Nhạc sĩ Giáng Son:

Không thể viết nhạc một cách dễ dãi

Tác giả của những bản tình ca Giấc mơ trưa, Thu cạn... bỗng một ngày, ngẫu hứng cầm micro hát lên những ca khúc của chính mình. Mộc mạc, giản dị, Sing my Sol mang đến cho khán giả một trải nghiệm khác, chỉ có âm nhạc và trong veo cảm xúc. Album như một cách kể về đời mình, đời người của chị.
0:00 / 0:00
0:00
Giáng Son (bên phải) trong buổi giới thiệu album Sing my Sol. Ảnh: NVCC
Giáng Son (bên phải) trong buổi giới thiệu album Sing my Sol. Ảnh: NVCC

Cảm xúc là thứ đang dần trở nên xa xỉ

- Bản thân tôi vẫn chưa hết bất ngờ khi nghe chị hát nhạc của mình. Mọi thứ được bắt đầu như thế nào, thưa chị?

- Từ album Bóng tối jazz, năm 2015 đến nay, tôi chưa có thêm một sản phẩm âm nhạc nào. Tự bản thân thấy rất sốt ruột, cứ mãi cảm giác thôi thúc phải làm một cái gì đó. Một hoàn cảnh nữa là tôi có một số dự án mãi chưa hoàn thành do khó khăn trong tìm tài trợ. Vì thế, trong một cuộc ngồi đàn hát cùng mấy người bạn đồng nghiệp thân thiết, mọi người bảo, tại sao Son không thử hát ca khúc của mình. Câu hỏi này cũng khiến tôi bất ngờ đấy!

Tôi bắt đầu lên ý tưởng và thực hiện album này chỉ trong vòng ba tháng. Tôi chọn phong cách âm nhạc giản dị, trở về với nguyên bản thanh âm (acoustic): Chỉ có tiếng đàn guitare gỗ của anh Trần Đức Minh và giọng hát của tôi.

- Vì sao vậy?

- Những ca khúc trong Sing my Sol đều đã được những ca sĩ nổi tiếng như Tùng Dương, Hà Trần, Khánh Linh… hát quá hay rồi, có một số bài mà tôi tin là khó có ai dám hát lại, ngoại trừ... tác giả (cười). Vậy nên... tôi hát, bày tỏ những gì gần với nguyên gốc nhất của Giáng Son từ khi viết ra, từ hơi thở, nhịp điệu, tiết tấu... Tôi không bị áp lực gì cả, vì tôi chắc chắn sẽ hát khác ca sĩ chuyên nghiệp.

Tôi chọn acoustic vì nó gần với tôi nhất, acoustic có thế mạnh là đề cao cảm xúc. Điều đó đang thiếu trong đời sống, ngày càng hiếm hoi khoảnh khắc của cảm xúc mà ta bắt gặp giữa thường nhật này. Ai cũng vội vàng tất bật lo cơm áo gạo tiền, lâu dần, cảm xúc như trở thành thứ xa xỉ.

- Nghe chị hát, tôi có cảm tưởng như chị đang kể lại câu chuyện của chính mình với một tâm thế nhẹ nhõm, bình an nhất?

- Thật ra khi làm album này, tôi còn muốn vượt ra khỏi sự an toàn của mình. Tôi từng không bao giờ nghĩ mình sẽ có lúc "định danh" là một ca sĩ. Tôi vẫn nghĩ, điều quan trọng nhất là cảm xúc. Khi bạn hát trong phòng thu, kỹ thuật thu âm có thể hỗ trợ điều chỉnh, tiết giảm những thể hiện không nuột nà, "phô", "chênh" của giọng hát nhưng không thể can thiệp vào cảm xúc ở đó. Tôi có thể không có giọng hát hay, không có kỹ thuật thượng thừa của một ca sĩ chuyên nghiệp nhưng tôi tin vào cảm xúc chân thực, mãnh liệt nhất của tôi - một nhạc sĩ được thể hiện trong bài hát của mình. Cảm xúc ấy kết tinh từ rất nhiều trả giá, những nỗi buồn, niềm vui qua bao năm tháng. Khi tôi hát ca khúc của mình, cảm xúc chất chứa từ khi sáng tác lại như cuốn phim hiện về.

Album là câu chuyện cuộc đời của tôi. Sau tất cả, dù có buồn đau, mất mát nhưng tôi nhìn lại thời gian sống đã qua bằng con mắt bình thản, nhẹ nhõm hơn. Nếu chị cảm thấy sự bình an, nhẹ nhõm khi nghe Sing my Sol thì thật sự là tôi biết tôi đã làm được chút gì đó như mong muốn của mình. Cảm ơn chị!

- Hãy tưởng tượng về một khung cảnh nghe Sing my Sol của chị?

- Lúc vui trong đám đông, bạn có thể nghe nhạc điện tử, rap, nhưng có những lúc, bạn cần một mình tĩnh lặng, ấy là lúc thanh âm acoustic có thể ở bên bạn, là lúc Sing my Sol (cười).

Luôn mơ tới âm nhạc đỉnh cao

- Trong quan sát của cá nhân chị, thị trường âm nhạc ở nước ta hiện nay có điều gì đáng kể?

