Thời của... phố đi bộ

Liên tiếp xuất hiện tại nhiều thành phố trong hơn 5 năm qua, những tuyến phố đi bộ đã không còn là khái niệm xa lạ với cộng đồng. Đều đặn, gần như mỗi năm, chúng ta lại thấy có thêm - hoặc đề xuất có thêm - nhiều phố đi bộ tại các đô thị lớn.

Phố đi bộ Trịnh Công Sơn (Hà Nội).
Phố đi bộ Trịnh Công Sơn (Hà Nội).

Gần nhất, đầu năm 2021, đó là ý tưởng thành lập phố đi bộ quanh Hồ Thiền Quang ở Hà Nội, cũng như hai tuyến đi bộ quanh Hồ Con Rùa và tại đường Nguyễn Thượng Hiền (TP Hồ Chí Minh). Tương tự, sau một thời gian tạm hoãn, Đà Nẵng cũng đang nghiên cứu lại việc triển khai tuyến phố đi bộ ven sông Hàn trên trục Bạch Đằng - Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo.

Một nhu cầu có thật

Sự ra đời các phố đi bộ tại Việt Nam là câu chuyện khá đặc biệt. Cho tới trước thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, chúng ta chỉ có một thành công đáng kể khi triển khai đề án Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ tại phố cổ Hội An năm 2004. Cần nói thêm, cũng chính trong năm đó, Hà Nội triển khai thí điểm mô hình phố đi bộ tại trục Hàng Ngang - Hàng Đào kéo dài tới chợ Đồng Xuân. Tuy nhiên, dù đi vào hoạt động tới tận bây giờ, tuyến đi bộ này vẫn bị đánh giá là mờ nhạt và không gây ấn tượng.

Phải chờ một thập niên sau đó, mô hình phố đi bộ mới có những cột mốc lớn và được quan tâm đặc biệt, khi hai không gian khác được thiết lập tại đường Nguyễn Huệ (TP Hồ Chí Minh) năm 2015 và khu vực Hồ Gươm (Hà Nội) năm 2016. Được đầu tư quy mô, nằm ở hai đô thị lớn nhất nước, hai không gian này sớm thu hút một lượng lớn du khách và dần trở thành điểm đến quan trọng vào những dịp cuối tuần.

Để rồi, trong những năm tiếp theo, nếu thành phố phía nam có thêm không gian đi bộ tại “phố Tây” Bùi Viện và gần đây là tại khu Kỳ đài Quang Trung thì Hà Nội lần lượt “chặn xe” ở các tuyến phố cổ và nối thông với khu Hồ Gươm để tạo thành một quần thể đi bộ quy mô lớn. Tiếp đó, mô hình này lan tỏa và xuất hiện khá nhiều, từ các thành phố du lịch như Huế, Nha Trang, Hạ Long cho đến những đô thị ở đồng bằng sông Cửu Long như Cần Thơ hay vùng cao phía bắc như Lào Cai, Lạng Sơn...

Theo phân tích của các chuyên gia, việc thành lập các tuyến phố đi bộ là xu hướng tất yếu ở các đô thị lớn trên thế giới. Một mặt, mô hình này đáp ứng nhu cầu về thương mại và du lịch của địa phương. Mặt khác, đó cũng là minh chứng cho sự phát triển về đời sống của cư dân đô thị, khi họ có thêm những không gian công cộng làm nơi vui chơi và thư giãn.

“Nhìn rộng hơn, phố đi bộ còn có những ưu việt khác. Với các di sản cảnh quan kiến trúc, thiên nhiên và lịch sử, đó là giải pháp tích cực và bền vững để bảo vệ. Với những người quan tâm đến môi trường sống, việc tạo ra tuyến phố để đi bộ, đi xe đạp sẽ làm cư dân hoạt động tích cực hơn, có sức khỏe tốt hơn hoặc giảm phát thải carbon...” - KTS Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội) nhận xét. “Bởi thế, không lạ khi việc thành lập phố đi bộ là xu thế trên thế giới và cũng sẽ là xu thế tại các đô thị Việt Nam khi đạt tới một mức độ phát triển nhất định”.
 
Nhưng không thể “vô hồn”

Không khó để nhận thấy hướng quy hoạch và xác lập các tuyến phố đi bộ tại Việt Nam hiện nay. Về cơ bản, chúng đều có vị trí phù hợp tại vùng lõi đô thị, đồng thời mang sẵn những giá trị về văn hóa, thương mại, lịch sử... đã hình thành và tích tụ theo thời gian. 

Không gian quanh Hồ Gươm hoặc tại trục đường Nguyễn Huệ là minh chứng điển hình cho điều này, khi trong một thời gian rất dài trước đây, chúng vẫn mặc định được coi là bộ mặt của thành phố và luôn thu hút du khách trong những sự kiện lớn. Tương tự, phố đi bộ Bùi Viện (TP Hồ Chí Minh), khu phố cổ Hà Nội hay cụm phố Chu Văn An - Phạm Ngũ Lão (Huế) được xác lập trên cơ sở trở thành khu du lịch và lưu trú của khách quốc tế từ nhiều năm qua.

Nhưng thực tế cho thấy: việc tạo lập thành công một tuyến phố đi bộ không chỉ đơn giản là cấm xe cơ giới và... chờ du khách tới. Bởi, mô hình phố này luôn gắn kèm những bài toán phức tạp về xử lý giao thông, tổ chức cảnh quan, tạo hoạt động tương tác, thiết kế công năng. Đặc biệt, không nơi nào giống nơi nào, mỗi con phố ấy phải có được bản sắc riêng - “phần hồn” để thu hút cộng đồng.

