Sống đẹp

Ra đi để trở về

NDO - Sở hữu một “trích ngang” danh giá, là con trai của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, tốt nghiệp Thạc sĩ tại Ðại học California ở Berkeley, Tiến sĩ tại Ðại học Washington với chuyên ngành quy hoạch-kiến trúc, sau gần 20 năm làm việc tại Bắc Mỹ, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đã về nước đúng giai đoạn quá trình đô thị hóa ở Việt Nam diễn ra với tốc độ chóng mặt...
0:00 / 0:00
0:00
KTS Ngô Viết Nam Sơn tại Vịnh Hạ Long. Ông là chủ nhiệm dự án xây dựng Tháp bay Hạ Long tại thành phố Hạ Long vào giữa thập niên 2010.
KTS Ngô Viết Nam Sơn tại Vịnh Hạ Long. Ông là chủ nhiệm dự án xây dựng Tháp bay Hạ Long tại thành phố Hạ Long vào giữa thập niên 2010.

Tầm cuối năm 2023, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn ra mắt cuốn sách đầu tay: Nhận diện đô thị Việt Nam đương đại, một biểu hiện trách nhiệm và tâm huyết của ông trước diễn biến thực tế mà những người làm kiến trúc-quy hoạch đang hết sức ưu tư, sốt ruột. Như ông tự sự trong cuốn sách của mình: “Vốn được đào tạo để trở thành một kiến trúc sư, quen với việc diễn đạt ý tưởng thông qua bản vẽ, cho nên trong một thời gian dài tôi từng khá tự tin và đồng tình với câu: “Một hình ảnh có giá trị tương đương ngàn lời nói” (được cho là lời của Napoléon Bonaparte). Nhiều cơ duyên trong cuộc sống và trong công việc khiến tôi dần hiểu ra điều đó không phải luôn luôn đúng. Thí dụ, để bảo tồn một khu trung tâm lịch sử, thì đôi khi cả trăm bản vẽ thể hiện các phương án thiết kế hấp dẫn của các đơn vị tư vấn hàng đầu trong nước và nước ngoài vẫn không thuyết phục được các nhà đầu tư đang muốn phá bỏ di sản để xây cao ốc, nhưng chỉ cần vài dòng trong văn bản pháp lý, bắt buộc mọi đề xuất chỉnh trang nâng cấp nằm trong khu trung tâm lịch sử của thành phố phải giữ nguyên mật độ xây dựng, chiều cao và phong cách kiến trúc, thì lại có thể bảo tồn được các công trình di sản đang lâm nguy một cách hiệu quả hơn nhiều!”.

Nhất quán với quan điểm đó, Ngô Viết Nam Sơn đã làm việc trong lĩnh vực tư vấn kiến trúc-quy hoạch không chỉ như một kiến trúc sư dày dạn kinh nghiệm, mà còn với bản lĩnh văn hóa của một người am hiểu-tôn trọng lịch sử, bản sắc, truyền thống..., đúng tâm niệm của ông “Kiến trúc và quy hoạch là câu chuyện khó để trần thuật, nhưng sẽ rất hấp dẫn nếu ta đặt vào trong mối tương quan với lịch sử, văn hóa, những chuyển biến thời cuộc chính trị xã hội”.

Ra đi để trở về ảnh 1
KTS Ngô Viết Nam Sơn trong buổi ra mắt sách Nhận diện đô thị Việt Nam đương đại

Đầu những năm 2010 kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn về nước với một hành trang quý giá, những kinh nghiệm, bài học, đúc kết thực tế tích lũy được sau gần hai thập niên làm việc trong môi trường quốc tế. Về nước, điều ông ngạc nhiên đầu tiên là đi đâu, tới hội thảo, cuộc gặp gỡ chuyên môn nào cũng được giới thiệu là con trai kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, điều mà ở nước ngoài, không mấy ai bận tâm. Biết đó là một bản sắc văn hóa, nên ông làm quen và chấp nhận. Những năm tháng sống và làm việc tại Bắc Mỹ, nhưng phạm vi hoạt động của Ngô Viết Nam Sơn chủ yếu là châu Á, nhất là Trung Quốc bởi thời điểm đó, khu vực này đang đà phát triển rất nhanh, xu thế đô thị hóa diễn ra hằng ngày hằng giờ. Cùng các đồng nghiệp của mình, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đã trực tiếp góp mặt vào nhiều dự án lớn như: Đại học Washington tại Seattle, Đại học California ở San Francisco, Almaden Plaza ở San Jose (Mỹ) hay Khu nhà ở cao cấp Lachine (Montreal, Canada)... Đặc biệt, đại dự án quy hoạch xây dựng Phố Đông và hai bên bờ sông Hoàng Phố ở Thượng Hải (Trung Quốc) đã thêm động lực cho Ngô Viết Nam Sơn trở về, bởi theo đánh giá của ông, đô thị này có nhiều đặc điểm tương tự TP Hồ Chí Minh và được chung tay dốc sức vào quá trình phát triển của thành phố nơi ông sinh ra, lớn lên, nơi mà dấu ấn của người cha - kiến trúc sư Ngô Viết Thụ - vẫn hiện diện trên nhiều con đường, nhiều công trình lớn - là mục tiêu mà Ngô Viết Nam Sơn luôn canh cánh bên mình...

