Trường Sa, qua những bãi bờ

Sau rất nhiều ngày mưa, đảo Sinh Tồn đã có buổi hoàng hôn đầu tiên. Trần Đức Bách, cậu chiến sĩ 20 tuổi ríu rít nhờ chúng tôi chụp một vài tấm ảnh trên bãi cát.
0:00 / 0:00
0:00
Trường Sa, qua những bãi bờ

BÁCH nói dải cát này là nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất Sinh Tồn. Bãi cát Sinh Tồn nằm ở phía đông của đảo. Thiếu tá Lê Đại Dương bảo: "Gió đông bắc thì phần cát phía bắc của bãi đó nhiều thêm chút, gió tây nam thì phần phía nam cát lên thêm một chút".

Đó cũng là đặc điểm chung của hầu hết bãi cát cụm đảo Sinh Tồn. Nhưng bãi cát này chỉ chuyển qua lại theo hình rẻ quạt, thế nên vị trí của bãi cát gần như cố định. Hôm chúng tôi tới, các chiến sĩ, người dân xã đảo hồ hởi kéo ra bãi cát chơi bóng (trong ảnh). Bãi cát rộng rãi đủ để mọi người chơi đùa, sau cả mấy ngày đảo buồn rũ vì mưa gió.

Trong khi đó, ở những đảo như An Bang, Phan Vinh, Song Tử Tây, doi cát lại di chuyển theo chiều vòng tròn quanh đảo. Bãi cát An Bang là một thí dụ. An Bang vẫn được các lính đảo gọi là đảo đồng hồ, vì doi cát xoay vòng theo chiều kim đồng hồ. Lính đảo tính thời gian theo chiều xoay doi cát đó. Khi nào doi cát quay về vị trí cũ, đó là lúc hết một năm ở đảo.

Bờ cát An Bang cũng ghi dấu ấn của những cuộc vượt sóng dữ dội. Để cập đảo An Bang, xuồng trung chuyển phải đưa xuồng kéo tới gần bờ và cánh lính đảo sẽ lội nước ra kéo xuồng lên bờ cát. Lao xuồng lên cát là hình ảnh đặc trưng mỗi khi có người vào An Bang.

Đảo Sơn Ca có hai doi cát ở hai đầu đảo. Có những ngày nước triều xuống kỳ diệu theo một cách nào đó, chúng tạo thành một chữ S cong như dáng hình đất nước. Doi cát như muốn nhoi ra tận ngoài xa phía con tàu. Cát ở Sơn Ca có mầu "trắng kỳ lạ", như một bạn lính đảo từng mô tả.

Vẻ đẹp tiềm ẩn phải kể tới doi cát Len Đao. Cả ngày Len Đao là một đảo san hô giữa sóng. Nhưng sáng sớm, khi bình minh vừa ló rạng, cả bãi cát Len Đao sẽ khoe mình trước nắng. Bờ cát khi đó vẫn còn những vân sóng, trong ánh nắng vàng rực của Biển Đông, phía xa là biển xanh ngắt, lấp lóa bóng dáng những con tàu trắng.

Sáng sớm, bãi cát Len Đao như một cây đàn dương cầm với những phím đàn trải rộng. Qua vài giờ, bãi cát dần biến mất, chỉ còn sóng vỗ quanh những ngôi nhà.

Ánh sáng diệu kỳ ấy, tôi cũng từng thấy ở Song Tử Tây, sau một ngày đảo mưa trắng trời. Chỉ độ nửa giờ ngớt mưa, mặt trời dần xuống núi, bãi cát Song Tử Tây bắt đầu lộ ra đầy kiêu hãnh.

Doi cát nằm trước cửa chùa Song Tử Tây, nó phát sáng lấp lánh, trong tiếng sóng biển ầm ào xen qua những viên đá san hô. Bởi là Song Tử Tây, nơi có viền san hô ngang bướng nhất Biển Đông, nên sóng phía này cũng bạc đầu hơn và nghịch ngợm hơn. Phía bờ kè, bọn trẻ con thường thơ thẩn dạo chơi mỗi chiều. Chúng đếm những chiếc tàu ngoài xa, đố nhau từng cơn sóng sẽ vỗ bờ xa đến đâu.

Trường Sa, qua những bãi bờ ảnh 1

ĐẢO ở Trường Sa thường tồn tại một hoặc hai doi cát luân chuyển quanh đảo theo mùa gió. Mỗi bờ cát ở Trường Sa đều mang vẻ đẹp riêng biệt. Sóng ở đâu cũng thế, nhưng nơi đón sóng thì không giống nhau. Bãi cát nhỏ bé, nhưng có thể là thước đo thời gian của người lính, là một trò chơi của lũ trẻ con, là điểm tựa cho mỗi chiếc xuồng vào đảo.

Hơn cả những bãi cạn, chúng còn là người bạn, chứng kiến bao nhiêu vui buồn. Trần Đức Bách nói mỗi khi nhớ nhà, cậu sẽ ngồi ở đây ngóng ra biển. Chỉ ngồi im lặng thôi, thế cũng đủ rồi…