Thiên đường xanh giữa thung lũng hoang sơ

NDO - Từ Quốc lộ 6 đi lên Tây Bắc, xe ô-tô rẽ vào một con đường dốc khúc khuỷu, đi một quãng tôi ngỡ ngàng vì một thung lũng hoang sơ với những nếp nhà sàn mọc lên bên cạnh rừng già. Bản Bướt - một nơi mà đến đây sẽ gần như tách biệt khỏi cuộc sống hiện đại, đắm chìm vào thiên nhiên thuần khiết cũng như cách làm nông nghiệp theo lối cổ xưa nhưng lại có sức hút lớn với khách du lịch...
0:00 / 0:00
0:00
Thiên đường xanh giữa thung lũng hoang sơ

Ðánh thức “nàng công chúa ngủ trong rừng”

Nằm trong thung lũng được bao bọc bởi những dãy núi cao, bản Bướt thuộc xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La trở thành nơi định cư lâu đời của bà con dân tộc Thái, dân tộc Mường. Cái tên Bướt là âm đọc trại của Ướt bởi cả bản được dòng suối trong vắt chảy về từ rừng thượng nguồn bao quanh như “nàng công chúa ngủ trong rừng”, và chỉ được đánh thức bởi những người từ nơi xa đến.

Từ năm 2019, Trung tâm Nghiên cứu Nông lâm nghiệp miền núi (ADC) và Doanh nghiệp xã hội Agritage Việt Nam thông qua chương trình GREAT, đã triển khai dự án: “Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua phát triển hệ thống thị trường gạo đặc sản tỉnh Sơn La”. Bản Bướt được lựa chọn để phát triển mô hình Làng nông nghiệp di sản, nơi người nông dân, chính quyền địa phương và doanh nghiệp cùng cam kết thực hành nông nghiệp hữu cơ và phát triển du lịch sinh thái để có sinh kế bền vững và giới thiệu, lan tỏa với bạn bè trong nước, quốc tế về văn hóa, thiên nhiên, con người vùng cao Tây Bắc.

Mặc dù nằm trong thung lũng, từ lâu bà con dân tộc Thái ở đây đã quen sống hài hòa giữa rừng và suối, nhưng họ vẫn bị “lây” việc bón cây bằng phân hóa học và diệt sâu bọ bằng thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó, đom đóm đã không còn “thắp đèn” và tôm cũng biến mất trên con suối của bản Bướt. Người dân thậm chí chưa có thói quen làm vườn, mà chỉ vào rừng hái lượm rau, củ.

Giám đốc Trung tâm hợp tác phát triển Tây Bắc (TABA) Đinh Thị Huyền tìm đến bản Bướt và sau thời gian “ba cùng” với bà con đã nhận ra tiềm năng rất lớn về nông nghiệp và du lịch của thung lũng này. Trung tâm hợp tác phát triển Tây Bắc đã đồng hành cùng hơn 10.000 phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển sinh kế bền vững, dựa vào nội lực cộng đồng. 10 năm trước, Huyền đã giúp những người phụ nữ Mường quê mình biến những cây chít mọc hoang ở Hòa Bình thành chổi để bán ra cả nước. Giờ đây, cô và các cộng sự tiếp tục thành lập Doanh nghiệp xã hội Agritage Việt Nam, với sứ mệnh bảo tồn và phát triển nông nghiệp di sản Việt Nam, tầm nhìn trở thành tổ hợp tiên phong xây dựng và nhân rộng hệ sinh thái nông nghiệp di sản ở Việt Nam.

Vân Hồ Agritage tại bản Bướt là làng nông nghiệp di sản đầu tiên được Trung tâm TABA, Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Sơn La, UBND huyện Vân Hồ hỗ trợ xây dựng và vận hành. Từ năm 2019 đến nay, Agritage Vân Hồ đã đồng hành cùng 58 hộ gia đình người Thái làm du lịch cộng đồng, trải nghiệm nông nghiệp gắn với bảo tồn văn hóa và thiên nhiên, chuyển đổi mô hình canh tác nông nghiệp có sử dụng hóa chất sang canh tác hữu cơ, xây dựng thương hiệu nông sản, đưa sản phẩm ra thị trường chất lượng cao tại Hà Nội.

Thiên đường xanh giữa thung lũng hoang sơ ảnh 1

Đinh Thị Huyền và các phụ nữ ở bản Bướt đã hồi sinh giống lúa bản địa Tẻ Râu

Huyền chia sẻ: “Tại Vân Hồ Agritage, bà con nông dân đang thực hành 5 tiêu chí quan trọng cấu thành nên một điểm di sản nông nghiệp, theo quan điểm của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), đó là: sinh kế bền vững và an ninh lương thực; đa dạng sinh học trong nông nghiệp; hệ thống tri thức bản địa trong canh tác nông nghiệp được khôi phục và lưu giữ; hệ thống giá trị văn hóa và tổ chức cộng đồng; hệ thống cảnh quan đặc trưng. Hiện nay Vân Hồ Agritage đang canh tác lúa đặc sản tẻ râu, lúa nếp nương, các loại hạt bản địa như lạc đỏ, đậu đen lòng xanh và hoa màu khác nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của bản và bán nông sản tạo sinh kế và thu nhập. Dân bản đã thành lập Hợp tác xã Đồng Rừng Vân Hồ và phát triển thương hiệu Nông sản Đồng Rừng với hai dòng sản phẩm đặc trưng là gạo tẻ râu và hạt bản địa. Người dân vừa áp dụng các tri thức canh tác nông nghiệp truyền thống của người Thái, người Mường (như cách dẫn nước từ suối về ruộng phục vụ tưới tiêu thông qua hệ thống mương và ống dẫn tre nứa), vừa dùng các loài cây bản địa mọc tự nhiên quanh bản như cây xoan, bồ hòn, ớt, tỏi, gừng để tạo thuốc trừ sâu sinh học và cam kết canh tác nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS.

