Nghệ sĩ Nhân dân Mỹ Uyên:

Tự hào kéo được khán giả nhí đến với 5B

Là giám đốc của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ Thành phố Hồ Chí Minh (Sân khấu 5B) từ năm 2018, NSND Mỹ Uyên đã tạo nên dấu ấn lớn cho không gian này với những vở diễn dành cho thiếu nhi mỗi dịp Tết đến. Đan xen giữa những lúc bận bịu dàn dựng vở mới để cùng khán giả vui đón Tết Giáp Thìn 2024, chị trò chuyện cùng chúng tôi về hướng đi đặc biệt của Sân khấu 5B, nhằm đón bắt nhu cầu của thế hệ khán giả mới.
0:00 / 0:00
0:00
NSND Mỹ Uyên
NSND Mỹ Uyên

Chuẩn bị món quà đặc biệt đầu năm gửi khán giả

- Việc tiếp tục dàn dựng kịch thiếu nhi đón Tết cho thấy hướng đi này đang dần trở thành nét đặc trưng của Sân khấu 5B?

- Chủ trương của Sân khấu 5B là muốn khán giả nhí được ba mẹ đưa đến đây xem, bởi thẳng thắn mà nói, lâu nay, trong đời sống đô thị hiện đại, các con chỉ thường trải nghiệm các chương trình giải trí số mà không phải là tương tác trực tiếp. Trong khi đó, nếu chọn giải trí ngoài màn hình ảo thì kịch cũng không hẳn là lựa chọn đầu tiên, mà thay vào đó là rối, rối nước, xiếc, ảo thuật… Từ thực tế ấy, tôi đã suy nghĩ làm kịch thiếu nhi để các con có thể đến xem vào mỗi cuối tuần hay dịp đặc biệt.

Khởi động từ giữa năm 2019 nhưng không may là cuối năm đó và sang đến năm 2020 vướng phải đại dịch Covid-19 nên chúng tôi đã phải long đong suốt hai năm trời. Đáng tiếc, chúng tôi mất đi lượng khán giả tiềm năng ban đầu mà mình đã thuyết phục được... Nhưng khi đời sống trở lại bình thường, các bậc phụ huynh cũng muốn con em mình có thêm phương tiện giải trí, do đó chúng tôi có cơ hội làm lại lần nữa.

Từ cuối năm 2022, chúng tôi tập trung đầu tư cho vở Đại náo Long Cung. Đây là vở kịch thiếu nhi thứ ba mà chúng tôi thực hiện, được "sáng đèn" vào đúng mồng Một Tết Quý Mão 2023. Hai ngày tiếp sau cũng hút được lượng lớn khán giả với hai suất diễn/ngày. Có thể là bởi qua thời gian dài giãn cách nên mọi người đều rất ủng hộ. Thừa thắng xông lên, tháng 6/2023 vừa qua, chúng tôi giới thiệu một vở diễn mới, Ve Ve-Chành Chành và hai cục bướu. Dịp Tết năm nay, chúng tôi sẽ giới thiệu Thế giới đồ chơi và câu chuyện chú bé Rồng, với đầu tư lớn về mặt âm nhạc, phục trang cũng như dàn diễn viên tham gia.

- Từ quan sát khán giả và trải nghiệm sau mỗi lần dựng vở mới, chị nhận thấy làm thế nào để nội dung kịch mục thu hút được cả từ bố mẹ đến các em cùng tới thưởng thức kịch?

- Khi tiến hành thực hiện các vở diễn này, tôi luôn quán triệt nội dung tác phẩm phải đơn giản, dễ hiểu và có thời lượng không quá dài. Kịch cho thiếu nhi nên nằm trong khoảng từ 1 giờ 20 phút đến 1 giờ 30 phút, đã gồm cả phần tương tác cũng như giao lưu với khán giả.

Chúng tôi tâm niệm, điều cần đọng lại sau vở diễn luôn là nội dung đẫm nhân văn, thấm vào tâm hồn khán giả. Yếu tố này phải được truyền tải một cách khéo léo, ấn tượng thông qua tất cả các chi tiết, khía cạnh làm nên vở diễn, để từ các bé mới biết đi, biết nói cho đến bậc phụ huynh đều cảm nhận được những thông điệp ấy.

- Ngoài kịch mục cho dịp Tết, khi khán giả có thời gian nghỉ dài ngày; thường nhật, sân khấu dành cho thiếu nhi cũng đang có dấu hiệu gia tăng số lượng - tín hiệu đáng mừng của đời sống sân khấu của thành phố nói chung. Vậy 5B thu hút khán giả bằng điểm nổi bật nào, thưa chị?

- Tác phẩm của chúng tôi phục vụ đa dạng khán giả, vì vậy, bản thân tôi rất vui khi thấy nhiều gia đình đưa con em mình đến xem một vở tận 5-6 lần. Trong quá trình chuẩn bị, suốt những năm qua, tôi đã cố gắng tìm kiếm kịch bản có thông điệp giáo dục, dàn dựng các tích xưa cũ theo phong cách mới để đưa vào diễn cuối tuần, từ đó có thể lôi cuốn được các gia đình đến với 5B.

