Bệnh viện thiếu thuốc và vật tư:

Hoàn tiền cho người bệnh có phải là giải pháp hiệu quả?

NDO - Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế kéo dài đã ảnh hưởng đến quyền lợi khám, chữa bệnh của người bệnh. Bộ Y tế đang lấy ý kiến về việc thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), nhưng dự thảo này đang có nhiều ý kiến trái chiều...
0:00 / 0:00
0:00

Thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn tái diễn

Mới đây, trong một lần tái khám ung thư tiết niệu tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội, ông D.V.H., đã phải tự mua toàn bộ thuốc điều trị do bệnh viện hết thuốc. “Hơn 1 năm điều trị và tái khám, đây là lần đầu tiên tôi phải tự mua toàn bộ thuốc điều trị. Những lần trước, tôi chỉ phải mua ngoài 1-2 loại thuốc, còn lại hầu hết thuốc uống, thuốc tiêm vẫn được BHYT chi trả. Lần khám này nhân viên bệnh viện có giải thích đang trong quá trình đấu thầu nên phải một thời gian nữa BHYT mới có thuốc trở lại.

Trước đó, tại Bình Dương, gia đình người bệnh phản ánh phải tự mua nhiều vật tư như găng tay phẫu thuật, gạc vô khuẩn, bơm kim tiêm, băng keo, dây truyền dịch, ống hút phẫu thuật, bông gòn, ống sonde JJ niệu quản, ống nội khí quản, drap trải giường phẫu thuật, trong khi theo quy định được BHYT chi trả.

TS, BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, sau dịch Covid-19, số bệnh nhân đến khám, phẫu thuật ở bệnh viện tăng lên gấp đôi, trong khi quy định về mua sắm đấu thầu chỉ được mua vượt 130% thuốc, vật tư. “Trong điều kiện không ít mặt hàng thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị từ các nhà cung ứng bị gián đoạn do bị đứt gãy nguồn cung, cùng với đó nhiều vật tư, dụng cụ phẫu thuật của chuyên ngành ngoại khoa chỉ có 1-2 nhà cung ứng đã tạo ra không ít áp lực và ảnh hưởng đến công tác lập kế hoạch của bệnh viện”, ông Hùng trăn trở.

Hoàn tiền cho người bệnh có phải là giải pháp hiệu quả? ảnh 1

Người bệnh phải tự bỏ tiền túi mua vì bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế.

Các bệnh viện đều cho rằng, để giải quyết các vấn đề về đấu thầu, mua sắm tại cơ sở y tế, Chính phủ đã ban hành các chính sách như Nghị quyết 30, Nghị định 07, các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế... góp phần tháo gỡ cơ bản những khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị vật tư y tế.

Thừa nhận hiện tượng thiếu thuốc, vật tư, tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do nguồn cung nguyên liệu hoạt chất trên thế giới khan hiếm, giá cả biến động trên quy mô toàn cầu...; ở nước ta, việc tổ chức đấu thầu được thực hiện ở 3 cấp: trung ương, địa phương và các cơ sở y tế. Nguyên nhân chủ quan do hệ thống văn bản còn bất cập, việc tổ chức thực hiện mua sắm đấu thầu còn vướng mắc, công tác phối hợp chưa hiệu quả, đặc biệt có tâm lý e ngại, sợ sai ở một số cá nhân, đơn vị. Bộ Y tế đã trình nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn đến nay, việc thực hiện đã đạt kết quả tích cực bước đầu nhưng vẫn còn tình trạng thiếu thuốc cục bộ ở một số địa phương.

Xây dựng cơ chế thanh toán trực tiếp

Trước tình trạng người bệnh phải bỏ tiền túi mua vì thiếu thuốc, vật tư y tế dù thuốc, vật tư đó có trong danh mục hưởng BHYT, tại kỳ họp Quốc hội mới đây nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần có cơ chế bảo đảm quyền lợi cho người có thẻ BHYT bởi lỗi là của cơ quan chức năng, không phải của người dân.

