Ông Lê Quang Tự Do, Cục Trưởng Cục phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử:

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để "quét rác" trên mạng

Ông Lê Quang Tự Do, Cục Trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) trao đổi về những giải pháp "quét rác" ở trên mạng, đặc biệt là thông tin xấu độc, tin giả và hệ lụy của video ngắn. Ông cho biết:
0:00 / 0:00
0:00
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để "quét rác" trên mạng

Trước hết, phải nói rằng nạn tin giả, thông tin xấu độc trên môi trường mạng ngày càng nhiều lên ở bình diện chung của không gian mạng toàn cầu. Bởi vì khi lượng người dịch chuyển từ đời thật lên không gian mạng ngày càng nhiều và không gian mạng trở thành môi trường sống thứ hai của loài người thì tất cả những vấn đề ở đời thật cũng chuyển dịch lên đó. Vì thế, không có gì bất thường khi lượng thông tin nhiều lên, cùng với nó là tỷ lệ thông tin xấu độc, tin giả vi phạm pháp luật cũng nhiều lên trên môi trường mạng. Đây là vấn nạn toàn cầu chứ không riêng gì Việt Nam.

Đối với Việt Nam, trong 5 năm gần đây, Chính phủ và các cơ quan chức năng, trực tiếp là Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT), Bộ Công an đã rất nỗ lực để có nhiều giải pháp "quét rác" trên mạng. Tuy nhiên, có những đặc thù của không gian mạng mà việc "quét rác" khó hơn so với đời thực.

Đặc điểm đầu tiên là ẩn danh. Người ẩn danh trên mạng rất khó truy tìm. Nếu trong đời thật, một người xúc phạm người khác chỉ một số ít biết, phát truyền đơn, tờ rơi cùng lắm một dãy phố biết, nhưng trên mạng xã hội thì cả triệu người có thể tiếp cận được nội dung đó, mức độ lan tỏa rất lớn, rất nhanh.

Mặt khác rất khó thu hồi, xử lý triệt để thông tin xấu độc, tin giả vì sự lan tỏa rất nhiều, rất nhanh. Điều này khiến cho việc đấu tranh xử lý tin vi phạm pháp luật trên mạng xã hội còn nhiều việc phải làm.

Bộ TT&TT đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Giải pháp đầu tiên quan trọng nhất là muốn quản lý được phải thấy được. Vì thế, phải phát triển hệ thống giám sát. Đến nay, Bộ đã phát triển được trung tâm giám sát không gian mạng quốc gia, rà quét xử lý, kết hợp giữa tự động, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và con người để phát hiện được những thông tin xấu độc, tin giả trên mạng, truy vết để tìm được danh tính.

Nhìn thấy được thì phải xử lý được. Muốn xử lý được phải hoàn thiện các công cụ, các quy định pháp luật đầy đủ để xử lý. Có một thời gian dài, các hành vi vi phạm trên internet xuất hiện quá nhanh, pháp luật không theo kịp nên không có cơ sở xử lý. Vừa rồi, Bộ TT&TT ban hành Nghị định 15 và sau đó là Nghị định 14 cập nhật rất nhanh những hành vi vi phạm mới để xử phạt. Bộ Công an ban hành Nghị định 53, hướng dẫn Luật An ninh mạng chi tiết hơn. Mới đây có Nghị định 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân người dùng. Cập nhật để có các quy định bổ sung chặt chẽ hơn, đầy đủ hơn và xử lý được.

Bên cạnh đó, phải cảnh báo được. Nhìn thấy và xử lý chỉ là phần ngọn, phần gốc là ý thức của người dân. Nếu cả 100 triệu dân không có ý thức thì không có cách gì xử lý được. Chính vì thế, Bộ TT&TT cũng đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức và xử lý một số trường hợp điểm để răn đe. Vừa rồi, trong dịch Covid -19, Bộ TT&TT đã kết hợp với Bộ Công an để xử lý hình sự một số trường hợp tung tin giả trên mạng. Chúng tôi muốn đưa ra cảnh báo: không gian mạng không phải là không gian ảo.

