Vận hành hồ chứa theo thời gian thật, khó hiện thực, vì sao?

Chung quanh giải pháp để tối ưu hóa vận hành liên hồ chứa thủy điện của Việt Nam bằng hệ thống dự báo hỗ trợ ra quyết định, Nhân Dân cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn quốc gia, về vấn đề này.
0:00 / 0:00
0:00
Vận hành hồ chứa theo thời gian thật, khó hiện thực, vì sao?

- Thưa ông, vì sao đến thời điểm hiện tại nước ta vẫn chưa có hệ thống quan trắc dự báo theo thời gian thật (real-time data). Điều này ảnh hưởng thế nào đến việc tối ưu hóa vận hành các hồ chứa?

- Tối ưu hóa vận hành các hồ chứa theo thời gian thật là chủ đề được nhắc tới nhiều trong thời gian gần đây và cũng là xu thế phát triển tại nhiều nơi trên thế giới. Mục đích hướng đến là vừa bảo đảm an toàn hồ đập, thực hiện tốt chức năng điều tiết lũ, phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp, vừa đạt được hiệu quả cao trong sản xuất điện. Vận hành thời gian thật ở đây được hiểu là vận hành linh hoạt hệ thống theo các dữ liệu đầu vào đến thời điểm hiện tại, trong đó có hệ thống dữ liệu khí tượng thủy văn, bao gồm: hệ thống quan trắc; hệ thống thu nhận thông tin; hệ thống phân tích mô phỏng; và hệ thống kịch bản mẫu (mưa, lũ, vận hành, tác động). Ngoài ra còn cần đến các dữ liệu vận hành hồ chứa, hoạt động kinh tế-xã hội liên quan ở hạ lưu, các quy trình, quy định, v.v.

Việc vận hành tối ưu hồ chứa như vậy đòi hỏi chúng ta phải có thông tin quan trắc, dự báo đủ chi tiết cả về không gian và thời gian, đồng thời có sự kết hợp đầy đủ với các thông tin dữ liệu kinh tế-xã hội. Đặc điểm các hồ chứa thường ở nơi khu vực vùng núi nên mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn còn thưa; hệ thống thông tin, tính toán chưa đủ mạnh nên thông tin, số liệu có độ trễ nhất định; các dự báo về định lượng mưa chưa đủ chi tiết về không gian và thời gian, còn hạn chế nhất định, đặc biệt là đối với dự báo hạn dài trước một vài tuần; việc kết nối chia sẻ số liệu vận hành hồ chứa phục vụ công tác dự báo đối với hồ vừa và nhỏ còn có những khó khăn nhất định.

- Phải chăng ngoài hệ thống dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia chưa được sử dụng một cách tối ưu còn có nguyên nhân từ việc thiếu sự phối hợp liên ngành, thưa ông?

- Đúng là chúng ta cần có sự phối hợp liên ngành từ các bộ, ngành và địa phương để chia sẻ thông tin dữ liệu. Các thông tin về vận hành hồ chứa, kinh tế-xã hội ở địa phương cần được cập nhật thường xuyên, tích hợp với hệ thống dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia. Tạo ra sự liên thông, liên kết các thông tin, số liệu để thực hiện công tác dự báo tác động và đánh giá các rủi ro thiên tai.

Cùng đó, cần thúc đẩy hơn nữa công tác xã hội hóa khí tượng thủy văn. Bên cạnh hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn quốc gia, các bộ, ngành, địa phương, chủ công trình cần thực hiện phát triển mạng lưới trạm quan trắc chuyên dùng theo quy định của Luật Khí tượng thủy văn. Các mạng lưới chuyên dùng này sẽ bổ sung các thông tin số liệu còn thiếu của mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia… Phía các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường hơn nữa ứng dụng lồng ghép, tích hợp thông tin khí tượng thủy văn trong các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn phải được xác định là cơ sở quan trọng trong quá trình xây dựng và thực hiện các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của các cấp, các ngành.

Bên cạnh đó, ngành khí tượng thủy văn cũng cần có sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan truyền thông để tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân, các ngành và lĩnh vực kinh tế-xã hội cũng như chính quyền từ trung ương tới địa phương hiểu được tác động tiềm ẩn của thiên tai để từ đó có những hành động phù hợp với từng trường hợp thiên tai có thể gây ra tác động tới đời sống kinh tế, giao thông vận tải... và thậm chí là tính mạng của người dân. Từ thực tế công tác dự báo, cảnh báo và phòng, chống thiên tai cho thấy tính hữu ích của các dịch vụ và các cảnh báo khí tượng thủy văn dựa vào khả năng cộng đồng sử dụng các thông tin đó và đưa ra những hành động ứng xử phù hợp, kịp thời.

