Tiến sĩ Lê Trung Kiên:

Kết nối tình yêu dành cho kho tàng di sản văn hóa

Sau gần 20 năm hoạt động, Nhân Mỹ học đường đã trở thành một cơ sở đào tạo Hán Nôm và thư pháp lớn, nổi tiếng ở khu vực phía bắc, tạo nên một "cây cầu" kết nối chặt chẽ hơn với văn hóa truyền thống. Nhân Dân cuối tuần có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Lê Trung Kiên (hiệu cư sĩ Yên Sơn, ảnh trên), Phó Chánh Văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ, về học đường do ông sáng lập.
0:00 / 0:00
0:00
Kết nối tình yêu dành cho kho tàng di sản văn hóa

Tại sao Nhân Mỹ học đường…

- Bền bỉ mấy thập niên qua, từ những ngày đầu nhiều khó khăn, trở ngại, đến nay học đường đã thu hút hàng trăm môn sinh theo học đều đặn hằng năm. Ông có thể chia sẻ hồi ức thuở ban đầu ấy?

- Xuất phát từ tình yêu với văn hóa dân tộc và mong muốn đóng góp vào việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị di sản Hán Nôm nói riêng, vốn văn hóa truyền thống của ông cha nói chung, từ những năm 2000, tôi khởi xướng và chủ trì giảng dạy Hán Nôm và thư pháp miễn phí ngoài giờ hành chính cho những người có nhu cầu học. Thật may mắn, lớp học được Thượng tọa Thích Thanh Lương từ tâm bố trí cho học tại khuôn viên chùa Nhân Mỹ (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội), cung cấp cả phòng học, bàn ghế và điện nước. Cái tên "Nhân Mỹ học đường" được hình thành từ đây, một cái tên đẹp và trúng với hạnh nguyện của cá nhân tôi.

Đương nhiên, việc gì cũng thường khó khăn ở buổi ban đầu. Nhưng tôi đã quen chịu được vất vả bởi tuổi thơ tôi là ở vùng quê đồng chiêm Nam Định, quen lam lũ gánh gồng, khi lớn hơn lại có thời gian dài tu tập trong chùa… Từ một lớp học với 15-20 học viên, số người đăng ký theo học ngày càng tăng. Hiện nay, Nhân Mỹ học đường có hơn 10 lớp học trong cùng một thời điểm, gồm các lớp Hán Nôm và Thư pháp hệ bốn năm, lớp Thư pháp Khải thư hệ hai năm, các lớp nâng cao Hán Nôm, Thư pháp, với sĩ số từ 30 học viên đến hơn 200 học viên mỗi lớp.

- Ông vẫn thường hay nhắc với học trò ý nghĩa của câu "Giáo học tương trưởng". Hàm nghĩa của việc nhắc đi nhắc lại điều này là gì, thưa ông?

- Đây là quan điểm đào tạo của Nhân Mỹ học đường. "Giáo học tương trưởng" nghĩa là người dạy và người học cùng bổ khuyết và trưởng dưỡng tri thức, phẩm hạnh cho nhau. Học đường chủ trương tuyển sinh không phân biệt tuổi tác, giới tính, vùng miền, nghề nghiệp, địa vị xã hội, chỉ cần là người có mong muốn tiếp cận, tìm hiểu vốn kiến thức cổ và nỗ lực vận dụng, phát huy những giá trị đó trong đời sống cá nhân. Khi đến Nhân Mỹ học đường, học viên được trao truyền kiến thức trên con đường khám phá kho tàng cổ học, bên cạnh đó là tìm hiểu sâu sắc hơn về truyền thống thông qua các nghi lễ, tác phong, ứng xử, để không ngừng hoàn thiện bản thân. Qua bao nhiêu năm tháng, tiếp xúc với hàng nghìn học viên ở mọi lứa tuổi, trình độ khác nhau, từng người thầy cũng đề cao ý thức tự vun bồi tri thức, trang nghiêm đạo đức để trở thành giảng sư mẫu mực, như câu nói của người xưa "dĩ giáo nhân giả, giáo kỷ", nghĩa là: lấy những điều dạy người để dạy chính mình.

- Số lượng học viên tại đây tăng lên theo thời gian, khiến tôi tin rằng, những giá trị mà họ thu nhận được từ học đường không đơn thuần chỉ được vận dụng trong đời sống cá nhân mỗi người, thưa ông?

- Phải chia sẻ với bạn về một mục tiêu được hình thành từ ngày khai học đầu tiên. Biết là khó khăn lắm đấy nhưng tôi đã luôn giữ niềm tin nó sẽ như hôm nay và còn hơn nữa trong tương lai.