- Một người cháu của tôi là một nghệ sĩ trẻ có nhiều MV và ca khúc thu hút rất đông người nghe, lượt xem (view), có bản phát hành trực tuyến đạt tới 51 triệu view, mỗi MV ra mắt đều đạt từ 5 triệu view trở lên. Nhưng đó chỉ là một mảng mầu của đời sống âm nhạc.

Tôi biết có những tác giả viết rất hay, nhưng không nổi tiếng. Hơn nữa, hiện nay, có công nghệ giúp làm tăng lượt thích (like) lượng view trên các nền tảng phát hành trực tuyến nên nhiều thứ "nổi" chưa chắc đã chứa đựng giá trị nghệ thuật. Một số bạn trẻ nghe nhạc theo phong trào, chưa có chủ kiến, cứ thấy bản nhạc nào có nhiều lượt view, like là theo.

Tôi quan tâm đến đời sống âm nhạc của giới trẻ, muốn biết họ đang nghe gì, xem gì! Trong đó, sáng tác của một số cá nhân và nhóm nhạc, như Vũ, Chillies, Ngọt, Madihu, Hứa Kim Tuyền, Hoàng Dũng được giới trẻ trong nước nghe nhiều. Các bạn ấy viết nhạc rõ cá tính, văn minh. Tôi bị họ chinh phục và tôi nghĩ là nhiều đồng nghiệp cùng thế hệ tôi cũng bị họ chinh phục đấy. Tôi rất trân trọng cá tính sáng tạo của các bạn đó.

Tuy nhiên, lâu nay, có một sự mất cân đối lớn trong đời sống âm nhạc nói chung. Âm nhạc đại chúng, ca khúc, nhạc điện tử, rap, hiphop... lên ngôi, trong khi lĩnh vực khí nhạc, thính phòng giao hưởng vẫn có quá ít công chúng, quá ít sự chú ý từ xã hội.

- Cá nhân chị đã khi nào thử sức với sáng tác khí nhạc?

- Tôi muốn thử sức mình ở nhiều lĩnh vực khác nhau, còn nhiều mong muốn như viết giao hưởng, nhạc kịch, nhạc phim truyện điện ảnh, những đỉnh cao tôi muốn chạm tới. Đó là giấc mơ của những người làm sáng tác. Nhưng có lẽ tôi phải dành ra vài năm không làm gì mà chỉ để viết khí nhạc thôi thì may ra, mới đạt tới điều gì đó. Cố nhạc sĩ Đàm Linh (1932-2001), người thầy của tôi, cây đại thụ của nhạc giao hưởng và thính phòng Việt Nam, tác giả của những bản khí nhạc đỉnh cao luôn là một tấm gương để tôi noi theo và tiếp tục đi trên hành trình của mình.

Bên cạnh đó, tôi vẫn viết ca khúc. Sắp tròn 20 năm-ngày ra đời bài hát Giấc mơ trưa mà nó vẫn không ngừng được vang lên, được nhiều thế hệ người nghe yêu thích. Hà Nội 12 mùa hoa cũng ra đời cách đây hơn 10 năm. Những hạnh phúc như vậy của người viết ca khúc là không dễ có được.

- Giữa một rừng ca khúc nhạc trẻ đậm tính giải trí, dễ nghe dễ quên, chị vẫn không cảm thấy bị sốt ruột đấy chứ?

- Tôi nghĩ, âm nhạc đã ngấm vào tôi như máu thịt vậy, thứ âm nhạc đẹp đẽ, thanh khiết nhất. Vì thế, tôi không thể viết nhạc một cách dễ dãi được. Tôi thường là người kiểm duyệt nghệ thuật khắt khe nhất của chính mình. Tôi chỉ có thể cân nhắc cho ra mắt khán giả ca khúc khiến chính tôi rung động.

- Vừa rồi, chị có đề cập đến sự mất cân bằng lâu nay trong đời sống âm nhạc của nước ta, theo chị, có cách nào để cải thiện tình trạng này?

- Tôi cho rằng, âm nhạc đỉnh cao cần có được nhiều hơn nữa sự đầu tư của Nhà nước, qua đó góp phần dần điều tiết sự thái quá của thị trường đang nghiêng nhiều về phía giải trí.

Nhưng bản thân nhiều người sáng tác hiện nay cũng cần tự điều tiết mục đích của chính mình. Động lực của nhiều nghệ sĩ là sự nổi tiếng và giàu có. Khi mải chạy theo đồng tiền thì làm sao người sáng tác nghệ thuật nuôi dưỡng được những cảm xúc quý giá về con người, đất nước, về tình yêu? Các cụ ngày xưa sáng tạo với tâm thế cống hiến, còn hiện nay, có không ít người chỉ tập trung làm mầu, trang điểm cho bản thân mình.

Ngay từ thời kỳ đầu tân nhạc, nhạc sĩ Văn Cao và các nhạc sĩ thế hệ trước đã viết nên những bài hát bất hủ với thời gian. Thời điểm đó, cuộc sống tuy quá vất vả nhưng họ sống có lý tưởng, có ước mơ, hoài bão về đất nước, về dân tộc. Chúng ta có một khoảng trống lớn, thiếu những tác phẩm "vạm vỡ" như thời các cụ.

Tôi chắc chắn về lâu dài, những gì thuộc về âm nhạc sẽ tồn tại với thời gian.

- Chân thành cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!