Từ năm 2022, khi bắt đầu xuất hiện tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế, đã có ý kiến đề nghị trả tiền cho người bệnh đi khám, chữa bệnh phải tự trả tiền thuốc, vật tư trong danh mục. Theo ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong quy định về thanh toán trực tiếp đối với người bệnh không có việc phải thanh toán khi người bệnh phải mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài. Tuy nhiên, Luật BHYT quy định, một số trường hợp đặc biệt có thể thanh toán trực tiếp. “Có 2 hình thức là cơ sở khám, chữa bệnh thanh toán cho người bệnh, sau đó cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ quyết toán cho cơ sở khám, chữa bệnh và có thể thanh toán trực tiếp. Song việc thanh toán trực tiếp sẽ khó khăn. Theo quy định cơ sở khám, chữa bệnh phải có trách nhiệm, vừa đảm bảo mức giá, chất lượng, quyền lợi cho người tham gia BHYT”, ông Phúc nhấn mạnh.

Bộ Y tế vừa có dự thảo thông tư thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp cho người tham gia BHYT. Theo dự thảo, việc thanh toán chi phí trực tiếp cho người tham gia BHYT được thực hiện khi người bệnh (hoặc thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp) mua thuốc, vật tư y tế tại nhà thuốc bệnh viện hoặc đơn vị cung ứng đã trúng thầu tại các cơ sở khám chữa bệnh và hợp đồng trúng thầu còn hiệu lực. Ngoài ra, tại thời điểm sử dụng, thuốc, vật tư y tế không có sẵn tại cơ sở khám, chữa bệnh khi người bệnh được chẩn đoán, kê đơn và chỉ định thuốc, vật tư y tế. Tuy nhiên, lý do không có sẵn phải là khách quan, tức cơ sở này không thể đấu thầu mua thuốc và vật tư y tế đó. Nếu vì chủ quan, cố tình không đấu thầu theo quy định để bảo đảm thuốc và vật tư cho người bệnh thì không được chấp nhận. BHYT chỉ thanh toán khi người dân mua thuốc hoặc vật tư tại hiệu thuốc hoặc đơn vị cung ứng đã trúng thầu với bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT.

Như vậy, có thể thấy, không phải mọi trường hợp người bệnh tự mua thuốc ngoài như tại các viện tư hoặc phòng khám hoặc hiệu thuốc ngoài đều được BHYT thanh toán mà phải đáp ứng các điều kiện ở dự thảo nêu trên.

Nhiều hệ lụy khi người bệnh được thanh toán tiền

Tuy dự thảo còn lấy ý kiến của toàn thể xã hội, nhưng nhiều người dân lo ngại tác động của cơ chế thanh toán tiền cho người bệnh. Một người bệnh cho biết, từ thực tế bản thân phải tự bỏ tiền ra mua thuốc trong đợt thiếu thuốc vừa qua, thấy rõ hệ lụy là quyền lợi của người tham gia BHYT bị ảnh hưởng rất lớn. “Không ít người bệnh, người nhà người bệnh không có sẵn tiền để mua ở ngoài, nhất là với những thuốc, vật tư y tế rất đắt. Nếu bỏ tiền ra mua thì thời gian chờ đợi cơ quan BHXH thanh toán cũng mất tới 40 ngày (quy định tại khoản 3 Điều 32 Luật BHYT), vậy lấy tiền đâu để người bệnh điều trị đợt tiếp theo? Khó nữa là để được hoàn trả tiền, bệnh nhân phải nắm rõ đơn vị đã trúng thầu, cửa hàng bán ở đâu, hợp đồng có còn hiệu lực hay không. Quy định này quá khó cho người bệnh khi phải nắm rõ, cập nhật đơn vị trúng thầu với bệnh viện”- người bệnh này băn khoăn.

Dưới góc độ bảo vệ quyền lợi cho người tham gia BHYT, một chuyên gia về bảo hiểm y tế cũng nêu những bất cập của dự thảo. Đó là ai bảo đảm chất lượng thuốc khi người dân tự mua ngoài bệnh viện, nhất là với những thuốc, vật tư y tế cần bảo quản nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn nhiệt độ nào đó. Hoặc sẽ có thể xảy ra tranh chấp, kiện tụng khi chậm mua thuốc, gây ảnh hưởng tính mạng người bệnh (như trong trường hợp bị tai biến) thì ai chịu trách nhiệm. Người bệnh sẽ thiệt thòi khi mua thuốc, vật tư y tế ở ngoài giá luôn cao hơn giá trúng thầu của bệnh viện nhưng về nguyên tắc chỉ được thanh toán mức giá trúng thầu. Như vậy, tấm thẻ BHYT, nhất là với người nghèo được Nhà nước mua cho thẻ BHYT, không đạt được mục đích chăm sóc sức khỏe cho toàn dân.

