Những ngôi làng cổ tích ở quê hương khoán 10

NDO - Chỉ trong chưa đầy một năm, tỉnh Vĩnh Phúc - nơi ra đời “khoán 10” nổi tiếng về nông nghiệp, có những ngôi làng bỗng dưng “lột xác”. Tất cả bắt đầu bằng một Nghị quyết của Thường vụ Tỉnh ủy và mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu (LVHKM) ra đời.
0:00 / 0:00
0:00
Khu thiết chế văn hóa-thể thao thôn Hoàng Chung.
Khu thiết chế văn hóa-thể thao thôn Hoàng Chung.

“Làn gió mới” ở thôn Hoàng Chung

Con đường rải nhựa rộng và phẳng lì đưa tôi về thôn Hoàng Chung (xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc), nơi đang xây dựng thí điểm mô hình LVHKM. Trước mặt tôi hiện lên nhà văn hóa cao sừng sững, mái đỏ, tường sơn vàng nổi bật bên sân bóng đá cỏ nhân tạo, sân bóng chuyền đúng chuẩn. Cạnh đó, ngôi đình Hoàng Chung mái ngói thâm nâu trầm mặc - tạo nên một vẻ “tân cổ giao duyên” độc đáo. Thiết chế văn hóa với diện tích trên 6.000m2 này gồm các hạng mục: Nhà văn hóa, khu thể thao và khu sân bãi phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân khi hoàn thành đã tạo ra một diện mạo mới cho thôn Hoàng Chung.

Ông Tạ Kim Đồng, Phó Chủ tịch xã Đồng Ích cho biết: “Chi phí đầu tư cho thiết chế văn hóa-thể thao của thôn Hoàng Chung là 15 tỷ đồng, xã vận động đóng góp trên 1,2 tỷ đồng nữa để bảo tồn, khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống như giếng cổ, cổng làng và chỉnh trang cảnh quan, môi trường, xây dựng quỹ khuyến học... Từ khi hoàn thành đến nay, đời sống của bà con được nâng cao hơn hẳn, toàn thôn như có “làn gió mới”.

“Làn gió mới” đó đã làm bay biến đi những uể oải sau đại dịch Covid-19, thổi luồng sinh khí đầy năng lượng tới thôn Hoàng Chung. Khu thiết chế văn hóa-thể thao luôn sôi động với những trận bóng đá, bóng chuyền, cầu lông và các điệu múa, điệu nhảy.

Từ đình Hoàng Chung đi sâu vào thôn, càng đi càng thấy ngỡ ngàng. Trên con đường bê-tông phẳng lì, hai bên nhà cửa khang trang, điều đặc biệt là các ngôi nhà đều được đánh số và có thể tra trên bản đồ Google. Mạng wifi miễn phí đã phủ sóng khắp thôn - một điều mà ngay cả nhiều thành phố lớn cũng chưa làm được. Hệ thống nước sạch cũng sắp về đến các gia đình nơi đây, đường làng sạch, thỉnh thoảng lại hiện ra những bức bích họa trên tường đầy mầu sắc.

Vẻ hiện đại đó vẫn ăn nhập với nét cổ kính của mái đình thôn Hoàng Chung và đền thờ lưỡng quốc Trạng Nguyên Triệu Thái. Từ khi xây dựng mô hình LVHKM, người dân đã hiến đất và đóng góp được khoảng 1 tỷ đồng để tu bổ đền Triệu Thái trở nên khang trang, rộng rãi.

