Thưởng Tết 2024: Người hoan hỷ, kẻ ngậm ngùi

NDO - Thưởng Tết cho công nhân khu công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh | liên thanh Thưởng Tết 2024 cao hay thấp? Thực tế, bức tranh thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn sáng tối đan xen, với nhiều phân cực, trong đó có những người nhận gần 5,7 tỷ đồng, có người ngậm ngùi với một trăm nghìn... Nhưng nhìn chung, mức thưởng Tết năm nay thấp
0:00 / 0:00
0:00
Thưởng Tết 2024: Người hoan hỷ, kẻ ngậm ngùi

Nhiều doanh nghiệp khó khăn, thưởng Tết thấp

Trước hết, thưởng Tết không phải cứ “đến hẹn lại lên” mà phụ thuộc mức tăng trưởng của nền kinh tế cũng như tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong năm qua. Hơn 20 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp cho rằng chưa bao giờ gặp khó như năm 2023, khi mà nền kinh tế toàn cầu suy thoái, lạm phát cao, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, đơn hàng giảm mạnh. Các doanh nghiệp đã lao đao sau đại dịch Covid-19 kéo dài, giờ càng trở nên kiệt quệ khi gặp những “cơn gió ngược”.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 85.434 doanh nghiệp, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước; gần 57.200 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 26,3%; gần 16.200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4%. Bình quân một tháng có 14.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Nhiều doanh nghiệp phải nợ lương, nợ bảo hiểm kéo dài, đặt ra mục tiêu cầm cự để qua giai đoạn khó khăn này.

Trong bức tranh chung có phần u ám đó, có lẽ câu trả lời cho câu hỏi thưởng Tết năm nay cao hay thấp cơ bản cũng đã rõ, tuy nhiên mức cao thấp không đồng đều tùy vào từng lĩnh vực và địa phương.

Theo thống kê sơ bộ, các ngành sản xuất chủ lực sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, điện tử đều có thưởng Tết. Tiền thưởng nhìn chung bằng năm ngoái, không đến mức “phú quý giật lùi” nhưng nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa lại giảm mạnh thưởng Tết, đặc biệt trong ngành dệt may.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, 2023 là năm khó khăn nhất trong lịch sử từ khi thành lập tập đoàn cách đây 29 năm, thậm chí khó khăn hơn cả giai đoạn Covid-19. Tổng cầu dệt may suy giảm, giá đặt hàng bình quân giảm hơn 30%, cá biệt mặt hàng số lượng lớn giảm tới 50%. Đến nay, nhiều đơn vị của tập đoàn không biết đến bao giờ khó khăn mới kết thúc. Hệ lụy từ hậu dịch Covid-19 ngày càng ngấm sâu. Sức mua càng ngày càng thấp cũng làm thay đổi hành vi tiêu dùng của ngành dệt may. Tuy nhiên, ngành dệt may vẫn ổn định với xấp xỉ 62 nghìn lao động, thu nhập bình quân 9,5 triệu đồng, giảm ít so với mức 9,7 triệu đồng của năm 2022. Theo ông Cao Hữu Hiếu, để giữ được mức lương hiện tại, Vinatex và các đơn vị trong tập đoàn đã phải hy sinh cổ tức để lấy tiền chi trả cho người lao động.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, chia sẻ: “So với năm trước, mức thưởng sẽ giảm 30 - 40%, thậm chí có những đơn vị không thưởng Tết cho người lao động”.

Càng gần Tết, không khí dãy nhà trọ của công nhân may mặc trong Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) chùng hẳn xuống, vì thưởng Tết “tiên liệu” rất thấp. Chị Minh Hạnh, công nhân dệt may ngậm ngùi nói: “Nửa đầu năm công ty không có đơn hàng cắt giảm giờ làm, nửa cuối năm mới túc tắc làm trở lại, nên thưởng Tết năm nay sẽ chỉ mang tính tượng trưng”.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: “Qua khảo sát, lương thưởng năm nay rất khó khăn. Một bộ phận người lao động khó được nhận thưởng hoặc được nhận thưởng với mức rất thấp”.

Tháng 12/2023, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có văn bản yêu cầu các địa phương báo cáo tình hình tiền lương, tiền thưởng và quan hệ lao động trong doanh nghiệp dịp giáp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2024. Bộ này cũng yêu cầu các đơn vị xây dựng phương án thưởng theo kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2023 theo quy định của pháp luật lao động và thông báo công khai cho người lao động trong doanh nghiệp biết, báo cáo gửi về Bộ trước ngày 25/12.