Kho tàng văn hóa, kho tàng tri thức của cha ông từ trước khi có quốc ngữ đồ sộ lắm mà thế hệ hôm nay đang bị mất kết nối chỉ vì không đọc được chữ Hán Nôm. Nhân Mỹ học đường đề ra và duy trì mục tiêu bồi dưỡng những người có nhu cầu, nguyện vọng tiếp cận, tìm hiểu kho tàng tri thức, ngôn ngữ, di sản văn hóa truyền thống thông qua việc giảng dạy, học tập hai bộ môn Hán Nôm và Thư pháp Hán Nôm, tiến tới xây dựng đội ngũ có khả năng, tâm huyết để tham gia lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa. Chúng tôi kết nối sự quan tâm, tình yêu của các thế hệ hôm nay dành cho kho tàng di sản văn hóa ấy, để họ nhìn ra cái hay, cái đẹp, tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc, từ đó có ý thức gìn giữ, bảo tồn, lan tỏa và ứng dụng vốn tri thức về văn hóa truyền thống vào đời sống xã hội hiện đại.

Kết nối tình yêu dành cho kho tàng di sản văn hóa ảnh 1
Nhân Mỹ học đường thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi học thuật về văn hóa và thư pháp. Ảnh: Hồng Châu

Được chính thức thành lập từ năm 2005, Nhân Mỹ học đường hiện có hai cơ sở, đặt tại chùa Nhân Mỹ và chùa Mễ Trì Thượng (thuộc quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội), tiếp nhận và đào tạo cho hàng nghìn lượt học viên ở mọi lứa tuổi.

Tín hiệu đáng mừng cho văn hóa dân tộc

- Mục tiêu và mong muốn ấy của ông cùng những người đồng chí hướng đang nhận được sự hưởng ứng ngày càng rộng?

- Đó là tín hiệu rất đáng mừng cho văn hóa dân tộc. Nhìn vào sự ham học hỏi, cần mẫn rèn tập của học trò sẽ thấy. Ở các lớp học của chúng tôi, có không ít những câu chuyện xúc động, những tấm gương hiếu học. Có học trò ở rất xa, tận Lạng Sơn, Hải Phòng… vẫn bắt xe khách từ mờ sáng, hoặc xuống Hà Nội ngủ trọ từ đêm hôm trước để đến học đường đúng giờ. Cũng có trường hợp mà ban đầu, họ bị gia đình phản đối nhưng… sau đó, cả nhà rủ nhau theo học. Ở đây, mọi học viên đều bình đẳng. Mỗi người học sẽ không chỉ được học lý thuyết, mà thiên về thực hành, rèn tập "nét chữ, nết người".

- Được biết học đường vẫn đang đào tạo hoàn toàn miễn phí?

- Tại sao lại không (cười)? Nếu muốn kiếm tiền thì chúng tôi không thiếu gì cách chính đáng, từ việc cung cấp học liệu, tổ chức các hoạt động triển lãm, trưng bày, cho chữ… Và, ngay cả nếu có thu học phí, tôi tin mọi người cũng sẵn sàng nộp. Nhưng chúng tôi hoan hỉ, và thật sự cảm kích trước những cống hiến, chia sẻ, đóng góp tâm sức vô tư của các giảng sư là nhà nghiên cứu, thư pháp gia. Việc này còn để góp phần giữ sự tôn nghiêm của học đường, nơi đây không cung cấp dịch vụ, không phải là "cái chợ mua-bán chữ".

Nhân là đạo hạnh và Mỹ là cái đẹp. Học là học cả cái tinh thần của cha ông, quyện hòa giữa nội dung và hình thức, giữa việc học chữ nghĩa và thực hành văn hóa. Mỗi người có tu dưỡng, thành tựu cả Nhân và Mỹ thì xã hội mới tốt đẹp, phồn thịnh, trường cửu được.

Từ nhiều năm nay, học đường đã tổ chức khôi phục và thực hành Lễ nghinh rước và tế Tiên thánh Nho gia, Nghi lễ dâng trà bái sư vào mỗi dịp lễ trọng của học đường, tái hiện một nét đẹp văn hóa truyền thống, tri ân các bậc Thánh tổ và cũng là giữ gìn một nền nếp của học đường, của đạo học.

Ngoài ra, học đường còn thường xuyên phối hợp tổ chức nhiều sự kiện văn hóa ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám, các trường đại học, cơ quan, đơn vị khác. Trọng điểm là phối hợp với Văn Miếu-Quốc Tử Giám tổ chức Hội chữ Xuân vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, trong đó có hoạt động kế thừa, làm mới nét đẹp xin chữ - cho chữ đầu Xuân.

- Trân trọng cảm ơn ông! Xin chúc Nhân Mỹ học đường ngày càng phát triển!