Vì sao chỉ trong một thời gian ngắn, thôn Hoàng Chung lại “lột xác” như vậy? Bà Đỗ Thị Mai Hạnh, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Lập Thạch cho biết: “Khi xây dựng mô hình LVHKM, Huyện ủy, UBND khẩn trương thành lập các ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch, hệ thống văn bản để triển khai, hướng dẫn người dân thực hiện các giải pháp, từng bước thay đổi nhận thức, thói quen trong giữ gìn, bảo vệ môi trường. Huyện triển khai các chương trình hỗ trợ kinh phí để chỉnh trang, xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội, mua thùng phân loại rác... Xã Đồng Ích và thôn Hoàng Chung trồng mới nhiều cây xanh, trồng hoa tại các tuyến đường, các khu vực công cộng. Thôn thành lập được tổ, đội, nhóm tham gia thực hiện thu gom, vận chuyển rác. Thôn hướng dân người dân chỉnh trang tường rào và vẽ tranh bích hoạ từ đó tạo ra một không gian không chỉ xanh, sạch mà còn đẹp. Thôn cũng rà soát, kiểm đếm và di chuyển 248 ngôi mộ lẻ về nghĩa trang nhân dân, phối hợp với đơn vị viễn thông, điện lực từng bước thanh thải, bó gọn hệ thống dây cáp”.

Nhưng thôn Hoàng Chung không chỉ sạch đẹp bề ngoài mà đang cuộn chảy bên trong sức sống nội tại đến từ những bàn tay lao động vươn lên làm giàu của người dân. Xây dựng mô hình LVHKM gắn với các mô hình kinh tế, thôn Hoàng Chung đã xây dựng được 3 mô hình gồm mô hình lúa hữu cơ (lúa thảo dược, nếp nhung); mô hình cây dược liệu (cây gai xanh); mô hình lợn hữu cơ. Ngoài ra, mô hình truyền thống làm cá thính nổi tiếng của thôn cũng đang trở nên phát đạt.

Nhà chị Nguyễn Thị Lành đang ủ rất nhiều cá thính trong những chiếc vại sành da lươn úp ngược, phía dưới đựng nước để bảo đảm môi trường sạch cho món ăn. Chị Lành kể về quy trình làm món ăn dân dã và vô cùng kỳ công này, cá sạch và thính ngô đều của đồng ruộng Lập Thạch hòa với muối tạo thành một thứ thực phẩm ăn vào nhớ mãi. Từ ngày xây dựng mô hình LVHKM khách tham quan đến đông, món đặc sản cá thính trở nên đắt hàng.

Mô hình LVHKM đang được triển khai thí điểm đầu tiên và duy nhất ở tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 19 về xây dựng LVHKM trên địa bàn với 6 yêu cầu đặc trưng cơ bản về: Cấu trúc tổ chức không gian và kiến trúc; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; môi trường cảnh quan; phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất; đời sống văn hóa, tinh thần; xây dựng hệ thống chính trị. HĐND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành các Nghị quyết số 06 và Nghị quyết số 08/2023 với 14 tiêu chí của LVHKM và 16 cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện. Vĩnh Phúc dự kiến chi 2.610 tỷ đồng để hoàn thành 60 LVHKM từ nay đến năm 2030.

Những ngôi làng cổ tích ở quê hương khoán 10 ảnh 1

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan và các em nhỏ trong thư viện thôn Hoàng Chung.

Bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhấn mạnh: “Xây dựng mô hình LVHKM để giải quyết những hạn chế ở nông thôn như môi trường ô nhiễm, đời sống tinh thần còn đơn điệu, các thiết chế văn hóa chưa đồng bộ, đồng thời thể hiện quan điểm quan điểm xuyên suốt: Mọi người dân Vĩnh Phúc đều được hưởng thành quả từ sự phát triển. Tỉnh dự kiến đến hết năm 2025 hoàn thành 30 làng được chọn thí điểm với tinh thần hướng tới người dân”.

