Nghệ sĩ thị giác Lâm Na:

Thấy chân lý từ đất

Lựa chọn học bài bản về nghệ thuật với tấm bằng thạc sĩ chuyên ngành Nghệ thuật thị giác tại Trường đại học Mahasarakham (Thái Lan, năm 2014), Lâm Na coi nghệ thuật như chiếc phao cứu sinh duy nhất hướng chị đến ngọn hải đăng của niềm tin sống. Cuối năm 2023, triển lãm cá nhân đầu tay Ðã từng-Tiếp diễn của chị được nhiều người trong giới mỹ thuật xem là một "cuộc trở về ngoạn mục" với đất, lửa, ánh sắc kim khí cổ cùng cảm xúc sâu lắng giữa tầng lớp nét và mầu đen-trắng.
0:00 / 0:00
0:00
Lâm Na
Lâm Na

Cuộc tương ngộ người và đất

- Trong một khoảng thời gian, chị dường như ẩn mình, khá lặng yên với công việc nghệ thuật, để rồi năm 2023, chị quay lại với một chất liệu cùng lối thể hiện hoàn toàn khác lạ. Điều gì đã diễn ra trong khoảng thời gian đó, và điều gì đã thôi thúc chị quay trở lại?

- Đó là giai đoạn như một giấc mộng dài với nhiều trăn trở. Ngày tiếp nối ngày, tháng tiếp nối tháng, tôi cứ bước đi như kẻ mộng du.

Đến một ngày, tôi dần nhúc nhích, tự thoát khỏi vỏ kén của mình. Tôi dừng việc thuần túy biểu đạt cảm xúc và suy tư cá nhân trong sáng tác, dẫu điều đó gây ra những khó khăn, bức bối nhất định trong nội tâm. Thay vào đó, tôi đứng sang một bên, học cách ngắm nhìn, diễn giải, và đối thoại với chính mình. Đây là lúc tôi thay đổi cách thực hành nghệ thuật. Sự thay đổi từng bước diễn ra trong làn sương mù mờ, chưa tỏ lối đi nhưng tôi tập trung vào từng khoảnh khắc mình đang, đã, và sẽ sống, như một cách để nhận diện sự tồn tại và nhận diện chính bản thân mình.

Không có gì minh chứng rõ ràng hơn cho sự hiện hữu của bản thân mình bằng "khoảnh khắc". Một khoảnh khắc qua đi, một chút gì đó lưu lại. Vậy chút gì đó được lưu lại ở đâu? Lưu lại bằng cách nào? Làm sao, tại sao, thế nào? Tôi được trả lời khi gặp "đất", một mối duyên có lẽ là trời định.

- Đất vốn ở quanh mỗi chúng ta, gần gũi trong cuộc sống thường nhật chứ chẳng phải là thứ vật chất gì xa lạ, nhất lại là với một người học về mỹ thuật như chị. Phải chăng, có một xúc tác hay hun đúc suy ngẫm của chị từ bao ngày tháng trước đó như chị vừa chia sẻ đã khiến chị giật mình thấy "đất" mới và lạ với chính chị?

- Năm 2022, sau một workshop nghệ thuật mùa hè, tôi cùng một số bạn đồng nghiệp sang làng gốm cổ Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội) để làm gốm. Ai cũng nhanh chóng bắt tay vào việc. Chỉ riêng tôi, ngồi đó trong sự ngỡ ngàng. Trước mắt tôi khi ấy, đất mang một sắc mầu thật khó diễn tả. Đến giờ tôi chỉ nhớ rõ cảm giác ấy nhưng chưa hiểu vì sao. Đất trông có vẻ đơn sắc nhưng mà lại mang quá nhiều mầu sắc. Mầu của thời gian, không gian, ký ức, ước vọng, sự sinh, sự diệt. Dường như, với tôi lúc đó, đất như một chiếc ổ cứng tiền sử, lưu giữ ký ức và sắc độ của vạn vật. Đất như chìa khóa mở ra chiếc hộp kín nơi nội tâm tôi, nơi chứa đựng tất cả những sự liên tưởng, tính biểu đạt kỳ bí của tâm linh, của con người và vũ trụ. Tôi im lặng vì không biết phải nói gì trước vẻ đẹp đó, như đứng trước một nguyên liệu quá đỗi kỳ vĩ.

- Nhưng không chỉ với đất, các tác phẩm của chị trong Đã từng-Tiếp diễn còn có sự xuất hiện của các hiện vật cổ xưa, hòa vào nền đất mới. Chị có thể giải thích thêm về lý do của sự kết hợp này?

- Tôi nghĩ đơn thuần rằng, đất là đất mẹ. Đất lớn lao là vậy, mình không có đủ lý lẽ, lại ít ỏi về vốn từ để có thể mô tả các trạng thái chuyển hóa của đất. Tôi chỉ nương theo những khoảnh khắc khi cảm thấy đủ ở mọi cạnh khía: tinh thần, vật chất và mối tương quan với không gian, thời gian. Qua những khoảnh khắc-cú chạm đó, một hình dạng sẽ được khai phóng, chính là sự muôn hình vạn trạng của đất.