Có thể lợi nhuận đến từ sân khấu dành cho thiếu nhi không cao, nhưng miễn sao kéo được khán giả nhí ra khỏi nhà, để cha mẹ, bạn bè cũng như các con có thể cùng nhau tương tác, giao lưu. Với tôi, trụ lại mới là quan trọng. Khi đi hướng này, nhìn lại, có thể thấy rằng mình gần như là tiên phong. Quan điểm của tôi vẫn là tập trung vào các em nhỏ, vì sao các con thiếu không gian để chơi và tương tác trực tiếp, không có điều kiện để xem, ngắm, nhìn và học hỏi từ các bộ môn nghệ thuật thật sự? Vui là không chỉ riêng tôi mà các sân khấu khác cũng đang từng bước có những tác phẩm để trả lời câu hỏi này.

Tự hào kéo được khán giả nhí đến với 5B ảnh 1
Cảnh trong vở Ve Ve-Chành Chành và hai cục

bướu. Nguồn: Sân khấu 5B

Ðược tiếp lửa từ thế hệ trẻ

- Nếu không có nhiều lợi nhuận, vậy ở vai trò là người chỉ đạo sản xuất, chị làm thế nào để các diễn viên trẻ của sân khấu 5B trụ lại với nghề?

- Ở những vở diễn vừa qua, tôi thấy các diễn viên đều rất náo nức muốn được tham gia. Với họ, thù lao là quan trọng, bởi ai cũng cần có đời sống ổn định, song nhu cầu về tinh thần cũng là rất lớn. Mỗi lần được đứng trên sân khấu là một lần họ được gặp gỡ, giao lưu và tương tác với các đồng nghiệp cũng như khán giả. Đây là mối quan hệ hai chiều, từ niềm đam mê này, diễn viên trẻ cũng có được cơ hội cập nhật những khuynh hướng, trào lưu, tư duy mới trong sân khấu, từ đó nâng dần trình độ nghề nghiệp.

Tôi cũng luôn khuyến khích nghệ sĩ của mình tham gia các chương trình gameshow hay giải trí khác trên truyền hình. Ở mặt nào đó, việc này còn là một lợi thế cho chính sân khấu của chúng tôi, bởi khi công chúng số đông đã biết đến diễn viên từ những chương trình truyền hình, họ sẽ dễ chú ý tới những vở diễn sân khấu mà diễn viên đó tham gia, tò mò việc được tương tác trực tiếp với diễn viên thay vì chỉ xem qua màn ảnh nhỏ.

Ở Sân khấu 5B, rất nhiều vở kịch đã được dẫn dắt bởi những người trẻ giàu tiềm năng sáng tạo. Tôi luôn hy vọng ngày càng có thêm nhiều người trẻ đóng góp thêm nữa cho Sân khấu 5B.

- Là đơn vị nghệ thuật tư nhân, chịu sức ép cạnh tranh từ nhiều sân khấu cũng như các loại hình giải trí khác, chị có thể chia sẻ thêm về cách thức mà chị đã và đang đi qua khó khăn để duy trì hoạt động?

- Chúng tôi đã thực hiện rất nhiều phương thức để khán giả có thể biết đến kịch mục của Sân khấu 5B. Cá nhân tôi từng gõ cửa từng nhà, đến từng chung cư, siêu thị, bệnh viện… thậm chí là gặp gỡ trực tiếp để giới thiệu với từng khán giả và thuyết phục họ.

Có lẽ, từ những nỗ lực ấy, mà sau hai năm giãn cách, chúng tôi đang ngày càng có nhiều hợp đồng diễn phục vụ giờ học ngoại khóa tại các trường mầm non trong thành phố. Nếu như trước đây, Thảo cầm viên, viện bảo tàng… luôn là lựa chọn hàng đầu cho các chương trình ngoại khóa của khối học này thì nay, Sân khấu 5B đang trở thành một lựa chọn hấp dẫn. Tôi rất vui về điều này.

Ngoài ra, ngay từ khi tập vở, chúng tôi cũng luôn quan tâm đến việc tương tác với khán giả, kết hợp với việc tặng thêm quà tặng, voucher… để thu hút họ trở lại sân khấu. Chúng tôi tìm mọi cách tích cực để mở rộng cửa đón khán giả đến với 5B.

Những điều tôi vừa chia sẻ cho thấy rằng, sân khấu chính thống không hề "bị mai một" như ai đó quá lo lắng. Nếu chúng ta làm hay và làm đạt chất lượng tốt, hẳn nhiên sẽ thu hút được khán giả đến rạp, nhất là người trẻ-lớp khán giả kế thừa. Một khi đến rồi và thấy thích, họ sẽ coi sân khấu là nơi quen thuộc.

Trong hai năm gần đây, khán giả trẻ của chúng tôi ngày càng đông đảo hơn. Chúng tôi cũng có rất nhiều ưu đãi dành riêng cho họ. Làm sân khấu có thể không giàu, nhưng với riêng tôi và các đồng nghiệp, đó là sứ mệnh, là tình yêu.

- Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!