Vận hành hồ chứa theo thời gian thật, khó hiện thực, vì sao? ảnh 1

Công ty Thủy điện Buôn Kuốp thường xuyên tổ chức hội nghị tuyên truyền công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

- Để nâng cao hiệu quả phòng, chống thiên tai cũng như cải thiện khả năng đáp ứng nhu cầu nước phục vụ đa mục tiêu, cần phát triển hệ thống hỗ trợ ra quyết định điều tiết liên hồ chứa ra sao?

- Để vận hành các hồ chứa khai thác tối đa nguồn nước phục vụ đa mục tiêu đồng thời nâng cao hiệu quả phòng, chống thiên tai, công tác dự báo khí tượng thủy văn đóng vai trò quan trọng nhằm cung cấp các thông tin nhận định, dự báo trước diễn biến mưa, lũ để lập các kế hoạch vận hành hồ chứa từ ngắn hạn đến dài hạn. Chính phủ đã ban hành 11 Quy trình vận hành liên hồ chứa trong đó đã quy định trách nhiệm cho nhiều đơn vị liên quan. Quy trình vận hành liên hồ chứa trong những năm qua đã mang lại hiệu quả và góp phần giảm đáng kể tác hại do mưa lũ, hạn hán gây ra. Tuy nhiên, trên thực tế mặc dù trong quy trình đã quy định rõ thẩm quyền, khung quy định vận hành các hồ chứa trong các thời kỳ, trong các trường hợp, nhưng hiệu quả công tác phối hợp liên ngành còn chưa cao. Một số khu vực còn lúng túng trong công tác chỉ đạo, điều hành các hồ chứa, khó khăn trong công tác xây dựng phương án phòng, chống lũ, đặc biệt là việc đưa ra các quyết định kịp thời trong các tình huống khẩn cấp.

- Bao giờ Việt Nam thiết lập được hệ thống tự động hỗ trợ ra quyết định và cần những điều kiện gì, thưa ông?

- Chúng ta hướng đến hệ thống hỗ trợ ra quyết định, không phải tự động ra quyết định mà hệ thống được thiết lập và tạo ra nhiều các kịch bản vận hành khác nhau dựa trên tập hợp dữ liệu đầu vào, bao gồm khí tượng thủy văn và các dữ liệu kinh tế-xã hội khác. Hệ thống có chức năng phân tích và đưa ra nhiều kịch bản vận hành, trên cơ sở đó chúng ta tiến hành lựa chọn phương án vận hành tối ưu nhất theo tiêu chí vừa bảo đảm an toàn, vừa đạt được hiệu quả cao nhất về kinh tế. Hệ thống như vậy tùy thuộc vào đặc điểm, tính chất của các hồ chứa nên việc thiết lập được hệ thống phụ thuộc chính vào cơ quan, đơn vị quản lý công trình.

Về cơ bản, một hệ thống đáp ứng dự báo thời gian thật vận hành hồ chứa, hỗ trợ ra quyết định cần được xây dựng bao gồm các hợp phần: hệ thống quan trắc được tự động hóa với mật độ đủ dày; hệ thống thu nhận, truyền tin và lưu trữ thông tin theo thời gian thực; hệ thống mô hình xử lý, phân tích, tính toán dự báo theo thời gian thật; hệ thống kịch bản mẫu và các tình huống ứng phó, vận hành hồ chứa bảo đảm quy trình vận hành liên hồ chứa và khai thác nguồn nước; hệ thống các nguyên tắc, quy tắc vận hành hỗ trợ ra quyết định, vận hành hồ theo thời gian thật; hệ thống cung cấp thông tin dự báo và vận hành hồ chứa. Thêm nữa, hệ thống này cần được chia sẻ dùng chung giữa các đơn vị để nâng cao hiệu quả sản xuất điện và phòng, chống thiên tai cũng như cải thiện khả năng đáp ứng nhu cầu nước phục vụ đa mục tiêu.

- Trân trọng cảm ơn ông!