sản, áp dụng khoa học công nghệ làm giảm giá thành, gia tăng giá trị sản phẩm xuất hiện ngày càng nhiều, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực. Định hướng của tỉnh là tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với công nghiệp chế biến sau thu hoạch, ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm chủ lực như chè Tủa Chùa, cà-phê Mường Ảng, dứa Mường Chà...; các loại cây dược liệu dưới tán rừng, chăn nuôi tập trung số lượng lớn, thu hút các nhà đầu tư, tránh “được mùa mất giá”. Trên cơ sở 56 sản phẩm OCOP có chất lượng tốt, mã bao bì đẹp, bảo đảm quy trình sản xuất, chế biến và có truy xuất nguồn gốc dần khẳng định thương hiệu, ngành nông nghiệp chú trọng gia tăng, phát triển các sản phẩm OCOP, tăng cường hỗ trợ kết nối tiêu thụ.

Bừng sáng Ðiện Biên ảnh 2
: Đồng chí Lò Văn Tuấn (bên phải), Phó Chủ tịch UBND xã Quài Nưa (huyện Tuần Giáo) trực tiếp hướng dẫn bà Đặng Thị Ngọt (bản Minh Thắng, xã Quài Nưa) chăm sóc cây mắc-ca. Ảnh | MẠNH TRƯỜNG

Nằm ở vùng lòng chảo của huyện Điện Biên, xã Noong Hẹt có nhiều thuận lợi phát triển kinh tế, đô thị nông thôn. Cấp ủy, chính quyền năng động, quyết liệt chỉ đạo, bà con hăng hái làm giàu, thoát nghèo, chung tay đóng góp nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao. Bộ mặt xã nhà có nhiều đổi thay, thu nhập người dân được nâng lên, hạ tầng cơ sở được đầu tư, hoàn thiện, những con đường bê-tông rợp bóng cây xanh, hoa tươi đua sắc. Xã Quài Tở khởi sắc hơn từ khi về đích nông thôn mới, điện đường trường trạm được quan tâm đầu tư, nhiều hộ dân tình nguyện hiến đất mở đường. Với một số tiêu chí khó, huyện Tuần Giáo dốc sức hỗ trợ. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Văn Thượng, toàn tỉnh đã có 48 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, 160 thôn, bản nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu. Gần 5.000 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo từ những tấm lòng thơm thảo trên cả nước san sẻ, hướng về Điện Biên giúp bà con phần nào vơi bớt khó khăn, tiếp thêm ý chí tự lực tự cường vượt khó.

Mắc-ca được xác định là loại cây chủ lực, góp phần tạo sinh kế bền vững, giảm nghèo nhanh và bền vững. Diện tích cây mắc-ca toàn tỉnh hơn 7.200 ha, sản lượng thu hoạch hơn 807,2 tấn. Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo Lê Xuân Cảnh cho biết, đến nay huyện trồng khoảng 2.500 ha mắc-ca, phát huy ưu thế đất rộng, dân đông, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp. Tập đoàn TH đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu tập trung để phục vụ chế biến sâu, cam kết bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường. Tâm lý bà con chỉ muốn trồng cây nhanh cho thu hoạch, lãnh đạo huyện tới tất cả các xã tuyên truyền, vận động bài bản bằng video trình chiếu, trả lời thắc mắc của bà con; thường xuyên họp trực tuyến với các hộ dân kiểm tra, giám sát việc tưới cây bảo đảm yêu cầu. Anh Lê Xuân Dũng, xã Quài Nưa hào hứng, được cấp cây giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng tỉ mỉ và cam kết “đầu ra” nên yên tâm chăm sóc.

Nông nghiệp không chỉ là nền tảng, bệ đỡ mà còn tạo đà kích cầu phát triển du lịch với 3 trụ cột chính là du lịch lịch sử-tâm linh; văn hóa, sinh thái; nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe. Là tỉnh duy nhất vùng Tây Bắc có sân bay là lợi thế giúp Điện Biên đón nhận nhiều du khách trong và ngoài nước, riêng năm 2023 xấp xỉ 1 triệu lượt khách. Các hoạt động quảng bá, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút, giữ chân du khách được ráo riết triển khai trong Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024.

Bừng sáng Ðiện Biên ảnh 3
Bừng sáng Ðiện Biên ảnh 4
Du khách trong nước và quốc tế tham quan Bảo tàng Chiến thắng lich sử Điện Biên Phủ. Ảnh | MẠNH TRƯỜNG

Kết quả tích cực năm 2023 với 14/26 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh ước đạt 7,1%, tạo đà phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, tuy nhiên khó khăn, thách thức còn nhiều. Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô chia sẻ, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với tư tưởng phát triển: “Phát huy tiềm năng, phát triển nhanh, vững chắc với bản sắc và giá trị lịch sử”, hướng đến năm 2030 xây dựng Điện Biên trở thành tỉnh có điều kiện kinh tế phát triển khá trong khu vực Trung du và miền núi phía bắc, đến năm 2045 nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá của cả nước.

Miền đất hoa ban đang chuyển mình. Tiềm năng còn nhiều, cần đánh thức và tạo sức bật để Điện Biên vươn lên. Khi mong ước có đường cao tốc, sân bay Điện Biên Phủ được nâng cấp lên sân bay quốc tế trở thành hiện thực, đường về chiến trường xưa không còn gian nan, những sản phẩm bản địa về xuôi vơi bớt khó khăn, cách trở.