Chuyên gia này cũng đặt câu hỏi, dự thảo quy định cơ sở khám, chữa bệnh phải hướng dẫn người bệnh về cơ sở cung ứng dịch vụ, nhưng như vậy chỉ có thể áp dụng sau khi thông tư có hiệu lực. Vậy những người bệnh đã mua thuốc, vật tư y tế trước đó thì sao, trong khi tình trạng thiếu thuốc, vật tư đã kéo dài hơn 1 năm qua.

Cơ chế trả tiền cho người bệnh cũng sẽ tác động đối với cơ quan quản lý, cơ sở khám, chữa bệnh. Đó là các cơ sở khám, chữa bệnh sẽ tránh đấu thầu, có xu hướng chỉ định cho người dân mua thuốc ngoài bệnh viện, dẫn đến nguy cơ lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Cơ quan BHXH cũng phải “căng mình” để giám định, xem xét thanh toán lại cho người bệnh, vừa tốn thời gian, nhân lực. Trong khi đó, mỗi năm có khoảng 150 triệu lượt khám, chữa bệnh BHYT, đồng nghĩa với bài toán lấy đâu nhân lực để cơ quan BHXH giải quyết, thanh toán kịp cho người bệnh?

Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khám, chữa bệnh BHYT giải pháp hiệu quả là ngành y tế phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thuốc và vật tư y tế bảo đảm chất lượng, quyền lợi cho người tham gia BHYT. Trong giai đoạn dịch Covid-19 không đấu thầu được thì mới áp dụng cơ chế thanh toán lại cho người bệnh để bảo đảm quyền lợi cho họ. Hiện nay, cơ chế mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế đã khá đầy đủ, danh mục thuốc BHYT cũng có nhiều lựa chọn. Vấn đề là cần bổ sung cơ chế điều chuyển thuốc, vật tư y tế giữa các cơ sở khám, chữa bệnh, địa phương thì sẽ bảo đảm việc cung ứng cho người bệnh. Tại cuộc họp cung cấp thông tin cho báo chí mới đây, Bộ Y tế đã có phản hồi về vấn đề thiếu thuốc và vật tư, đặc biệt có tình trạng nơi mua được, nơi chưa mua được. Bộ Y tế khẳng định nguyên nhân khách quan là nhân lực thực hiện công tác mua sắm thuốc tại các đơn vị còn mỏng, thiếu cán bộ, nhân viên có chuyên môn về công tác đấu thầu. Nhiều cán bộ, nhân viên vừa phải đảm nhiệm công tác khám, chữa bệnh, vừa tham gia đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế. Việc nhiều cơ sở y tế đã mua được thuốc, một số cơ sở y tế không mua được thuốc không phải do nguyên nhân văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế và cũng không do ảnh hưởng kết quả đấu thầu tập trung cấp Quốc gia và đàm phán giá. Hiện Bộ Y tế đang sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan Luật Đấu thầu tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở y tế.

Như vậy, việc thiếu thuốc do BHYT chi trả trong bệnh viện chứng tỏ vướng về cơ chế, chính sách đấu thầu, cần tập trung tháo gỡ, chứ không phải tạo thêm cơ chế gây khó khăn thêm cho nhiều bên. Nhiều chuyên gia BHYT cho biết, chưa có nước nào áp dụng cơ chế cho người bệnh mua thuốc ngoài và BHXH thanh toán lại cho người bệnh.

Tại điểm b Khoản 2 Ðiều 21 Nghị định số 146/2018/NÐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm của cơ sở khám, chữa bệnh, trong đó có trách nhiệm: “Bảo đảm cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật phù hợp tuyến chuyên môn kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế”.