Theo báo cáo của 62/63 tỉnh, thành về tình hình thưởng Tết năm nay cho thấy hơn 61% doanh nghiệp có kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán với mức thưởng bình quân là 6,85 triệu đồng/người, tương đương mức thưởng Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất là 5,68 tỷ đồng/người thuộc về vị trí quản lý cấp cao tại doanh nghiệp FDI ở tỉnh Long An.

Hưng Yên là tỉnh đang tạm thời ghi nhận có mức thưởng Tết cho lao động cao nhất với 300 triệu đồng. Sở LĐTB&XH tỉnh này cho biết, doanh nghiệp có mức thưởng Tết Nguyên đán cao nêu trên là Công ty cổ phần Tập đoàn Merap (địa chỉ ở thôn Bá Khê, xã Tân Tiến, huyện Văn Giang). Một số công ty trong khu công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh cũng có mức thưởng Tết cao. Công ty TNHH Ochai Việt Nam và Công ty TNHH Wassenburg Medical Việt Nam đều có mức thưởng 50 triệu đồng/lao động.

Tỉnh Bình Dương có mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất 366 triệu đồng/người thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; mức thưởng bình quân là 6,8 triệu đồng/người, thấp nhất 4,68 triệu đồng/người đối với lao động làm từ đủ 12 tháng.

Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cho biết thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 giảm từ 1,41% đến 2,44% so với Tết Quý Mão 2023, trong đó mức giảm sâu thuộc các ngành nghề như dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ. Mức thưởng Tết năm 2024 cao nhất tại Hà Nội đạt 205 triệu đồng thuộc về một doanh nghiệp FDI, bằng một nửa mức cao nhất của năm 2023.

Theo Sở LĐTB&XH Hà Nội, nhóm công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, mức thưởng bình quân dịp Tết Nguyên đán là 3,1 triệu đồng/người, mức thưởng cao nhất là 20 triệu đồng/người. Nhóm công ty cổ phần có góp vốn chi phối của Nhà nước, mức thưởng Tết Nguyên đán bình quân là 3,3 triệu đồng/người, mức thưởng cao nhất là 29,8 triệu đồng/người. Ở khối doanh nghiệp FDI, mức thưởng bình quân dịp Tết Nguyên đán là 4 triệu đồng/người. Với khối doanh nghiệp dân doanh, mức thưởng bình quân Tết Nguyên đán là 3,5 triệu đồng/người, nơi thưởng cao nhất 90 triệu đồng/người.

Thưởng Tết bằng hiện vật

Những thống kê cao nhất hay thấp nhất chưa phản ánh hết những buồn vui của câu chuyện thưởng Tết mà sau đó là hỉ nộ ái ố và những phận người. Bộ luật Lao động (sửa đổi) hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021, có nhiều thay đổi về hình thức thưởng của người chủ sử dụng lao động đối với người lao động. Thay vì chỉ thưởng bằng tiền, quy định mới cho phép mở rộng hình thức thưởng (gồm cả thưởng Tết) bằng hiện vật hoặc dịch vụ. Mức thưởng căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngay cả khi chưa có quy định này, nhiều doanh nghiệp trước đây vẫn áp dụng hình thức thưởng hiện vật, dịch vụ cho người lao động.

Gần Tết Giáp Thìn, chị Hồng Hạnh, nhân viên lâu năm của một công ty dạy kỹ năng sống rất “sốc” vì nhận thông báo thưởng Tết bằng Voucher (phiếu mua hàng) trị giá 500 nghìn đồng ở siêu thị. Công ty lý giải, kinh tế khó khăn, học viên ít, bị lỗ nên không thể thưởng Tết cao hơn bằng tiền. Nhưng như thế vẫn còn dễ chấp nhận hơn nhiều hình thức thưởng Tết bằng hiện vật khiến cho khổ chủ phải cười ra nước mắt.

Năm nay, sức mua kém, hàng tồn kho nhiều, làm ăn thua lỗ nên nhiều công ty quyết định thưởng Tết bằng “của nhà trồng được” vừa giải phóng hàng tồn kho, vừa không phải chi tiền mặt. Danh sách những hiện vật cũng khá đa dạng và cũng khiến cho người được thưởng “khóc dở, mếu dở”.

Nhiều công nhân sau khi nhận thưởng bằng hiện vật đã phải lên mạng xã hội rao bán gấp để kiếm ít tiền tiêu Tết. Nhưng như vậy dù sao vẫn có thưởng Tết, trong khi có những nghề hầu như không có khái niệm thưởng Tết, như nghề giáo viên. Ở các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, không có bất kỳ quy định nào thưởng Tết Dương lịch, Âm lịch hay lương “tháng 13” cho giáo viên.