Bộ TT&TT cũng có những chiến dịch truyền thông trên báo chí, trên mạng xã hội để nâng cao nhận thức người dân. Mới nhất là năm 2022, Bộ phát hành cẩm nang phòng chống tin giả trên không gian mạng cho người dùng, với nhiều hình thức khác nhau.

Khi mà các lĩnh vực của đời sống đã dịch chuyển lên môi trường mạng thì cần quản lý của các bộ, ngành khác chứ không chỉ có Bộ Công an và Bộ TT&TT như trước đây. Hiện nay, Bộ TT&TT đã tham mưu cho Chính phủ có những chủ trương, chỉ thị là bộ, ngành nào quản lý lĩnh vực nào của mình ở trên đời thực thì phải quản lý lĩnh vực đó trên không gian mạng. Bộ TT &TT và Bộ Công an, bên cạnh quản lý lĩnh vực của mình sẽ phối hợp với các bộ, ngành để rà quét, giám sát, phát hiện, nhưng mà xử lý kết luận đúng, sai phải là bộ, ngành đó. Phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành trong việc quản lý không gian mạng.

Một số bộ có nhiều vấn đề liên quan ở trên mạng đang hợp tác rất chặt chẽ với Bộ TT&TT, đó là Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, gần đây có thêm Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp quản lý đối với nghệ sĩ có vi phạm trên mạng. Tất cả các bộ khác cũng bắt đầu có dịch chuyển.

Những nội dung xấu độc chủ yếu trên các nền tảng xuyên biên giới như TikTok, Youtube, Facebook. Bộ TT&TT đang tăng cường quản lý các nền tảng này không chỉ về nội dung mà còn phối hợp với các bộ, ngành khác để quản lý những vấn đề như đóng thuế, về thương mại điện tử, về quảng cáo, và đã thiết lập được những đầu mối liên hệ để xử lý rất nhanh, đạt được nhiều kết quả. Thí dụ, trong 5 năm qua đã gỡ được gần 40.000 nội dung xấu độc, 5.000 các kênh, các tài khoản vi phạm pháp luật.

Các nền tảng xuyên biên giới từ chỗ không hợp tác với cơ quan chức năng, với Bộ TT&TT thì đã chuyển sang hợp tác và bước sang giai đoạn cao hơn là hợp tác chặt chẽ.

Gần đây video ngắn (khoảng vài chục giây) trên nhiều nền tảng mạng xã hội trở nên thịnh hành, trong đó có không ít video xấu độc gây ra nhiều hệ lụy. Trước thực trạng đó, một số ý kiến cho rằng nên kiểm duyệt những video trên mạng xã hội. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

Không thể tiền kiểm những nội dung đăng trên mạng xã hội nói chung và những video nói riêng. Bời vì có thể nói 100% hoạt động của mạng xã hội là hậu kiểm. Tất cả các nền tảng mạng xã hội đều có những bộ lọc tiền kiểm, nhưng tiền kiểm những nội dung vi phạm rất rõ ràng, phổ quát như khiêu dâm, bạo lực... Họ có bộ lọc những nội dung vi phạm này một cách sơ bộ bằng thuật toán. Không thể nào kiểm duyệt được theo hình thức tiền kiểm mà bắt buộc phải hậu kiểm.

Cũng có một quan điểm nữa: môi trường mạng là môi trường sống thứ 2 của loài người, nên không thể bất cứ một hành động nào của con người cũng phải kiểm duyệt rồi mới thực hiện. Muốn phát ngôn cũng phải xin phép à? Điều đó trái với hoạt động thông thường của loài người. Nên cơ chế đúng là hậu kiểm và tăng tính chịu trách nhiệm. Có quyền phát ngôn nhưng phải chịu trách nhiệm về những phát ngôn của mình và sẽ xử lý rất nặng nếu vi phạm.

Bộ TT&TT đã có những quy định để xử lý những video xấu độc chưa, thưa ông?

