Không để ai không có Tết

NDO - Một năm khó khăn, nhiều doanh nghiệp thưởng Tết thấp hoặc không thưởng Tết cho người lao động, dẫn tới những mâu thuẫn, tranh cãi, đặt ra câu hỏi: Thưởng Tết có phải là khoản bắt buộc chi trả hay không? Nhưng vượt lên trên những câu chuyện liên quan đến “cái lý”, thì chữ tình, sự chia sẻ, yêu thương đã mang Tết ấm áp đến cho nhiều người lao động.
0:00 / 0:00
0:00
Không để ai không có Tết

Chuyến xe nghĩa tình đưa công nhân khu công nghiệp Thăng Long về quê đón Tết. Ảnh | Hồng Thái

Thưởng Tết có phải là khoản bắt buộc?

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Luật Đại Nam cho biết: Cho đến thời điểm hiện tại pháp luật chưa có quy định riêng về tiền thưởng Tết Âm lịch; không bắt buộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải thưởng Tết Âm lịch cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Các chế độ thưởng cho người lao động được quy định tại Bộ luật Lao động 2019. Đây là Bộ luật Lao động mới nhất, được Quốc hội thông qua năm 2019 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Theo đó, không có quy định cụ thể nào về việc bắt buộc người sử dụng lao động phải có trách nhiệm thưởng Tết cho người lao động.

Việc chi trả tiền thưởng cho người lao động được thực hiện theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật này. Cụ thể, Thưởng là số tiền hoặc tài sản bằng các hình thức khác nhau mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động; Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Đối với dịp Tết Âm lịch 2024, viên chức có được nhận tiền thưởng Tết Âm lịch hay không phụ thuộc vào quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập.

Khi cải cách tiền lương, thưởng Tết Âm lịch sẽ có sự khác biệt so với hiện nay. Theo Điểm a Khoản 3.1 Mục 3 Phần II Nghị quyết 27-NQ/TW yêu cầu khi thiết kế cơ cấu tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công) phải bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Mặc dù không phải là khoản bắt buộc, song người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận về việc làm, tiền lương, điều kiện việc làm... kể cả mức tiền thưởng trên hợp đồng lao động. Đây là một chế độ phúc lợi mà doanh nghiệp đặt ra nhằm khuyến khích, động viên nhân viên tích cực lao động sản xuất. Thực tế cho thấy nếu không có khoản thưởng Tết sẽ gây ra không ít hệ lụy đối với người lao động và người sử dụng lao động.

Mới đây, hơn 600 công nhân Công ty TNHH Toyo Precision, ở Quận 7 (TP Hồ Chí Minh) ngừng việc bắt nguồn từ lý do người làm việc dưới một năm chỉ được thưởng Tết 100.000 đồng. Trong khi đó, có một số doanh nghiệp đã tìm cách sa thải người lao động trước Tết để “né” thưởng Tết.

TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng thưởng Tết thực ra là tiền lương của người lao động nhưng thể hiện sự chia sẻ sau một năm làm việc. Thưởng Tết cũng là văn hóa Á Đông, khi chi tiêu vào ngày Tết tăng vọt lên khoảng 30% so với ngày thường, nên phải có một khoản tiền tương ứng cho khoản chi tiêu ấy. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn xem thưởng Tết như một cái gì đó mang tính chất “ban phát”. Nhưng đó là tiền của người lao động đáng được hưởng.

Bà Hương nhấn mạnh: “Tôi không gọi là thưởng Tết mà gọi là tiền Tết. Tiền mà tất cả mọi người đều có thì không thể gọi là thưởng. Tiền Tết được trích từ quỹ phúc lợi cơ quan, điều này được đưa vào quy chế chi tiêu nội bộ”.

Xuân chia sẻ, Tết yêu thương

Mới đây khi thăm đi thăm, tặng quà công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn ở tỉnh Hải Dương nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Phải làm tốt công tác an sinh xã hội, quan điểm của Đảng, Nhà nước là không để ai không có Tết, không có ai bị bỏ lại phía sau”. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đang cố gắng chăm lo Tết cho những người lao động nghèo, người yếu thế với tinh thần đó.

Với chủ đề “Tết sum vầy - Xuân chia sẻ”, trong dịp Tết Nguyên đán 2024, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức chuỗi hoạt động chăm lo thiết thực về vật chất và tinh thần cho đoàn viên, người lao động. Tổng Liên đoàn Lao động tổ chức chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2024” theo hình thức trực tiếp và qua sàn thương mại điện tử nhằm cung cấp các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, phục vụ nhu cầu ngày Tết của đoàn viên, người lao động với giá ưu đãi, bảo đảm chất lượng.

Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành tổ chức phương tiện đưa, đón miễn phí hoặc hỗ trợ vé tàu, xe, máy bay... cho đoàn viên, người lao động về quê đón Tết và quay lại nơi làm việc, bảo đảm an toàn, thuận lợi, chu đáo. Đó là chương trình “Hành trình Tết Công đoàn - Xuân 2024” đưa hơn 670 đoàn viên, người lao động làm việc tại các tỉnh, thành phố phía nam về quê đón Tết tại các tỉnh, thành phố phía bắc. Ngoài ra, các “Chuyến tàu Công đoàn - Xuân 2024” đưa khoảng 2.000 đoàn viên, người lao động về quê đón Tết, ưu tiên cung đường từ nam ra bắc. Các chuyến bay và chuyến tàu dự kiến tổ chức trước Tết khoảng 10 ngày.

Chị Nguyễn Thị Sửu, công nhân Khu công nghiệp Thăng Long chia sẻ: “Năm ngoái tôi và nhiều anh em công nhân được bố trí xe chở miễn phí về quê tận huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Đại dịch Covid-19 khiến công ty tôi không có đơn hàng, lương, thưởng Tết khó khăn. Nếu không có chuyến xe nghĩa tình ấy thì không thể về quê đón Tết. Năm nay chúng tôi vẫn có xe đưa về quê miễn phí”.

Chuyến xe mà chị Sửu nói đến do Liên đoàn Lao động TP Hà Nội phối hợp Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Tổng công ty Vận tải TP Hà Nội tổ chức. Đã 15 năm liên tiếp, các cấp Công đoàn Thủ đô tổ chức hoạt động đưa công nhân về quê đón Tết và đón quay trở lại làm việc sau Tết. Đó là những “chuyến xe hạnh phúc” mang Tết đến cho rất nhiều người lao động.

Khi Tết đã cận kề, nhiều nơi đã tổ chức những “Phiên chợ nghĩa tình”; ‘Gian hàng 0 đồng”. Năm ngoái chị Nguyễn Thị Hóa, công nhân khu công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh không thể trở về quê Thanh Hóa đón Tết vì thất nghiệp, cạn tiền. Chị cứ tưởng mấy ngày Tết sẽ phải nằm buồn tủi trong nhà trọ ăn mì tôm cho qua ngày. Nhưng khi đi “Phiên chợ 0 đồng” chị đã mua được một số nhu yếu phẩm, bánh trái để đón Tết. Phiên chợ ở ấp 5, xã Hòa Phú, huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) do sư cô Thích Nữ Nhuận Bình, chủ trì tu viện Tâm Không, kêu gọi đóng góp của các nhà hảo tâm hỗ trợ bà con nghèo và công nhân có một cái Tết đủ đầy. Năm nay, lương thưởng Tết vẫn eo hẹp, chị Hóa cùng nhiều công nhân nghèo khác thấy ấm lòng vì “Phiên chợ 0 đồng” sẽ giúp họ có một cái Tết xa quê giản dị.

Trước thềm Xuân Giáp Thìn, Công đoàn Dệt May Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức Chương trình “Tết sum vầy - Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình” tại Tổng công ty Việt Thắng - CTCP (quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Phiên chợ có 27 đơn vị, 40 gian hàng gồm những sản phẩm thiết yếu với giá bán giảm ít nhất 30%-50% so với thị trường để bán cho đoàn viên, người lao động. Trong dịp này, Công đoàn Dệt May Việt Nam trao tặng 632 phần quà với tổng trị giá 316 triệu đồng cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bệnh hiểm nghèo.

Những ngày cuối năm, khi hay tin doanh nghiệp cho công nhân nghỉ Tết sớm, nhưng thưởng Tết rất “hẻo”, bà Đậu Thị Nga, chủ khu nhà trọ 30 phòng xã An Điền, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương quyết định giảm một nửa tiền thuê phòng cho công nhân. Bà chia sẻ: “Năm nay thấy công nhân mất việc, ít việc, không được tăng ca, thu nhập giảm sâu vì doanh nghiệp thiếu đơn hàng, vì thế tôi giảm tiền thuê trọ tháng cuối năm để họ bớt được phần nào gánh nặng cuộc sống”.

Không những thế, gia đình bà còn chuẩn bị hàng chục phần quà Tết cho người thuê phòng, mỗi phần quà gồm 10kg gạo ngon, cùng với bánh kẹo, miến măng...

Rất nhiều chủ nhà trọ trên khắp cả nước đã chủ động giảm tiền trọ, tặng quà cho công nhân nghèo để giúp người lao động có một cái Tết đủ đầy hơn. Ông Nguyễn Ngọc Thống, chủ một dãy nhà trọ ở phường Nhân Chính (Hà Nội) còn tổ chức gói bánh chưng, đón giao thừa với những công nhân thuê nhà mình không thể về quê đón Tết.