Họa sĩ Phạm Khắc Quang:

Trân trọng từng tín hiệu sáng tạo của cá nhân

Trong giới mỹ thuật Việt Nam lâu nay, họa sĩ Phạm Khắc Quang được biết đến là người liên tục thay đổi các phương pháp thực hành đồ họa. Mỗi trưng bày của anh thường đi cùng với một giải pháp mới về chất liệu, quy cách thực hành, đem tới những trải nghiệm thị giác khác và lạ cho người thưởng lãm. Tại Strata - triển lãm cá nhân mới đây, anh tiếp tục giới thiệu một dạng chất liệu hoàn toàn mới, giàu tính thể nghiệm. Nhân Dân cuối tuần có cuộc trò chuyện cùng anh.
0:00 / 0:00
0:00
Trân trọng từng tín hiệu sáng tạo của cá nhân

Tìm giải pháp cho biểu đạt thị giác mới

- Năm 2011, tại triển lãm cá nhân đầu tiên, anh trưng bày tác phẩm nghệ thuật sắp đặt với thành tố là hàng trăm bức khắc gỗ mộc bản, trong khi giới sáng tác đồ họa chưa có mấy ai thực hành các hình thức nghệ thuật đương đại. Sau đó, anh tiếp tục thể nghiệm với in cao su trên kính mà một số sáng tác đã được chọn trưng bày tại dự án Nghệ thuật đương đại ở đường hầm Nhà Quốc hội, rồi dùng mã vạch, dấu triện làm motif tạo hình trên một số bức tranh khổ lớn với kỹ thuật in phức tạp… Nay tiếp tục là một giải pháp chất liệu hoàn toàn mới. Thực tế, công nghệ đã và đang đem lại sự đa dạng, phong phú cho các dòng chất liệu phục vụ nghệ thuật tạo hình nhưng chúng chưa làm hài lòng anh?

- Tôi chỉ thấy chưa "đã". Sau nhiều năm chuyên tâm vẽ, tôi có thể làm việc với mọi chất liệu của hội họa cũng như đồ họa sáng tác. Nhưng nếu chỉ sử dụng chất liệu sẵn có theo cách thông thường này, tôi vẫn chỉ là kẻ dùng kiến thức nghề nghiệp để "kể" một câu chuyện cuộc đời với nào cấu trúc, cân bằng thị giác, biểu đạt thị giác… Chất liệu quen thuộc, sử dụng một cách quen tay khiến tôi cảm thấy không thỏa mãn.

Cùng một bức tượng nhưng nếu nó được tạc từ đá sẽ khác hẳn về biểu đạt thị giác với khi được đúc bằng đồng. Tức là chất liệu khác sẽ đem lại cảm quan khác cho người thưởng lãm thông qua đối thoại thị giác. Như vậy, bản thân nghệ sĩ tạo hình phải giàu kiến thức về chất liệu.

Bên cạnh đó, trong nghệ thuật đồ họa, có một sự hạn chế nhất định về bảng mầu do phương pháp in tiêu chuẩn. Thí dụ: dù muốn, tôi cũng không thể in mầu xanh lam chồng đè lên phần mầu cam đã in trước đó do các khuôn khổ về độ dày- mỏng của lớp mầu, nên thành ra chỉ có thể trộn lẫn hai mầu đó với nhau mà thôi chứ không thể đạt hiệu quả thị giác theo trí tưởng tượng… Chính vì thế, tôi luôn mong muốn tìm giải pháp khác về chất liệu để có thể thỏa mãn trải nghiệm thị giác trước tiên là cho chính cá nhân tôi trong quá trình sáng tác.

- Anh có thể kiến giải thêm về chất liệu cho các bức tranh khắc theo lối khắc gỗ nhưng không phải là khắc trên gỗ trong triển lãm Strata?

- Tấm ván khắc này có sẵn 4-5 lớp mầu theo quy cách mầu sáng nhất ở lớp cuối cùng (sát với cốt nền), sau đó là đến các lớp mầu tối dần. Khi ta "vẽ" với con dao khắc, tùy vào độ nông sâu của nét khắc, mật độ thưa hay mau giữa các nét khắc sẽ tạo nên đa dạng các mức độ tương phản sáng tối, từ đây sẽ hình thành nên khối, hình và sắc thái phong phú của mầu.

Thí dụ: hai lớp mầu xanh và hồng sát cạnh nhau có thể hòa thành sắc tím nhưng tùy khả năng điều tiết nét khắc, nông- sâu/ sáng- tối mà có thể có sắc tím nóng hay lạnh, động hay tĩnh; ở khoảng cách mắt nhìn này là hồng, khoảng cách khác lại là hồng xen kẽ xanh; những cộng hưởng sắc mầu cùng ánh sáng ngoại cảnh và góc nhìn của người thưởng lãm sẽ dẫn đến hiệu quả thị giác khác nhau, rất sinh động. Tất cả phụ thuộc vào khả năng và cảm hứng khai thác, tìm kiếm ngôn ngữ tạo hình của họa sĩ cùng con dao vẽ, như là nhà thám hiểm từng vỉa tầng địa chất vậy.

Chị Claire Driscoll, chủ nhân của Không gian sáng tạo Work Room Four, đã giúp tôi đặt tên triển lãm này là Strata (Địa tầng). Tôi cũng muốn lấy luôn tên này đặt cho giải pháp chất liệu mới khám phá được.