Đơn cử, dù trải dọc theo những ngôi nhà cổ, tuyến phố đi bộ Hàng Ngang - Hàng Đào cho đến nay vẫn cho thấy cách tiếp cận thiếu hợp lý. Thay vì trở thành không gian phục vụ di sản, nơi đây lại biến khu chợ đêm xô bồ, với rất nhiều mặt hàng tạp nham và thiếu bản sắc. Như phân tích, việc lập khu chợ đêm này hoàn toàn không phù hợp với không gian phố cổ - vốn đã là một “cái chợ” khổng lồ và dễ tạo cảm giác mệt mỏi, chán nản của du khách khi phải di chuyển rất khó khăn tại đây.

Hoặc, được thành lập từ giữa năm 2019, một trường hợp khác là phố đi bộ Trịnh Công Sơn (Hà Nội) cũng đón một lượng khách hết sức hạn chế, khi môi trường văn hóa chưa hội đủ tính bản địa. Thực tế, đặc trưng về không gian gắn với các đầm sen Tây Hồ tại đây không bền vững và chỉ có tính thời vụ. Trong khi đó, dù gắn với cái tên Trịnh Công Sơn, tuyến phố lại có quá nhiều các gian hàng phục vụ thương mại mà thiếu đi những không gian biểu diễn nhạc Trịnh Công Sơn hoặc kiến trúc gợi tới di sản âm nhạc của ông như từng được kỳ vọng.

Riêng với tuyến phố đi bộ đang được đề xuất thành lập là Nguyễn Thượng Hiền (TP Hồ Chí Minh), dù đã sở hữu nhiều quầy hàng quà vặt nhưng việc tạo dựng một bản sắc riêng cho không gian ẩm thực này vẫn còn là dấu hỏi. Chưa kể, đây là tuyến phố có bề ngang rất hẹp với lòng đường chỉ bảy mét, vỉa hè hạn chế và lại giao cắt với nhiều trục đường quan trọng, nên việc bảo đảm giao thông khu vực cũng như tổ chức các điểm giữ xe là một bài toán phức tạp.

“Đón đầu” những tuyến phố tương lai

Một câu hỏi được đặt ra tại nhiều cuộc hội thảo: Trong xu thế hiện nay, các đô thị nên để “đón đầu” sự phát triển phố đi bộ thế nào cho phù hợp? Và câu trả lời của các chuyên gia đều hướng về một điểm chung: việc nghiên cứu, quy hoạch các tuyến phố này cần được thực hiện xuyên suốt ở cấp thành phố, thay vì phân chia manh mún theo kiểu... “chia đều” phố đi bộ cho từng quận, huyện tự tổ chức.

“Một đô thị có nhiều điểm đi bộ rời rạc, thiếu bản sắc thì chưa chắc đã là điều tốt. Vì thế, bên cạnh yêu cầu về sự sáng tạo, chúng ta còn cần có sự phối hợp liên ngành để định hướng phát triển các tuyến phố này” - KTS Trần Huy Ánh nói. “Chẳng hạn, các tuyến phố gần điểm đỗ xe bus hoặc trạm metro trong tương lai sẽ có tiềm năng lớn để phát triển thương mại dịch vụ, đồng thời giúp du khách có thể dễ dàng tiếp cận mà không cần những bãi gửi xe quá lớn”.

Ở một góc độ khác, cũng có những ý kiến cho rằng việc mở rộng phạm vi hoặc hoàn thiện những tuyến phố đi bộ đang hiện hữu là giải pháp hợp lý, thay vì để phố đi bộ phát triển tràn lan nhưng thiếu hiệu quả. Xu hướng này đang hiện hữu khá rõ tại Hà Nội, khi bên cạnh không gian của Hồ Gươm và phố cổ, một tuyến phố đi bộ mới nối từ phố bích họa Phùng Hưng, dọc theo các trụ cầu đá (đang được cải tạo thành không gian công cộng) tới cầu Long Biên cũng sắp định hình.

“Những không gian đi bộ lớn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thật ra vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển hoặc hoàn thiện” - KTS Đoàn Kỳ Thanh, chuyên gia về lĩnh vực không gian sáng tạo, cho biết. “ Chẳng hạn, tại hồ Gươm, du khách chủ yếu chỉ tập trung ở phần phía Đông của hồ nhưng lại khá mỏng ở trục Lê Thái Tổ - bên phần Tây vốn có diện tích nhỏ hẹp và khó triển khai các hoạt động. Rồi về tổng thể, hệ thống cây xanh, ghế nghỉ, các điểm nhấn đặc biệt hay việc lựa chọn hoạt động để đưa vào đây nhằm tăng tính hấp dẫn cũng cần được chú trọng thêm”.

Như thế, bước sang một thập niên mới, rõ ràng những trục phố đi bộ của Việt Nam sẽ phải mang theo những đòi hỏi ngày một khắt khe để thật sự trở thành điểm nhấn trong từng đô thị. Đó cũng là điều tất yếu - khi mà sau mỗi giai đoạn phát triển, mỗi đô thị đều tích lũy thêm những bài học và định hướng riêng cho mình.

6_1-1617091911359.jpg
 Phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP Hồ Chí Minh).

“Mọi người nói rằng, cộng đồng đến phố đi bộ để vãn cảnh, mua sắm hoặc hưởng thụ văn hóa nghệ thuật. Thật ra, chúng ta đang bỏ qua một nhu cầu lớn nữa: nhu cầu được gặp gỡ và giao tiếp. Nhịp sống hiện tại đang đặt ra nhu cầu ấy. Bởi thế, theo đánh giá của tôi, sự tham gia của cộng đồng mới là yếu tố quan trọng nhất để làm nên thành công của mỗi không gian đi bộ” - KTS Đoàn Kỳ Thanh.