Ông Lê Quang Nghiệp, Bí thư Huyện ủy Lập Thạch cho biết: “Thường vụ Huyện ủy vạch ra nhiều giải pháp quyết liệt để đưa mô hình LVHKM vào cuộc sống, điều quan trọng là phải tuyên truyền cho người dân thấy được, nắm được và tham gia. Qua triển khai xây dựng LVHKM ở ba xã của huyện cho thấy sự đồng thuận trong nhân dân rất cao, các tiêu chí mà tỉnh đưa ra đều cơ bản đạt được. Người dân vừa là chủ thể, vừa được thụ hưởng. Tôi cho rằng đó là gốc của vấn đề, tạo nên sức sống lâu dài và sự lan tỏa của mô hình độc đáo này. Trong quá trình triển khai, Thường vụ Huyện ủy thường xuyên kiểm tra giám sát, họp giao ban đánh giá tiến độ hiệu quả từng tháng”.

Quảng trường xanh giữa thung lũng

Huyện Tam Đảo có 5 xã được lựa chọn xây dựng LVHKM tại các thôn: Đồng Cà xã Bồ Lý, Bàn Long xã Minh Quang, Lục Liễu xã Đạo Trù, Đồng Pheo xã Yên Dương và Đồng Bùa xã Tam Quan. Bà Vũ Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch huyện Tam Đảo chia sẻ: “Huyện ủy, UBND huyện xác định việc triển khai xây dựng LVHKM là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ và Nhân dân trong huyện, huy động sự tham gia quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Sau 1 năm triển khai, 5 LVHKM đã được xây dựng, cơ bản đạt được các tiêu chí, tạo nên sự thay đổi lớn, toàn diện ở nhiều vùng quê”.

Nửa năm nay, cảnh tượng thôn Đồng Bùa xã Tam Quan thay đổi nhanh chóng. Một quảng trường xanh mọc lên giữa thung lũng với nhà văn hóa to đẹp, bên cạnh sân bóng đá cỏ tự nhiên cùng sân bóng chuyền, sân cầu lông. Ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch xã Tam Quan cho biết: “Khu thiết chế văn hóa-thể thao rộng gần 14 nghìn m2 này được đầu tư 20 tỷ đồng, trong đó nhiều người dân đã tự nguyện hiến đất tạo nên một không gian với những công viên, ghế đá, bãi đỗ xe; hệ thống thoát nước; hệ thống cấp điện sinh hoạt, chiếu sáng sân vườn...”.

Mô hình đẹp đến nỗi nhiều đoàn khách ở xa tận TP Hồ Chí Minh và Nghệ An cũng đến đây tham quan, giao lưu. Tôi gặp bà con dân tộc Sán Dìu trong bộ trang phục mầu đen truyền thống đang dạo chơi ở sân. Bà con tâm sự, từ ngày có không gian hiện đại này, dân trong thôn hào hứng tham gia các CLB bóng chuyền, cầu lông...

Những ngôi làng cổ tích ở quê hương khoán 10 ảnh 2

Nhà văn hóa thôn Đồng Bùa mới được xây dựng.

Những cửa hàng tiện lợi và mô hình kinh tế được mở ra. Bên cạnh con suối Đồng Bùa nằm dưới chân dãy Tam Đảo, những ngôi nhà được xây để kinh doanh homestay, farmstay đang mọc lên.

Vườn sản xuất của anh Hoàng Văn Hùng xanh mướt những cây trà hoa vàng vào độ trổ bông vì rất hợp với thổ nhưỡng nơi đây. Mỗi năm vườn trà cho thu hoạch gần 80 kg, theo thời giá thị trường hiện nay, mỗi lạng trà thượng hạng này có giá từ 2-3 triệu đồng. Mô hình này đang được nhân lên và góp phần “đuổi” đói nghèo ở thôn có đến 75% dân số là người Sán Dìu.

Nhìn những ngôi nhà mái ngói dưới chân Tam Đảo rợp bóng cây, phía trước quảng trường xanh nằm giữa thung lũng, thấp thoáng những cây đào bung nở khi xuân tới, tôi cảm giác như lạc vào một ngôi làng cổ tích. Một mô hình đi ra từ Nghị quyết nếu bắt đúng “mạch” của đời sống và mong muốn của người dân, sẽ còn lan tỏa.