Cùng với đất, tôi đưa vào những hiện vật cổ xưa mà tôi vô cùng trân trọng. Những hạt cây hóa thạch, hạt gốm Phùng Nguyên, những công cụ bằng đá có từ nghìn năm trước. Một mẩu đá nhỏ với hình hài xám xịt khiêm tốn có thể đã tồn tại qua hàng nghìn năm nhưng nhờ nung lửa ở 1.200 độ C đã làm lộ ra một mầu xanh tuyệt vời. Trạng thái này của đá cũ, hòa trong mầu đất mới, thật sự khó diễn tả, làm tôi xúc động. Chiều dài thời gian và chiều sâu tâm linh của các hiện vật đó là một biểu tượng mạnh mẽ của hồn cốt con người. Trong lúc thực hiện loạt tác phẩm Đã từng-Tiếp diễn, tôi đã nghĩ, năng lực của mỗi con người là vô hạn, chỉ là chưa có điều kiện bộc lộ thôi; vậy hãy thử đẩy mình đến giới hạn cao nhất của tư duy và sáng tạo.

Nhờ nước, lửa, tôi cố gắng nắm bắt, tìm và đưa đất, các hiện vật mà tôi có thể sử dụng cùng đất về trạng thái nguyên thủy, sơ khai. Sinh ra và bị lãng quên với một hình hài được nhào nặn bởi thời gian, mới-cũ, cũ-mới rồi trở về hòa làm một với đất mẹ, để tái sinh trong câu chuyện mới/câu chuyện nghệ thuật ở hiện tại. "Đất mới" ôm lấy "đất cũ", hiện tại ôm lấy quá khứ, để rồi tái sinh thành tương lai, đưa cái "tiếp diễn" vào sự "đã từng".

Thấy chân lý từ đất ảnh 1
Những khoảnh khắc lắng đọng của nhiều khán giả bên Đã từng-Tiếp diễn. Ảnh: NVCC

Kiên định với lối đi riêng

- Với bộ tác phẩm Đã từng-Tiếp diễn, chị cảm thấy "đã" chưa, hay vẫn còn những điều muốn nói mà chưa thể nói?

- Trong cả quá trình của Đã từng-Tiếp diễn, tôi buông mình vào cõi thiền của công việc, chỉ duy nhất làm, làm, làm và làm. Đến bây giờ, nhìn lại từng hình hài tác phẩm, như là những "sinh linh" của riêng mình, tôi cảm thấy thật may mắn khi hành trình Đã từng-Tiếp diễn đã trọn vẹn. Qua một chặng đường dài vòng quanh để tìm lối cho mình nhưng ít ra là còn tìm được. Chẳng phải mọi thứ đã luôn ở đây rồi sao? Đất, dường như đã dẫn tôi qua cơn mộng mị, và cứu rỗi tôi.

- Với các chất liệu được sử dụng trong triển lãm vừa qua, chị không thực hiện các tác phẩm điêu khắc đơn lẻ, như tượng tròn (tượng salon), cũng không đơn thuần vẽ một bức tranh mà toàn bộ triển lãm như là một trình hiện sắp đặt. Chị nghĩ sao về ý kiến cho rằng lối thực hành của chị là nghệ thuật thể nghiệm?

- Có thể mọi người nghĩ rằng tôi đang làm nghệ thuật thể nghiệm vì những gì tôi làm ở hiện tại rất khác những gì tôi đã làm trước đây. Khi nghệ thuật mới bắt đầu hiện diện trong cuộc sống của tôi, tôi sử dụng những chất liệu quen thuộc và hình thức truyền tải quen thuộc, như hội họa giá vẽ, nhằm diễn họa trạng thái của bản thân, biểu đạt những cảm xúc, những điều không thể nói ra hay viết thành văn bản. Sau này, như đã chia sẻ với bạn, việc biểu đạt cảm xúc không còn làm tôi thấy "đã", tôi dừng lại.

Đến giờ, tôi biết rõ mình đang làm gì và kiên định với việc thực hành nghệ thuật như vậy. Tôi không tách biệt cuộc sống và việc làm nghệ thuật. Nghệ thuật như là hơi thở, bữa cơm và lẽ sống của tôi.

Tôi nghĩ rằng, việc mọi người sống và làm việc luôn tạo ra những kết quả, thành quả cũng như các giá trị. Nếu may mắn mà những giá trị mình tạo ra lại là "nghệ thuật", được lan tỏa trong hân hoan đón nhận của người khác, nhiều người khác thì đây là một phần thưởng lớn lao nhất dành cho tôi.

- Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện cởi mở!

Một số sự kiện nghệ thuật ở trong và ngoài nước mà nghệ sĩ Lâm Na từng được mời tham gia: Triển lãm Hội họa Việt Nam do Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội tổ chức, năm 2013; triển lãm Nghệ thuật đương đại ASEAN-Bangkok và Festival Nghệ thuật ASEAN tại Hua Hin (Thái Lan, năm 2014); Festival Nghệ thuật Seoul (Hàn Quốc, năm 2016) …

Ðã từng-Tiếp diễn do Hanoi Studio Gallery (Hà Nội) tổ chức, diễn ra từ ngày 26/10 đến 24/11/2023 nhưng được kéo dài thêm 10 ngày, do nhận được nhiều phản hồi tích cực từ công chúng.