Về lại quê hương, một cơ hội lớn đang rộng mở cho những người khát khao cống hiến. Thời điểm này, Việt Nam như một đại công trường, đâu đâu cũng thấy xây dựng, đâu đâu cũng thấy tiếng máy khoan, máy xúc, thấy ánh sáng đèn của các tháp cẩu khổng lồ lấp lánh giữa trời đêm. Nhận thức được: “Ngày nay, đô thị hóa là xu thế phát triển của thế giới. Mức độ đô thị hóa trên toàn thế giới đã tăng lên khoảng 60%, trong đó một số nơi như Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc) đã có 100% dân số sống trong đô thị. Việt Nam là một trong những nước có tốc độ đô thị hóa nhanh, hiện nay đã đạt hơn 40% và đang trên đà tăng. Do đó, việc bảo tồn, chỉnh trang và phát triển đô thị theo hướng bền vững là tiêu chí quan trọng hàng đầu. Trong bối cảnh đó, chúng ta cần phải xây dựng được một nền văn hóa đô thị bền vững, sao cho mọi tầng lớp người dân đều hiểu được vai trò đóng góp và trách nhiệm xã hội của mình trong việc giữ gìn và phát triển các giá trị bền vững hướng đến lợi ích chung cho toàn xã hội, để huy động được sự đoàn kết và cùng tham gia hợp tác của tất cả mọi người”.

Khởi đầu với những bài báo chia sẻ kinh nghiệm chắt chiu gom góp từ thực tế 20 năm hoạt động ở Bắc Mỹ và châu Á, những buổi nói chuyện, talk show..., trực tiếp tham gia vào các dự án quy hoạch-kiến trúc đô thị lớn, là thành viên nhóm thiết kế khu đô thị Nam Sài Gòn, quy hoạch khu đô thị Hà Nội Mới, quy hoạch lại Đà Nẵng, Phú Quốc..., kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đã có một hành trình không ngơi nghỉ cho lý tưởng: vì một Việt Nam văn minh, tươi đẹp, giàu mạnh.

Hơn một thập niên từ ngày về lại Việt Nam, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đã có chuỗi ngày dài hoạt động liên tục. Trực tiếp làm các dự án kiến trúc-quy hoạch, ông còn năng nổ tham gia tư vấn chính sách, đóng góp ý kiến phản biện vào các dự án lớn của quốc gia một cách hết sức trách nhiệm, khoa học. Ông là Ủy viên phản biện trong “Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050” theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ... Được thừa hưởng sự giáo dục, rèn cặp nghiêm ngặt từ cha, Ngô Viết Nam Sơn đã vun đúc cho mình một nền tảng cả kiến thức, văn hóa, lối sống căn cơ, bền vững trước thời điểm đi ra thế giới và những nền tảng đó càng được bồi đắp như những lớp đất phù sa màu mỡ, mỗi lúc một đầy đặn hơn khi trở về Tổ quốc.

Thường được trích dẫn với những câu nói nổi tiếng, cũng là quan điểm cho triết lý quy hoạch-kiến trúc của mình: “Đầu tư văn hóa, công viên, trường học, bệnh viện... tốn kém hơn nhiều so với đầu tư thương mại, nhưng đó mới thực sự là đầu tư khôn ngoan”, ông cũng liên tục báo động về mối nguy “rác công trình”, vì các tòa nhà cao tầng mọc lên chen chúc trong các không gian hẹp, phá vỡ cảnh quan và môi trường sống của cư dân, hay làn sóng xây dựng bất chấp quy hoạch tổng thể đã đang phá vỡ vẻ đẹp vô giá mà tạo hóa ưu ái ban cho nhiều vùng đất của chúng ta như Sa Pa, Đà Lạt, Phú Quốc...

Luôn nằm lòng lời nhắn nhủ của cha - một câu Lão Tử nói: “Bất tranh nhi thiện thắng” (Người thắng là người không tranh đua với ai), kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn ngoài công việc thường ngày, chỉ dành quãng nghỉ ngơi thư thái để chơi và sáng tác nhạc, để thăng hoa cảm xúc và lãng quên đi những muộn phiền những điều chưa như ý...