Hiện nay có những bước phát triển của mạng xã hội mà các cơ quan chức năng cũng đều bị động, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Mạng xã hội đã phát triển từ mạng xã hội đơn thuần thành mạng xã hội tích hợp rất nhiều những tính năng xã hội khác, trở thành siêu ứng dụng. Có thể thấy mạng xã hội không chỉ để trao đổi chia sẻ mà có thể kinh doanh buôn bán, quảng cáo, đọc báo trên đó... Bây giờ còn phát triển thêm, trở thành một vũ trụ ảo - Metaverse. Con người không chỉ sử dụng các tính năng của mạng xã hội mà có thể sống ở trên đó.

Mạng xã hội bây giờ có cả video dài và ngắn. Các công cụ rà soát tìm kiếm của chúng ta đối với text chữ, hình ảnh đang phát triển khá tốt, nhưng đến video, công cụ rà quét khó hơn rất nhiều. Và đến mức phát triển cao hơn là video ngắn lại càng khó. Hiện nay Bộ TT&TT đang đặt hàng một số doanh nghiệp làm các công cụ rà quét video nhưng tỷ lệ phát hiện chính xác nội dung sai phạm chưa cao. Thế giới cũng chưa có công cụ hiệu quả. Cho nên đây là cuộc rượt đuổi không có hồi kết giữa lợi dụng công nghệ để lừa đảo và sự quản lý của các cơ quan quản lý. Lúc nào cơ quan quản lý ra được một công cụ thì sẽ xuất hiện những công cụ mới để đổi phó. Và lúc đó cơ quan quản lý lại phải tìm cách bịt những lỗ hổng đó.

Hiện nay các nền tảng mạng xã hội, nhất là các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới như TikTok, trong công bố công khai cũng như các văn bản làm việc với Bộ TT&TT đều khẳng định họ không gợi ý nội dung vi phạm bằng thuật toán. Họ có gợi ý nội dung theo hai nhóm: gợi ý nội dung đã từng xem và gợi ý nội dung theo sở thích. Tuy nhiên, những người sáng tạo nội dung cũng rất giỏi trong việc "lách" hay "ngụy trang" các nội dung xấu độc trên mạng xã hội.

Sự phát triển của mạng xã hội, đặc biệt là của video ngắn đang tàn phá văn hóa đọc của giới trẻ, cổ vũ cho sự nhảm nhí, nông cạn. Chúng ta không thể cấm, nhưng có cách gì để hạn chế những mặt trái của nó?

Nhiều chuyên gia, đặc biệt là các chuyên gia về văn hóa, giáo dục đã lên tiếng cảnh báo điều đó. Hệ lụy của mạng xã hội cũng gia tăng theo từng mức độ phát triển của mạng xã hội. Hệ lụy của mạng xã hội trước đây thì ít đọc sách, chỉ đọc mạng thôi. Hệ lụy tiếp theo là đọc không tập trung, vì đọc mạng xã hội là đọc lướt. Nhưng khi có Youtube thì văn hóa đọc lại giảm xuống, nó thành văn hóa xem. Giới trẻ chuyển từ đọc qua xem. Nhưng đến khi xuất hiện video ngắn thì xem nhưng mà xem không đầy đủ, xem không tập trung, xem hời hợt.

Đó là một mối lo cho thế hệ tương lai, tuy nhiên Nhà nước không thể ra những quy định cấm mạng xã hội hay cấm video ngắn được, vì đây là xu thế của thời đại. Chính vì thế phải giáo dục cho giới trẻ để có khả năng đề kháng, thích nghi. Vẫn có thể tham gia mạng xã hội, xem video ngắn nhưng phải đọc sách, đọc sâu, đọc chậm.

Quản lý nhà nước theo tinh thần hậu kiểm thì không thể triệt để mà là quản lý rủi ro, giảm những rủi ro ở mức độ chấp nhận được, chứ không thể đưa rủ ro về bằng không. Không ai dám khẳng định là đi ra đường sẽ không bị tai nạn giao thông. Trên thế giới, quản lý nhà nước đều là quản lý rủi ro. Cho nên vẫn luôn tồn tại những nội dung độc hại mà người dùng phải tránh được những điều đó. Muốn tránh được cần có ý thức và kỹ năng để phòng chống nội dung độc hại trên mạng.

Xin cảm ơn ông!