Nhưng để thực hiện được 5 tiêu chí đó là cả một “hành lộ nan” vì không dễ thuyết phục bà con thay đổi thói quen canh tác dựa vào phân bón hóa học và thuốc trừ sâu. Huyền cùng các cộng sự dày công hướng dẫn bà con theo hướng thuận tự nhiên. Nhưng mùa thu hoạch đầu tiên thất bát. Để bà con không nản lòng, Vân Hồ Agritage bỏ chi phí bù đắp và tiếp tục canh tác hữu cơ. Những mùa sau, cánh đồng gạo tẻ râu đã cho những bông lúa trĩu hạt.

Chị Hà Thị Mỉ tâm sự, giờ dân bản Bướt đã quen dùng nước tỏi ớt ngâm rượu để phun diệt trừ sâu bệnh, dùng phân xanh ủ với phân chuồng bón cây, bón lúa vẫn cho năng suất cao mà không mất tiền mua phân hóa học như trước đây. Lúa tẻ râu hữu cơ lại bán được giá cao hơn nhiều, làm ra không đủ để bán.

Bằng việc duy trì hoạt động canh tác thuận tự nhiên như sử dụng phân bón vi sinh tự chế, trồng các loài cây, cỏ theo hướng cộng sinh và diệt trừ sâu bệnh theo nguyên lý thiên địch..., Vân Hồ Agritage đã giúp bà con bản Bướt ứng phó với tình trạng khô hạn, xói mòn, sạt lở đất và làm giàu thêm các vi sinh vật trong đất. Thế rồi sau một thời gian, những đàn cào cào, châu chấu đã bay. Đom đóm đã lại thắp đèn trong đêm mượt như nhung ở nơi đây.

Đến nay ở bản Bướt đã hình thành vùng canh tác nông nghiệp hữu cơ đạt chuẩn PGS với 12ha lúa và các loại hạt. Hợp tác xã Đồng Rừng được thành lập và đón khách du lịch đến thăm bản. Sản phẩm gạo tẻ râu bản Bướt cùng các loại hạt, các loại bánh, sữa hạt đã trở nên quen thuộc với khách hàng mong muốn tìm kiếm các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chất lượng cao.

Tôi đứng trước cánh đồng lúa tẻ râu đang chín rộ, mùi thơm của những hạt thóc căng mẩy quyện trong làn gió mát giữa thu. Tẻ râu - một giống lúa bản địa có nguy cơ thất truyền nay lại tươi tốt trên đất bản Bướt và cánh đồng lúa tẻ râu giờ cũng trở thành điểm tham quan ấn tượng của khách du lịch.

Băng rừng, lội suối, chèo thuyền, ngắm cá, xem múa xòe...

Tiếp tục tour du lịch bản Bướt, tôi băng qua cánh đồng và đến dòng suối trong như ngọc bích, có thể nhìn thấy hàng đàn cá suối bơi lội. Vì sao có thể giữ được đàn cá suối trong khi rất nhiều nơi đang thịnh hành cách đánh bắt tận diệt bằng mìn và kích điện? Ông Hà Văn Nhiêu, Trưởng bản Bướt cho biết người dân đã thống nhất đưa vào hương ước không đánh bắt cá trong con suối dài 3km. Nhờ đó, cá sinh sôi, bơi tung tăng từng đàn lớn và rất bạo dạn với người.

Thiên đường xanh giữa thung lũng hoang sơ ảnh 2

Trẻ em đắm mình giữa dòng suối trong veo của bản Bướt.

Trên dòng suối trong mát, du khách có thể chèo thuyền kayak giữa rừng già, tắm thác Bản Đông, rồi ngồi thư giãn trên ghế bố, nhấp chén trà thơm được trồng từ những vườn chè ướp sương. Sau khi ngâm chân trong suối nước nóng chảy ra từ mạch ngầm của núi, lại có thể khám phá thảm thực vật tầng tầng lớp lớp đặc trưng của rừng nhiệt đới Tây Bắc; những hệ thống hang động được hình thành và tích tụ nhiều năm của quá trình bào mòn bởi dòng chảy của nước và sự vận hành của Trái đất.

Tối hôm đó, bên bếp lửa bập bùng, chúng tôi được chiêm ngưỡng các điệu xòe thướt tha của những người phụ nữ Thái và cùng tham gia nhảy sạp. Và khi sao đã chi chít trên bầu trời trong như ngọc, những đôi chân mỏi của du khách sau một ngày trèo rừng, lội suối lại được ngâm nước nóng nấu bằng lá rừng trong bồn gỗ thông...

Thiên đường xanh giữa thung lũng hoang sơ ảnh 3
Cô gái Thái xinh đẹp và dịu dàng đã chuẩn bị bữa ăn mang hương vị đồng rừng cho du khách

Những trải nghiệm hòa mình với thiên nhiên và văn hóa bản địa của bản Bướt đã thu hút nhiều khách du lịch tìm về. Những người phụ nữ Thái đã cùng với Vân Hồ Agritage tổ chức các homestay trong nhà sàn và các dịch vụ lưu trú khác để đón khách. Nhờ đó, thu nhập của nhiều chị em đã tăng lên một cách ổn định, bản Bướt dần thay da đổi thịt. Nhưng với Đinh Thị Huyền, tất cả mới chỉ là sự khởi đầu, Vân Hồ Agritage sẽ tiếp tục đồng hành cùng bà con bản Bướt để gìn giữ và khơi dậy những giá trị riêng có của thiên đường xanh này