- Anh nhắc nhiều đến cái gọi là "trải nghiệm thị giác khác". Nếu dùng thước đo là khán giả và giao dịch mua-bán tác phẩm trong triển lãm thì anh có thể chia sẻ gì thêm về mức độ hấp dẫn của trải nghiệm này?

- Trong quá trình triển lãm, chúng tôi tổ chức hai workshop dành cho sinh viên học nghệ thuật hệ đại học và giáo viên dạy về nghệ thuật tại các trường phổ thông quốc tế. Hai nhóm này đều rất thích thú và mong có thể mua chất liệu này để thực hành hoặc hướng dẫn học sinh của họ thực hành.

Về giao dịch thị trường, nếu tôi chấp nhận hạ giá bán xuống một chút nữa thì có lẽ sẽ ổn vì số lượng tác phẩm được hỏi mua khá nhiều (cười). Nhưng ngay nhà tổ chức còn khuyên tôi không nên hạ giá bán; chính họ cũng không quan tâm đến việc bán được tác phẩm để có doanh thu. Claire bảo, giới thiệu được Strata của tôi tới công chúng là đã rất vui rồi, các chuyện khác không quá quan trọng.

Trân trọng từng tín hiệu sáng tạo của cá nhân ảnh 1
Khách tham quan Strata hứng thú trước bảng mầu và chất liệu khác lạ. Ảnh: Work Room Four

Chấp nhận trả giá cho cái mới

- Giải pháp chất liệu mới này của anh được tạo nên từ hợp tuyển hóa chất là nhựa epoxy, chất đông kết và mầu để pha chế. Các lớp mầu này khi khô lại, sẽ không độc hại nữa nhưng trong quá trình tìm kiếm công thức pha chế và phụ liệu để tạo các lớp mầu, anh có chịu sự độc hại nhất định gì không và có cách nào để khắc phục?

- Tôi bị viêm phổi, nằm viện điều trị cả tháng trời. Vì để tìm ra một giải pháp này, tôi trải qua không chỉ một tháng, mà mấy năm trời cứ loay hoay với từng mẫu hóa chất. Trong khi điều kiện cơ sở vật chất chỉ có hạn, khó tránh khỏi tình trạng vẫn phải làm việc khác tại xưởng giữa thời điểm độc hại nhất của việc pha chế…

- Thú thật với anh, tôi chưa hiểu vì sao anh cứ mải theo đuổi cái gọi là giải pháp chất liệu mới, độc hại và tốn kém này, trong khi trước đó, anh cũng đã thử nghiệm nhiều, chi phí nhiều nhưng tại sao không sử dụng dài lâu một giải pháp cho hết hiệu suất mà liên tục làm mới? Phải chăng, anh đang cố gắng né tránh một hạn chế cá nhân nào đó trong ngôn ngữ tạo hình của mình hoặc giả, muốn tránh sự quen thuộc đến nhàm chán trong nội dung tác phẩm?

- Tôi cũng tự hỏi bản thân rất nhiều lần, rồi lại tự trả lời bằng các tự vấn khác. Nghệ thuật đồ họa gắn liền với kỹ thuật in, khắc, và từ trước đến nay, hầu hết các kỹ thuật đều hoặc là từ dân gian hoặc là từ phương Tây. Chúng tôi vẫn hay kháo nhau, người Thái, người Mỹ làm đồ họa hơn hẳn ta, phải cập nhật các kỹ thuật và đầu tư phương tiện, thiết bị in ấn như họ… Nhưng vì phát kiến đó là của họ rồi nên dù học họ nhanh tới đâu, ta cũng chỉ đi theo họ mà thôi. Vậy tại sao ta không tự tạo ra con đường riêng của mình? Trên con đường ấy, dẫu nhỏ hẹp, ta vẫn tự do là ta.

- Anh chưa trả lời câu hỏi tiếp sau của tôi?

- Tôi đã từng kể nhiều câu chuyện về đời sống của người nông dân giữa thời đô thị hóa, diễn tả phong cảnh quê hương thân thuộc với ký ức thôn dã của nhiều thế hệ người… và tôi không muốn lặp lại nữa. Ngôn ngữ tạo hình ư? Chẳng phải bao thế hệ họa sĩ trước chúng tôi đã ăm ắp các thể nghiệm rồi sao? Tôi chỉ có thể tránh họ bằng cách tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật đem tới cho tôi sự tự do trong trải nghiệm thị giác, khiến tôi còn muốn đến xưởng làm việc, còn cảm thấy có gì đó trong nghệ thuật đang chờ đợi mình. Trải nghiệm mới là tổng hòa kinh nghiệm từ các trải nghiệm đã qua, lóe lên tín hiệu sáng tạo nào là tôi cố gắng nắm bắt để tiếp tục khám phá, đem tới một vỉa tầng thẩm mỹ mới…

- Chân thành cảm ơn anh!

Phạm Khắc Quang tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam) năm 2002. Anh có tranh trong Bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Sáng tác của anh đạt nhiều giải thưởng, như Huy chương bạc - Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2010; giải Nhì (năm 2012) và giải Ba (năm 2020) tại Cuộc thi và Triển lãm Tranh Đồ họa các nước ASEAN do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Strata là triển lãm cá nhân lần thứ tư của anh, diễn ra tại Work Room Four, Hà Nội, từ ngày 10/3 và được kéo dài đến hết ngày 7/4 do nhận được sự quan tâm của công chúng.